Giá thực phẩm ở Venezuela nằm ngoài tầm với của nhiều người dân. REUTERS/Marco Bello
« Chúng tôi có hàng ngàn người sống nhờ các thùng rác ». José, 53 tuổi, nhìn nhận. Ông và các con gái phải bới tìm thức ăn trong các thùng rác ở Caracas, niềm hy vọng cuối cùng của những người dân Venezuela đói kém.
Là thợ hồ đang thất nghiệp, José Godoy run run liếm những thức ăn còn sót lại trên một chiếc đĩa giấy. Bên cạnh ông, hai con gái sáu và chín tuổi uống thứ nước trái cây kiếm được từ xe rác. Hai cô bé còi cọc thiếu máu, thường là cả ngày chỉ được ăn một loại chuối phải luộc chín mới có thể nuốt nổi.
José kể : « Có đêm cha con tôi phải nhịn đói đi ngủ. Tôi không mong ai khác rơi vào hoàn cảnh này. Trẻ con vừa khóc vừa kêu đói. Tôi đã bán hết các dụng cụ làm việc của mình, và cuối cùng phải ra đường kiếm sống ».
Ở tuổi 18, Rebeca Leon cũng đành phải hành động tương tự. Còn đi học nhưng đã làm mẹ một bé hai tuổi, cô còn phải chăm lo người mẹ tàn tật ở khu ổ chuột vùng Petare. Từ sáu tháng qua, cô đi bới các thùng rác ở những khu phố giàu của thủ đô, trước khi các xe rác đến. Hôm đó, cô tìm được một ít mì còn sót lại. Rebeca nói với AFP : « Mẹ tôi không muốn tôi đi lượm rác, nhưng làm thế nào bây giờ. Đất nước đang rệu rã. Mẹ sẽ chết đói, bà chỉ còn da bọc xương, còn con trai tôi bị suy dinh dưỡng ».
Mỗi ngày sau khi tan học, Rebeca Leon lao vào tìm thức ăn trong những chiếc xe rác, hoặc đồ ăn thừa của các nhà hàng. Đôi khi cô may mắn tìm được thịt gà, bánh mì, cá hoặc phô-mai. Cô ngủ luôn ngoài đường phố, rồi sáng sớm trở về nhà để rửa sạch những thứ moi được từ thùng rác, nghỉ ngơi đôi chút và đến trường.
Cô gái tóc nâu với đôi mắt sáng đã vượt qua sự xấu hổ để sống sót, trong lúc Venezuela đắm chìm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thiếu hụt đến 68% nhu yếu phẩm và lạm phát không kiểm soát nổi (theo IMF, sẽ lên đến 1.660% vào cuối năm 2017).
Cùng với Rebeca, một nhóm khoảng 70 người trong đó có nhiều trẻ em, chia nhau thu thập thức ăn thừa từ các nhà hàng và hồi hộp chờ đợi những chiếc xe rác đến.
Trên cả nước, có đến 9,6 triệu người Venezuela, tức gần một phần ba dân số, chỉ có thể ăn một hoặc tối đa hai bữa một ngày. Có đến 81,8% hộ gia đình lâm vào cảnh nghèo khó trong năm 2016, tăng 9 điểm so với năm 2015, theo một cuộc điều tra về điều kiện sống do một số trường đại học tiến hành. Và 51,51% dân số được coi là cực kỳ nghèo đói.
Nghiên cứu trên cho biết 93,3% gia đình không có đủ tiền để mua tất cả các loại thực phẩm cần thiết. Hậu quả là cứ 10 người dân, thì có 7 người bị sụt trung bình 8,7 ký lô trong năm ngoái.
José Godoy nói : « Tôi vốn mập, nhưng giờ thì hãy nhìn tôi đây : ốm nhom ». Chỉ vào một đứa con gái của mình, ông dè dặt nói : « Con bé này tôi phải cho ở nhà, không đến trường nữa vì tôi không thể chuẩn bị cho cháu bữa ăn mang theo », và thổ lộ, cô bé từ lâu không còn được ăn thịt.
Theo nhà dinh dưỡng học Maritza Landaeta, đồng tác giả công trình nghiên cứu, thì 10% người cực nghèo (1,5 triệu người) chỉ được ăn những gì người thân mang cho, hoặc thức ăn thừa từ các thùng rác hoặc nhà hàng. Họ có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Về phía Tổng thống Nicolas Maduro thì khẳng định trong năm 2016, nạn nghèo khó tại đất nước có trữ lượng dầu khí thuộc loại lớn nhất hành tinh, đã giảm từ 19,7% còn 18,3%. Ông tố cáo phe đối lập và giới kinh doanh đã làm nên nạn thiếu thực phẩm để gây bất ổn cho chính quyền, nhắc nhở rằng ông đã cho thiết lập một hệ thống phân phối các túi thực phẩm, bán giá rẻ cho những người thực sự cần kíp.
Trong căn nhà nhỏ bé, với một chiếc tủ lạnh đã bị nứt bảo quản các thức ăn hiếm hoi khỏi bọn chuột, Rebeca khẳng định lâu nay chỉ nhận được có hai túi thực phẩm loại này. Thế nên sau giờ học ở trường, nơi một số bạn học « ngất xỉu vì đói », cô không có chọn lựa nào khác ngoài việc đi bới các thùng rác.
Theo RFI
Sửa bởi người viết 13/03/2017 lúc 08:37:25(UTC)
| Lý do: Chưa rõ