logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
co  
#1 Đã gửi : 25/01/2017 lúc 10:25:19(UTC)
co

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 30-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,345

Cô Hai Nguyện săm soi mớ dưa giá trắng phau phau trong chiếc thau nhôm. Cọng giá mập mạp thấy thương hết sức! Ðiểm vào đó là những cọng hẹ xanh biếc. Tui có biệt tài nấu bất cứ món rau cải nào cũng giữ được màu xanh. Rau lang luộc, rau cải trời luộc, rau giền, mồng tơi, bồ ngót, cao kỷ nấu canh xanh tươi ngăn ngắt. Còn tui mà xào cải bẹ với thịt gà thì màu cải khi chưa vô chảo chỉ xanh có bảy, đến khi ra dĩa nó xanh tới mười, vừa xanh vừa trong, đẹp dễ sợ!

Năm nay cô Hai Nguyện tính ăn Tết tươm tất hơn năm ngoái. Cô đã lựa con cá lóc vừa bự vừa mập để kho chung với thịt bắp đùi, nước kho phải bằng nước dừa xiêm tươi thì cô mới bằng bụng. Có nồi thịt cá kho chung đệm trứng luộc để dành ăn với bánh tét hoặc bánh chưng của cô Ký người Bắc thì phải điệu quá rồi, ăn lai rai, ăn hoài hoài tới hạ nêu cũng không ngán. Bánh tét ăn với món kho phải đệm thêm dưa giá, dưa cải hoặc củ kiệu, củ hành ngâm giấm thì mới nổi vị mà không ngán. Bởi vậy cô Hai Nguyện cùng hai đứa con gái lớn, Trang và Hiền, làm đủ thứ dưa. Trang trổ tài làm khéo, mua củ cải trắng, cà rốt, đu đủ xanh để tỉa bông huê, chim bướm trước khi ngâm giấm, coi vừa đẹp lại vừa ngon!

Sáng ba mươi tháng chạp ta, cô Hai Nguyện thở một cái phào, khoan khoái hết sức. Nồi cá thịt cùng trứng luộc kho chung đã xong. Cô còn làm thêm nồi giò heo hầm với măng, nồi khổ qua dồn thịt bằm với bún tàu, nấm mèo nước trong leo lẻo, niêu tôm kho tàu nước gạch đỏ ối… Chiều nay cô mới mổ gà nấu cháo kèm gỏi gà trộn bắp chuối, rau răm để cúng rước ông bà.

Cô Hai Nguyện đã lau chùi, quét tước nhà cửa, bàn thờ ông bà. Lư hương, chân đèn, mâm cổ bồng đã đánh sáng loáng. Trên vách, cô treo bộ tranh tứ quí màu sắc tươi rói. Trên các cột hàng ba, cô dán liễn bằng giấy hồng đơn, chữ thảo mực tàu đen lánh. Năm nay cô chỉ mua một cặp cúc vạn thọ màu hoàng yến, một cặp mồng gà lưỡi búa đỏ để bày trong sân. Bánh phồng, bánh tráng, bánh tét thì đã có má cô là bà Hương kiểm Thiện ở chợ Trường An cho ê hề. Còn mứt thì cô mua ở chợ Vĩnh Long. Hai hộp mứt hình trái tim gói giấy trang kim lấp lánh cài cái nơ sa-ten hường coi mê quá! Trong hộp, mứt củ cải và mứt bí như giồi phấn, mứt khổ qua tươi nước cốt cỏ rồng chầu xanh như cẩm thạch, mứt cà-rốt màu gạch mới, mứt cà chua đỏ như son tàu, mứt nào cũng khéo ơi là khéo, bỏ tiền ra mua giá phải chăng, tội gì mà làm cho mệt để lãnh cái thua sút, thô kém!

Dữ ác! Năm nay không hiểu ông ứng bà hành gì mà cô Hai Nguyện phấn khởi đón xuân như vậy? Năm năm qua, thằng bảy Huỳnh Kim Báu, thằng chồng trời đánh thánh đâm của cô đã bỏ nhà theo vợ bé, trôi nổi ở chơn trời góc biển nào rồi. Hễ cỡ mười năm mà nó không về, hoặc cô không tìm được tung tích nó, thì cô đành lấy cái ngày nó ra đi để làm đám giỗ. Thây kệ, ai quấy ai sai có trời cao đất dày, có nước mây cây cỏ chứng giám. Thằng Bảy kia dù gì cũng là tía của lũ con cô. Bên chồng cô kể từ khi biết nó ăn ở tệ bạc với cô, họ đâm ra thương mến cô. Bởi đó tuy giận nó, cô vẫn không nỡ để lũ con cô quên nguồn cội, tổ tông.

