logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 05/02/2017 lúc 11:04:21(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Đêm đã khuya, đường vắng không một bóng người. Chiếc xe tuần tiễu của cảnh sát chạy chầm chậm quanh thành phố một vòng rồi đổi hướng đi dọc theo bờ biển. Không thấy có gì khác lạ, viên cảnh sát dừng lại, cho xe tấp xe vào lề đường và bước xuống đi bộ. Đêm nay ông có nhiệm vụ kiểm soát an ninh ở khu vực này. Đây là khu bãi sau Vũng Tàu, một vùng biển rất đẹp, bãi cát sạch và nước biển xanh trong. Vào mùa hè, thiên hạ ra đây nghỉ mát đông lắm, nhưng ít ai dám bơi ra xa, vì nơi đây có sóng lớn nguy hiểm. Một lá cờ màu đen vẽ hình sọ người với hai khúc xương chéo nhau để cảnh báo du khách, thế mà vẫn có những người bất chấp hiểm nguy, cứ liều lĩnh bơi ra thật xa để chơi trò nhảy sóng, hoặc trượt ván nuớc. Đã xảy ra nhiều vụ chết đuối, nên người ta dựng một chòi canh để quan sát và báo động cho toán cứu cấp trên cái tàu đậu ở ngoài khơi, để kịp thời cứu những người đang bị sóng cuốn.

Chòi cao độ bốn, năm mét, lên chòi phải dùng thang. Chòi xây trên một cái sàn bằng xi măng chống bởi bốn cái cột cũng bằng xi măng trông vững chắc, nhưng cái chòi lại nhỏ xíu, giống như một túp lều nhỏ, diện tích chưa tới bốn mét vuông, vừa đủ cho một người ngồi thoải mái để nhìn ra xa, dùng ống dòm quan sát. Chòi có mái che nắng làm bằng tôn, phủ một lớp sơn màu nâu , xung quanh là bốn bức vách gỗ chỉ cao tới ngực, phía trên tứ bề đều để hở. Một trong bốn bức vách để chừa một khoảng trống nhỏ làm cửa ra vào, duới chân cửa là một cái thang bằng sắt có tay vịn, nối liền với mặt đất. Bây giờ đang là mùa đông, không ai đi tắm biển vào thời tiết lạnh như thế này, nên chòi bỏ không.

Viên cảnh sát nhìn đồng hồ đã hơn 11 giờ khuya, đang giờ giới nghiêm. Thành phố thời chiến tranh im lìm như thành phố chết, ngoài đường không một bóng người, những bóng điện đường toả ánh sáng vàng vọt càng tăng thêm vẻ thê lương. Xa xa, biển đang gầm thét, sóng lớn ầm ầm xô vào bờ, gió ào ạt đem theo hơi nước càng làm không khí thêm lạnh lẽo. Tay cầm cây đèn pin, ông bước những bước thong thả dọc theo bãi vắng. Ngang qua cái chòi, ông dừng lại, châm một điếu thuốc. Khói thuốc làm ông cảm thấy ấm hơn, ông nhìn bóng mình đổ dài trên bãi cát, rồi lại nhìn ra ngoài khơi. Biển cả mênh mông bây giờ trông giống như một khối đen khổng lồ đang dập dềnh lên xuống, nước triều lên làm mặt biển như bị nâng cao. Thiên nhiên về đêm đầy vẻ bí hiểm và đe dọa.

Ông nghĩ giờ này mà được chui vào chăn ấm thì sướng biết mấy. Rồi ông lại tặc lưỡi nhủ thầm, cũng chỉ còn hơn một tháng nữa là mình sẽ đổi qua làm ca ngày, thôi ráng chịu khó thêm một thời gian ngắn nữa. Ở đồn cảnh sát này, người ta chia phiên làm đêm, mỗi người phải làm ca đêm hai tháng, sau đó đến lượt người khác.

