Chịu khó sưu khảo một chút, thì sẽ thấy không chỉ riêng ông tổng thống thứ 45 của Mỹ, TT Trump người hầu như chống các định chế của giới chánh trị gia lão làng trở thành giới quí tộc Mỹ, mà còn chống những nhà báo, những cơ quan truyền thông cổ thụ đang nắm đệ tứ quyền bất thành văn của Mỹ. Có rất nhiều tổng thống Mỹ chống truyền thông đại chúng lắm, trong đó có báo chí, truyền thanh, truyền hình, hãng tin. Nhưng TT Trump là người chống bạo nhứt. Ông chống khi tranh cử, chống khi đắc cử. Ông nói mạnh nhứt, như câu “truyền thông không phải là kẻ thù của tôi, mà là “kẻ thù của nhân dân”…” Sau vụ toà Bạch Ốc ngăn một số cơ quan truyền thông dự họp báo, ông Trump tuyên bố sẽ không dự tiệc tối thường niên với cánh báo chí.
Thăm dò của Wall Street Journal/NBC News hôm 26-2 cho biết 51% người Mỹ được hỏi trả lời cơ quan truyền thông quá chỉ trích chánh quyền Trump và chỉ có 41% tin truyền thông công bình và khách quan.
Nhiều người thấp cổ bé miệng rất khoái Ông Trump vì Ông nói lên cảm nghĩ đối với báo chí dùm cho họ. Vì nói là tự do báo chí, tự do ngôn luận, chớ thực tế và thực sự một người dân bất bình với một cái tin, một nghị luận của báo, viết một cái thơ loại letter to editor, ý kiến của người độc giả ấy khó được đưa lên báo như khó trúng số vậy. Truyền thông nhứt là những báo đài lớn, đa số là những người, những cơ quan có quyền ăn, quyền nói, quyền gói ý kiến người khác. Không ít người làm truyền thông tự coi họ là người giáo dục quần chúng, coi họ là người có quyền điều tra, có quyền hỏi và người khác phải trả lời. Cuộc họp nào họ cũng có quyền vào dù một tiệm ăn Mỹ cũng có quyền từ chối một loại khách hàng nào đó.
Trở lại chuyện TT Trump chống truyền thông. Trong 45 vị tổng thống Mỹ, Ô. Trump là một người có kinh nghiệm làm truyền thông nhiều năm. Từng sống trong chăn nên Ông biết trong chăn có rận, có rệp. Nhà báo, ký giả, phóng viên, người dẫn chương trình phát thanh, phát hình cũng là con người. Con ngừơi ai cũng có hỉ, nộ, ái, ô, lạc, dục, tham, sân, si, nói theo văn minh Đông phương. Và con người không thần thánh cũng không thú vật, nói theo nhà hiền triết Pascal.
Ông không cho ký giả này phỏng vấn Ông, không cho nhà báo nọ vào các cuộc họp của Ông, hay những nơi Ông tụ họp dân chúng. Tuỳ viên báo chí của Ông tại Phủ Tổng Thống, Ô. Sean Spicer không cho các phóng viên của Đài CNN, báo New York Times, Politico, The Los Angeles Times, Buzzfeed đến dự buổi họp báo do Ông ấy tổ chức. Đó là các tờ báo từng chỉ trích kịch liệt Tổng thống Trump. Nhưng các cơ quan báo chí khác vẫn được mời và tiếp đón. Những tờ báo không được vào quơ đũa cả nắm, tố cáo sự chọn lựa của Ông là kiểm soát tự do báo chí.
Cuộc chiến này thiết nghĩ không sớm chấm dứt đâu. Vì truyền thông thì thừa đạn, dư quân ở tiền tuyến và có phe đảng đối lập ở hậu phương đã từng ủng hộ những nhà báo, những cơ quan truyền thông này suốt thời gian cuộc tranh cử. TT Trump từng nói trên Fox News, rằng ông Barack Obama đứng sau các cuộc biểu tình chống các nhà lập pháp đảng Cộng hòa, và các vụ rò rỉ tin tức an ninh quốc gia. Thực tế, lời Trump tố cáo không có gì kiểm chứng.