Năm năm qua, một thân đàn bà yếu đuối, cô Hai Nguyện vẫn phải đảm đương mọi việc mưu sinh. Cô mua lúa đem tới nhà máy chà gạo rồi đem gạo ra bán ngoài chợ. Con Trang vừa học xong đệ lục phải bỏ học ngồi trước rạp hát bóng Lạc Thanh bán quà vặt như cốc, ổi, xoài dầm chua, me ngào đường…Con Hiền thì ở nhà coi việc bếp núc, dọn dẹp. Chỉ có thằng Ðức được đi học. Nhờ trời thương Phật độ, má con cô lần hồi đủ ăn. Tối tối Trang đi xuống cầu Cái Cá học nghề luôn áo vắt sổ nơi cô Tám Kim Chi, em kế ba nó. Tới năm ngoái, bà nội nó mua cho nó cái máy vắt sổ để nó trả góp. Nhờ luôn áo khéo, vắt sổ tính giá phải chăng nên nó có khá nhiều khách hàng.

Năm nay con Trang mười tám, sáng đẹp như trăng rằm. Con nầy lanh lợi, biết phải quấy, ăn nói mực thước, lớp lang nên được lối xóm mến yêu, bạn bè trang lứa nể nang. Còn con Hiền mười lăm tuổi mà khờ khạo lắm! Nước da nó trắng hơn con Trang, vóc vạc thanh cảnh, thân hình đã bắt đầu dậy mẩy. Chiều chiều nó ưa mượn cáo quần xăng-đầm của cô Hai Nguyện mặc vào rồi kéo quần lên tới ngực buộc chặt, nhảy xuống cái đìa bên hông nhà tắm lội đùng đùng như cù dậy. Một hôm ngủ đêm sáng dậy, nó thấy máu từ quần loang ra ướt mền, ướt chiếu, nó hoảng hồn gọi cô Hai Nguyện, mếu máo kể lể: “Má ơi, con hay tắm đìa nên chắc đĩa chui vô người con làm ổ, máu me nhểu tùm lum đây nè!”. Cô Hai an ủi: “Hễ làm đờn bà con gái, tới tuổi dậy thì là mỗi tháng máu tuôn ra rỉ rả như vậy đó, không sao đâu con”.

Nhìn hai đứa con gái, cô Hai Nguyện tự hào, nhủ thầm: “Tui không được đẹp nên không giữ nổi thằng chồng mắc dịch, bị nó phụ bạc bỏ lăn bỏ lóc. Bù lại, tui được bầy con hiếu hạnh, ngoan ngoãn. Con Trang sắc sảo, con Hiền đoan trang, thằng Ðức siêng năng, tuy giống ông già nó như đúc nhưng thằng tía nó mặt mày dúc dắc, lẳng lơ bao nhiêu thì thằng con nghiêm trang, đằm thắm bấy nhiêu.


Từ ngoài đầu ngõ, Trang và Hiền la chói lói:

– Má ơi, ba dìa! Ba dìa má ơi!

Cô Hai Nguyện đang ngồi xắt su hào, vụt đứng dậy, mặt xanh dờn như đờn bà xảo thai. Nhưng cô không nhúc nhích, chơn cẳng như chôn chặt trong đất. Thằng Ðức tưởng má nó chưa nghe kịp, nhắc:

– Ba dìa má à. Ba dìa thiệt mà!

Cô Hai Nguyện vụt tỉnh cơn bàng hoàng, ngây ngất. Thằng chồng ôn dịch của tui về? Nó còn dám vác cái bản mặt chai mày đá về đây làm gì? Tưởng nó chết bờ chết bụi, không bỏ xương trong miệng cọp thì cũng gởi thịt trong bụng sấu rồi chớ! Ai dè nó còn xách đít về đây để tui tức thiếu điều trào máu hoè ra khỏi họng. Cô rít lên:

– Thây kệ mồ nó!

Cô ngoe nguẩy ra ngoài vườn, ngồi trên cây sung gie ra mặt ao. Hừ, thằng khốn nạn Bảy Báu, thằng chồng oan gia của cô, năm năm nay đi theo con Tư Mỹ Huệ, chẳng hiểu nó có phỉ chí trong thú yêư đương, hay bị con dâm nương kia hành thân hoại thể? Hồi nó gây gổ, bỏ cô đi theo con Tư, cô hăm he:

– Mầy đành đoạn bỏ tao mà đi theo bợ đít mấy con thúi thây lầy cốt, mai sau mầy vác mặt về đây là chổi nhúng đường mương, chổi dọn chuồng heo tao sẽ quét mầy ra khỏi nhà, biết chưa?

Tên Huỳnh Kim Báu đã mặt trơ trán bóng, bảo:

– Con cá buôi quạt đuôi ra biển Bắc,

Bơi dọc lộc ngang, không chắc trở về.

Ôi năm năm qua, ngày ngày cô làm lụng đầu tắt mặt tối để kiếm miếng ăn. Ðêm đêm, càng nghĩ tới thằng chồng lòng lang dạ thú kia mà tay chân cô lạnh ngắt, ngực cô nặng trĩu, châu lụy cô tuôn rơi đồm độp:

Cu kêu từng cặp trên cây

Tào khương nghĩa nặng, sao mầy bỏ tao?

