Đó là những trang giấy rất buồn… Đó cũng là những dòng văn rất đẹp, viết từ một người đã trải qua những chặng đường cực kỳ gian nan của lịch sử quê nhà, một chiến binh may mắn sống sót sau một cuộc chiến mà tác giả gọi là “Ván cờ dở cuộc” (trang 236, tuyển tập Nước Non Nghìn Dặm, tác giả Huy Phương)… và rồi qua nhiều năm tù cải tạo trong một không gian “Tháng tư… thù hận” (trang 81) nơi ông chứng kiến và nhiều sĩ quan tình báo VNCH bị cai tù CS ám sát… và rồi tới “Cuộc tháo chạy khỏi quê hương” (trang 230)…
Tuy viết từ một giọng văn rất buồn, tuyển tập tạp bút “Nước Non Nghìn Dặm” của Huy Phương vẫn nồng thắm tình yêu thương con người và quê hương, đầy sức mạnh thu hút sự chú ý của người đọc.
Tôi là người đọc nhiều thể loại văn hàng ngày, đọc với rất nhiều thói quen của một người đọc tin và dịch tin hàng ngày, và rồi khi đọc “Nước Non Nghìn Dặm” đã nhận ra rằng, đây là những dòng chữ nói lên lòng mình: Huy Phương đã ẩn mình sau trang giấy để kể chuyện quê nhà thời hậu chiến, và không thể thoát ra những nỗi buồn như thế. Văn chương của Huy Phương hay và quyến rũ tới mức, tôi có cảm giác rằng khi mình buông tay rời cuốn sách ra, nước mắt có thể đang chảy ràn rụa.
Đó là những trang giấy rất buồn… Chỉ mới đọc nhan đề các bài trong tuyển tập cũng thấy được bầu không khí rất buồn trong tuyển tập.
Mở đầu sách là bài “Buổi điểm danh cuối cùng” (trang 5), cuối sách là Phụ Lục “Chương cuối của một Cựu Hoàng Đế: Sống lưu vong, chết nghèo khổ” (trang 282).
Và chỉ cần lướt sơ quan Mục lục cũng đã thấy nhan đề các tạp bút đầy những nỗi buồn.
Như vài chục trang đầu với nhan đề các bài tạp bút: Một thế giới lạnh lùng (tr. 13), Những điều hối tiếc (tr. 17), Đổi đời (tr.22), Ngậm ngùi tháng Tư (tr.27), Ném đá (tr.31)... Hàng trăm trang sau cũng buồn như thế.
Bìa sách “Nước Non Nghìn Dặm”.
Chỉ nói riêng về nỗi buồn quê hương, trong tựa đề tạp bút có chữ “tháng Tư” đã là đầy những đau thương, như các bài:
-- Ngậm ngùi tháng Tư (tr.27);
-- Tháng Tư, kẻ thắng sợ người thua (tr.77);
-- Tháng Tư... thù hận (tr.81);
-- Tháng Tư... ngu! (tr.86)...
oOo
Chúng ta hãy đọc một số trích văn của Huy Phương từ tuyển tập “Nước Non Nghìn Dặm”...
Như trong bài Những điều hối tiếc (tr.17), có những dòng kể chuyện như sau:
“...Trong một đất nước Việt Nam mà chiến tranh, lưu lạc, đổi dời đã chia cuộc sống chúng ta ra làm trăm mảnh, và mỗi người có biết bao nhiêu điều hối tiếc. Nói về những hối tiếc lớn trong cuộc đời thì trên thế giới này không ai có những nỗi hối tiếc khổ đau lớn lao như người Việt Nam, khiến cho những chuyện như đổi nghề, kế hoạch về tài chánh, học vấn, tình yêu… đều là quá nhỏ nhoi, trẻ con.
