Tôi đang ngủ trong căn chòi canh cá. Chẳng phải của nhà mà là của gia đình một người bạn. Cha anh đi tù cải tạo, mẹ làm hãng dệt ba cọc ba đồng nên không đủ sống. Ông ngoại của bạn tôi đã già, nhưng phải lặn lội ra tận Vũng tàu để làm thủ kho cho một công trình xây dựng. Ông cai thầu công trình ấy có gia đình ở chung xóm với chúng tôi, ông thấy ông ngoại của bạn tôi hiền lành, thật thà, nên ông đưa ông ngoại đi coi kho trong thời buổi quá nhiều kẻ cắp.
Nhà bạn tôi chỉ còn bà ngoại lo toan từ trong ra ngoài, lo hết mọi việc cho đàn cháu thơ ngây. Tôi nhớ lắm những món ăn dân dã mà bà ngoại của bạn tôi thường cho tôi ăn khi tôi đến chơi nhà. Một hôm, vừa ăn xong món bánh khoai mì nướng thật ngon. Bà ngoại nhờ hai đứa: “Thôi, tụi bay đừng có đi đá banh, tắm sông, chiều nay nữa. Giúp ngoại đốn mấy cây khuynh diệp ngoài bờ sông…”
Tôi tưởng ngoại cần củi, nhưng không. Thì ra bà ngoại định cất căn chòi ngoài ao cá vì dạo này đêm nào cũng có người câu cá trộm hay hái dừa trộm mà ngoại trồng giáp vòng bờ ao để khỏi sạt bờ. Đó là hai nguồn thu nhập phụ của gia đình trước kia, nhưng đã trở thành chánh trong hoàn cảnh mới của xã hội mới. Bà ngoại muốn đốn sẵn bốn cây khuynh diệp bằng bắp đùi, để khi ông ngoại về thì ông ngoại cất căn chòi ngoài ao. Bà ngoại sẽ ngủ đêm ở chòi để canh trộm…
Rồi chú Tư (cai thầu xây dựng) chỉ đưa tiền lương của ông ngoại về cho bà ngoại. Chú cho biết, ông ngoại khỏe, nhưng công việc nhiều lắm, ông ngoại không về được.
Ở nhà, chúng tôi tự cất lấy căn chòi ngoài ao cá. Lần đầu tiên trong đời hai chú nhóc tự xây dựng một công trình. Vì nó nằm cạnh bờ ao nên gọi là căn chòi chứ nhìn rất khang trang, đẹp đẽ hơn nhiều cái chòi ọp ẹp của người miền bắc, miền trung đổ vào, người từ các vùng kinh tế mới dạt về… họ chỉ cắm bốn cây cọc với tấm mái che bằng ny-lon hay tôn sét, dọc theo bờ sông, là hình ảnh cả nước sau biến cố 1975.
Chúng tôi làm căn chòi mái tranh, vách đất bện rơm, chẳng tốn đồng nào nhưng tươm tất, xinh xắn. Từ hôm hai đứa đứng ngắm công trình đầu đời của mình, tôi đã linh cảm được cả tôi và người bạn nhỏ trong xóm, bạn học, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ quên công trình này! Và đúng như linh cảm ấy, người bạn tôi may mắn đi ké được chiếc xuồng vượt biên bị mắc cạn ở khúc sông quê tôi, bạn tôi là thổ địa nên dẫn độ chiếc xuồng thoát bãi cạn và kết quả là đi luôn với họ.
Tôi còn lại một mình, rất lẻ loi và buồn. Cứ vài hôm lại nghe cô em kế của người bạn nói với tôi trong sân trường: “Đêm qua, em với ngoại ngủ ngoài chòi vì người ta trộm cá, trộm dừa, dữ quá!” Đến hôm nghe cô em chúng tôi nói: “Đêm qua, em với ngoại ngủ ngoài chòi. Thì người ta ăn trộm trong nhà. Bị mất cái đầu máy may với máy cassette nghe cải lương của ngoại. Ngoại khóc quá chừng!”
Từ đó, đêm nào tôi cũng ngủ chòi, để canh trộm. Có lẽ tôi là con nhà di cư, ông bà nội ngoại đều chết cả với phong trào đấu tố ngoài bắc. Tôi không biết mặt ông bà nội ngoại của mình nên dễ cảm kích những đối xử của bà ngoại của người bạn. Nhiều khi chỉ là củ khoai từ luộc, cái bánh ú, chẳng hề lớn lao gì. Nhưng việc ngoại để dành cho tôi, xấp nhỏ trong nhà không được động đến, thật làm tôi cảm kích. Phần khác, tôi cũng không có em gái. Có mỗi thằng em trai thì nó cậy thế con út, làm ông trời con trong nhà; nó phá phách rồi đổ thừa cho mình thì nó vô tội vạ. Nhưng mình đục nó thì lớn chuyện ngay với đòn roi của mẹ. Hình như tôi rất quý cô em của người bạn.
