Tượng Pablo Neruda. (Hình: Getty Images)
Pablo Neruda được xem như là một Picasso trong thi ca, vì khả năng linh hoạt của ông như là một nhà tiền phong của đổi mới văn chương. Tên thật là Neftali Ricardo Reyes Basoalto, ông sinh năm 1904 tại Parral, một thành phố nhỏ tại miền trung nước Chile. Cha là công nhân đường sắt và mẹ là cô giáo, chết vì bệnh lao chỉ một thời gian ngắn sau khi ông ra đời. Pablo Neruda là một người nhút nhát và thiếu tự tin, nhưng tài làm thơ đã khiến ông rất được lòng phụ nữ, đưa đến rất nhiều mối tình. Tổng cộng trong suốt đời mình, Neruda xuất bản hơn 40 tập thơ và nhiều bài viết rải rác khác chưa in thành sách. Năm 1971, ông đoạt giải Văn Chương Nobel.
Tập thơ đầu tiên của ông, Crepusculario, chưa có gì đáng nói, vì gồm toàn những bài thơ làm theo kiểu truyền thống. Tập thơ thứ hai, Veinte poemas de amor y una cancion desesperada (Hai mươi bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng), ra đời chỉ một năm sau, 1924, hoàn toàn khác. Ðây là một trong những tập thơ nổi tiếng nhất, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và là tập thơ đưa tên tuổi ông vào văn đàn thế giới. Ðó là những bài thơ tình, nhưng khác hẳn với thơ tình truyền thống, chúng không chỉ là tình yêu thuần túy mà là erotic (tình dục). Tình yêu đi đôi với ước muốn tình dục. Chẳng hạn như bài Cuerpo de Mujer (Thân Thể Ðàn Bà); xin trích một đoạn bằng nguyên bản tiếng Tây Ban Nha:
Cuerpo de mujer, blancas colinas, muslos blancos
te pareces al mundo en tu actitud de entrega.
Micuerpo de labriego salvaje te socava
y hace saltar el hijo del fondo de la tierra.
(Tạm dịch dựa theo bản tiếng Anh của René de Costa: Thân thể đàn bà, những đồi trắng, những bắp vế trắng/em tựa như thế giới trong dáng dấp trao ban/Tôi cơ thể nông dân thô lỗ đào sâu vào trong em/và làm cho đứa con trai nhảy phóc ra từ nơi thẳm sâu của lòng đất)
Ðộc giả chưa kịp nguôi ngoai với cái táo bạo của tập thơ này thì hai năm sau, tập Tentativa del hombre infinito (Venture of the Infinite Man/Cuộc Phiêu Lưu Của Người Ðàn Ông Vô Hạn) ra đời, mang thêm một chấn động mới. Lần này, chấn động không đến từ chuyện tình dục mà đến từ cách làm thơ. Ðó là những bài thơ không vần điệu, không theo niêm luật, và nhiều chỗ lời thơ có vẻ vô nghĩa. Thơ bỏ hẳn những sáo ngữ cũ mèm mà thay vào đó là các cấu trúc ngôn ngữ kiểu mới, câu kéo lỏng chỏng, ý tứ đứt đoạn, tối tăm, gần như vô nghĩa. Một hình thức thơ tự do.
Những đám lửa quay lại ở bên rìa đêm khói chết
Những đám mây bụi phóng nhanh
Giải thích về loại thơ mới này, Neruda nói: “Nhà thơ phải bỏ lại đàng sau mình không chỉ sức nặng khô chết của vần điệu nhưng cũng còn bỏ luôn sự phân chia không cần thiết các chức năng như viết hoa hay viết thường, các từ nối, dấu ngắt câu, vân vân. Như thế có phải là thơ không? Vẫn là thơ chứ. Nhưng là một loại thơ mới.”
Tập thơ này báo trước cho sự ra đời vào năm 1933 tập La Residencia en la tierra (Cư Ngụ Trong Trái Ðất), sâu lắng hơn, vững vàng hơn, diễn tả những cảm giác sâu xa của ông khi đối diện với nỗi đau nhân thế, với sự cô đơn của kiếp người. Thơ là những chuỗi đối thoại triền miên với chính ông chứa đầy những ý tưởng siêu hình. Ở đây ta thấy Neruda đụng đến một nỗi buồn chán từa tựa như cảm giác “nôn mửa” (nausea) như trong tư tưởng của Sartre:
Bỗng nhiên tôi chán ngấy bàn chân tôi
chán ngấy móng tay tôi chán ngấy bóng dáng tôi.
Bỗng nhiên tôi chán ngấy cả kiếp làm người.
