Nhà thơ Nguyễn Duy phát biểu trong Lễ khánh thành bia đề thơ chiều 12 tháng 2 năm 2017 tại Thanh Hóa.
Photo courtesy of tienphong.vn
Nhà thơ Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại quê ngoại ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Nguyễn Duy làm thơ từ rất sớm, khi ông còn là cậu học sinh cấp 3. Năm 1973, ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ với các bài thơ: Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông và Tre Việt Nam. Ông được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Chiều ngày 12 tháng 2 năm 2017 quê nội nhà thơ đã tổ chức một buổi lễ mà bất cứ một nhà thơ nào cũng phải ao ước: khánh thành tấm bia kỷ niệm khắc bài thơ của tác giả có tên “Tre Việt Nam”, bài thơ từng được giải thưởng, được in trang trọng trong sách giáo khoa và vì vậy không thể biết có bao nhiêu thế hệ đã thuộc lòng bài thơ khi bước chân ra cuộc đời.
Cùng lúc với Hội Nhà văn tổ chức Ngày thơ Văn miếu, buổi vinh danh nhà thơ Nguyễn Duy như một sự kiện cân bằng lại cảm xúc người yêu thơ Việt Nam, qua những trải nghiệm của họ trong cuộc đời đối chiếu với những giòng thơ đăm đắm về con người, làng quê. Về những thứ mà tâm hồn cần có để cảm nhận và thiết tha với cuộc sống.
Nhà thơ Nguyễn Duy có thể chưa hoàn hảo với người này, hay chinh phục trọn vẹn với người kia trong hàng triệu con người khó tính khi đọc thơ, nhưng tại ngôi làng quê nội, người làng không thể không biết Nguyễn Duy, không thể không biết “Tre Việt Nam” cũng như không thể không biết “Cầu Bố” hay “Đò Lèn” những câu thơ kết nối kẻ đi xa tha thiết nhớ và người trong làng canh cánh thương cùng.
Xin nghe nhà thơ chia sẻ về bài thơ “Cây tre Việt Nam”
“Bài này mình viết hồi mình 22 tuổi, khởi thảo năm 69 lúc đang làm lính thông tin cứ đi lang thang lúc nơi này lúc nơi kia. Bài khởi thảo ở tỉnh Hà Bắc cho đến hai năm sau thì mới xong, mỗi lúc một câu cho tới khi hoàn chỉnh tốn hết hai năm cho bài Tre Việt Nam. Hồi ấy mình còn hồn nhiên lắm không luẩn quẩn như bây giờ. Bây giờ luẩn quẩn lắm, ngày xưa nó sáng, nó hồn nhiên hơn. Mình viết về cây tre mà không biết đặt tên cho nó là bài thơ gì cho nên đặt luôn cho gọn là “Tre Việt Nam”.
Cây tre Việt Nam
Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau...
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh
Thực ra lúc đó mình nghĩ những người dân ở quê mình, rất giản dị như thế chứ chả có ý nghĩ gì to tát xa xôi cả. Mình nghĩ đến bố mình, đến bà con mình, làng mình, lũy tre trong làng mình. Con người và cây tre nó gần với nhau như thế và mình viết một cách hồn nhiên như vậy thôi. Bài thơ này được đưa vào sách giáo khoa dạy trong nhà trường cũng đến ba mấy bốn chục năm nay rồi. Bây giờ ở làng mình nhân dịp mình lên tuổi 70 dân làng tổ chức cho mình một đêm thơ ở làng và tạc bài thơ này lên một phiến đá rất đẹp ông ạ!