Ông Trump có thế mạnh, có ít nhứt 4 năm quyền thế hành pháp để trường kỳ kháng chiến chống truyền thông. Dường như Ông cũng tin đây là một cuộc đấu tranh hữu ích cho xã hội Mỹ, cho chánh trị Mỹ, cho nhân dân Mỹ, cần sự thật, cần công minh. Và bản tánh Ông có vẻ cũng thích đấu tranh, không hề ngán báo chí một chiều. Nhiều người dân thích thú, đây là cơ hội để biết bên trong thâm cung bí sử của truyền thông, đánh giá coi truyền thông có đáng nắm đệ tứ quyền hay không.
Công cuộc đấu đá của TT Trump với truyền thông chẳng có gì mới lạ trên phương diện lịch sử chánh trị của Mỹ. Trong lịch sử nước Mỹ, 100 năm qua không ít tổng thống đã đối đầu với truyền thông. Đối đầu vì truyền thông đối xử bất công với tổng thống. Đối đầu vì tiền bạc đi vào, phe đảng đi vào thì đạo đức truyền thông, lương tâm chức nghiệp truyền thông đi ra. Đối đầu giữa tổng thống nói riêng và chánh quyền nói chung là đấu tranh tự vệ chánh đáng thôi.
TT Trump khi ra ứng cử, một số báo đài thân Dân Chủ, ủng hộ Bà Hillary hết mình. Chống Ô Trump, dùng những lời lẽ đối với Ông rất nặng, quyết loại Ông khỏi đường đua, như nói Ông không đủ tư cách, đủ tâm thần làm tổng thống. Cũng như Tổng thống Richard Nixon và Lyndon Johnson bị truyền thông chống tơi bời hoa lá. Khiến Phó tổng thống Spiro Agnew phản ứng có câu nói để đời khi mô tả truyền thông là “những kẻ lắm tiền cứ lèm bèm toàn chuyện tiêu cực”.
Truyền thông cũng đâu có tha TT Obama. Đài Fox News khuynh hướng bảo thủ, thân Cộng Hoà chống Ông. Năm 2009, ông Obama đã tìm cách cấm Đài Foxnews có quan điểm bảo thủ ra khỏi Toà Bạch Ốc. Nhưng TT Obama thất bại trước sự chống đối của các cơ quan truyền thông Mỹ, trong đó không có CNN vì thân Dân chủ. TT Obama cũng rất muốn truy tố nhà báo James Rosen của Foxnews vì đăng các nguồn tin rò rỉ. Những nhà báo khác của NYT và AP cũng từng bị điều tra để “dằn mặt”. Năm 2014, tổng cộng 38 cơ quan báo chí đã đồng lòng gửi một bức thư lên tổng thống Obama phàn nàn về việc “ngăn cản báo chí”.
Sưu khảo cho thấy tổng thống có thao túng truyền thông và truyền thông cũng có thao túng công luận vì binh chống tổng thống. Báo chí nào ưa Obama thì bài vở nội dung lúc nào cũng tích cực với Ô. Obama, dù thực tế nhiều chuyện không phải vậy mà tệ hơn vậy nữa. Báo chí ghét ông Trump thì nhiều bài vở chê bai, chỉ trích Ông, nhiều khi quá bất công, quá lố.
Cuộc đấu đá giữa tổng thống và truyền thông là một điều khó tránh trong sinh hoạt chánh trị tự do. Quyền hành của ngành nào cũng phải có giám sát và kềm chế, mới không bị hủ hoá và lạm dụng. Nếu truyền thông xếp de viết theo ý và theo bao thư mua chuộc của chánh quyền, truyền thông sẽ biến thái thành cơ quan tuyên truyền cho Hành pháp như “báo đài” của Đảng Nhà Nước CS. Nếu Tổng thống thao túng, mua chuộc làm liệt truyền thông thì dân mất quyền được thông tri sự thật, mất tiếng nói, khó có thể sử dụng lá phiếu, chánh quyền Mỹ mất lý tưởng của dân, vì dân, do dân.
Vi Anh