“Kỳ này đi Seattle nghe anh.”
Ông nghĩ bụng cái cô này sẵn tiền muốn quăng qua cửa sổ chắc. Mới đi rất xa về phía Đông Nam của Mễ Tây Cơ, khu du lịch Cancún, nay lại đòi đi Tây Bắc nước Mỹ. Không biết mệt? Chưa đã? Rồi mình lại cũng phải mệt nhọc làm theo, đó là chưa kể phải tung tiền cho tương xứng. Phải tính toán chứ. Mới quen biết nhau, mới tìm hiểu nhau, mà cứ “bắt địa” người ta, sẽ sớm đổ vỡ. Thôi thì cứ bước đầu sòng phẳng thử xem. Ông nhớ câu, Vạn sự khởi đầu nan. Thế nghĩa là thế nào, ông nghĩ tiếp. Nghĩa là khi đã sống với nhau trong một thời gian cần thiết nào đó, thấy cô ta dễ dãi, thì mình sẽ hết sòng phẳng, sẽ xài tiền của người ta một cách vô tư, cô này giàu có mà, còn tiền của mình thì thủ kỹ, như “mọi giữ của”? Ông tự cảm thấy mình quá so đo hơn thiệt. Bần tiện. Lúc còn trẻ đâu có thế. Nay già sinh tật? Hay là vì mình không có con cái, không có người nối dõi, nên nhiều lúc bỗng nhiên lo sợ cho cái tuổi già bơ vơ? Và hình ảnh những người già cả không nơi nương tựa ở quê cũ sống trong khốn khổ, tủi hổ thỉnh thoảng vẫn ám ảnh. Trong những giấc mơ mệt nhọc, ông cũng gặp cái ám ảnh đó. Mệt mỏi, nhọc nhằn, chán nản, ngao ngán, phiền toái, ... những chữ tiêu cực đó độ rày hay xuất hiện.
Nhưng nghĩ lại, ở cái xứ này, “công dân thâm niên” - lối dùng chữ hoa mỹ khá mới mẻ để chỉ lớp người lớn tuổi - đã có nhà nước săn sóc. Thì tại sao cái lo âu cho tuổi già, cái tâm trạng bất an đó, cứ đeo theo mình. Ông thử tự quán chiếu lấy và đành phải kết luận rằng, ngoài những thứ ẩn ức không thể giải toả nổi, mình quả là thứ người lẩn thẩn, quá quan tâm, quá chăm lo, cho “cái tôi”. Tóm lại, khư khư mang vào thân những lo âu không đáng có. Hãy phóng khoáng lên, hãy bất cần đời, hãy liều lĩnh, một chút thôi, nhé, ông lẩm bẩm.
“Sao anh?” người đàn bà có vẻ sốt ruột. “Anh nói cái gì vậy? Chịu đi Seattle hay không, sao không thấy anh trả lời.”
Ông lạnh lùng đáp:
“Anh đã đi Seattle mấy lần rồi mà.” Thật ra ông không định nói thế.
“Nhưng anh rồi mà em chưa.” Người đàn bà tiếp lời, ngọt ngào, dịu dàng. “Với lại tiện dịp mình thăm hòn đảo đó luôn, San Juan phải không anh? Chóng ngoan đi anh, chiều em thêm một lần nữa đi anh. Nhe anh. Không em giận anh lắm đấy.”
Ô, đúng là những lời nói quen thuộc mình đã nghe nhiều lần. Nghe ở đâu và khi nào nhỉ? Ông cố nhớ. Phải rồi, hồi còn trẻ, ở những mối tình vặt; sau này ở những lối nói ngây thơ, nhí nhảnh, khuôn sáo trong những vở kịch trên đài phát thanh, TV; hay trong những cuốn tiểu thuyết diễm tình. Và ở những câu nói dối không cố ý. Ông đáp:
“Vâng, thì đi.”
Im lặng một chốc, ông nói tiếp, hơi gắt gỏng:
“Đi để chịu trận cái lạnh mùa đông trên đó.”