Tháng 4, 1975, nhiều người hối tiếc vì đã ngây thơ không hiểu gì về chế độ và con người Cộng Sản, đã ở lại đất nước, thay vì phải bỏ nước ra đi. Những người đã ra đi đến bến bờ tự do, nhưng 1,652 người đã quay lại Việt Nam trên con tàu Việt Nam Thương Tín, để cuối cùng bị còng tay đưa vào nhà tù, với niềm ân hận cay đắng dày vò, đeo đẳng suốt cuộc đời họ. Nhiều nhân vật đảng phái, quân đội hối hận đáng lẽ ra phải bỏ nước hay tự sát, còn hơn là bị giam cầm, bỏ đói và hạ nhục bởi những người thắng trận trong suốt một thời gian dài.
Hối tiếc vì lòng tin bị phản bội như Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Trọng Vĩnh, Tô Hải, Lê Hiếu Đằng… vì suốt đời đi theo Cộng Sản mà “cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức” (Hồi ký của một thằng hèn – trang 53).
Đau khổ và đắng cay của những trí thức miền Nam như Dương Quỳnh Hoa: “Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, đảng đã xem nhân dân như là một kẻ thù tiềm ẩn.”
Trương Như Tảng tham gia sáng lập và giữ chức bộ trưởng Bộ Tư Pháp của chính phủ “bù nhìn” Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam: “Tôi đã là người Cộng Sản cả đời tôi. Nhưng bây giờ khi chứng kiến những sự thật về chủ nghĩa Cộng Sản và sự thất bại của nó, quản trị kém, tham nhũng, đặc quyền, áp chế, lý tưởng của tôi đã hết.”
Năm 1978, Trương Như Tảng xuống thuyền vượt biển và sinh sống ở Pháp. Tại đây ông đã viết cuốn hồi ký “Mémoire dun Vietcong.”
Trí thức Nguyễn Mạnh Tường theo Cộng Sản từ năm 27 tuổi, đã từng “trải nghiệm gian khổ trong chiến tranh, trong cách mạng” suốt 40 năm. Nhưng rồi ông đau khổ nhận rằng: “Con cừu thì không thể lý luận với một con chó sói.”
Số phận ông đã được Việt Cộng quyết định: Bỏ cho chết đói giữa một sa mạc hận thù không lối thoát...”(ngưng trích)
oOo
Hay như trong bài “Tháng Tư, Kẻ Thắng Sợ Người Thua” (tr.77), Huy Phương viết, trích:
“Ba mươi sáu năm sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, thực tế cho thấy rõ ràng đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ chiếm trọn lãnh thổ miền Nam, chứ không chiếm được lòng người từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam. Nhiều trăm nghìn người đã chấp nhận, kể cả cái chết, bỏ làng mạc, quê cha đất tổ, tài sản để ra đi, kể cả những người lớn lên ở miền Bắc, sau khi vào miền Nam, đã thấy rõ bộ mặt của chế độ hà khắc, toàn trị mà lâu nay họ phải chịu đựng. Dân chúng, kể cả những cán bộ Cộng Sản nằm trong gan ruột đảng đã tỏ thái độ bất bình, trở thành những cá nhân hay những thế lực chống đối, điều khiến cho Việt Nam ngày nay có nhiều nhà tù giam giữ những người bất đồng chính kiến, dù họ là những người, hay tập thể chủ trương bất bạo động, không hề có vũ khí trong tay...
...Mới vào Sài Gòn một ngày, đảng Cộng Sản đã bắt đầu sợ. Sợ người sống, khi họ còn súng trong tay đã đành, Cộng Sản còn sợ cả người chết. Không sợ người chết, cớ sao lại giật sập bức tượng “Tiếc Thương” và chở đem đi vứt chỗ khác, mồ mả người lính miền Nam thì được rào chắn vây quanh như trại tù, gọi là “Khu Quân Sự” không ai được vào, mà cũng không ai được đem xương cốt ra.
Không sợ người chết, tại sao trong khi tro cốt của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam được để ở chùa Quảng Hương Già lam, Gò Vấp, lại bị chính quyền Cộng Sản bắt phải di đời đi nơi khác, vì sợ đồng bào đến hương khói, chiêm bái...