Năm nay, thời tiết mùa đông có vẻ khắc nghiệt hơn mọi năm. Ông quấn lại cái khăn quàng cổ cho bớt lạnh, thì bỗng nghe có tiếng trẻ khóc, tiếng khóc yếu ớt nghe như tiếng mèo kêu, chỉ vài giây rồi im bặt. Thoạt đầu ông cứ tưởng mình nghe lầm, có lẽ chỉ là tiếng gió. Nghe ngóng một hồi, không thấy động tĩnh gì thêm, ông dụi tắt điếu thuốc rồi lại tiếp tục nhiệm vụ tuần tiễu. Nhưng khi ông vừa dợm cất bước thì tiếng khóc lại cất lên, lần này rõ hơn, đó là tiếng khóc của một đứa bé sơ sanh chừng vài tháng tuổi. Ông nhìn quanh quất, không thấy ai cả, ông rợn người nghĩ đến chuyện ma quỷ.

– Hừ, có lẽ nào…

Như để trả lời, tiếng khóc lại vang lên ngằn ngặt, xen lẫn trong tiếng khóc là những tiếng nói ngắt quãng như xoa dịu, hay dỗ dành chẳng biết, nhưng rõ ràng là tiếng người. Ông định hướng và thấy những tiếng động đó phát ra từ phía cái chòi canh. Vội vàng đề cao cảnh giác, ông đặt tay lên báng súng, thận trọng bước tới. Khi còn cách cái chòi chừng vài thước, ông dừng lại quan sát. Chòi cao ngang cột điện, nên ánh đèn soi vào bên trong, cái chòi cũng sáng như có đèn. Ông nhìn thấy rõ có người đang ngồi gần cửa. Theo thói quen nghề nghiệp, ông lùi lại mấy bước, cất tiếng hô dõng dạc, ra lệnh:

– Cảnh sát đây! Những người ở trên đó hãy xuống hết!

Không có tiếng trả lời, cả tiếng trẻ khóc cũng im bặt dường như đang bị bịt miệng. Chờ thêm vài phút vẫn không thấy động tĩnh, ông dùng cán cây đèn bấm gõ mạnh vào cái thang sắt, nói lớn hơn:

– Tôi lặp lại, đây là cảnh sát! Ra lệnh những người trên chòi phải xuống hết, nếu không tôi sẽ bắn.

– Ấy chớ, đừng bắn! Tôi xuống ngay đây, ông cảnh sát.

Tiếng một người phụ nữ kêu lên hốt hoảng. Tiếp theo là những tiếng khua động lịch kịch, và từ trên khung cửa, một người đàn bà xuất hiện, một tay bế đứa bé, tay kia vịn thang, run rẩy leo xuống. Ông sửng sốt nhận ra đó là một cô gái rất trẻ, chỉ chừng 17, 18 tuổi, trên khuôn mặt hốc hác, đôi mắt mệt mỏi vì thiếu ngủ đang mở to đầy vẻ sợ hãi. Cô ta mặc một cái áo lính đã cũ và bẩn thỉu, chân đi đôi dép nhựa, dáng nghèo khổ, lam lũ nhưng không có vẻ bất lương. Xuống tới mặt đất, cô ta vội ôm chặt đứa bé vào lòng để che cho nó khỏi lạnh. Ông hỏi:

– Trên kia còn ai nữa không?

Bấy giờ cô ta mới ngẩng lên, thấy trước mặt mình là viên cảnh sát già, tóc bạc hoa râm, trông có vẻ hiền lành, cô yên tâm và giọng đã hết run:

– Dạ không! Chỉ có mình cháu và đứa bé.

– Để tôi kiểm chứng lại đã.

Ông nói và leo lên thang, tới lưng chừng, ông bật đèn pin, lia chùm ánh sáng rà một vòng khắp căn chòi nhỏ để kiểm soát. Không thấy có dấu hiệu gì khả nghi, ông đi xuống và dịu giọng hỏi:

– Con ai thế? Không phải cô bắt cóc nó để đòi tiền chuộc đấy chứ?

– Dạ cháu đâu dám. Đứa bé này là con của cháu.

– Có gì chứng minh không?

