Vệ Binh Quốc Gia Texas tuần tra biên giới Mỹ-Mexico năm 2015. (Hình: AP/Photo)
Hôm Thứ Sáu tuần qua, AP loan tin, “Bộ Nội An đang cân nhắc dự án sử dụng Vệ Binh Quốc Gia vào việc bố ráp các di dân bất hợp pháp.” Hãng tin này nói là, theo bản dự thảo đề nghị dài 11 trang mà họ thu được, 100,000 Vệ Binh Quốc Gia sẽ được triển khai cho nhiệm vụ này.
Bốn tiểu bang có biên giới giáp với Mexico là California, Arizona, New Mexico và Texas là trọng tâm, nhưng 7 tiểu bang kế cận cũng sẽ là mục tiêu, bao gồm Oregon, Nevada, Utah, Colorado, Oklahoma, Arkansas, Louisiana.
Thống đốc của 11 tiểu bang được quyền đồng ý hay không đồng ý triển khai Vệ Binh Quốc Gia cho chiến dịch này.
Ngay sau đó, trong buổi thuyết trình với báo chí hàng ngày, phát ngôn viên chính phủ Sean Spicer cải chính, nói rằng, “Ðó không phải là tài liệu của tòa Bạch Ốc.” Theo lời ông “bản tin của AP là 100% không đúng” và “không có kế hoạch nào như vậy.” Bằng giọng tức giận, Spicer phê phán AP là “vô trách nhiệm” khi đưa ra tin này.
Nhân viên Bộ Nội An cho biết đã thảo luận dự án này từ Thứ Sáu tuần trước, nhưng đây mới chỉ là bản sơ thảo và cũng chưa được trình lên cho Bộ Trưởng John Kelly chấp thuận. Nữ phát ngôn viên bộ Nội An Gillian Christensen nói với nhật báo USA Today rằng bản dự thảo ngày 25 Tháng Giêng chưa được cứu xét đầy đủ.
Breitbart.com, mạng lưới truyền thông của phe cực hữu, trước kia do các cố vấn cao cấp của ông Donald Trump như Steve Bannon và Kellyane Conway điều hành, tố cáo AP đã loan “tin giả.” Tuy nhiên tờ New York Daily News nhận xét là phát ngôn viên Sean Spicer không minh định rằng tòa Bạch Ốc chưa bao giờ bàn đến một kế hoạch như thế.
Theo nhận định của một số quan sát viên, dù cho chưa có quyết định cụ thể, việc để tiết lộ một dự án như vậy có thể là cố ý, nhằm đáp ứng sự mong đợi của những cử tri đã ủng hộ ông Trump trong thời kỳ tranh cử vì tin tưởng ông sẽ có một chính sách mạnh mẽ đối phó với di dân.
Các di dân bất hợp pháp hay chưa hoàn thành đầy đủ thủ tục nhập cư hợp lệ, vẫn tiếp tục sống trong tình trạng lo âu cho số phận của họ từ khi ông Donald Trump đắc cử. Về lý tưởng, mọi người đều đồng ý rằng nước Mỹ là xứ sở của di dân, nhưng trải qua lịch sử, thái độ đối đãi của chính quyền và của những di dân đến trước đã có nhiều biến chuyển trong từng thời kỳ. Vào những giai đoạn mà đời sống kinh tế không dễ dãi, vì lợi ích riêng trước mắt, các người cũ chỉ nhìn dân mới nhập cư là sự va chạm cạnh tranh gây thiệt hại cho họ.
Ba trang trong bản dự thảo kế hoạch triển khai 100,000 vệ binh quốc gia vào việc bố ráp bắt di dân bất hợp pháp. (Hình: AP/Photo)
Theo PewResearchCenter thì số di dân bất hợp lệ vào Mỹ, chủ yếu là từ Mexico, tăng dần mỗi năm, từ 3.5 triệu năm 1990 lên tới 12.2 triệu năm 2007, sau đó giảm dần và ổn định ở mức khoảng 11 triệu cho đến nay. Ông Donald Trump đã nhiều lần đe dọa trục xuất hết 11 triệu di dân bất hợp pháp và xây bức “trường thành” dài gần 2,000 dặm ở biên giới Mỹ-Mexico. Lời hứa hẹn ấy được một thành phần cử tri ủng hộ góp cho sự thắng cử của ông, và bây giờ di dân lo lắng chờ đợi hành động.
Cũng theo PewResearchCenter thì năm 2014 trong lực lượng lao động Mỹ có 8 triệu di dân bất hợp pháp, 5%, và giảm dần từ năm 2009.
Sáu tiểu bang tập trung 59% di dân bất hợp pháp là: California, Texas, Florida, New York, New Jersey, Illinois, tuy nhiên giảm dần từ 2009 đến 2014. Trong số các di dân này khoảng 41% đã sống ở Mỹ từ trên 10 năm. Số người mới đến chưa tới 5 năm chỉ có 7% so với 22% di dân bất hợp pháp từ tất cả các quốc gia khác.
California có khoảng 2.4 triệu di dân không đủ giấy tờ hợp lệ, 6.3% dân số tiểu bang, theo PewResearchCenter. Nhưng Migration Policy Institute ước lượng California có hơn 3 triệu di dân bất hợp pháp, 70% đến từ Mexico, 480,000 từ Trung Mỹ và 412,000 từ Châu Á.
Có khoảng 1.4 triệu di dân gốc Việt Nam ở Mỹ trong đó hơn 70% đến trước năm 2000. Di dân Việt đứng hàng thứ 6 trong các nhóm di dân, sau Mexico, Ấn Ðộ, Trung Hoa, Philippines và El Salvadore. Hiện nay 72% di dân gốc Việt đã nhập quốc tịch Mỹ, nhưng cũng có khoảng 2% là di dân không có giấy tờ hợp pháp.
Mới đây, nhạc sĩ/MC Nam Lộc, một người đến Mỹ từ 1995 và từng làm việc trong các cơ quan trợ giúp dân tị nạn, trả lời phỏng vấn của Nguyễn Xuân Nam trên YouTube, đã nói về vấn đề của di dân Mexico.
Theo lời ông, “Tôi có đọc một số bài báo mạnh mẽ lên án những người di dân Mễ bất hợp lệ, tôi thấy rất xót xa cho họ.” Ông nói, “Theo tôi thì họ là những người bất hạnh ở cái xứ sở này, chỉ vì họ cũng muốn có đời sống tốt đẹp cho con cháu họ cho nên mới đến đây. Họ chịu sự cực khổ, họ câm lặng, họ nhịn nhục, họ chịu thiệt thòi, họ làm tất cả các công việc nhọc nhằn trên đồng áng hay những công tác xây dựng hạ tầng.”
Ông Nam Lộc nhận xét là nhiều người Việt cũng thuê những người Mễ làm việc, trong nhà hay ở cơ sở thương mại và “vì biết họ là những người bất hợp lệ, đã tìm cách hạ thấp nhất số tiền trả cho họ.”
Ông Nam Lộc kết luận, “Ðặt mình là người tỵ nạn, cũng là người di dân, mình may mắn được định cư nơi đây, mình may mắn có được công ăn việc làm, mình thành công, thì mình cũng không nên nặng lời với những người bất hạnh hơn mình. Thay vì lên tiếng chỉ trích, công kích họ, chúng ta nên nhớ lại thân phận mình khi mới chân ướt chân ráo đến đất nước này. Xin đừng qua cầu rút ván!”
Hà Tường Cát/Người Việt