...Cộng Sản sợ hãi cả những người thua trận, ngày nay đã bỏ nước ra đi. Ở thủ đô Hoa Kỳ, nhân viên Tòa Đại Sứ CSVN không dám dùng xe ngoại giao (mang bảng số CD) đi vào khu Eden, hay Việt Cộng về Orange County chưa dám công khai đi uống cà phê hay ăn phở ở khu Bolsa.
Ngày Thứ Bảy, 23 Tháng Sáu, 2007, Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết tham dự một cuộc họp tại thành phố Dana Point, miền Nam California, đã phải vào phòng họp bằng… cửa sau. Vào ngày 17 Tháng Ba, 2015, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng được mời đến Quốc Hội New South Wales để dự họp, nhưng không được dùng cửa trước vì sợ trứng thối, cà chua, cũng đành nhịn nhục nhờ cảnh sát dẫn đi cửa sau.
Cái này không gọi bằng sợ, thì gọi bằng gì?”(ngưng trích)
oOo
Tới đây, thử nêu một câu hỏi: Nỗi xấu hổ lớn nhất của người dân là gì? Có phải là Hồ Chí Minh?
Trong bài “Việt Nam – Hồ Chí Minh!” (tr.99), Huy Phương viết về một nỗi buồn văn hóa, trích:
“...ngày nay cái tên “thành phố Hồ Chí Minh” cũng lấm lem không thua gì Hà Nội...
...Từ đâu mà từ nửa thế kỷ nay vấn đề đạo đức – văn hóa – giáo dục của đất nước chúng ta trở nên tồi tệ như hôm nay, và hai tiếng Việt Nam trở thành một mối bận tậm, hổ thẹn của người Việt Nam, khi đi ra nước ngoài!
Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ mới xẩy ra đây thôi.
Ba năm nay, ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, vào dịp lễ Quốc Khánh 2 Tháng Chín, tòa đại sứ CSVN đều tổ chức một buổi tiệc “buffet” và mời đại diện đại sứ quán các nước khác và người lao động Việt Nam ở Malaysia tham dự. Buổi tiệc chưa bắt đầu, trước con mắt của quan khách ngoại quốc, dân Việt Nam đã nhào vào bàn tiệc lấy thức ăn, đến mức khách tham dự không còn gì ăn, tạo ra một khung cảnh hỗn loạn vô cùng xấu hổ. Năm sau, rút kinh nghiệm, tòa đại sứ tổ chức hai nơi, một ngoài trời và một trong hội trường cho quan khách. Người Việt Nam sau khi đã ăn ở ngoài trời, lại nhào vào hội trường vơ vét thức ăn. Vừa xấu hổ và vì danh dự, đại diện tòa đại sứ Việt Nam tại đây phải chắp tay xin lỗi quan khách!”(ngưng trích)
oOo
Hay như trong bài “Văn Hóa… Nhang Khói” (tr.104), Huy Phương viết, trích:
“...Thói quen là văn hóa, văn hóa hối lộ đã tràn qua địa hạt tín ngưỡng hay mê tín, dân tình trong đó tất nhiên có cán bộ nhét tiền vào tay Phật, đầu rùa, bỏ tiền vào ngai vua, bỏ lên bài vị, tượng La Hán, Kim Cương bị “ép” cầm tiền lễ ở tay, bị nhét dưới râu, thậm chí nhét tiền vào thạch nhũ khi thăm động. Hối lộ để cầu xin may mắn, tiền của vào nhiều, thăng quan tiến chức, giữ yên ổn cho gia đình và bản thân mình.
Ngày xưa, nghe lời dụ dỗ của đảng, thanh niên miền Bắc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” trên đầu nón cối, dưới đất dép râu, không biết cầu xin, van vái ai, cuộc đời cũng chẳng biết đến nhang khói là gì. Ngày nay khi đã có chính quyền trong tay, với thế giặc phương Bắc, chỉ biết có một điều cư xử là cúi lạy. Khi người dân cúi lạy xin tha mạng trước bạo lực, thì chính phủ phải lấy đó làm nhục, vì chính phủ là đại diện của dân, chính phủ không che chở được cho dân, thì dân lạy vái cũng như chính phủ lạy vái.
