Ít ở đâu trên thế giới, đầy tớ (cán bộ, quan chức) của nhân dân lại nhiều như ở ta! Chỉ riêng ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, số lượng đầy tớ này đã lên đến 500 người (theo Báo NNVN ngày 26/6/2012).
Để so sánh, trong thời kỳ phong kiến, những người mà ngày nay chúng ta gọi là đầy tớ ở cấp xã chỉ khoảng 3-5. Trong thời Lê Thánh Tông chẳng hạn, toàn bộ đầy tớ từ cấp huyện trở lên chỉ là 5.370.
Ngày nay, ngoài các vị đầy tớ ở cấp xã (có đến 11.112 xã), chúng ta còn có các đầy tớ ở cấp trung ương, ở 63 tỉnh, thành và ở 698 huyện, quận. Đó là chưa kể đến vô số các đầy tớ ở cấp thôn, bản, tổ dân phố. Tóm lại, nếu chịu khó đi khảo sát như các phóng viên của Báo NNVN, chắc chắn chúng ta sẽ có được những con số đầy ấn tượng về sự trùng trùng điệp điệp của đội ngũ đầy tớ của nhân dân ở xứ ta. Nghịch lý vĩ đại nhất ở đây là càng nhiều đầy tớ có vẻ như các ông chủ (nhân dân) càng khó khăn.
Lý do trước hết là vì đầy tớ có quyền quản lý, ông chủ chỉ là đối tượng bị quản lý. Càng nhiều đầy tớ, thì càng phải có nhiều thứ cho họ quản lý. Càng có nhiều thứ cho họ quản lý, thì càng có ít thứ mà các ông chủ không phải xin phép.
Ví dụ, chuyện sửa nhà chỉ không phải xin phép cho đến khi các đầy tớ quản lý xây dựng ra đời. Cho dù một sự quản lý nhất định nào đó là cần thiết, thì sự lạm dụng quyền quản lý đang làm cho đời sống của người dân trở nên ngột ngạt và tốn kém.
Hai là, đội ngũ đầy tớ càng đông đảo thì càng kém hiệu năng. Tình trạng “Lắm sãi không ai gác cửa chùa”; tình trạng một cây được trồng mới 4 – 5 hội, đoàn làm báo cáo thành tích chủ yếu là do sự đông đảo gây ra. Càng đông đảo thì càng dễ chồng chéo chức năng và càng khó vận hành chế độ trách nhiệm. Có vẻ như đầy tớ nào cũng có quyền, nhưng mỗi khi xảy ra sự cố, ít đầy tớ nào chịu đứng ra nhận trách nhiệm. Điều này đúng cho mọi chuyện – từ chuyện cây rừng bị chắt phá, đến chuyện thực phẩm bị nhiễm độc. Đó là chưa nói đến sự ganh đua, sự tranh chấp lợi ích rất khó tránh khỏi giữa các nhóm đầy tớ khác nhau.
Ba là, đầy tớ nhiều thì ăn hết phần của ông chủ. Nói chung, bộ máy quản lý phụ thuộc rất lớn vào quy mô của nền kinh tế. Với một nền kinh tế còn khá nhỏ bé như ở nước ta, thì bộ máy quản lý là không thể lớn. Nếu không người dân sẽ bị vắt kiệt sức để nuôi bộ máy này. Lấy xã Quảng Vinh làm ví dụ, chúng ta sẽ thấy người dân ở đây phải đóng đến 19 khoản phí để nuôi 500 đầy tớ, cứ làm ra 5 tạ thóc thì phải đóng phí mất 1 tạ.
Bốn là, các đầy tớ luôn có thiên hướng bị biến chất. Chúng ta gọi các quan chức là đầy tớ với hàm ý là họ phải sử dụng quyền lực của mình để phụng sự nhân dân. Thế nhưng, khi đã nắm trong tay quyền lực dù ở bất kỳ cấp nào, không ít đầy tớ sẽ nhanh chóng trở thành các ông chủ thật sự. Họ lạm dụng quyền lực công vì lợi ích của cá nhân, của họ hàng dòng tộc. Sự nhũng nhiễu của đội ngũ đầy tớ ngày càng đông đảo này cuối cùng những người dân phải hứng trọn. Vẫn biết quyền lực ở đâu cũng dễ bị tha hóa; tuy nhiên, ở ta có vẻ như đây là vấn đề lớn hơn, vì chúng ta chưa có được một hệ thống giám sát quyền lực chặt chẽ và hiệu quả.
Cuối cùng, vấn đề đặt ra là tại sao các ông chủ còn rất nghèo ở nước ta lại “ăn chơi xa xỉ” đến như vậy? Câu trả lời đơn giản là: Các ông chủ này chưa bao giờ được hỏi ý kiến xem họ có cần đầy tớ không, cần bao nhiêu và cần những loại đầy tớ gì.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Source:: báo Lao Động