Từ thuở căn nhà phố thị do ông bà để lại, rời xa, xa mãi khỏi bàn tay bố mẹ, tôi còn quá nhỏ để hiểu đó là biến cố gì, bố quyết định sẽ dắt cả gia đình chúng tôi đi.
Có người bạn rủ bố, hay hai nhà bán tất cả tìm đường vượt biên? Bố nước mắt lưng tròng, kẻ thất nghiệp toàn phần, năm nhân mạng sống với vài ký gạo mỗi tháng, lấy tiền đâu ra biển? Thêm nữa, nhìn ba đứa con nhỏ dại, bố lắc đầu. Ðó là chuyện về sau tôi nghe bố kể lại, chớ thuở ấy bản thân đâu đã biết gì.
Bố dắt cả gia đình lên núi.
Tôi chỉ nhớ, đó là mùa những cơn gió cuồng nộ thổi trên màu vàng úa cao nguyên. Nhưng bầu trời trên cao vẫn xanh nhức nhối. Và những trảng dã quỳ như nắng tưới chảy tràn trên thung lũng đến ngút mắt mù xa. Bố mua đâu quanh vùng những phiến gỗ mỏng tang, dựng thành căn lều hình chữ A giữa mênh mông hoang quạnh. Cả gia đình chúng tôi trong đó.
Tôi không nhớ nổi cách nào, với bàn tay quen cầm cọ của bố, quen cầm phấn viết bảng của mẹ, lại có thể phủ từng tí lên triền đất mùa khô đỏ ối ấy những mầm xanh. Và căn lều hình chữ A thuở ban đầu đã thành một túp nhà, cũng ghép bằng từng mảnh gỗ, nhưng đã có mái che, có giường nằm và bếp lửa.
Mùa Xuân năm ấy đến gần.
Phiến lịch treo tường không có. Chiếc đồng hồ đếm nhịp thời gian lại càng là điều xa xỉ. Bằng cách nào chúng tôi biết rằng Tết đến, khi con đường ngầu bụi đỏ gần nhà nhất cũng chỉ lâu lâu lác đác bóng một vài người qua? Tôi không biết, chỉ hay Xuân sắp về.
Và tôi đã viết những dòng hồi ức này, đâu đó, như nhật ký về phút tàn năm ấy: Giao thừa chầm chậm nghiêng trên bầu trời lạnh điếng, những vì sao xanh kinh hoàng như thì thào thành tiếng. Chỉ biết nhìn trời sao, nghe tiếng sương rơi để đoán phút ngày đi, năm đến, không một tiếng pháo nổ từ xa… Tôi tin, mẹ mình đã khóc. Còn cha, nỗi buồn, nỗi hận, nỗi vui… dường đã chìm sâu ngút ngái trong những hằn rãnh trên mặt ông, cho dù năm ấy ông chưa qua hết thập niên thứ ba của đời mình.
Sáng Xuân, mẹ lần tìm trong rẫy các loại lá thơm, nấu một nồi nước cho mấy anh em tôi rửa mặt. Mùi hương, rưng rức, cay cay tràn nơi khóe mắt, nhưng cũng lan tỏa cái thơm thảo của đất trời đã cưu mang chúng tôi tồn tại.
Mùa Xuân không manh áo mới, mẹ lần tìm mớ đồ cũ kỹ mạng lại, với những vết vá dày như lòng bàn tay chai sần của mẹ. Chúng tôi rượt nhau giữa những tàn lá xanh vừa kịp lên lưng lửng vai người. Cũng may, còn có mấy anh em để nhìn nhau biết Tết. Họ hàng, bà con, đồng loại, tất cả mù xa…
À, tôi chưa kể, để có chút nước nấu lá thơm cho anh em tôi rửa mặt, nhà tôi cần có giếng. Bố mẹ bán nốt những kỷ vật cuối cùng, từ thuở mù xa ông bà trao tặng, thuê vài người thợ trong vùng. Ba mươi lăm mét cho một cái lỗ sâu chạm tầng địa phủ. Cót két vục lên những bụm bùn nâu ủm mùi lá chết. Ai cũng nói nhà tôi may mắn, đào lần đầu đã chạm được mạch nước, dù nước chỉ chảy ra ri rỉ. Quay bằng tời vài gầu lại phải ngồi chờ “nước lên.” Muốn tưới cây, phải mướn chịu người ta kéo ống tưới từ những triền đồi xa, tới vụ trả bằng nông sản thu được.
Và chuyện này tôi cũng đã ghi lại trong trang nhật ký đầu đời. Kể lại bao lần vẫn rân rân nước mắt… Tết đến, bố mẹ phải có chút gì bày bàn thờ tiên tổ. Nhà chỉ có mỗi đàn gà là khả dĩ, thằng em mới hơn sáu tuổi mê loài vật lắm. Mình nó “cai quản” ba con chó cùng đàn gà ấy. Cũng như với ba con chó, thằng em đặt tên cho từng con gà trong đàn. Chẳng hiểu với sự “kết nối” nào, hễ nó cất tiếng gọi tên riêng của mỗi con là đúng chú gà ấy nhao nhác từ trong rẫy lao về sân nhà.
Chiều ba mươi, bố chọn một chú trống choai… Vẫn tên nó, khe khẽ kêu về… Cả nhà giấu thằng em, hy vọng nó… không để ý. Và đúng đêm ba mươi Tết ấy, khi mọi chú gà đã về chuồng đầy đủ, thằng em lao đi giữa những tàn lá, khản giọng gọi tên chú trống choai. Cả nhà ôm em òa khóc. Và còn ai nỡ lòng gọi tiếp những cái tên trong đàn gà ấy cho đến hết Tết và mãi về sau…
Một cái Tết tiếp tục với… khoai lang, mì nướng bên ngọn lửa bập bùng, chúng tôi nghe bố kể chuyện Tết xưa. Những cái Tết của một thời tươi đẹp đã lùi xa như cổ tích mịt mùng. Chỉ còn lại nỗi mênh mông, cô độc, u buồn…
Tôi kể lại những dòng này, khi khung cửa ngoài kia, cánh rừng Mỹ quốc gầy trơ xương lá. Lại một mùa Xuân tha hương, hẳn nhiên chẳng giống mùa Xuân tha hương xưa cũ, nhưng nỗi nghẹn đặc hôm nào sẽ vĩnh viễn chẳng thể nào chìm khuất, có chăng nó chỉ phủ bằng một lớp sương êm, nếu mình coi nó như kỷ niệm. Một kỷ niệm của riêng mình, nhưng biết đâu vẫn còn nhiều lắm phía quê hương!
Tuyền Lâm
_________
Trích từ Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017
Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017 phát hành rộng khắp miền Nam California. Độc giả có thể mua tại: Nhật báo Người Việt, 14771 Moran Str, Westminster, CA 92683. Hay các điểm bán báo, nhà sách trong vùng Little Saigon.
Ở xa, quý độc giả có thể đặt mua qua trang mạng
www.nguoivietshop.com.
Chúng tôi có giá đặc biệt cho các đại lý ở các tiểu bang trên nước Mỹ.
Liên lạc: 714-933-7945 hoặc 714-933-7931. Email:
nvshop.cares@nguoi-viet.com