– Cháu sẽ cho nó bú, chắc nó cũng đang đói.

Vừa nói, cô ta vừa vạch áo sửa soạn cho con bú. Ông vội vã xua tay:

– Thôi khỏi, để lát nữa đi, tôi tin cô. Bây giờ cho tôi coi thẻ căn cước.

– Thưa ông cảnh sát, cháu mới 17, chưa đến tuổi lấy thẻ căn cước.

Nhìn khuôn mặt non choẹt của đứa con gái, ông cau mày thở dài:

– Hừm! mới 17 tuổi mà đã bụi đời, bỏ nhà đi hoang?

– Thưa ông, cháu đâu có bỏ nhà đi…

– Nếu vậy tại sao cô lại ở đây giờ này? Cô có gia đình không? Nhà cửa, cha mẹ cô đâu?

Cô gái cúi đầu buồn bã, ngần ngại một hồi, rồi mới bắt đầu kể:

– Má cháu mất rồi, cháu ở với cha và mẹ ghẻ. Ba cháu làm nghề đi biển, lâu lâu mới về nhà, ổng chẳng bao giờ để ý đến cháu, phó mặc cháu cho mẹ kế muốn đối xử với cháu ra sao cũng kệ. Cháu học hết tiểu học thì phải ở nhà giữ em và làm việc nhà cho mẹ ghẻ cháu rảnh rang đi đánh bài. Cách đây mấy tháng, ba cháu bị tai nạn, hôm đó bão lớn lắm, ghe đánh cá của ba cháu bị lật, ba cháu bị sóng cuốn đi mất tích. Mẹ ghẻ cháu nói vận đen là tại cháu, bà không muốn chứa đứa con gái chửa hoang ở trong nhà xui xẻo, nên đuổi cháu đi…

– Thì ra là vậy, thế cô không có chồng à?

Cô gái cúi mặt giấu vẻ xấu hổ, ngượng ngùng, một lúc mới lí nhí nói:

– Cháu có bạn trai, tụi cháu thương nhau, nhưng không có tiền làm đám cưới.

– Cha đứa nhỏ đâu rồi? Anh ta phải có trách nhiệm chứ?

– Anh ấy thương cháu lắm, nhưng chưa có điều kiện đem cháu theo. Anh Bình là lính, đang đi hành quân.

– Cơ khổ, chưa có điều kiện lập gia đình mà lại để cho có con, tệ quá. Thế gia đình anh ta có biết việc này không? Họ khoanh tay làm ngơ à?

– Anh Bình mồ côi cả cha lẫn mẹ từ thuở nhỏ, anh sống trong viện mồ côi, lớn lên đi lính nhảy dù, bây giờ là hạ sĩ nhất. Bình không có bà con thân thuộc nào hết.

Viên cảnh sát thấy lòng se lại, cô gái này lâm vào đường cùng rồi, không biết nên giúp cô ta bằng cách nào? Nghĩ ngợi một hồi, ông thở dài:

– Tội cho cô quá, nhưng cô không thể ở đây được. Tôi sẽ đưa cô vào viện tế bần, ở đó họ nuôi cơm, và có chỗ trú cho hai mẹ con.

– Lạy ông đừng làm vậy, cháu chết mất.

– Sao thế? Vì lẽ gì cô không muốn vào đó? Cho dù viện tế bần chẳng phải là một nơi sung sướng, thoải mái, nhưng ít nhất cô cũng có cơm ăn, và không phải ở ngoài trời những đêm lạnh như thế này.

– Cháu còn tiền ăn. Trước khi theo đơn vị đi hành quân, Bình cho cháu một số tiền, và hẹn tết này về phép sẽ lo cho mẹ con cháu. Từ giờ đến tết cũng chỉ còn chưa tới một tháng nữa…

Thấy ông làm thinh, cô năn nỉ:

– Tiền anh ấy cho, cháu nhín nhút cũng còn lại chút ít, nhưng không đủ để mướn nhà. Xin ông cho cháu ở tạm đây ban đêm thôi, ban ngày cháu sẽ làm bất cứ việc gì người ta mướn để kiếm tiền nuôi con, trong khi chờ ba nó về.