Cả nước ngày này không có gì gọi là dũng khí, ngay cả báo chí Việt Nam cũng đã than thở đất nước đã đến hồi “mạt vận.” Thay vì ngẩng cao đầu, đứng thẳng lưng, thì cả biển người lại sống bằng quỳ lạy dập đầu và đi xin xỏ Thần Thánh ban phát sự giàu có, vinh hiển, công danh sự nghiệp.
Ở miền Bắc Việt Nam rộ lên cái gọi là lễ hội văn hóa, tôn giáo, với cảnh chen chúc giẫm đạp nhau nơi đền chùa, dâng đội mâm cao cỗ đầy, sì sụp lạy lục, lâm râm khấn vái, đốt vàng mã cho thần thánh, để xin xỏ, năn nỉ xuýt xoa, rồi giành giật nhau, đánh nhau u đầu chẩy máu để lấy hay cướp lộc mang về.
Xin một cái ấn đền Trần, là được may mắn thăng quan tiến chức. Chính ông Nguyễn Thiện Nhân, khi còn làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, đã “đích thân” đóng ấn để phát cho du khách thì còn ra cái sĩ diện quốc gia gì nữa!
Ba triệu thanh niên miền Bắc với “cái chén ăn cơm và đôi đũa giắt lưng” đã nằm xuống cho ba triệu đảng viên Cộng Sản hôm nay chỉ biết lạy lục kẻ thù và nhang khói Thần Thánh...”(ngưng trích)
oOo
Nhà bình luận Nguyễn Xuân Nghĩa năm 2011 đã nhìn về Huy Phương như sau:
“...Ông có độc giả của ông.
Lý do là nhà luân lý này viết truyện rất hay, dẫn chuyện rất khéo, với nghệ thuật rất thâm thúy.
Mà trong lời phê phán thì vẫn có thái độ ái ngại, ân cần, một chủ đích hướng thiện. Cái tâm và cái tài của ông giải thích sự thành công đó. Độc giả không giận mà còn cám ơn ông về những nhắc nhở dí dỏm, những giai thoại mà mình nên biết và không thể quên.
Chúng ta rất mừng là trong cõi đời vật chất vàng thau lẫn lộn, trắng đen nhập nhòa này, cộng đồng chúng ta vẫn còn những cây bút như vậy. Đó cũng là một biểu hiện khác của văn minh.”
Tuyển tập “Nước Non Nghìn Dặm” dày 320 trang, gồm 60 bài tạp ghi, và một bài Phụ Lục.
Nhà văn Huy Phương, tên thật Lê Nghiêm Kính, sinh năm 1937, tại Thừa Thiên, Việt Nam, cựu học sinh Khải Định-Huế, Quốc Gia Sư Phạm- Saigon.
Động viên Khóa 16 SQTB - học báo chí Hoa Kỳ. Biên tập viên báo chí và phát thanh Quân Đội, phóng viên tuần báo Diều Hâu, Tổng Thư Ký Nhật Báo Cửu Long, Saigon. Tổng Thư Ký tòa soạn “Chiến Sĩ Cộng Hòa” và “Tiền Phong”. Trưởng Phòng Chỉnh Huấn & Tâm Lý Chiến - Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung/ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Sau 1975, nhà báo, nhà thơ, nhà văn Huy Phương bị tù Cộng Sản 7 năm, và đến Hoa Kỳ theo diện H.O...
Tuyển tập “Nước Non Nghìn Dặm” dày 320 trang, gồm 60 bài tạp ghi, và một bài Phụ Lục. Đề giá 22 Mỹ Kim.
Có thể liên lạc về số điện thoại (949) 241-0488, hay huyphuong37@gmail.com.
Chi phiếu đề: Namviet Publisher, gửi về:
P.O. Box 14982
Irvine, CA 92623.