Thật ra, mùa đông nơi đang sống cũng khiến ông khó chịu lắm rồi. Ban ngày co ro, không muốn ra khỏi nhà, hoặc ra vườn, ban đêm nằm thao thức mãi chờ giấc ngủ không chịu đến, với tay tìm chiếc gối khác kê lên thử, thấy lạnh cả cái đầu. Ông nghĩ tới thời gian mới qua Mỹ bị đưa đến định cư tại Minnesota, trải qua một mùa đông khủng khiếp nhất trong đời. Nhưng ông cũng biết Seattle không lạnh như Minnesota.
*
Hôm sau, rời nhà lúc 3 giờ sáng tuy 8 giờ máy bay mới cất cánh. Là vì phải mất gần một tiếng lái xe mới đến phi trường. Rồi phải gởi xe tại bãi Parking gần sân bay, rồi đứng đó chờ shuttle bus đến đón, rồi tới phi cảng làm các thủ tục lấy vé, kiểm tra hành lý, khám xét, cổi áo ngoài, tháo đồng hồ, tháo nịt, đưa cao hai tay lên trời, dang rộng đôi chân, nhớ không mang tấc lủng vì phải cổi giày, vân vân và vân vân. Trước kia, khi chưa có khủng bố, thật là thời hoàng kim của du lịch. Mỗi lúc “máu giang hồ” sôi lên, hễ có dư chút tiền và có chút thì giờ, quyết định trong mấy phút, cho chút áo quần vào cái va ly nhỏ, gọi taxi, phóng lên phi trường, chọn nơi đi, mua vé, dông. Khỏe ru. Đã đi nhiều, ông không thấy háo hức, nôn nao nữa. Cảm thấy phiền phức hơn là vui vẻ. Chẳng qua để chiều lòng người đàn bà hiếu động này. Đàn bà khỏe thật. Phái khỏe không thuộc về đàn ông như người ta tưởng! Cái loại đàn ông lúc về già như mình.
“Vâng, thì đi,” ông buột miệng lặp lại. Ông sực nhớ người lớn tuổi thường hay nói lui nói tới điều mình đã nói, khiến người nghe sốt ruột. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Thôi, nhớ đừng nói điều mình vừa nói xong, ông thầm bảo, vâng thì đi.
Nhưng đi đến nơi mình đã đến mấy lần thì cũng chả thú vị gì. Rồi ông tìm cách chống chế. Ừ, đi tới nơi cũ với một người đồng hành mới cũng có thể sẽ gặp những điều, điều gì nhỉ, điều khác lạ. Khác lạ là được rồi. Hơn nữa, càng già càng nên đi nhiều khi sức khỏe và túi tiền còn cho phép. Đi để đổi khung cảnh cũ. Ở mãi một nơi lâu ngày đâm chán. Phải xa nó để khi trở về sẽ có cái cảm giác êm ả khi gặp lại chốn cũ, dù cái chốn cũ đó chưa cũ lắm. Quả là mình chưa đủ thời gian để tạo nên sự gắn bó, thương yêu cái chốn cũ đó, chưa có kỷ niệm gì đáng kể, đáng nhớ. Chỉ là một chút quen thuộc hời hợt của nơi tạm dung. Láng giềng nhạt như nước ốc, gặp nhau “Say Hi, trả lời Ba”, chả hiểu mình nói gì. Đã mấy mươi năm sao vẫn mang tâm trạng đó - tạm dung. Vô tình và bội bạc đến như vậy? Thế bao giờ và nơi đâu mới là quê hương mới đầy yêu dấu để trở thành quê hương vĩnh cửu? Thật ra con người có quê hương vĩnh cửu hay không? Nơi vĩnh cửu, cõi vĩnh hằng phải chăng chỉ được tìm thấy trên những dòng phân ưu đăng trên mặt báo?
Bay lên Seattle. Khá xa, hơn 2 giờ bay. Sẽ không qua Canada như mấy lần trước. Nhưng cũng sẽ thuê xe tại phi trường Seattle, rồi lái xe quanh quẩn thăm lại thành phố đã thăm, ăn uống qua loa, kéo dài thì giờ, chờ chuyến phà 5 giờ chiều ở cuối con đường xuyên bang số 5. Con đường freeway số 5 này dài kinh khủng, chạy một lèo từ biên giới Mễ Tây Cơ đến biên giới Canada. Phà sẽ đưa đến một hòn đảo thuộc tiểu bang Washington, gần sát Canada. Vùng biển này có rất nhiều đảo, mấy chục hay mấy trăm hòn lớn, nhỏ, có tên, không tên, có người ở, không người ở. Sẽ đến đảo San Juan Island khá lớn cạnh các hòn đảo khác như Shaw Island, Orcas Island, Crane Island.
