Người biểu tình chống Trung Quốc để kỷ niệm 43 năm trận hải chiến Hoàng Sa ở Hà Nội, ngày 19/1/2017. (Ảnh minh họa)
Đạo Luật Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) – sau đây gọi tắt là Luật Magnitsky - được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ký ban hành ngày 23/12/2016 đã tạo ra một làn sóng đầy hứng khởi trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như ở trong nước. Để tìm hiểu người Việt nghĩ gì về luật này, tôi đã phỏng vấn một số người hằng quan tâm đến Việt Nam hiện cư trú ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Cô Nguyễn Khuê Tú (Canada) nhận định rằng Luật Magnitsky là một thắng lợi quan trọng cho phong trào tranh đấu cho nhân quyền khắp nơi trên thế giới. Bà Song Chi (Na Uy) cho rằng luật này có khả thi và hiệu quả hay không còn tùy thuộc một phần vào chính người Việt chúng ta. Theo Bà Huỳnh Thục Vy (Việt Nam), Luật Magnitsky chỉ bắt cá nhân lãnh đạo phải chịu trách nhiệm mà ít làm bẽ mặt cả một chế độ độc tài. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa (Việt Nam) phân tích rằng dù Hoa Kỳ có tổng thống mới, với tinh thần và tư tưởng Mỹ cùng nền dân chủ nghị viện và với tính cách cứng rắn của ông Donald Trump, Luật Magnitsky sẽ được thực thi. Theo Tiến sĩ (TS) Âu Dương Thệ (Đức), luật này đánh đúng vào chỗ yếu nhất của các chế độ độc tài hiện nay. TS Nguyễn Bá Tùng (Hoa Kỳ) nhận định rằng việc thi hành Luật Magnitsky trong trường hợp Việt Nam ít khó nhọc và có nhiều cơ may thành công hơn trước đây. TS Nguyễn Văn Trần (Pháp) tin tưởng rằng với Luật Magnitsky nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội sẽ phải cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Sau đây là những suy nghĩ của bảy người đã tham gia vào cuộc phỏng vấn.
Song Chi, Oslo, Na Uy(Nhà báo, RFA blogger)
Tôi nghĩ rằng đây thực sự là một tin vui đối với những người đang đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam cũng như tất cả những ai quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Việc đạo luật này có khả thi và hiệu quả hay không còn tùy thuộc một phần vào chính người Việt chúng ta, những người mong muốn một sự hạn chế, trừng phạt đối với những cá nhân, tổ chức đã vi phạm nhân quyền, đã có những tội ác đối với nhân dân.
Như chúng ta thấy, bao lâu nay để đối phó với những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ, các blogger, nhà báo tự do, thành phần dân oan, người dân đi biểu tình ôn hòa… ngoài lực lượng công an, cảnh sát cơ động công khai ra mặt, nhà cầm quyền còn sử dụng đội ngũ Thanh niên Xung phong, dân quân tự vệ, công an chìm mặc thường phục trà trộn vào đám đông, thành phần côn đồ, dân ở tù mới ra… chuyên chơi trò ném đá giấu tay, và dùng bạo lực đánh dân như đánh kẻ thù.
Chính vì không có chính nghĩa, không có chính danh, nên bọn chúng thường phải giấu mặt, trá hình, chơi lén, chơi bẩn. Nhờ có Internet, từ trước tới giờ chúng ta chỉ có thể đối phó lại bằng cách công khai, chụp hình, quay phim đưa lên các trang mạng xã hội, nhờ mọi người phổ biến để những người khác tìm ra tung tích, tên tuổi, quê quán, địa chỉ… những kẻ thủ ác, đưa ra ánh sáng. Trước hết là để mọi người biết mà tránh mặt, sau đó để chính người thân, gia đình bạn bè chúng cũng biết việc chúng làm. Nhưng điều đó cũng không đủ làm cho chúng chùn tay, mặt khác, đó thường chỉ là những con tép riu trong bộ máy của nhà cầm quyền còn những kẻ có chức có quyền, cấp lãnh đạo thì thừa sức để “hạ cánh” an toàn ở nước ngoài sau khi rời chức, hoặc thậm chí khi còn đang đương chức cũng đã kịp thời tẩu tán tài sản ra bên ngoài, đến một lúc nào đó thì ung dung rời Việt Nam tiếp tục sống sung sướng, không chỉ bản thân mà cả họ hàng, người thân, con cái. Điều này thực sự là không công bằng đối với những gì họ đã gây ra cho đất nước, nhân dân.