Ngồi trên cành sung, cô Hai Nguyện lắng tai nghe tiếng lao xao từ trên nhà vọng tới. Có lẽ chòm xóm tới chào hỏi thằng chồng đi hoang của cô đó mà. Xời ơi, họ chỉ biết nó là thằng hàng xóm dễ thương chớ đâu thèm biết tới cái tánh bạc bẽo, ưa thay đào đổi mận của nó! Còn lũ con cô đó, bởi sợi dây huyết thống thiêng liêng, thấy tía nó về là mừng rối rít. Lá rụng về cội mà! Tụi nó quên tuốt luốt cái thói vô trách nhiệm của tía tụi nó, quên lúc tên Bảy Báu bỏ nhà ra đi, bốn mẹ con đổ mồ hôi hột ra vật lộn kiếm miếng ăn, chơn chạy không bén đất. Ðã bao phen đi bán gạo về, thay vì nghỉ ngơi, cô hăng hái ra sở rẩy sau nhà để săn sóc mười luống dưa gang. Tháng bảy âm lịch vừa rồi, cô trúng mùa dưa. Cô bán mớ dưa chín mềm, còn kỳ dư loại dưa cứng cạy, cô bán cho các vựa mắm để họ gài mắm. Vốn là dân làng Tân Ngãi nên cô rất mát tay trồng dưa:

Dưa Tân Ngãi, bự trái dầy cơm,

Dẫu mình không nợ, không duơn,

Tháng bảy, tháng tám mau chơn trở về

Té ra, Tết nầy chồng cô trở về! Cơn giận làm trái tim cô nhảy ạch đụi trong lồng ngực. Thiệt tình cô Hai Nguyện không oán cô Tư Mỹ Huệ. Cô có bao giờ gặp mặt con tình địch nầy đâu! Nhiều lần cô suy nghĩ, biết Bảy Báu là thứ tham thanh chuộng lạ, hết đèo con nọ tới xọ con kia. Cô đã từng nhiều phen trách ai tham giấy bỏ bìa; khi thương, thương vội, khi lìa, lìa xa… Chồng của cô nếu không dính con Tư Mỹ Huệ vốn là gái điếm chợ Lách, thì cũng rượn theo con Bảy Kim Hoàng ở Cái Nhum, cũng lẹo tẹo với con Mít con Xoài, cũng mê say con Ổi con Lựu nào đó…Trước con Tư Mỹ Huệ, Bảy Báu cũng đã từng cặp xách hết con ngựa bà nầy lại du dương mùi mẫn với con khác. Cô Hai Nguyện đã từng ốm o so bại, mình mẩy mỏng lét, da dẻ xanh chành vì ghen. Ngày tối cô đâu có làm ăn gì cho an ổn được! Cô cứ rình rập để bắt gian phu. Cô hết ghịt tóc lột quần tình đình lại đè đầu đè cổ chồng ngắt véo, đánh vả. Cô phung phí hơi sức chửi bới la rầy chồng tới mỏi miệng rát cổ, ran ngực thốn tim. Chồng cô lúc nào cũng nhịn cô, mặt mày lấm la lấm lét, mắt mũi dớn dác, lơ láo… Vậy mà đời nào nó chừa thói ngoại tình, bỏ tật phong nguyệt cho cô nhờ! Mà cắc cớ thay, ông trời ổng sanh chi cho cô cái tánh lạc lòng. Chồng cô mỗi khi chán mèo hoặc bị mèo đá đít là quay về với cô, dùng giọng kèn tiếng quyển lung lạc khiến cô xiêu lòng ăn ở với nó, để nó bơm cho cô một cái bầu bự chình ình. Hễ cô vừa đẻ xong là nó đánh lừa đánh đảo cô để đi ve vãn, tò tí mấy con khác rồi quất ngựa chuối bôn đào.




Bảy Báu xách chiếc valise bự tổ chảng, tay kia bồng một thằng nhỏ cỡ hơn một tuổi đứng tần ngần trước ngõ. Trang vồn vã:

– Ba vô nhà đi ba, kẻo nắng. Không sao đâu!

Bảy Báu gượng làm tỉnh:

– Ừ, có sao đâu! Nhưng ba nhờ tụi bây năn nỉ má tụi bây dùm ba một tiếng.

Hiền rụt rè hỏi:

– Con của ai đây ba?

Bảy Báu tỉnh tuồng:

– Em của bây đó đa. Ba đặt tên nó là thằng Phước. Má nó chết rồi. Ba vừa làm tuần bách nhật cho cổ hôm qua.

