Cơn mưa nhỏ như mưa phùn bay qua thành phố vào một chiều cuối năm, mưa chỉ đủ ướt mặt đường, mưa chỉ đủ ướt lá vàng thôi bay vô định như muôn kiếp người đang ngại gió mưa và lạnh nhưng vẫn phải sải bước ở khu trung tâm thương mại Firewheel. Tôi lái qua phố xá thân quen đi thăm bạn trong khu nhà trên đồi.
Vẫn ngôi nhà xưa kia tôi thường ghé qua. Hoa lá mùa này thôi rực rỡ, nhưng không gian cuối năm trầm mặc như lại thích hợp với ngôi nhà này hơn từ kiểu dáng tới màu gạch xây có vẻ hoài cổ. Lòng tôi chơi vơi hoài niệm về người bạn đã lâu không gặp, số điện thoại khi cần vẫn còn trong phôn để gọi trước khi đến thăm. Sao lòng chợt buồn với chút ngại ngần đã xua đi tự nhiên xưa muốn đến lúc nào thì đến, nhiều khi chỉ ghé qua ngủ nhờ vài tiếng cho tỉnh táo rồi lại lên đường mà chủ nhân không có ở nhà, khách chỉ cần nhớ mã số cửa là vô nhà được. Nhớ đến những đêm đông sáng hạ ngày xa, gọi nhau ơi ới ra phi trường để đi công tác, nhớ hai tô mì gói đã châm nước sôi nhưng quên ăn vì việc ngập đầu sau chuyến đi công tác xa về phải viết bài, soạn hình phóng sự tối tăm mặt mũi…
Bạn nép mình sau cánh cửa lớn gọi tôi, “Sao đến rồi, còn không vào… Nhi lạnh quá hà.”
“Ồ! Xin lỗi gia chủ. Bạn xanh mét như lá hạ giữa mùa đông. Thôi vào, khép cửa, để kẻo lạnh…”
Chúng tôi quá nhỏ bé trong căn nhà lớn từ khi quen biết nhau. Và thời gian xa cách chỉ làm cho cả hai cùng già đi chứ không lớn. Nhi cười buồn trách tôi vẫn tánh xưa, lúc nào cũng nói chơi được.
Nhưng làm được gì hơn khi người bạn năng động, trẻ trung, hoạt bát. Thế mà mới mấy năm không gặp đã xanh xao. Đến ngay bước đi cũng như người có tuổi lẩn thẩn trong nhà.
Tôi nhìn giáp vòng căn phòng khách mênh mông rồi nói với Nhi:
“Nhà em vẫn nguyên như xưa, không có gì thay đổi hết.”
“Thì… em đi công tác triền miên mà. Thỉnh thoảng về nhà thì cứ địa của em trên lầu. Dưới này chỉ có dì Tư quét dọn, lau chùi bụi bặm tới đây thôi chứ có ai đâu mà thay đổi…”
“Hình như anh thấy nhà hơi lạnh đó Nhi. Em nhát lạnh mà…”
“Em không mở máy sưởi dưới nhà vì em ở trên lầu không hà. Thôi lên lầu với em.”
“Em ghiền đi máy bay dữ vậy sao? Được ở nhà cũng không ở dưới đất mà cứ phải lên lầu…”
“Thôi đừng chọc em cười nữa. Đau bụng em quá…!”
Tôi phải kè Nhi lên lầu vì cô ấy mới mổ. Bước đi dưới nhà đã khom khom người chứ không thẳng lưng được. Nhi chỉ tôi rẽ vào phòng ngủ của cô ấy. Nơi cửa sổ nhìn xuống sân gôn có bàn nhỏ bằng mây, hai ghế mây lót nệm rất êm ái. Trên bàn có chai vang với hai cái ly cao…
Nhi lom khom vơ mớ sách báo, quần áo trên giường, chắc mới thay quần áo để xuống nhà mở cửa cho tôi. Thật đau lòng với người bạn nhanh nhẹn bao nhiêu thì khi bệnh hoạn càng xót xa. Tôi thả bước qua phòng làm việc cạnh phòng ngủ của Nhi cũng vẫn như xưa. Bàn làm việc hướng ra cửa sổ lớn, có thể nhìn xuống sân sau nhà xanh mướt cỏ non, hòn non bộ róc rách nước chảy quanh năm, hồ cá kiểng xây theo phong thủy của ông thầy Tàu nào đó… rất vô duyên. Nên tôi thường ngồi ở cái bàn tròn mặt đá, có hai ghế cao như ghế ngoài quán rượu, lại nhìn ra mảnh rừng được chừa lại làm công viên khi người ta xây khu nhà ở này. Xa xa là con đường dốc dẫn vô xóm nhà rất thơ mộng với hoa dại bốn mùa, chim chóc miên man… Việc tôi làm chỉ cần cái máy tính xách tay là đủ nên vừa vặn với bàn nhỏ, việc Nhi làm cho chính phủ nên máy móc nhiều hơn, cô ấy trấn thủ bàn lớn với hồ sơ, giấy tờ, thấy thôi cũng đủ ngộp.