Người đàn bà vẫn không chịu bỏ cái tính khí nóng nảy, sốt ruột. Mới chạy lướt qua vài ba con đường lớn trong thành phố, mới ngồi uống chưa hết ly cà phê nóng trong một quán ăn ấm cúng nhìn trời lạnh buốt bên ngoài, đã giục ra xe chạy gấp cho yên tâm. Lỡ kẹt xe bất tử giữa đường, vì xe người ta đụng nhau cảnh sát ào tới chận đương làm biên bản, hay vì xe mình hỏng máy, có phải là “rách việc” không hả anh. Cô này vừa lo bò trắng răng, vừa ưa chen vào tiếng Việt Cộng? Cho nên khi tới bến phà nhìn đồng hồ, mới 4 giờ chiều. Còn cả một tiếng nữa, làm gì đây? Ông hỏi. Cô ta cười trừ.
Bầu trời bàng bạc một màu ảm đạm. Không mưa. Hay đúng hơn, chưa mưa, sắp mưa. Không thấy trời chuyển mưa. Ở quê hương cũ, trời chuyển mưa như gà chuyển đẻ, loại gà bụi, gà thả rông, chứ không phải gà kỹ nghệ. Mưa quê nhà nóng nảy, mưa ở đây lầm lì. Dự báo thời tiết cho biết sẽ có mưa trong vài ngày kể từ ngày mai. Sương mù dâng lên cao lẫn vào trong mây đục. Biển mập mờ dưới kia. Xa xa, bên trên những nhóm đảo nhỏ, những chấm đen li ti chuyển động chờn vờn như khói. Nhìn kỹ, không phải. Mà là chim. Hàng ngàn, hàng vạn con chim, bay, bay, bay. Bay qua về, tới lui, vươn lên cao, đâm xuống thấp, có khi dàn trải mỏng ra như tấm vải khổng lồ uốn lượn trong gió, có khi dồn lại thành hình quả cầu, hình trái dưa méo mó, biến dạng, có khi quay cuồng rối rít như đám bụi trong cơn lốc. Chúng bay nhanh khủng khiếp, làm loạn cả một góc trời. Khi xa quá, cao quá, cả đàn chim biến mất, rồi xuất hiện trong khoảnh khắc nơi góc trời khác.
Cố nhìn cũng không biết chúng là loại chim gì. Én, vịt trời, chim hồng, chim hộc? Kỳ lạ là bay lượn như thế nhưng chúng không chạm vào nhau, gãy đầu gãy cánh, rơi xuống biển. Hay có mà mình không nhìn thấy chăng? Phi cơ của loài người, về phương diện này, còn lâu mới theo kịp loài chim, ông thầm so sánh. Cứ thế cho đến khi trời tối dần, tầm thấy ngắn lại, mà chúng vẫn tiếp tục bay trong trời đen. Chẳng biết đến lúc nào chúng nó mới chịu ngừng cánh. Hình như có loài chim, ông không nhớ mình đã đọc ở báo nào, lấy không gian trên trời làm chỗ nghỉ. Thời gian đậu trên cành cây, trên mõm đá, hay trên mặt đất ngắn hơn thời gian bay trong không gian. Nói cách khác, đậu mệt mỏi thì bay để nghỉ ngơi.
“Chim nó làm gì đó anh?”
“Nó bay.”
“Nói thế mà cũng nói. Nhưng tại sao nó phải bay loạn cào cào như thế.”
“Thì nó bay chơi.”
“Anh chỉ ưa nói lấy được. Em hỏi thật, tại sao nó bay mải miết vậy?”
Ông trả lời cho xong chuyện:
“Nó luyện cánh. Mùa đông đang đến, luyện cánh để có thể bay xa.”
“Xa là đâu?”
“Bay tuốt về Nam Bán Cầu tránh lạnh.”
“Anh giàu tưởng tượng quá. Muốn trốn lạnh thì phải trốn lẹ lẹ đi chớ, lạnh lắm rồi. Ở đó mà tập với luyện.”