– Nhưng ở đây lạnh lắm, cô và đứa bé sẽ bị ốm mất.

– Đỡ hơn là ở ngoài trời, vì dù sao mẹ con cháu cũng có được cái mái che, và bốn bức vách tuy thấp nhưng cũng chắn gió được phần nào, nếu nằm ngay xuống sàn.

Ông cau mày, hoàn cảnh cô gái này đáng thương quá, nhưng ông không thể làm sai nguyên tắc. Buồn bã, ông lắc đầu:

– Không được đâu, đây không phải là chỗ trú cho những người vô gia cư. Địa điểm này thuộc khu vực an ninh do tôi phụ trách, nếu có ai báo cáo có người ở lậu nơi đây, thì tôi sẽ bị khiển trách vì không làm tròn nhiệm vụ.

Cô ta oà lên khóc:

– Cháu không muốn ông bị rắc rối, nhưng quả thật cháu không biết phải làm thế nào… Bình không biết là cha cháu mới chết, và cháu bị đuổi ra khỏi nhà. Nếu cháu bị bắt vô viện tế bần thì anh ấy làm sao kiếm được cháu? Bình hẹn khi về phép sẽ tới đây tìm mẹ con cháu, vì trước kia tụi cháu vẫn hẹn hò ở chỗ này. Ngày nào cháu cũng bồng con ra đây chờ…

Viên cảnh sát chợt thấy tim xao động, ông nhìn người mẹ trẻ đang ôm con đứng co ro trong gió lạnh, với vẻ thương cảm. Ông bối rối không biết phải hành động như thế nào? Hơn ba mươi năm tận tụy trong nghề cảnh sát, ông được tiếng là một người có tinh thần trách nhiệm, làm việc đúng nguyên tắc. Chưa bao giờ ông gặp một trường hợp khó xử như lần này. Đúng lý ra thì ông phải đưa cô ta về bót, và chắc chắn cô sẽ bị tống vào viện tế bần cùng chung với đủ mọi hạng người cặn bã của xã hội: những tên lưu manh, du thủ du thực, những gái điếm ăn sương, những tên ghiền ma túy, lưu manh, bụi đời… Viện tế bần tiếng là trạm cứu tế, nhưng thật sự chỉ là một trại giam lỏng, điều kiện sinh sống rất tồi tệ, luật lệ lại khắt khe nên chẳng ai muốn vô, những người vô gia cư vẫn thích ở bên ngoài, cho dù có bị đói khát. Làm vậy thì ông không nỡ, nhưng nếu làm ngơ cho cô ta ở trong cái chòi này là bất hợp pháp.

Ông thừ người suy nghĩ, giữa lương tâm và chức nghiệp, ông không biết phải nghe theo bên nào. Cô gái này có vẻ lương thiện và ngây thơ rất đáng thương, cô ta chỉ có một hoài bão nhỏ là đợi người tình về, anh ta sẽ có kế hoạch để lo cho mẹ con cô. Một mối tình nghèo thật cảm động, và những lời van xin của cô làm ông mủi lòng, nên ông cứ đứng đó mà suy nghĩ, đắn đo cân nhắc mãi. Sau cùng lòng trắc ẩn đã thắng, ông nghĩ thầm cũng chỉ còn hơn ba tuần nữa, thôi thì hãy cho cô ta một cơ hội, biết đâu… Còn việc làm sai nguyên tắc, ta sẽ giải thích với cấp trên sau. Đứng thẳng người lên, ông nói:

– Thôi được, tôi sẽ lờ đi cho cô, cô có thể ở đây cho tới hết ngày mùng 3 Tết. Đó là tất cả những gì tôi có thể giúp cô trong quyền hạn của tôi, sau đó tôi sẽ không nhân nhượng với cô nữa.

– Cháu cũng chỉ xin có thế, cám ơn ông ngàn lần.