Ðứa nhỏ thiệt dễ thương, mập mạp trắng trẻo. Nó giuơng cặp mắt đen huyền như hai hột nhãn, nhìn hai cô gái rồi cười hịch hạc, thấy thương đứt rưột. Trang sốt sắng:

– Ba đưa em cho con bồng. Vô nhà mau đi ba.

Khi bốn cha con vô nhà thì Hiền đòi bồng em lấy hên rồi hun thằng nhỏ chùn chụt. Trang giằng lấy thằng nhỏ, hun ngay cái nọng của nó, đả đớt:

– Mèn ơi, cưng của chị “Chang” thơm “xữa” quá “chời” quá đất!

Hiền xía vô nựng đứa nhỏ, miệng tía lia:

– “Chắng” gì mà “chắng” như dừa nạo, như bông bưởi vậy nè “chời”!

Thằng Phước nhột quá cười sằng sặc. Chu choa ơi, hoàn cảnh côi cút của đứa nhỏ cùng sợi dây huyết thống đã làm hai cô gái yêu thương đứa em khác mẹ của mình tức thời. Hai cô gái giống mẹ ở chỗ ưa con nít. Ba mẹ con hễ rảnh rang là dạo xóm, thấy con ai cũng bồng, cũng hun hít, cũng nựng nịu. Cô Hai Nguyện ưa làm bánh chuối, kẹo chuối để kêu tụi con nít lối xóm lại ăn.

Thằng Ðức lỏn lẻn nhìn cha rồi nhìn thằng Phước. Vì nhút nhát, nó không dám tới gần để rờ rẫm hun hít, nhưng nó nhìn em nó bằng cặp mắt sáng quắc vì thèm thuồng coi thiệt tức cười. Bảy Báu buông valise ở góc nhà một cái xạch rồi dựa ngửa người trên ghế, hỏi:

– Má tụi bây đâu rồi?

Ðức xớt trả lời:

– Nghe tin ba dìa, má bỏ ra vườn sau rồi. Má cứ bụm mặt khóc ào ào…

Bảy Báu nhìn đứa con trai, ứa nước mắt:

– Ðức lại đây!

Ðức ngoan ngoãn bước lại gần cha. Bảy Báu vuốt ve con trai, ngậm ngùi:

– Thiệt thằng con tui mau lớn quá! Năm nay con ngồi lớp mấy?

Ðức thỏ thẻ:

– Dạ con học lớp đệ thất rồi ba. Con thi nhảy lớp hồi năm ngoái, nghĩa là từ lớp nhứt con thi thẳng một lèo vô đệ thất chớ không cần ngồi lớp tiếp liên.

Bảy Báu đỏ mặt vì ăn năn, hổ thẹn, nước mắt chảy ròng ròng. Sau cùng, anh ta nói vắn tắt:

– Con học giỏi là ba mừng.

Vừa thấy Bảy Báu cà rà trước ngõ, bà Năm Thẹo ở gần bên, cách hàng rào xương rồng, đã lập lờ lập lượn sau cánh cổng để nghe ngóng. Rồi kế đó bà chạy qua nhà thím Năm Én, nhà cô Bảy Ơn rủ họ nhập bọn qua nhà cô Hai Nguyện. Liền sau đó, bà Chín Ích ở đối diện nhà bà Năm Thẹo cũng lạch bạch bước qua, miệng ong óng:

– Bây chờ tao đi với chớ!

Bà Năm Thẹo tuôn vô nhà cô Hai Nguyện trước hết, cười ỏn ẻn:

– Nghe thằng Bảy mầy dìa nên tao rủ chị Chín với mấy con lủng, con lành qua thăm.

Bà Chín Ích nhìn thằng Phước trầm trồ:

– Chèn ơi, thằng nhỏ giống cháu Bảy quá chừng chừng!

Cô Bảy Ơn nói:

– Thiệt tình, chị Bảy khi khổng khi không có thằng con dễ thương quá!

Thím Năm xuýt xoa:

– Tui nghĩ rằng ông trời thương chị Bảy nên Tết nầy ông lì xì cho chỉ đứa con trai nầy. Con Trang, con Hiền, thằng Ðức đều thua nó màu da trắng.

Phút chốc chòm xóm bu tới, ồn ào bàn tán. Cô Hai Nguyện từ ngoài vườn bước vào, mặt trắng bệch như sáp, mắt chau quảu ngút lửa. Cô hét:

– Ai vào đây làm giặc, nổi loạn đó vậy?

Bảy Báu làm tỉnh, đứng dậy:

– Qua đây, em Hai. Bảy Báu, chồng của em dìa ăn Tết với vợ con đây!

Cô Hai Nguyện xáng cho chồng một cái nhìn sấm sét:

– Báu nào? Báo đời, báo hại chớ quí báu gì nà! Mà thôi, nhà tui là nhà mần ăn, không chứa cái phường mèo mả gà đồng, cái quân mèo đàng chó điếm, thầy nghe chưa? Thầy làm ơn xách gói đi chỗ khác, chỗ nào có mấy con dâm phụ chuyên môn cướp giựt chồng người. Thầy còn nấn ná chần chờ thì tui sẽ lấy chổi quét cứt gà, chổi tẩm cứt heo quét thầy xuống đường mương cho thầy coi.