Những đêm tôi ngủ trong chòi, hay những chiều làm toán, học bài cũng trong không gian ấy. Tôi thường ngắm tấm hình thằng bạn ở Mỹ gởi về, nó mặc đồ lạnh nên thấy nó có phần to lớn hơn cả tôi. Đọc những lá thơ nó viết cho gia đình và tôi, cũng chỉ xoay quanh bà ngoại và cái chòi là cái nó nhớ nhất trong đời sống mới ở hải ngoại. Nhưng tôi thích một mình trong không gian yên lắng của căn chòi mát rượi quanh năm, muốn ngồi, nằm tự tại mà ngắm những bông hoa trên vách đất bện rơm do cô em gái của chúng tôi trang trí. Những hoạ tiết thật đơn giản của cô em làm nổi bật tính chất giản đơn và lòng đôn hậu, tôi nhớ bức tranh thêu màu mè và thơ dại như chính những bông hoa sao nhái trên tường. Đàn anh càng hỉnh mũi khi cô em dẫn bạn bè về chơi nhà, thể nào cũng dẫn những khách nhí ra xem công trình xây dựng của hai ông anh. Tôi mười lăm, mười sáu, đứng nghe đám con gái mười bốn, mười ba hết lời khen ngợi mình thì sướng hơn lên trời.
Tôi coi căn chòi đó như nhà riêng của mình, nên khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống vào buổi chiều, chợt nghe tiếng dế gáy rả rích trong vệ cỏ, mớ rơm ủ gốc cây ăn trái trồng quanh căn chòi. Loáng thoáng vài chú bé con đi tìm bắt dế, làm sống dậy một đoạn đời không bao lâu trước đó mà như đã thật xa, tôi với tên bạn cũng trông mưa tạnh để đi bắt dế. Những con dế đá sau mưa từ trong chỗ nấp, hang hốc bay ra, hạ cánh bất ngờ và cất tiếng gáy để gọi bạn tình là những chị dế mái tới kỳ sinh nở, chỉ một chiều mưa dứt hạt, đôi bạn dế đã vui vẻ dắt nhau về tổ ấm của mình, để rồi những ngày sau đó là một đàn dế nhí ra đời. Có hôm, hai anh em tôi bị mưa nhốt trong căn chòi tối sớm vì mưa, chúng tôi muốn nói với nhau thật nhiều. Nhưng ngồi hàng giờ này qua giờ khác, chỉ biết nhìn nhau rồi lỏn lẻn cười – cho tới tiếng ngoại ơi ới gọi ăn cơm…
Ôi những con dế mang tiếng gáy đều có số phận riêng của nó. Con dế trống với tiếng gọi bạn tình càng tha thiết thì tiếng gáy bắt nạt đối thủ càng lanh lảnh, vang dội mà lũ trẻ gọi là tiếng gáy tướng quân thì bọn trẻ rình rập cho đến bắt được mới thôi. Và tội nghiệp tướng quân khi đã sa vào tay bọn trẻ con như lòng người khi đã sa vào những lụy phiền tình cảm. Tôi không chỉ bọn nhỏ cách dụ khị cho con dế trống xuất đầu lộ diện vì thương nó hơn bọn nhỏ hay thương mình cũng vậy! Rời xa tổ ấm là không về, như bạn tôi đó! Nhưng lưu luyến mãi thì không phải là một dũng sĩ trên đấu trường nghiệt ngã của loài dế trống, không phải trai thời biển gọi mà cứ giấu thân trong căn chòi hoa mộng.
Dù sao, tôi cũng ăn năn là không chỉ cho bọn nhỏ dùng giá sống, cứ chà xát một nhúm giá vào lòng hai bàn tay thì chú dế trống hung hăng cách mấy cũng từ trong đất nẻ chui lên, sẽ nằm yên trong đôi tay trẻ nhỏ vì dế trống mê giá sống khỏi nói. Nhưng bọn nhỏ sau đám trẻ chạy giặc chúng tôi là những đứa trẻ tha phương cầu thực từ bắc, trung đổ vào nam, chúng không có những kinh nghiệm địa phương trong nam như muốn đi bắt dế thì phải tìm giá sống trước; như đi thọt ổ kiến để làm mồi câu cá rô… muốn ăn trộm trứng ngỗng thì phải giã hành lá mà tha lên hai tay, bởi ngỗng coi nhà giỏi như chó nhưng sợ rắn hổ hành. Hai tay tha đậm hành lá giã nhuyễn mà thò vào ổ trứng ngỗng thì ngỗng mẹ nằm im re, không dám oang oang cái miệng ngỗng mái nữa…
Đêm nằm nghe tiếng dế mơ hồ. Nhớ thời nuôi dế, con nào thắng thì được cho ăn giá sống để tăng cường sinh lực, lại còn cho uống sương đọng trên lá để trở thành nhà vô địch trong những trận đấu kế tiếp. Nhưng con nào bại trận thì thê thảm trong bàn tay trẻ con đã biết ác, sẵn sàng ngắt đầu, cắm vào cây tăm nhang để ngoáy râu chọc tức những chú dế khác trước khi tử chiến với những con dế trống khác nữa.