Dường như ở căn nhà này không có gì thay đổi. Bộ tách trà chúng tôi mua khi xưa đi công tác chung bên Calif. vẫn còn đó. Khô khốc. Vì Nhi uống trà gói, bỏ thẳng vô ly chứ không pha trà mộc vô bình rồi uống bằng tách như tôi.
Ôi xúc động với thời gian, cảnh cũ. Tôi trở lại phòng ngủ thì Nhi đang khui rượu. Tôi nói:
“Muốn chết hả? Mới mổ xong, vết mổ còn chưa lành mà khui rượu.”
“Em mới thấy tỉnh táo được từ sáng tới giờ. Tính đi cắt tóc, làm móng tay. Nhưng thấy trời mưa nên còn ngại, không dám lái xe.”
“Vậy thôi, anh chở đi cho. Rồi đi kiếm gì ăn tối luôn.”
“Thôi đi anh. Thức ăn thì có, chị em mới đem đến cho em hôm qua. Ngày mai chị lại đem món mới, thu hồi món cũ. Tóc thì không cần cắt hôm nay cũng được, em còn nghỉ dài dài…”
“Nhưng rượu thì không được uống. Để anh đi pha trà.”
…
Bộ bàn ghế mây thật hợp với bộ tách trà, hợp với không gian cuối năm lại mưa mưa, lành lạnh trong căn phòng cô đơn của Nhi. Chúng tôi có chuyện gì để nói sau thời gian xa cách ngoài những kỷ niệm xưa tràn về theo những ngụm trà đắng chát mà ngọt hậu. Những hình ảnh đan xen trong ký ức về nhau, về một thời đi công tác mờ mắt tới nửa đêm còn lang thang trên phố Bolsa với sương khuya, ánh đèn vàng nửa đêm về sáng ở quận Cam không biết có làm đồng hương nơi ấy nao lòng, chứ chúng tôi từ xa tới thì nhớ mãi tiếng lon nước ngọt rỗng bị gió thổi chạy bon bon trên đường khuya. Hai chúng tôi chạy theo, chơi đá lon như con nít…
Nhi châm trà cho tôi rồi chợt hỏi: “Chữ phúc trên bình trà này. Anh còn nhớ anh đã nói gì với Nhi hồi mua không?”
“Nhớ chứ sao không!”
“Khoan. Để em gieo quẻ dép, xem anh nhớ thật hay anh nhớ phịa đây?”
“Làm khó nhau chi bạn hiền. Có phải từ hồi mua bộ tách trà có chữ phúc đến giờ thì Phúc luôn ở trong nhà em. Họa theo anh như bóng với hình mấy năm nay. Còn so đo nữa sao?”
“Anh phịa. Anh mua Phúc về để đây để nhắc nhở em cầu Phúc cho anh, để anh đi gieo họa. Bây giờ em mang họa, bị mổ bụng thì anh ngồi đó cười…”
“Anh đâu có ác dữ vậy đâu! Hôm qua gặp bạn em, cô ấy cho anh hay em mới mổ hôm tuần rồi. Nhưng chiều qua đi làm ra, định ghé thăm em thì lại kẹt chuyện riêng. Chiều nay anh đến thăm, bao lâu cũng được. Vừa lòng chưa?”
“Nói chơi với anh thôi. Một tháng không biết em ngủ nhà được mấy ngày. Nhưng có hôm đi chùa với bà chị em. Em nghe ông thầy giảng về âm đức, âm phúc… Thầy nói một lát em lùng bùng lỗ tai luôn, tiếng Việt em không rành mà. Về nhà thấy ấm trà của anh. Không biết phúc âm nào tha anh đi biệt…”
“Khổ quá Nhi muội. Phúc âm là Kinh Phúc Âm bên nhà thờ. Còn âm phúc bên nhà chùa, là ý nói, khuyên người ta (Phật tử) âm thầm tích phúc.”
“Sao người thì nói tích đức, người khác nói tích phúc… Em khó hiểu quá! Có bản tiếng Anh thì anh mua cho em đọc đi.”
“Anh không biết có bản tiếng Anh hay không? Nhưng hôm mua bộ tách trà này thì anh nói phịa là anh có phúc mới được đi công tác với Nhi, giả sử người khác đi công tác với anh thì sao chứ? Anh chị em không có ai dở, ai hay hơn ai. Nhưng đi công tác chung mà không ăn ý để làm việc thì có hoàn thành tốt đẹp được không? Không chịu chơi như em thì có vui không?”
“Vậy hôm nay anh nói thật đi! Thề đi!”