Bảy Báu nhăn nhó:

– Tội nghiệp qua lắm mình ôi. Mình hãy cho qua phân giải đôi lời.

Cô Hai Nguyện nhảy đong đỏng:

– Thầy đã phân giải nhiều lần rồi. Tui cũng đã lạt lòng nhiều quá rồi. Không mình không đầu gì nữa hết! Thầy hãy cuốn gói cho lẹ để mẹ con tui ăn Tết.

Nói được những tiếng thô nhám như đá ong, cứng nặng như đá xanh đó, cơn giận cô hạ xuống, rút biệt một cái rột như nước lọt qua miệng cống.

Bà Năm Thẹo tằng hắng can:

– Thôi cho tao can đi! Mầy cũng để cho thằng chồng mầy phân bua phải quấy đôi lời chớ! Hễ nó vừa mở miệng là mầy nạt nhào thì còn non nước gì!

Thím Năm Én khuyên:

– Hai, em phải nghe lời bác Năm, bác Chín. Chị cũng can em. Bổn phận làm vợ là phải nể nang, ngọt dịu với chồng. Nó dẫu ăn ở quấy với em thì có trời cao chứng giám, có bà con láng giềng chê cười nó. Nhưng nếu em mà gay gắt với nó quá thì té ra em cũng quấy theo nó hay sao? Gắt quá thì nó nổ đa em! Hễ mọi sự nổ tanh banh tét bét thì mụ nội ai mà hàn gắn lành lặn như xưa?

Cô Hai Nguyện quét mắt qua khắp bà con hàng xóm láng giềng. Coi bộ ai cũng có ý binh vực thằng chồng dâm bôn bạc bẽo của cô. Cô nhìn con Hiền bồng đứa nhỏ. Mèn đéc ơi, thằng nhỏ coi giống hịt thằng Bảy Huỳnh Kim Báu quá trời quá đất! Nó ngó cô, hả miệng chim dòng dọc ra cười hịch hạc, bày cái nướu màu hồng tươi vừa nhú mấy cái răng sữa lùn tịt. Chèn ơi, nụ cười nó giống nụ cười tía nó quá chừng chừng! Bởi nụ cười đó mà hồi mười tám năm về trước, cô lén ăn cắp tiền bạc vòng vàng của tía má cô để đi theo tiếng gọi của trái tim. Trái tim cô lúc nào mà chẳng dại dột! Nụ cười đó đã từng hóa giải tủi hờn, căm tức nơi cô mỗi khi thằng Bảy Báu bị mèo đá xất bất xang bang bò về. Cô Hai Nguyện hét:

– Con cái ai đây?

Bảy Báu ấp úng:

– Thì…nó là con của…qua. Qua bồng nó về đây cho em nuôi làm phước.

– Ê, đùng có giỡn nghe cha nội! Cây không trồng, lòng không tiếc; con không đẻ, mẹ ghẻ không thương

Cô Bảy Ơn khuyên lơn:

– Chị Bảy, em khuyên chị bớt nóng. Thiệt tình chị nóng cũng phải, chẳng ai dám trách chị chút nào. Anh Bảy bậy quá, sái quấy lung lắm. Em mà ở vô hoàn cảnh chị, em cũng giống như chị vậy, cũng tức bể ngực rồi hộc máu cả chậu cả vịm chớ không vừa. Nhưng mà xin chị suy cho cùng, nghĩ cho cạn. Nếu chị nóng quá mất khôn, làm cho gia cang xào xáo thì tụi nhỏ khốn đốn, gẫm có ích lợi gì đâu! Xin chị cho ảnh ăn năn chuộc tội.

Cô Hai Nguyện rống lên khóc:

– Ðây đâu có phải lần đầu nó vác mặt mo mặt thớt về đâu? Tui nuôi nó lúc nó thất cơ lỡ vận để rồi khi sung sức mập thây, nó xách đít đi cho ốm o so bại, thân tàn ma dại rồi mới trở về. Một lần, hai lần thì còn bỏ qua được, chớ lần nầy thì nhứt quá cửu, quá thập rồi chớ đâu phải quá tam! Nó đội vàng cả thúng, hột xoàn cả tráp về đây tui không ham nữa là!

Bà Chín Ích xía vô ỉ ôi:

– Con vợ thằng Bảy nè. Con phải nghe lời má Chín lần nầy. Chồng con trở về đây tốt tươi phi mỹ chớ không te tua bèo nhèo, không rách rưới đói khát. Nó ăn bận như thầy thông thầy ký ở đất thầy-gòn đó con. Nó về đây chắc có duyên cớ gì đó chớ không phải mong nhờ hột cơm của con đâu! Vợ chồng bây có thể hiểu nhau, chớ người ngoài làm sao tỏ tường trong đục! Vậy con gắng nuốt giận, nghe nó cạn phân bày giải. Má Chín khuyên con đùng tỏ ra lấn lướt với kẻ lép vế, thất thế hơn mình. Không nên đâu con!