“Có thể em nói đúng, loại chim này chịu lạnh giỏi, đến giờ phút này mà vẫn còn luẩn quẩn nơi này. Bằng không, chúng đã phải bay đi hết vào cuối thu. Chỉ có mình là dân xứ nóng lại mò lên đây vào mùa này. Đúng là khùng.”
Người đàn bà cười gượng:
“Lạnh thì lên xe ngồi cho ấm.”
Đi được mấy bước, người đàn bà còn quay đầu nói vói:
“Nhưng anh vẫn chưa nói cho em biết tại sao chim nó bay.”
Nói xong, cô ta có vẻ bực bội quay ngoắt người đi nhanh đến chiếc xe thuê đang đậu nối đuôi những chiếc xe khác thành một hàng dọc dài song song với những dòng xe khác nữa. Có đến ba, bốn dòng xe nối đuôi nhau. Cả trăm chiếc xe nằm chờ phà trên bãi đậu mênh mông. Ông đứng yên tại chỗ, cố chịu lạnh, quay nhìn về phía biển đen dần. Ông thấy lòng trống trải như thể có một người nào đó tự nhiên xuất hiện cướp lấy cuộc đời của mình mang đi đâu mất. Ông nghĩ đến người vợ cũ.
5 giờ lên phà. Chiếc phà lớn như chiếc tàu thủy. Tầng dưới dành cho xe hơi, gần trăm chiếc, hầu hết là xe nhà, xe du lịch. Tầng dưới nữa không biết dùng để làm gì. Tầng trên cùng đèn sáng trưng, ấm áp nhờ máy sưởi, nhiều phòng thông nhau bằng những lối đi dài, nhiều khu bán thức ăn, thức uống, nhiều dãy bàn ghế, ghế dài, ghế dựa, ghế bành. Có khu chơi games cho trẻ con. Cái trần bên trên và cửa kính bao quanh đều trong suốt cho phép nhìn thấy khắp nơi - trời, biển, đảo. Phà chạy êm êm, tiếng động cơ khe khẽ, không để ý tưởng nó chưa rời bến. Trong bóng tối thấy lờ mờ hết đảo này đến đảo khác, như chỗ ẩn núp của ma quái, cướp biển, hải tặc. Ông lại nghĩ nếu đây là vùng biển Đông Nam Á hồi vượt biên.
Không khát, ông cũng kêu một lon bia lạnh, cầm trong tay. Muốn đi một mình, ông nói với người đàn bà:
“Lái xe nãy giờ chắc mệt. Em ngồi đây đi, anh đi quanh quẩn một chút.”
Ông lần mò xuống tầng dưới, tới đứng trước mũi chiếc phà đang chạy nhanh dần. Sau lưng ông là những hàng xe trống trơn, mọi người đều đã lên tầng trên tránh lạnh. Trời bắt đầu tối đen. Gió lạnh buốt đột ngột thấm qua tất cả các lần áo, luồn vào lồng ngực, vào bụng. Ông rùng mình, vội choàng thêm áo ấm vào. May có cầm theo.
Bỗng nhớ. Đứng yên một chốc bỗng tâm trí quay về quá khứ. Tự nhủ đừng nhớ. Để đầu óc có rộng chỗ dung chứa những thứ khác mới mẻ hơn, tươi mát hơn. Quên quá khứ đi. Và cũng đừng nghĩ đến tương lai. Hãy sống với hiện tại, thu thập cho nhanh những giây phút mong manh, cho nó vào hồn, vào tim, vào não, cho nó đâm chồi, mọc rễ, bám trụ. Vâng, hãy sống với hiện tại. Nhưng hiện tại là cái gì? Làm gì có hiện tại! Vừa chớp mắt, cái chớp mắt đã đi vào quá khứ. Và càng cố quên quá khứ, nó càng nhanh chóng hiện về như thách đố. Cứ để tự nhiên, đừng bó buộc, đừng ức chế, họa chăng có lúc quá khứ tự nó nằm yên chỗ khuất. Nhưng, ông đã biết, sớm muộn gì quá khứ cũng quấy động lại, khi rõ nét, khi mờ nhạt. Hay hãy cứ để quá khứ và hiện tại nhập vào nhau làm một. Cho cả tương lai nữa chen vào thành một gói có được không?