“Thề. Nói về phúc đức đơn giản cho em hiểu. Người ta thường nói: làm thiện để tích đức, tích phúc… là một cách nói gọn thôi. Nói đúng là: hành thiện tích âm đức. Từ: âm không có nghĩa là âm dương. Từ: âm trong: âm đức, âm phúc, âm công là thầm lặng, không hiển lộ ra ngoài. Người làm việc thiện trong lặng lẽ, không phô trương, mới đúng nghĩa hành thiện. Người âm thầm làm việc thiện là tích đức, thì trời cũng sẽ âm thầm ban phúc báo cho. Người lặng lẽ giúp đời, giúp người là tích đức, việc làm nhân đức của họ được Trời cao, gọi là: Thượng thiên. Thượng thiên ghi công, công đó gọi là: âm công, và Thượng thiên ban phúc lành cho họ gọi là: âm phúc.
Văn hóa cổ truyền quan niệm là: danh tiếng, tài vận, phúc lộc của mọi người đều do đời trước tích đức cho đời sau của chính mình.Người sống có tâm tín Phật hướng thiện, kính trọng Thần linh, tin vào: thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, thì lắm cơ duyên có đời sau phúc đức.
Người xưa luôn để cao các giá trị đạo đức của con người vì họ tin rằng mệnh số của một người là do Thượng thiên an bài và Trời cao sẽ luôn ở trong âm thầm mà che chở cho họ. Nên sách có câu: Duy thiên âm chất hạ dân – Trời bảo bọc cho mọi người từ trong sâu thẳm. Hiểu nôm na là có tin có lành. Em tin Trời Phật thì em có Trời Phật để nguôi ngoai khi buồn, để an vui khi được an vui mà mở lòng ra với tha nhân… kiến đức tạo phúc.
Trong sách: Âm Đức Văn, âm đức còn có nghĩa Thiên-Nhân đồng giao cách cảm. Mọi người tự tích âm đức, hành thiện, làm việc tốt không khoa trương thì Trời mới cho âm công để đời sau có được âm phúc theo thuyết luân hồi.
Tóm lại là muốn có âm phúc để gia đạo bình an, thân thể kiện khang, tâm tư thanh an… thì phải tự tạo âm đức cho mình bằng cách hành thiện nhưng không khoa trương. Trời cao biết hết qua Thiên-Nhân cảm ứng thì Văn Xương Đế Quân là Thần chủ quản công danh phúc lộc sẽ âm thầm phù hộ và ban phúc lộc cho người thiện tâm.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường thấy những tay trùm cỡ bự lại năng đi nhà thờ, cho tiền thật nhiều. Những thương gia nghiệp chủ tầm cỡ lại hay cúng dường lớn cho chùa. Cũng không nên nghĩ là họ ăn năn, hay mua thần bán thánh làm chi. Sao không nghĩ đơn giản là một hành vi đẹp, có dư thì chia sẻ bớt với đồng loại là đẹp rồi.
Tuy nhiên, cũng có những người làm việc thiện nhưng chỉ muốn người khác biết để tôn kính, coi trọng mình hơn, để xã hội tán dương họ, từ đó mà báo đáp cho họ. Như vậy là việc thiện họ làm có chủ đích mưu cầu danh lợi, nên việc hành thiện của họ đã biến thành phương tiện mưu cầu danh tiếng và lợi quyền.
Như vậy là làm việc thiện với ý khoa trương để mưu cầu danh lợi thì âm đức bất chính sẽ không tích được âm công vì thiếu chân chính của việc hành thiện. Chỉ người hành thiện nhưng không màng danh lợi, lặng lẽ làm việc thiện thì mới thực sự là hành thiện tích đức đúng nghĩa…”
…
Mưa vẫn nhây nhưa ngoài kính cửa, những sợi nước loang loáng ánh đèn phòng hắt ra. Nhi ngầy ngật ngủ vì thấm thuốc giảm đau. Chẳng biết âm đức của Nhi kiếp trước dầy mỏng ra sao mà kiếp này âm phúc chỉ được nhà cao cửa rộng, việc làm vững chắc nên không lo lắng mưu sinh nhiều. Chỉ, chắc, đôi khi… một thoáng buồn cô đơn. Thôi thì khổ ấy xem như cọng rơm trên cánh đồng bất tận những nỗi khổ của nhân sinh, mỗi người chia nhau một chút để đừng ai khổ quá. Bệnh hoạn là khổ, nhưng cũng là nhắc nhở mỗi người trân qúy những ngày khoẻ mạnh, nhắc nhở đừng quên những người số phần đau ốm triền miên. Gởi đến họ một lời thăm hỏi như ngọn nến làm ấm lòng những số phận không may trong mùa lễ là việc nên làm.
Mưa rỉ rả ngoài trời, mưa chơi vơi trong lòng tôi một chiều cuối năm đến thăm bạn cũ…
Phan