Thấy chưa? Chỉ vừa thấy thằng nhỏ mà coi bộ bà con lối xóm đều ngã rạp về phía tên Bảy Báu hết trọi. Họ thấy đứa nhỏ mồ côi mồ cút chớ họ làm sao thấy lúc cô canh khuya trằn trọc, tủi phận bị chồng chán, chồng chê, não nề lo gánh mưu sinh cho bầy con dại? Té ra tên Bảy ó đâm nầy sanh ra để được thương yêu dung thứ. Còn cô sanh ra để làm nạn nhơn của nó cho tới tim bảy lỗ héo khô, gan bảy lá héo hắt mà người ngoại cuộc đương thèm biết tới.

Bỗng đứa nhỏ bị con Hiền ôm chặt khóc ré lên. Thằng Ðức vụt chạy lại ôm tía nó, khóc rống:

– Ba ơi, ba đừng đi đâu hết! Má ơi, má đừng để ba bồng em cho bà phước xóm đạo nghe má! Em con dễ thương quá má à!

Mấy bà lối xóm cùng khóc ngon khóc ngọt theo thằng Ðức.


Khi lối xóm về hết, cô Hai Nguyện xuống bếp bắt con cá lóc rọng trong vịm ra cạo vẩy. Cô hỏi Trang:

– Tía mầy đâu rồi?

– Ông Năm Thẹo mời tía qua cụng ly bên bển rồi.

– Còn con Hiền đâu?

– Nó bồng thằng Phước qua nhà thím Năm Én mượn cái bình sữa và núm vú cao su.

Cô Hai Nguyện trề môi:

– Tía mầy là thứ đờn ông hư thúi. Vừa về tới nhà là liệng va-ly cái xạch nên bình sữa mới bể hai bể ba như vầy….

Bảy Báu chỉ dám nhậu sương sương với ông Năm Thẹo rồi lật đật trở về nhà kẻo vợ quở, vợ rầy. Cô Hai Nguyện và Trang lo nấu, dọn cơm trưa. Cô dặn cô trưởng nữ của minh:

– Con lên nhà trên mời tía con rửa mặt, thay đồ mát đi. Cơm nước xong, con nhớ gói bánh tét, bánh dừa để tối nay má luộc. Chút nữa má ra chợ Vãng mua bình sữa, xà bông, khăn lau,thau chậu cho thằng Phước.

Hiền mượn được bình sữa, bồng em về nhà. Cơm canh chưa xong nhưng cô Hai Nguyện đã dọn chén, bày bàn sẵn. Cô rửa tay sạch sẽ, bồng đứa nhỏ. Thằng nầy dễ thương thiệt mà. Cô vừa bồng nó là nó rúc đầu vô ngực cô làm cô bồi hồi xúc động. Nó lại cười tít toát, thấy ghét hết sức! Nhưng cô Hai Nguyện chưa hun nó liền đâu. Cô tự hỏi mình có thể yêu thương nó thiệt tình không? Cô chưa biết mặt má nó lần nào. Cô chỉ có thể hình dung má nó qua khuôn mặt của những tình địch khác: mắt con nầy, mũi con kia, tóc tai con nọ, hình vóc con khác nữa…Mà lạ dữ! Thiệt tình cô chẳng ghét con nào hết. Bao nhiêu việc oan trái cũng do cái tánh chuộng trăng hoa của tên Bảy Báu mà ra. Nếu nó không có tâm địa uốn éo ruột rồng, lòng vòng ruột rắn, lắn quắn ruột dê thì chẳng có con nào có thể nhảy vào cuộc sống lứa đôi của cô để ăn mót hoặc cướp giựt hạnh phúc của cô được hết. Bởi chồng cô già không bỏ, nhỏ không tha, tươi như hoa nó liền mê lú, xấu như ục cú nó cũng say sưa…như vậy thì con đờn bà nào cũng có thể để nó dê, nó nịch ái ráo trọi. Nhưng mà trời ơi, dù cô đã khóc cả thùng, cả thau, cả xô nước mắt vì sự bạc bẽo của chồng, nhưng lòng cô vẫn sẵn sàng dọn một chỗ tha thứ đợi ngày nó trở về.

Trang làm bình sữa xong, đem lại mẹ. Cô Hai Nguyện cho thằng Phước bú. Và khi bình sữa chưa cạn thì nó đã ngủ khò, miệng thỉnh thoảng mỉm cười. Cô Hai Nguyện đặt nó lên vạt tre trải chiếu đậu, rồi đắp mền mỏng lên tận ngực nó. Thằng Ðức cứ cà rà bên em ngắm nghía, lâu lâu hun lên đôi má măng sữa của nó.

