Giờ học trên máy tính của trường trung học Cormontaigne, Metz, Pháp, ngày 22/04/2016
JEAN-CHRISTOPHE VERHAEGEN / AFP
An ninh Pháp được đặt trên đôi vai của thế hệ trẻ, Shinzo Abe thuyết phục được Donald Trump hậu thuẫn đối đầu với Trung Quốc, trong khi Kim Jong Un giỡn mặt với tân tổng thống Mỹ. Hollywood, công cụ quyền lực mềm của Bắc Kinh, Đài Loan, ngọn hải đăng dân chủ tại châu Á là một số chủ đề chính trong mục điểm báo hôm nay, 13/02/2017.
Tình báo Pháp DGSE tuyển mộ 600 điệp viênCuộc vận động tranh cử tổng thống đến xung đột giữa giới trẻ với cảnh sát Pháp ở một vùng ngoại ô bắc Paris nay có nguy cơ lan rộng vẫn chiếm trang nhất. Nhưng Le Figaro, đập vào mắt độc giả với hàng tựa : Nước Pháp tuyển dụng một thế hệ gián điệp mới. Để đối phó với đe dọa càng ngày càng nghiêm trọng của khủng bố, của chiến tranh mạng, Tổng Cục Tình báo DGSE tuyển mộ 600 điệp viên từ nay đến cuối năm 2019, hầu hết là sinh viên mới tốt nghiệp.
DGSE cần những chuyên gia lỗi lạc từ giới kỹ sư, chuyên gia hạt nhân tên lửa, mật toán (cryptomathématicien) cho đến những sinh viên thông thạo nhiều sinh ngữ nhất là tiếng Ba Tư, tiếng Triều Tiên. Cơ quan phản gián DGSI, đặc trách an ninh quốc nội cũng tăng cường nhân lực từ khi nước Pháp trở thành mục tiêu của nhiều vụ tấn công đẫm máu. Để thu hút nhân tài, hai cơ quan an ninh Pháp trực tiếp gửi người đến tận các đại học danh tiếng của Pháp như Quốc gia Hành chánh, các trường kỹ sư đề nghị lương cao hơn xí nghiệp tư có thể lên đến 40.000 euro một năm cho một sinh viên mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm. Bên cạnh tiền lương hấp dẫn là những điều kiện nghiêm ngặt : những ứng viên được sơ tuyển phải chứng tỏ có năng khiếu hoạt động âm thầm, thất bại hay thành công đều ở trong bóng tối, tuyệt đối tôn trọng lời thề giữ bí mật quốc phòng, trung thành với đất nước…. Nếu có ý lấy vợ Trung Quốc hay du lịch Bắc Triều Tiên thì tức khắc ban tuyển mộ sẽ nhận được báo động đỏ.
Một trong những lo âu của tình báo Pháp là thiếu nhân viên giỏi tiếng nước ngoài. Cụ thể lực lượng chống khủng bố cần thêm 5 nhân viên thông thạo tiếng Ả Rập mà vẫn chưa có ứng viên đủ tiêu chuẩn.
Theo nhận định của nhật báo cánh hữu, chân dung điệp viên của cuối thập niên này hoàn toàn khác với những 007 do điện ảnh thể hiện mà phải là những con người có tinh thần dấn thân vì nước . Cũng như những sĩ quan đồng đội chiến đấu trên chiến trường, điệp viên thế hệ mới của Pháp cũng phụng sự đất nước, nhưng một cách âm thầm.
Trong khi các cơ quan tình báo củng cố tổ chức thì cảnh sát Pháp có mối lo âu khác mà Le Figaro cũng như l’Humanité đưa lên trang nhất : bạo loạn ở ngoại ô Paris có nguy cơ lan rộng sau vụ một thanh niên da đen bị bốn nhân viên cảnh sát bạo hành.
Theo RFI