Nhưng đó là những đứa trẻ quê như chúng tôi mới chơi sang là dám ngắt đầu một con dế trống chỉ đề làm cây nhử, cây mồi, trêu tức những con dế trống khác. Còn trẻ con trong thành phố thì tội lắm! Chúng phải nhịn ăn sáng để lấy tiền mua dế từ những ông bán dế ở cổng trường. Các ông lái dế này đạp xe chở giỏ đựng dế từ những vùng ngoại ô như Nhà Bè, Long An, Hóc Môn, Củ Chi vào thành phố. Dế được đựng trong hai chiếc lồng tre hay chuồng lưới kẽm, chúng bò lúc nhúc những dế than, dế lửa…, có những chú dế thiếu bình tĩnh trong lao tù (chuồng), chúng vỗ cánh gáy vang, tạo thành âm thanh huyễn hoặc cả góc phố, trước một cổng trường; Âm thanh thôi thúc, hấp dẫn hết lớp trẻ này đến lớp trẻ khác bỏ tiền ra mua về đựng trong những hộp diêm quẹt, bao thuốc lá, để nhớ hoài tuổi thơ với trò chơi đá dế.
Nhớ ngập lòng những sáng tinh mơ,lúc trời hửng sáng, cỏ đồng còn đọng hơi sương. Khi nghe tiếng dế gáy vang từ xa thì cứ nhắm hướng mò tới. Phải đi chậm lại, không gây tiếng động, mà mắt căng lên hết cỡ để làm người hô hoán đầu tiên là, “tao thấy con dế đó trước. Nó là của tao!” Nếu cần đánh lộn chút đỉnh thì không cần ra tay nhiều mà cứ gáy to lên như dế là những đứa yếu bóng vía sẽ không tranh giành nữa!
Nghĩ lại lũ dế chỉ gáy vang từ sáng tinh mơ tới khi trời vừa hửng nắng thì im tiếng, chui vào hang. Đến trưa chúng lại gáy một chập, lúc này không phải tiếng vỗ cánh thị oai, mà âm thanh ngắt khoảng như tiếng người ta chắc lưỡi, đó là tín hiệu chú dế đang gù bạn tình. Rình dế buổi trưa, chờ chúng ọ ẹ là thời điểm dễ tóm cổ nhất. Kể ra bao nhiêu cho vừa năm xui tháng hạn trong tuổi thơ và trò chơi bắt dế, đá dế. Nói dễ ẹt thế chứ chỉ cần lỏng lẻo một kẽ tay, con dế trống bự sự thoát được là dẫn vợ chui ngay xuống đất nẻ. Có mà đào bới toát mổ hôi, nhiều khi cũng công cốc nếu lưỡi cuốc phập vào con dế trống…
Nhưng mưu sự tại nhân thành sự tại thiên, nhiều khi trời cho bắt được con dế đáng công đào, nhưng khi cho vào lọ, hộp lại sảy tay nên hoá ra công cốc; và tức nhất là con dế ngon lành đã trong tay mà sảy thì tiếc ơi là tiếc, tiếc chết được khi bị sảy dế than hay dế lửa. Dế than thì toàn thân đen như than. Dế lửa đầu vàng cam như lửa, chân đen, thân hình màu vàng lửa. Dế than ra đòn chậm, nhưng lỳ đòn. Dế lửa ra đòn hỗn nhưng vài đòn không thắng là chạy ngay.
Đá dế không phân dế lửa hay dế than, chỉ so ngang lớn nhỏ là cáp độ. Cũng có những trường hợp ly kỳ tuổi nhỏ là từ trời ban cho một chú dế ốc tiêu (nhỏ xíu) nhưng lỳ đòn và ra chiêu độc! Có “ốc tiêu” cỡ đó thì cáp độ một ăn hai cũng chẳng sợ. Và sướng nhất là tiếng gáy vang dội của kẻ chiến thắng nhưng nhỏ xíu xiu, vừa gáy chiến thắng vừa nhìn theo đối thủ bự sự mà chạy dài…
Đêm đông, lòng tôi như trẻ lại với tuổi nhỏ ở quê nhà. Tiếng dế đêm đông đong đầy kỷ niệm những tháng năm đẹp đẽ trong đời, bỗng bị tiếng đồng hồ báo thức phá bĩnh dòng nhớ. Hé mành cửa sổ ngó ra ngoài trời,tuyết trắng cả sườn đồi, mới biết tiếng dế đêm đông chỉ là mơ thôi. Giờ này trên đông bắc Hoa Kỳ, tên bạn nhỏ chắc cũng nằm mơ thấy dế ngủ quên bên chòi; Không biết bên Đông Đức, cô em còn chút gì để nhớ để quên. Hay bà ngoại trẻ cũng đang kể chuyện căn chòi và tiếng dế quê xa…
Phan