Vừa nói cô ta vừa quỳ xuống, chắp tay lạy như tế sao. Ông bất nhẫn quay đi, nói:

– Đứng lên đi! đừng làm thế. Cô có thể ở tạm lúc ban đêm, nhưng ban ngày cô phải rời khỏi đây trước khi trời sáng, kẻo mọi người qua lại sẽ thấy.

– Dạ! cháu hứa sẽ ra đi thật sớm, cháu cũng giữ sạch sẽ, không xả rác và không để lại dấu vết gì, ông yên tâm.

– Thôi bây giờ hai mẹ con lên chòi đi nghỉ đi.

Nghĩ ngợi làm sao, ông cởi cái khăn len trên cổ, đưa cho cô ta:

– Ở đây gió máy, cô hãy dùng tạm cái khăn quàng của tôi quấn cho cháu bé, đừng để nó bị lạnh.

Rồi ông ra xe, lái tới một khách sạn đang xây cất ở gần đó, đi vòng ra phía sau, chỗ người ta để những vật liệu phế thải, ông tìm được mấy miếng giấy carton lớn. Quay trở lại cái chòi, ông đưa cho cô gái:

– Cô lấy mấy tấm bìa cứng này, che lên chỗ trống để chắn gió. Nhớ dẹp đi khi trời sáng, đừng để người ta thấy.

Đứa bé bỗng ré lên khóc làm ông giật mình, nghĩ ngợi một lúc, ông lục trong túi áo, lấy hết số tiền lẻ đưa cho cô ta:

– Cầm đi, mai mua sữa cho đứa nhỏ, đừng để nó đói tội nghiệp.

Nói xong, không cần nghe cô ta cám ơn, ông bỏ đi, lòng nửa vui, nửa buồn nhưng nhẹ nhàng thanh thản vô cùng. Từ đó, mỗi khi đi tuần ở khu vực này lúc ban đêm, ông vẫn nhìn thấy bóng hai mẹ con người đàn bà khốn khổ trong cái chòi bỏ hoang.



Một tuần trước tết nguyên đán, viên cảnh sát được nghỉ phép, ông đưa cả gia đình về quê vợ ở Bạc Liêu để ăn tết. Khi trở lại, ông không thấy hai mẹ con họ đâu nữa, căn chòi bỏ trống, mọi vật vẫn y như cũ. Cô ta đã giữ lời hứa, ra đi không một lời từ giã. Ông băn khoăn không biết số phận hai mẹ con họ ra sao, trôi nổi về đâu? Ông bồi hồi thương cảm một lúc rồi quay bước, ông phải tiếp tục nhiệm vụ.

Thời gian qua, mọi việc chìm vào quên lãng, cho tới ba tháng sau, ông nhận được một bức thư gởi về ty cảnh sát Vũng Tàu, một bức thư rất đặc biệt, không có tên người nhận, ngoài phong bì chỉ đề có dòng chữ “Gởi người cảnh sát tuần tiễu khu bãi sau trong khoảng thời gian trước Tết.” gởi về ty cảnh sát Vũng Tàu, vậy mà cũng tới tay ông. Tò mò, ông mở phong bì, một lá thơ rơi ra:

“Trại gia binh Long Bình ngày… tháng… năm 1969

Thưa ông cảnh sát,

Cháu rất ân hận đã sơ ý không hỏi để biết tên ông, ân nhân của gia đình cháu. Chắc ông còn nhớ người thiếu phụ trẻ với đứa con nhỏ ông gặp trong cái chòi hoang ở bãi sau Vũng Tàu, cách đây vài tháng? Chính là cháu đó. Nhờ lòng nhân của ông, mẹ con cháu đã sống sót qua mùa đông. Chồng cháu đã về kịp lúc để lo cho mẹ con cháu. Anh Bình đã xin được một căn nhà ở trong trại gia binh và đón mẹ con cháu về, căn nhà tuy nhỏ nhưng rất ấm cúng.