Ðến năm 1954, Neruda lại thực hiện một bước thay đổi nữa, cũng gây ấn tượng không kém những lần trước, làm chưng hửng độc giả và những nhà phê bình: tập Odes elementales (Tụng thi sơ cấp). Ðó là một tập thơ gồm toàn những bài ca ngợi những điều tầm thường, nhỏ nhặt, không chút nên thơ (unpoetic) của đời sống hàng ngày, từ rượu, trà cho đến củ hành, củ tỏi mà người nói tiếng Tây Ban Nha gọi là “la poesia de lo cotidiano” (thơ về đời sống hàng ngày). Ðây là một đoạn thơ ông ca ngợi củ hành:
Hành, trái cầu phát sáng
từng cánh một
hình thành sắc đẹp của em
những chiếc vảy pha lê lớn lên trên em
và trong bóng tối bí ẩn của đất
bụng em sương nuôi tròn trịa
(Theo bản tiếng Anh của René de Costa)
Chưa hết. Năm 1958, mọi chuyện lại đảo ngược một lần nữa qua tập thơ Estravagario (Cuồng Ngâm). Ấn bản đầu tiên của tác phẩm này vào năm 1958 gồm những văn bản thơ kèm theo nhiều hình minh họa. Ðây là những hình vẽ kỳ dị, có hình nhằm mục đích làm rõ nghĩa thêm bản văn nhưng cũng có hình chống lại hay tương phản với văn bản. Qua Estravagario, Neruda không tìm cách thuyết giảng một cái gì cả. Từ đầu đến cuối, thơ chỉ là một trò đùa bỡn không hơn không kém. Tác giả trình diễn. Ðộc giả tham gia trong trò đùa, thế thôi! Hình thức đã thế, nội dung cũng lạ không kém. Trong tập thơ này, ông biến mình thành sự vật để chế giễu. Người ta gọi loại thơ này là phản-thơ (anti-poetry). Ở một trong những bài thơ có vẻ “cuồng ngâm” nhất trong tập thơ là bài El miedo (Nỗi Sợ), ông dùng ngay chính tên mình để chế giễu.
Trong những thời gian ngắn ngủi này,
tôi sẽ không để ý gì tới họ,
mà tôi sẽ tự mở toang mình ra và khép kín mình lại
với kẻ thù bội bạc nhất của tôi là Pablo Neruda
(Theo bản tiếng Anh của René de Costa)
Trước sau, những bài thơ tuyệt tác của ông vẫn là thơ tình. Thơ của ông gần như đồng nghĩa với những bài tình ca vĩ đại. Chính những bài thơ tình đã đưa danh tiếng ông trở thành quốc tế ngày khi mới ngoài 20 tuổi. Tập “Hai Mươi Bài Thơ Tình và Một Bài Ca Tuyệt Vọng” bán hàng triệu ấn bản.
Xin đọc một vài đoạn thơ tình tiêu biểu của Neruda:
Love me in the Springtime, when all is green and new,
Love me in the Summer, when the sky is oh so blue,
Love me in the Autumn, when the leaves are turning brown,
Love me in the Winter, when the snow is falling down.
(…)
Love me always darlin’, in the rain or shining sun,
Love me always darlin’, after all is said and done,
Love me always darlin’, until all our life is through,
Love me always darlin’, for I’ll be lovin’ you!
(bản Anh ngữ do Amanda Martinez dịch)
(Tạm dịch:Hãy yêu anh
Hãy yêu anh trong mùa xuân, khi tất cả đều xanh tươi và mới mẻ
Hãy yêu anh trong mùa hè, khi bầu trời xanh ngát
Hãy yêu anhtrong mùa thu khi cây lá đổi màu
Hãy yêu anh trong mùa đông, khi tuyết dầm dề rơi
(…)
Mãi mai yêu anh em nhé, dù nắng hay mưa
Mãi mai yêu anh em nhé, khi mọi chuyện đã xong
Mãi mai yêu anh em nhé cho đến hết đời nhau
Mãi mãi yêu anh em nhé, vì anh luôn yêu em)
You can cut all the flowers but you cannot keep spring from coming.
I want to do to you what spring does with the cherry trees.
Love is so short, forgetting is so long.
(Wikipedia)
(Tạm dịch:Em có thể cắt hết tất cả hoa nhưng không thể ngăn mùa xuân đến/ Anh muốn mang cho em những gì mà mùa xuân mang cho những cây anh đào/ Tình yêu thì quá ngắn, mà lãng quên lại quá dài)
Hernan Loyola, nhà phê bình văn học nhận xét: “Nếu bạn có một Neruda toàn tập, bạn có thể đối thoại với nhà thơ trong bất cứ trạng thái tinh thần nào: bạn có thể tìm thấy hy vọng ngay trong sự cô đơn, ngay giữa một cuộc tình không hạnh phúc hay giản dị ngay trong lúc đang suy nghĩ. Neruda phát triển quá nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống và thi ca của ông đến nỗi trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng tìm thấy một lời nhắn gửi ông dành cho mỗi một chúng ta. Ông hiện thân cho thân phận con người trong tất cả thiện tính, ác tính, cái tầm thường và những mâu thuẫn của chúng ta.”
Trần Doãn Nho/ Người Việt