Mạng xã hội Facebook lập dịch vụ mới fact-checking, để giám sát độ tin cậy của tin tức. Ảnh : youtube
Bị lên án vì góp phần phổ biến « fake news » ( tin giả ), có lợi cho Donald Trump trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, Facebook đã phải thiết lập chế độ kiểm chứng thông tin tại Hoa Kỳ. Đầu tháng này, qui định kiểm tra bắt đầu được áp dụng tại Pháp. Báo Libération hôm nay, 13/03/2017, có bài « Tin giả : Vấn đề thực của Facebook ». Cũng Libération có phóng sự điều tra « Một tháng với cỗ máy thông tin Facebook ».
Facebook, mạng xã hội hàng đầu thế giới, không chỉ là nơi tâm tình, trao đổi quan điểm, thông tin đời sống, mà ngày càng trở thành một trong những nguồn tin tức thời sự chính trị chủ yếu đối với người sử dụng. Theo điều tra của một viện nghiên cứu về báo chí, tại Oxford, Anh Quốc, tại 26 quốc gia phát triển, 44% người sử dụng Facebook hàng tuần coi mạng nay là nơi tìm kiếm tin tức. Mức độ như vậy là vượt xa Youtube (19%), hay Twitter (10%). Đối với lứa trẻ, từ 18 đến 24 tuổi, Facebook còn là phương tiện thông tin chính, qua mặt cả truyền hình.
Các thông tin mà Facebook lựa chọn nhằm mục tiêu trước hết là gây sự chú ý đối với người sử dụng, việc lựa chọn này dựa trên các sở thích cá nhân, bình luận được đưa ra, cũng như tính cách của những người nằm trong danh sách « kết bạn ». Cách đưa tin như vậy rất có nguy cơ mang lại một hình ảnh « méo mó về hiện thực », đặc biệt nếu như tin giả không được kiểm soát.
Thắng lợi bất ngờ của Donald Trump gây bàng hoàng, đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò thông tin của Facebook. Sau một phản ứng chối bỏ ban đầu, chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg đã sớm thừa nhận cần phải điều chỉnh. Một cựu phóng viên của CNN đã được Facebook tuyển mộ, để phụ trách giám sát quan hệ giữa Facebook và các phương tiện truyền thông thời sự - chính trị.
Sau các thí điểm tại Mỹ và Đức, đến lượt Facebook cộng tác với 9 phương tiện truyền thông Pháp – trong đó có Libération – để giúp người sử dụng định hướng được đâu là những thông tin đáng ngờ. Sau khi một thông tin bị người sử dụng nghi ngờ là giả mạo, chỉ cần hai phương tiện truyền thông xác nhận, Facebook sẽ ghi rõ đây là « tin đáng ngờ », để các Facebooker thận trọng.
Hiện tượng tin giả nở rộ tại Hoa Kỳ. Nhưng riêng tại Pháp, tin giả dường như không phổ biến. Sau khi phân tích 80 « post » được xem nhiều nhất trên Facebook, Libération nhận xét không có hiện tượng tin giả, theo nghĩa hẹp, mà chỉ có một số bài viết có cái nhìn méo mó, với các hàng tựa gây hiểu lầm, nhưng khó mà khẳng định đó là tin giả. Các tin giả ở Pháp, nếu có, khó xác định, vì chúng thường được tung lên không kèm theo đường link với bài viết bên ngoài.
Khi « luồng phụ » át « luồng chính »Về mặt thông tin thời sự, mạng xã hội Facebook rõ ràng có rất nhiều ảnh hưởng đến tình cảm, quan điểm, cũng như các lựa chọn chính trị của Facebooker. Để đo lường ảnh hưởng, Libération cùng với start-up Linkfluence (chuyên về các mạng xã hội) có cuộc điều tra về tác động của khoảng 50 mạng truyền thông « luồng chính » hoặc « luồng phụ » trên Facebook.
Một trong những nhận xét sơ bộ gây ngạc nhiên là, trong số khoảng 30 bài được chia sẻ nhất trên Facebook, rất nhiều báo luồng chính vốn đông khách xem (như Le Figaro), đã không hề có mặt. Le Monde, với 3,6 triệu khách đặt thường xuyên, chẳng hạn cũng chỉ xuất hiện có một lần. Đứng đầu trong danh sách này là hai đoạn video, một về ứng cử viên Macron, một về luật về tội phạm tài chính, lại do một trang mạng cánh tả không nổi tiếng cung cấp (Osons causer).
Một hiện tượng mới, đáng chú ý khác là về mức độ bài công bố trên Facebook, trang mạng thân chính quyền Nga RT Today (tiếng Pháp) được coi là « tích cực nhất » (với tổng cộng 1.700 post), vượt cả hai báo Le Monde và Huffington Post. Về mức độ tương tác, đứng hàng đầu cũng lại là những trang mạng « luồng phụ », như FdeSouche hay Osons causer.
Nguy cơ chất lượng thông tin bị « bỏ mặc »Việc các trang mạng chuyên nghiệp truyền thống, có uy tín lâu đời, có xu hướng tụt lại sau các mạng « luồng phụ » trên mạng xã hội, ngày càng đặt ra khẩn thiết vấn đề độ tin cậy của thông tin.
Nhân dịp 28 năm sau khi internet toàn cầu ra đời, cha đẻ của mạng www., kỹ sư người Anh Tim Berners-Lee, có bài viết cảnh báo tình trạng « bỏ mặc » chất lượng thông tin vào tay các công ty mạng cung cấp dịch vụ miễn phí. Bởi cái giá phải trả là tin giả, tin tức lệch lạc tràn lan, và trong lĩnh vực thời sự chính trị, các mạng xã hội vô hình chung bị biến thành nơi truyền bá quan điểm, thậm chí những quan điểm cực đoan nhất, mà « bất cần quan tâm đến xuất xứ của thông tin ».
HRW : Cái khó của truyền thông MỹVẫn liên quan đến vấn đề thông tin và sự thật, giám đốc điều hành Human Right Watch, ông Kenneth Roth (cựu chưởng lý Hoa Kỳ), có bài trả lời phỏng vấn Le Monde.
Thông điệp chính mà lãnh đạo kỳ cựu của HRW hướng đến là bối cảnh hiện rất khó khăn của các phương tiện truyền thông tại Mỹ, sau khi Donald Trump đắc cử. Thông tin về sự thật trở nên hết sức nan giải, khi có « một vực thẳm ngăn cách » giữa những người ủng hộ ứng cử viên Donald Trump (khoảng 40% cử tri) « sẵn sàng tin vào những lời dối trá », trong khi đó một bộ phận tương tự (cũng khoảng 40%), thì sẵn sàng chống lại « mọi quan điểm hay hành động » của ông Trump.
Trong bối cảnh các lập trường đối chọi như nước với lửa này (cả hai phía đều chỉ muốn nghe những gì phù hợp với quan điểm của mình), giám đốc HRW nhận định, chỉ còn có 20% cử tri là chưa có quan điểm xác quyết. Truyền thông cần phải nỗ lực để giúp những người này « tiếp cận với các sự kiện thực và nhắc lại với họ về các nguyên lý của nền dân chủ ».
Theo RFI