Thực ra là mình muốn trình bày một cách rất mộc mạc cái lòng thực của mình nhưng mình không nói được. Mình xúc động quá mình đứng khóc hu hu. Đang nói với ông mà tôi còn rươm rướm nước mắt. Đến cái thằng rắn mặt như Nguyễn Quang Lập tự nhiên cũng ngồi khóc hu hu…buồn cười thế!” (SBS Nguyenduy_caytre final)
Chừng như Nguyễn Duy đã thấm đẫm thơ từ khi còn nằm nôi, qua tiếng ru của bà, của mẹ khi chưa biết đọc. Nếu không làm sao ông lại hồn nhiên và chân quê một cách đôn hậu đến thế. Ông viết về tuổi ấu thơ nơi quê nhà và một người bà của toàn bộ người dân Việt Nam:
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Còn viết về cha, ông có cái nhìn trưởng thành hơn cho tới khi nhận ra cha không còn bao năm để sống với mình. Một tâm trạng riêng nhưng qua thơ ông người làng thấy ông viết cho chính họ. Trong bài Cầu bố:
Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó
xả hết mình khi nước gặp tai ương
rồi thanh thản trở về với ruộng
sống lặng yên như cây cỏ trong vườn
Cha tôi đó, suốt đời thồ nặng
trĩu cả hai vai việc nước - việc nhà
bom rồi bão, mấy lần nhà sập
lụi cụi tuổi già, con cháu đã đi xa
Cái thủa ông viết Đò Lèn chắc chưa có đứa bé nào trong làng bằng tuổi ông nghĩ tới sự cơ cực của bà sau này. Nhưng với Nguyễn Duy thì khác, ngay cả khi chưa chứng kiến sự cơ cực của bà ông đã được báo trước bằng những thông tin của người làng, của người quen khi ông đi xa…
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
….
Kể cả khi bị bom đạn dội xuống ngôi làng yêu dấu ấy thì thơ Nguyễn Duy vẫn với nhịp điệu tiếc nuối, nhẹ nhàng than thở, pha một chút đùa cợt nữa, khác với dòng thơ cách mạng lúc đương thời:
Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Sau khi cho mọi thứ bay mất một cách nghịch ngợm, hình ảnh bà bán trứng ở ga Lèn chắc sẽ làm cho ông nhà thơ khóc nấc lên chứ làm gì khỏi?
Nguyễn Duy có thể được xem là một nhà thơ thời sự. Thơ ông thở với nhịp sống của con người và cộng đồng chung quanh. Khi cộng đồng ấy bị biến dạng, thì cũng là lúc thơ lên tiếng. Ông có rất nhiều câu nổi tiếng và làm cho người ta nhớ mãi, tuy không phải lúc nào cũng biết đó là thơ Nguyễn Duy. Trích dẫn, đọc chơi trong lúc trà dư tửu hậu, lúc tranh cãi chuyện văn chương chữ nghĩa hay chính trị chính em, thơ ông len lỏi vào ngồi một bên, trêu người này, chăm chọc người kia như bạn bè thân thiết.
Chỉ trong một bài thơ duy nhất, “Tổ quốc nhìn từ xa”, đã có ít nhất 13 câu sống cùng với “nhân dân thơ” cho tới giờ này. Bài thơ được sáng tác vào năm 1988 tại Moscow, gần 30 năm sau nó vẫn mang đậm tính thời sự của ngày hôm nay trong mọi ngóc ngách cuộc sống.
Nhắc tới Trung Quốc và vấn đề biên giới, nỗi đau muôn đời của dân tộc Việt Nam, mặc dù đi xa Nguyễn Duy vẫn canh cánh như bất cứ người trong nước nào:
Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng
cột biên giới đóng từ thương đến nhớ
Xã hội quá nhiều cái giả và thần tượng là cái giả lớn nhất kéo theo mọi giả trá trên đất nước này:
Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên nhồn nhột cả tim gan
Vào thành phố, sau khi chiến tranh kết thúc thật lâu thì chúng ta vẫn có quyền xem hai câu này là của mình mặc dù không xin phép tác giả:
Thời hậu chiến ta vẫn người trong cuộc
xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày?
