Biểu tình tại Manila chống chiến dịch bài trừ ma túy của tổng thống Duterte ngày 18/02/2017.
Reuters
Hàng nghìn giáo dân Philippines đã xuống đường biểu tình ngày 18/02/2017 tại thủ đô Manila theo lời kêu gọi của Giáo Hội để phản đối cuộc chiến bài trừ ma túy của tổng thống Duterte. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất từ khi tổng thống Philippines nhậm chức cách đây 7 tháng.
Theo các nhà tổ chức, có khoảng 20.000 người tham gia biểu tình, còn phía cảnh sát đưa ra con số 10.000 người. Họ cầu nguyện và hát vang các bài thánh ca trên đường phố Manila để phản đối « sự bành trướng của chính sách bạo lực ». Trả lời hãng tin AFP, giám mục Manila, Broderik Pabillo, cho biết mục đích của cuộc biểu tình là để « thể hiện sự phản đối xu hướng phi nhân tính ».
Hơn 6.000 người đã thiệt mạng từ khi tổng thống Duterte phát động chiến dịch bài trừ ma túy. Gần một nửa trong số nạn nhân là người nghiện hoặc được cho là tội phạm ma túy, số còn lại bị chết trong hoàn cảnh không rõ ràng.
Không chỉ bị lên án vì chính sách mạnh tay chống nạn ma túy, tổng thống Philippines còn bị ông Antonio Trillanes, một thượng nghị sĩ đối lập, cáo buộc che dấu nhiều triệu đô la. Ngày 17/02/2017, ông Duterte tuyên bố đã ra lệnh cho cơ quan chống rửa tiền Philippines công khai tài khoản cá nhân và cho rằng những cáo buộc của ông Antonio Trillanes chỉ là « rác rưởi ».
Ngày 31/01, tổng thống Duterte đã ra lệnh cho cảnh sát rút khỏi cuộc chiến chống túy, sau khi bị lên án gay gắt kể từ khi hàng nghìn người chết vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, Wilnor Papa, một nhà hoạt động của Amnesty International tại Philippines, cho biết khoảng 146 người Philippines đã thiệt mạng kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực. Các nhóm sát thủ vô danh vẫn tiếp tục giết khoảng 9-10 người mỗi ngày. Theo nhà hoạt động nhân quyền, « nạn nhân vẫn là những người có liên quan đến ma túy và sống trong những khu ổ chuột ».
Amnesty International vừa công bố một bản báo cáo lên án những vụ sát hại trên tương tự với tội ác chống nhân loại. Tổ chức này cũng cáo buộc cảnh sát Philippines vi phạm nhân quyền, trong đó có việc hạ sát người không có vũ trang, lập bằng chứng giả, thuê người thứ ba ra tay sát hại nghi phạm và cướp tài sản của nạn nhân.
Theo RFI