Bây giờ với đạo luật này, một mặt, những nhà báo, blogger, các nhà hoạt động dân chủ nên tập họp tất cả những thông tin, hình ảnh tư liệu về những tội ác vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam thành một hồ sơ tạm gọi là “Hồ sơ tội ác của những kẻ chống lại nhân dân, chống lại tự do dân chủ”, sau này khi đất nước thay đổi, việc có sử dụng các hồ sơ để đưa ra tòa án nhân dân hay không còn tùy từng mặt, từng vụ, nhưng đảm bảo việc này sẽ khiến chúng chùn tay trước khi làm điều ác với người dân. Thứ hai, lập danh sách tất cả các quan chức, các nhà lãnh đạo Việt Nam trực tiếp, gián tiếp hoặc dung túng cho những hành động vi phạm nhân quyền, chống lại nhân dân, lập hồ sơ gửi đến chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức nhận báo cáo vi phạm nhân quyền, để họ thẩm xét và có những biện pháp trừng phạt phù hợp dựa trên Luật Magnitsky.
Tôi cho rằng trên bề mặt thì nhà cầm quyền sẽ làm ra vẻ không quan tâm và vẫn tiếp tục thi hành chính sách cai trị hà khắc của họ, nhưng đối với riêng từng cá nhân, nhất là những cá nhân có tài sản, cơ sở vật chất ở Hoa Kỳ, cũng như có con cái người thân đang học hành, làm việc tại Hoa Kỳ sẽ phải quan tâm, cân nhắc. Ví dụ họ có thể tìm cách che giấu nguồn gốc tài sản ở Hoa Kỳ kỹ hơn, hoặc chuyển tài khoản, tài sản và đưa con cái sang những quốc gia khác “dễ chịu” hơn chẳng hạn.
Về phía Hoa Kỳ thì tôi không rõ có những trở ngại nào khi thi hành luật này hay không, còn về phía Việt Nam như tôi vừa đề cập ở trên, chính người Việt chúng ta phải tích cực thu thập thông tin, tư liệu, bằng chứng để chính phủ Hoa Kỳ có cơ sở mà xử lý những trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam.
Vốn quen cai trị đất nước bằng bạo lực, sự sợ hãi và chính sách ngu dân, đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam sẽ không dễ gì thay đổi, nhưng họ có thể sẽ tìm những cách khôn khéo hơn để dễ chạy tội hơn khi đàn áp nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam.
Nguyễn Khuê Tú, Vancouver, Canada
(Đại diện hải ngoại của Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam)
Luật mới này chứng tỏ Quốc hội Hoa Kỳ quyết tâm có một biện pháp để bênh vực một cách thiết thực những nạn nhân của sự đàn áp bất công trên thế giới. Khác với những luật có tính trừng phạt các quốc gia có chế độ độc tài, Luật Magnitsky này là một đòn mạnh đánh trực tiếp ngay vào những cá nhân, những thủ phạm chà đạp tự do và nhân quyền nguời khác. Đối với những nguời này, những cảnh cáo của Liên Hiệp Quốc, những chỉ trích của các tổ chức nhân quyền, những công ước họ ký với quốc tế chẳng có nghĩa gì với họ vì những tổ chức này không có các biện pháp trừng phạt khi các công ước bị vi phạm. Chỉ khi tài sản, quyền lợi của bản thân của những thủ phạm vi phạm nhân quyền bị đe dọa thì họ mới biết sợ, biết nghĩ đến hậu quả của việc họ làm, và biết giật mình suy nghĩ truớc khi hành động đàn áp nguời khác. Tóm lại đây là một thắng lợi lớn, một lợi điểm quan trọng cho phong trào tranh đấu cho nhân quyền khắp nơi trên thế giới.
Luật Magnitsky Toàn cầu rồi cũng sẽ đuợc thi hành nghiêm chỉnh như Luật Magnitsky đã được ban hành riêng cho nguời Nga vào tháng 11 năm 2012. Chỉ vài tháng sau, tức là tháng 4 năm 2013, Văn phòng Kiểm sát Tài sản Người ngoại quốc (Office of Foreign Assets Control) thuộc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã công bố danh sách Specially Designated Nationals List gồm 18 nguời có liên quan đến việc giam giữ gây ra cái chết của luật sư Magnitsky, trong đó có ba thẩm phán. Cho đến đầu tháng 2 năm 2016, danh sách Magnitsky này lên đến 39 người, trong đó có trưởng cơ quan điều tra của Bộ Nội vụ. Ngày 9/1/2017, có thêm 7 người bị ghi tên vào danh sách những người bị cấm nhập cảnh và tài sản bị đóng băng này.