Trước khi rời khỏi nơi đây, vợ chồng cháu có đi tìm ông để từ giã, nhưng không được gặp, cầu mong thư này sẽ tới được tay ông, để ông được biết một tin vui về hai mẹ con cháu. Anh Bình và cháu mới làm hôn thú, và khai sanh cho đứa nhỏ. Bây giờ cuộc sống của vợ chồng cháu đã tạm thời ổn định, Bình có lương hạ sĩ, được thêm tiền trợ cấp vợ con, còn cháu buôn bán lặt vặt phụ thêm, nên cũng đủ sống. Gia đình cháu có được ngày nay, một phần cũng là nhờ ông đã cho cháu một cơ hội.

Cháu rất mong được gặp lại ông, một người cảnh sát rất nhân từ, tốt bụng. Khi nào có dịp đi ngang qua trại gia binh ở dưới chân đồi Long Bình, cách Biên Hòa chừng một cây số, xin mời ông ghé chơi, nhà chúng cháu ở dãy H, nhà số 32, cho vợ chồng cháu được nói một lời tri ân. Cầu xin Phật trời phù hộ cho ông và gia đình ông được mọi điều tốt lành.

Kính thư

Nguyễn Thị Nhiên và chồng là Đỗ An Bình”

Đọc xong lá thư, viên cảnh sát mỉm cười cảm động, không ngờ hành một vi nhân đạo nhỏ nhoi, không đáng gì lại có thể cứu vãn cuộc tình của hai người trẻ tuổi đáng thương. Ông nhủ thầm, bây giờ ta có thể yên tâm về họ, nhưng còn ta, danh dự của một người cảnh sát không cho phép ta nói dối, không thể cứ giấu nhẹm mãi chuyện này. Bổn phận của ta là phải báo cáo hết sự thật, rồi tới đâu thì tới, cho dù có bị khiển trách hay bị hình phạt nào chăng nữa, ta vẫn không buồn vì đã làm được một việc đúng với lương tâm. Nghĩ vậy, ông mạnh dạn cầm lá thư tới Ty Cảnh sát, xin gặp ông trưởng phòng. Chậm rãi ông kể lại hết sự việc, nghe xong, ông trưởng phòng tên Hoà cười ha hả, vỗ vai bạn mà rằng:

– Nếu cậu cứ lờ đi không nói thì cũng chẳng ai biết, nhưng mà cậu đã tự ý khai ra… Hà hà! cũng tốt thôi, nhưng đã biết cậu vi phạm nội qui, thì tôi không thể không phạt cậu. Vì tinh thần tự giác, có thể cậu sẽ được hưởng trường hợp giảm khinh nếu báo cáo đúng hạn, đằng này để tới bây giờ là quá trễ. Tôi phạt cậu phải gác đêm hai tuần liền, bắt đầu từ thứ hai tới, thế cho một viên cảnh sát được nghỉ phép vì vợ đẻ. Thế nào? Có kêu ca oan ức gì không?

Ông lắc đầu, cười ngượng nghịu:

– Nếu đem lên bàn cân, thì hai tuần lễ phạt chắc chắn sẽ nhẹ hơn cái lá thư này nhiều.

– Tôi cũng nghĩ thế.

Cả hai cùng cười xòa, họ bắt tay nhau từ giã. Rời khỏi văn phòng, ông bước những bước nhẹ tênh trên hè phố. Ông phóng tầm mắt nhìn ra xa xa, cảnh vật hôm nay sao đẹp quá, chim chóc ca hót ríu rít, gió xôn xao và hoa cỏ dường như xanh tươi hơn mọi ngày. Mùa xuân đã về trên khắp nơi, thành phố biển dường như sinh động hẳn lên với những tiếng sóng rạt rào từ ngoài khơi xô vào bờ tung bọt trắng xoá, tiếng sóng nghe như tiếng reo vui, hay lòng ông đang vui? Ông nghĩ về đôi vợ chồng trẻ nọ, về cái gia đình nhỏ bé của họ và mỉm cười, thấy lòng ấm áp lạ thường.

Phương Lan

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.290 giây.