Reuters
Nga rất quan tâm đến việc sở hữu những tin tặc tài giỏi nhất để có thể làm mưa làm gió trong cuộc chiến tranh mạng. Tìm kiếm tin tặc để làm công tác nhà nước…Trong vài năm qua, Nga tuyển mộ các hacker để mở rộng lực lượng phòng vệ trên mạng. Các ê-kíp ưu tú phụ trách bảo vệ không gian mạng Nga là những ai ?
Chủ đề này là nóng bỏng đối với Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama tin rằng các tin tặc Nga đã tấn công vào đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, dẫn đến thất bại của bà Hillary Clinton.
Chiến tranh mạng nhanh chóng trở thành ưu tiên của điện Kremlin. Theo New York Times, từ khoảng ba năm nay, các lời rao tuyển dụng tin tặc nở rộ tại Nga. Chính quyền bắt đầu tìm kiếm các tài năng, từ sinh viên trẻ cho đến các chuyên viên lập trình đầy kinh nghiệm.
Các thông báo tuyển dụng dần dần xuất hiện trên các mạng xã hội để nhắm vào giới trẻ. Bộ Quốc phòng Nga còn đăng cả trên Vkontate, mạng Facebook của Nga, dưới dạng một video. Nhiều lợi ích đang chờ đợi các ứng viên, như nhà ở đầy đủ tiện nghi, hay miễn đi quân dịch. Những người được tuyển được cho là sẽ làm việc luân phiên giữa các công ty có hợp đồng với quân đội và các « đơn vị đặc biệt » đóng tại các căn cứ quân sự.
Đối với Gérôme Billois, chuyên gia an ninh mạng của Wavestorm, đây là điều hiển nhiên. « Trong lãnh vực này rất khan hiếm tài năng. Để tuyển mộ, cần phải sử dụng tất cả các kênh, phải đi đến tận nơi có nhân tài để chiêu dụ ».
Nga còn tuyển cả những chiến binh mạng từ…nhà tù. Nhiều người trong số đó là tin tặc bị rắc rối với luật pháp, kể cả các thành viên của mafia trên mạng. Chính phủ đề nghị giảm án cho họ, để đổi lấy việc phục vụ nhà nước.
Người Nga vốn giỏi toán, và nước Nga là chiếc nôi cho những tài năng về kỹ thuật số. Gérôme Billois nhấn mạnh : « Chính quyền vừa tìm kiếm những người có thể chế tạo vũ khí kỹ thuật số vốn cần có năng lực cao, vừa để mắt đến những ai có thể sử dụng các vũ khí đó ».
Không chỉ Nga quan tâm đến an ninh mạng, mà tất cả các nước từ vài năm qua đều phải trang bị. Ngoài ra, Gérôme Billois còn quan sát thấy có sự thay đổi về thông tin xung quanh lực lượng tấn công trên mạng. Ông nói : « Người ta nhận ra các lãnh đạo đã đưa lực lượng này lên hàng đầu. Đây không còn là bí mật quân sự nữa, mà là một loại vũ khí răn đe ».
Trong lãnh vực chiến tranh tin học, Nga đã nhiều lần chứng tỏ sức mạnh tấn công. Những chiến binh vô hình nhưng kết quả thì hữu hình : sau khi tổng thống Mỹ cáo buộc Matxcơva cho tin tặc xâm nhập, 35 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ.
Theo RFI