Tôi chưa đọc thấy cộng sản Việt Nam (CSVN) phản ứng thế nào. Nhưng nếu có, chắc cũng vẫn theo kiểu từ trước tới giờ của họ là phản đối Hoa Kỳ xen vào chuyện nội bộ, rằng chuyện nhân quyền mỗi nước mỗi khác (dù họ đã ký vào bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế), trong khi những dư luận viên trong và ngoài nước của CSVN vẫn luôn khai thác những tin tức như các vụ án kỳ thị, những hành động của cá nhân để kết luận chính phủ Hoa Kỳ cũng không tôn trọng nhân quyền, không dân chủ.
Luật pháp Hoa Kỳ đặt nền tảng trên sự nhân đạo, với nguyên tắc thà tha lầm hơn bắt lầm nên khi chúng ta muốn kết tội người nào là phải có bằng cớ chứng minh thật rõ ràng. Về phía nạn nhân ở Việt Nam, sẽ có nhiều trở ngại về việc thu thập và cung cấp bằng cớ sao cho đúng cách thức, luật lệ. BPSOS (Ủy Ban Cứu người vượt biển) có những lớp chỉ dẫn cách lập hồ sơ báo cáo vi phạm nhân quyền gửi cho Liên Hiệp Quốc, nhưng dĩ nhiên không làm sao đủ. Chuyện đàn áp đang xảy ra hàng giờ hàng phút ở Việt Nam và đại đa số người dân Việt Nam không biết và không có phương tiện để thu thập bằng cớ. Những người đang ở tù lại càng khó thu thập và gửi ra bằng cớ. Chỉ có thể là những tù nhân đã được tự do, nhất là những cựu tù nhân lương tâm, đã quen thuộc với việc tranh đấu, và thường đã có hồ sơ do chúng ta nộp cho các tổ chức quốc tế, bây giờ chỉ cần khai triển thêm chi tiết, bằng cớ. Việt Nam không thiếu những trường hợp chết oan trong tù như Magnitsky. Chúng ta có thể bắt đầu bằng những hồ sơ bị tù oan, bị đối xử dã man, cố ý cho chết vì không nhận tội như ông Đinh Đăng Định, cố ý cùm bằng cùm dính máu, bắt dùng chung dao cạo để lây bệnh chết người như trường hợp ông Huỳnh Anh Trí. Còn nhiều những tù nhân được quốc tế biết đến bị đối xử dã man như bà Mai thị Dung, không được chữa bệnh vì không nhận tội.
Luật này không mang được công lý, không bảo đảm được sự an toàn và nhân quyền cho những người bị đàn áp, nhưng khi nó đưa ra biện pháp trừng trị kẻ phạm tội tức là nó rất có ích cho nạn nhân, cho cuộc tranh đấu cho tự do và nhân quyền tại các nước độc tài, như là Việt Nam. Nó gián tiếp cứu giúp rất nhiều cho những người tranh đấu đang trong tù hay đang bị đàn áp ngoài tù, vì những cai tù, công an điều tra, thẩm phán nghĩ sao khi nhìn danh sách những người cùng nghề với họ trong danh sách Magnitsky.
Hãy cho những người đàn áp đó đọc thử về Yevgeni Antonov, làm việc tại trại tù Chernokozovo ở Chechnya, bị đưa tên vào danh sách Magnitsky hồi tháng 2/2016 dù không liên quan gì đến việc giam giữ Magnitsky. Trại tù Chernokozovo nổi tiếng vì các tổ chức nhân quyền có hồ sơ về việc tra tấn tại đây, nó cũng nổi tiếng vì một tù nhân tranh đấu cho nhân quyền tên Zura Bitiyeva bị những người mặc sắc phục không biết tên giết chết ít lâu sau khi bà được trả tự do. Yevgeni Antonov phải chịu trách nhiệm vì ông ta là trưởng trại tù khi bà Zura Bitiyeva bị giam và bị ngược đãi ở đó.
Những người lãnh đạo đảng CSVN và những người cộng tác trong guồng máy độc tài đó đều muốn tài sản của họ được đầu tư và bảo đảm ở nước giàu mạnh như Hoa Kỳ, Canada, ... Không phải chỉ cất giấu tài sản mà còn tìm nơi hưởng thụ yên ổn cho gia đình và chính họ sau này. Chỉ cần họ e dè một chút, bớt đàn áp dã man trắng trợn một chút thì người dân nói chung và giới tranh đấu nói riêng bước thêm được một bước trên đường tranh đấu cho nhân quyền, tự do.