Bảy Báu rửa mặt chải đầu, thay đồ mát xong. Biết là vợ bớt cơn thịnh nộ, anh ta giả bộ ra sàn nước rủa chơn rồi mang guốc lóc cóc tới bên vợ nói nhỏ:

– Mình! Bảy Huỳnh Kim Báu, chồng mình dìa với mình đây nè, mình.

Cô Hai Nguyện quắc mắt khi thấy Bảy Báu chờn vờn muốn ôm mình:

– Anh chớ rớ tới tui. Anh mà xáp lại gần là tui tri hô anh muốn ám sát tui, nói cho anh biết.

Bảy Báu tha thiết:

– Mình ôi, anh dìa đây là quyết lòng trụ luôn bên mình cho tới mãn đời suốt kiếp. Anh đã chán ngán việc mèo đàng chó điếm rồi. Khi má thằng Phước lâm chung có dặn anh quay về với mình và bắt anh thề dứt bỏ chuyện én anh, ong bướm để tạo dựng nghiệp nhà.

Cô Hai Nguyện trề môi:

– Nói dóc! Con Tư Mỹ Huệ đó mà kể số gì tới tui. Ðừng có xạo nghe cha nội! Con này ăn cơm bảy phủ, dạo đủ khắp nơi, nó đâu có khờ như anh tưởng!

Bảy Báu giọt dài giọt vắn:

– Má thằng Phước không phải là cô Tư Mỹ Huệ đâu!

Cô Hai Nguyện chưng hửng:

– Ủa! Vậy chớ con nào?

Bảy Báu kể vắn tắt:

– Khi qua đưa cô Tư Mỹ Huệ lên Tân Châu lập nghiệp thì cổ tình cờ gặp lại thằng chồng cũ. Ông bà mình thường nói: “Vợ chồng cũ không rũ cũng tới” nên cổ đành đoạn bỏ qua để về với thằng cha đó. Cả hai dắt nhau qua Hồng Ngự mần ăn. Riêng qua thì dẫu gặp cảnh xất bất xang bang thì cũng không còn mặt mũi nào về với mình. Qua nhờ nghề chích dạo kiếm ăn rồi gặp má thằng Phước tức cô Hai Lành con gái thầy Hương quản Nên…Cổ làm cô mụ vườn mát tay lắm, tiền kiếm bộn bàng nhưng duyên số hẩm hiu nên mãi ba mươi ngoài mà cổ còn ở vá. Cùi mít trôi lên gặp cùi thơm trôi xuống, cả hai gá nghĩa với nhau mà ăn nên làm ra. Bởi qua xử tệ với mình nên trời không cho qua hưởng trọn cảnh êm ấm với cô Hai Lành cho tới mãn kiếp. Ðẻ thằng Phước xong một tháng là cô Hai đau dây dưa gần một năm rồi nhắm mắt qua đời…

Món canh chua cá lóc với bạc hà do Trang nấu ngon dễ sợ. Trong bữa cơm trưa hôm đó, Bảy Báu hỏi han vợ con đủ thứ.

Hiền mặc cái áo lụa màu hoàng yến, đeo sợi dây chuyền bướm lóng lánh, dịu dàng bảo mẹ:

– Má cứ ở nhà hủ hỉ với ba, con đón xe ngựa ra chợ Vãng mua sắm vật dụng cho thằng Phước. Con có nấu nước bồ kết và hái chanh cho má gội đầu.

Cô Hai Nguyện ôn tồn:

– Con nhớ mua phấn trị sảy, xà bông thơm, rượu chổi cho em con. Về sữa, con nhớ mua sữa hiệu Con chim chớ đừng mua hiệu khác. Nhớ mau về nghe con. Má cần đủ thứ bộ vận để tắm rửa cho nó.

Khi thằng Phước thức dậy, thằng Ðức giành bồng em đi dạo xóm. Cô Hai dặn dò:

– Nhớ đừng bồng em ra chỗ nắng nôi, gió máy mà nó ấm đầu sổ mũi nghe hôn con!

Rồi cô dặn Trang:

– Con Trang nhớ làm gà nấu cháo và trộn gỏi bắp chuối để ba con rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Tối nay con nhớ ủi quần áo cho cả nhà. Cúng tất, hạ nêu xong, má sẽ đi chuộc bùa trừ tà tróc quái cho em con ăn chơi, mau lớn.

Tết nầy cô Hai Nguyện mua xấp lụa cẩm vân màu cánh sen, xấp lụa hồng đào để may áo dài cho Trang. Cô mua xấp cẩm nhung màu hoàng yến và xấp nhiễu tím may áo dài cho Hiền. Còn thằng Ðức, cô sắm cho nó chiếc quần tây bằng nỉ xám, áo sơ-mi trắng bằng tít-so và đôi giày xăng-đan.