Rồi một lúc nào đó khi những tượng đài Mẹ Việt Nam chấn động báo chí thì người ta lại nhớ tới Nguyễn Duy:
Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện
ma cụt đầu phục kích nhà quan
Mãi dâm ư? Nó không ở đâu xa, bất cứ kẻ nào sống đời tầm gửi, bợ đỡ và quên mất hai chữ sĩ diện cũng đều ít nhiều nghe tới hai câu:
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Thời thế mỗi ngày một khác. Người ta kêu gào đổi mới đến khan giọng nhưng nhà thơ thì lại chẩn đoán con bệnh theo cách rất “Nguyễn Duy”
Đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?
Và “xin đừng hót những lời chim chóc mãi” cho tới nay vẫn không có đối thủ, vẫn mang tính kinh điển cho mọi tầng lớp, đặc biệt là phát ngôn của lãnh đạo và bài vở của báo chí, văn nghệ sĩ, những người nếu không khéo đánh mất lòng tự trọng thì sẽ trở thành ton hót, mà theo Nguyễn Duy thì khác gì chim chóc?
“Thôi thì ta trở về
còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại
còn chút gì le lói ở trong lòng
Đôi khi nổi máu lên đồng
hồn thoát xác
rũ ruột gan ra đếm
Chích một giọt máu thường xét nghiệm
tí trí thức - tí thợ cày - tí điếm
tí con buôn - tí cán bộ - tí thằng hề
phật và ma... mỗi thứ tí ti...
Khốn nạn thân nhau
nặng kiếp phân thân mặt nạ
Thì lột mặt nạ đi - lần lữa mãi mà chi
dù dối nữa cũng không lừa được nữa
khôn và ngu đều có tính mức độ
Bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao
miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít
mất vệ sinh bội thực tự hào
Sự thật hôn mê - ngộ độc ca ngợi
bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại
biết thế nhưng mà biết làm thế nào
Chả lẽ bây giờ bốc thang chửi bới
thấy chửi bới nhe giàn nanh cơ hội
Chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại
lạy ông-cơ-chế lạy bà-tư-duy...
xin đừng hót những lời chim chóc mãi
Đừng lớn lối khi dân lành ốm đói
vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn
Đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?
Thật đáng sợ ai không có ai thương
càng đáng sợ ai không còn ai ghét
Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết
ta là gì?
ta cần thiết cho ai?
Có thể ta không tin ai đó
có thể không ai tin ta nữa
dù có sao vẫn tin ở con người
Dù có sao
đừng khoanh tay
khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối
Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn?
những người tốt đang cần liên hiệp lại
Dù có sao
vẫn Tổ Quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân
ta là dân - vậy thì ta tồn tại
Giọt từng giọt
nặng nhọc
Nặng nhọc thay
Dù có sao
đừng thở dài
còn da lông mọc còn chồi nảy cây”
Tổ quốc nhìn từ xa
Nguyễn Duy được người làng của ông trân trọng và ghi nhớ như một người hùng chữ nghĩa. Trong suốt cuộc đời sáng tác ông để lại cho người sau những câu thơ sắc nét, khắc họa tài tình lên từng vấn đề mà ông trải nghiệm cùng với thời gian. Thơ ông tràn ngập giá sách của người yêu mến “Tổ quốc nhìn từ xa” nhưng lạ một điều ông không có những câu xuất thần viết về tình yêu đôi lứa.
Hình như khi dồn hết tâm sức vào con người chung quanh, trong đó có máu thịt của đất nước và cộng đồng Nguyễn Duy không còn tha thiết miệt mài với tình yêu trai gái với ngôn ngữ diễm tình đầy hương sắc riêng tư nữa.
Ở tuổi 70 sau thời gian nặng nhọc với gánh thơ trên vai có lẽ đây là lúc nhà thơ nhấm nháp tuần lễ trăng mật với thơ tại Quảng Xá, ngôi làng mà ông thỉnh thoảng ghé về trên con đường đằng đẳng thơ ca. Chúng ta, những người yêu thơ ông chúc cho mối tình ấy trọn vẹn như tấm lòng ông trọn vẹn với quê hương chữ nghĩa.
Theo RFA