Ở Canada có hai dự luật C-267 và S-226 tương tự như Global Magnitsky Act. Đây là một tin rất đáng mừng cho người Việt Canada quan tâm đến nhân quyền. Dĩ nhiên CSVN tìm đủ mọi cách để đánh lạc hướng, và vận động dìm hai dự luật này. Xin các cơ quan truyền thông cũng như các vị quan tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam phổ biến rộng rãi đường nối thỉnh nguyện thư e-670 tại trang nhà của Quốc hội Canada để mọi người ký tên ủng hộ:
https://petitions.parl.gc.ca/ en/Petition/Details?Petition= e-760
Huỳnh Thục Vy, Buôn Hồ, Việt Nam(Chủ tịch, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam)
Luật Magnitsky trước tiên là một công cụ mới của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Điều này xứng đáng với vai trò đàn anh của họ trên chính trường quốc tế, một trường thành của Tự do.
Hoa Kỳ đã từng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Myanmar và Nga nhưng đây là một cách “vơ đũa cả nắm”. Trong khi nó có thể dằn mặt chế độ độc tài, không thể nói nó không ảnh hưởng đến người dân thường.
Lần này thì khác, các biện pháp trừng phạt cấm nhập cảnh Hoa Kỳ và đóng băng tài sản của các cá nhân vi phạm nhân quyền sẽ cụ thể nhắm vào từng giới chức trong các chế độ độc tài toàn cầu, khiến họ phải chịu trách nhiệm cá nhân cho chính hành động đàn áp nhân quyền của họ. Chỉ riêng điều này sẽ khiến các quan chức độc tài và tay sai của họ phải cân nhắc nhiều hơn trước khi muốn trấn áp tự do dân sự và nhân quyền.
Và cũng vì luật này không áp dụng chung chung lên cả một chế độ, nhà nước nên nó ít gây cản trở ngoại giao hơn. Nó chỉ bắt cá nhân lãnh đạo phải chịu trách nhiệm mà ít làm bẽ mặt cả một chế độ độc tài. Có thể đặc điểm này của luật sẽ làm cho các quan chức các chế độ vi phạm nhân quyền phải cố gắng và tranh đua nhau để tạo dựng hình ảnh đẹp đẽ hơn cho cá nhân mình, bất chấp mình thuộc một chế độ bất hảo nào đi nữa. Đó là điều thuận lợi cho nhân quyền, tất nhiên nếu những người bảo vệ nhân quyền biết làm đúng cách để luật này phát huy tác dụng.
Chính quyền Việt Nam cũng sẽ phản ứng “giãy nảy” tương tự như mọi lần họ bị thế giới đả kích về thành tích nhân quyền tồi tệ. Nhưng vì họ khá giỏi trong việc đàn áp, nên họ sẽ tìm cách cản trở các nỗ lực của các nhà hoạt động nhân quyền khiến luật này có mà cũng như không. Bởi vì muốn nó phát huy tác dụng, chúng ta cần làm đầy đủ các công việc nhằm tạo hiệu lực cho nó. Hoa Kỳ và quốc tế không tự dưng nắm bắt và can thiệp vào tình hình nhân quyền Việt Nam được. Những bước đó như sau:
- Thu thập và phối kiểm thông tin vi phạm.
- Thực hiện bản báo cáo theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc.
- Vận động Lập pháp Hoa Kỳ chuyển hồ sơ trực tiếp đến tổng thống hay qua Bộ Ngoại giao.
- Vận động Hành pháp Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chế tài tương thích với mỗi hồ sơ vi phạm.
Nếu các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam làm tốt và đầy đủ các công việc này thì chính quyền độc tài Việt Nam sẽ thực sự bị áp lực phải cải thiện hồ sơ nhân quyền của họ. Vì thế, chính quyền Việt Nam sẽ không bỏ qua cơ hội nào nhằm phá hoại nỗ lực đó ở cả quốc nội lẫn hải ngoại, nhằm làm cho sự phối hợp trong ngoài khó khăn để các hồ sơ khó hoàn thành.
Riêng Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam đã gửi một số thành viên của mình tham gia các khoá huấn luyện viết báo cáo vi phạm nhân quyền đúng quy chuẩn Liên Hiệp quốc và liên kết với bên ngoài để đệ trình các hồ sơ. Tuy nhiên, không phải là không có những khó khăn cần khắc phục về phía các nhà hoạt động trong nước, đó là họ chưa thực sự chú tâm vào các công việc tẻ nhạt và thầm lặng này. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều tổ chức xã hội dân sự trong nước vận động quốc tế theo cách này.