Sực thấy chồng cứ theo tò tò bên mình, cô hỏi:

– Còn ông tía non nầy, ông uống trà hay uống cà-phê thì nói một tiếng cho tui biết để tui làm?

Bảy Báu cười mơn:

– Mình cho gì thì uống nấy.

Cô Hai Nguyện nguýt chồng rồi lủi xuống bếp, lầu bầu lẩm bẩm:

– Cái thứ trời đánh thánh đâm như anh, uống nước cống, nước đường mương mới đáng, ở đó mà uống cà phê, uống trà…

Nói vậy, nhưng cô vẫn pha một tách cà phê cho chồng và không quên pha thêm một bình trà Xiểu Chủng.

Xế xế, cô Hai Nguyện gội đầu bằng nước bồ kết và nước cốt chanh tươi. Hôm nay là ngày ba mươi tháng chạp, cô Hai Nguyện theo thường lệ, tắm rửa và gội đầu để xả xui.

Bữa cơm chiều, vì để mừng ngày phu thê tái hiệp, cô Hai Nguyện làm thêm vài món nhậu tươm tất cho chồng như mắm cá cơm ăn với thịt phay, bún, rau sống; như gỏi sứa tôm thịt…

Tối hôm đó, Trang và Hiền tình nguyện thức canh nồi bánh tét, bánh dừa cùng nồi luộc đầu heo, lòng heo.

Vợ chồng lâu ngày tái hiệp, ân ái thiệt mặn nồng. Thằng Ðức nằm ngủ ở vạt tre kê giáp tấm vách ngăn buồng cô Hai, nửa đêm thức giấc, nghe tiếng lào xào của cha mẹ.

Tối hôm nay, cô Hai Nguyện mặc chiếc áo bà ba lụa tím, quần lãnh trơn cặp lưng bằng nhiễu màu hường cánh sen, chơn đi guốc sơn đen. Khi cô ra ngoài trung đường thắp nhang, cúng nước trở vào thì thấy Bảy Báu mở valise lôi ra một cái gói vuông bọc mo cau. Anh ta mở gói, bày những phiến vàng lá, bảo vợ:

– Bốn chục lượng vàng đó. Xứ Tân Châu dễ làm ăn hơn ở đây nhiều. Qua tặng mình hết để làm vốn, đặng cho hai đứa con gái mình rảnh rang kiếm cách học thêm.

Cô Hai Nguyện nhìn sững chồng rồi gói vàng lại, cẩn thận cất vô tủ. Cô nhỏ nhẹ:

– Mình cứ ngủ đi. Em sửa soạn cúng giao thừa đây.

Giao thừa tới. Pháo chuột, pháo tre hàng xóm nổ vang. Thằng Phước giật mình khóc ré. Cô Hai Nguyện cúng kiếng xong, lại bồng nó, dỗ nó ngủ lại. Bảy Báu ăn mặc chỉnh tề, bước ra phòng khách, bảo vợ:

– Mình kêu sắp nhỏ ăn mặc đàng hoàng để mừng tuổi vợ chồng mình.

Bảy Báu lì xì cho Trang chiếc kiềng chạm, cho Hiền chiếc kiềng trơn kèm chiếc nhẫn nhận hột cẩm thạch hình hột dưa. Thằng Ðức thì được chiếc đồng hồ đeo tay.

Trước khi xuống bếp vớt bánh tét dừa đặt vào rổ cho ráo nước, Trang hỏi mẹ:

– Năm nay con gì ra đời vậy má?

Cô Hai Nguyện trầm ngâm:

– Má chẳng nghe con gì ra đời hết! À, lúc giao thừa, em con giựt mình khóc om sòm. Vậy là con trống ra đời đó. Con trống nầy tên Phước, tức nhiên nó đem phước tới cho nhà mình.

Khi trở về buồng, Bảy Báu ôm chặt vợ vào lòng. Anh ta thấy giờ đây vợ mình mặn mòi quá cỡ, môi má đỏ au chớ không xanh xao như chầu xưa. Anh ta ứa nước mắt:

– Kiếp trước chắc anh tu kỹ nên kiếp nầy được trời ban thưởng cho một người vợ hiền như mình.

Cô Hai Nguyện nguýt:

– Xạo vừa vừa chớ! Em đã bao phen bầm dập bởi lời ỏn thót của mình rồi. Mình về đây được…

Cô toan nói rằng mình về đây được ngày nào là em mừng ngày đó, nhưng cô ngưng ngang vì đó là câu nói gở, gây điềm xui xẻo. Cô nằm bên chồng, cất giọng ngọt lìm lịm:

– Ra giêng, mình nhớ đem hình má thằng Phước họa lớn để thờ. Em muốn vong linh má nó theo phù hộ cho nó mạnh khoẻ, ăn chơi….

Võ Trường An
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.517 giây.