Có thể những người thành công là loại người dễ quên quá khứ chăng? Rồi quên luôn cả cha mẹ, cả vợ, cả bạn? Có cả loại thành công muốn biến thành con người của thế giới, của nhân loại, quên cả quê hương. Riêng cá nhân ông, thất bại và thất bại. Càng thất bại càng nhớ quá khứ. Trong phạm vi lớn lao hơn, phạm vi của cả nước, ông cũng thuộc về phe thất bại. Thua trận. Ông nhớ mang máng người xưa, Tàu thì phải, có viết trong một bài thơ, nhân thua trận về thăm làng cũ, con chim khốn quẫn vẫn muốn đậu cành xưa. Ông nhiều lần muốn về mà nghĩ lại nhất định không về. Nhưng không về không có nghĩa là muốn quên.
Những nhà luân lý, những nhà đạo đức, thường bảo hãy bỏ quá khứ lại ra đằng sau cho khuất mắt để khỏi bận tâm mà bước vào tương lai. Sống với hiện tại, với tương lai, mới đáng sống. Nhưng ông không thể và không muốn tuân theo lời khuyên bảo đó. Ông biết trốn chạy đi đâu cũng không thoát khỏi nó, thì tốt hơn hết là cho nó làm người đồng hành, khi rõ mặt, lúc giấu mặt. Ông tự thấy và tự nguyện làm người tù chung thân của quá khứ.
Thì chuyến phà này trên đất Mỹ làm sao mà không gợi nhớ những chuyến phà ngày xưa tại quê nhà. Phà qua Tiền Giang, Hậu Giang, hồi đó chưa có cầu bắc ngang. Rời quê hương miền Trung vào Miền Nam, ông luôn luôn có cái ham muốn là phải đặt chân phải lên khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Quê hương Miền Nam nghe sao ngọt ngào đến thế! Từ thuở nhỏ, học môn địa lý lớp ba, đã say sưa nhìn tấm bản đồ có Mũi Cà Mau, có châu thổ sông Cửu Long, có vùng Thất Sơn bảy núi... Một ngày nào đó lớn lên sẽ đi. Mơ những bến xe, những sân ga, những bến Bắc, bến phà, bến đò.
Trưởng thành, vào Nam, giấc mơ thành hiện thực. Những khi có phương tiện, thì y như rằng máu giang hồ vặt nổi lên. Ông tới những nơi khởi hành cho những chuyến đi xa. Đi quanh, dòm ngó, thụt lui, thụt tới. Cuối cùng, lần nào cũng thế, khi xe, khi thuyền sắp rời bến, vội vã mua vé lên đường. Ông không khỏi buồn cười nhớ thời còn ở Trung Học, phân vân đứng trước rạp chiếu bóng Tân Tân, nghe tiếng chuông báo lần thứ nhất vẫn chưa chịu mua vé vào cửa, vì nào là bài vở chưa làm xong, nào là tiền dành để ăn trưa sắp cạn, nhà xa buổi trưa ở lại lớp, nào là sợ làm phiền lòng bố mẹ có đứa con ham chơi, nhưng khi tiếng chuông thứ nhì réo gọi cho biết đã chiếu xong phần thời sự, quảng cáo, sắp qua phim chính, thì “ba chân bốn cẳng” chạy bay đến phòng bán vé.
Nhớ bắc Mỹ Thuận nhiều nhất. Xe hơi, hầu hết là xe đò từ Sài Gòn đi Vĩnh Long, Trà Vinh, Cao Lãnh, và xa hơn nữa như Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc, Rạch Giá, Chợ Mới, Cà Mau... và ngược lại. Chiếc phà chưa đến, xe chờ, đậu nối đuôi nhau thành hàng dài mấy trăm thước trên bến Bắc. Hành khách xuống xe vào quán bên đường hoặc đi dài dài trên bến tha hồ ăn uống. Thức ăn đủ thứ, nhớ nhất là những con chim quay, chim nướng, cá chiên, cá hấp, khô mực. Lại nhớ một cô gái miền Nam ở thành phố thấy con mực còn sống bơi trong cái thau nước lạ quá la lên cho mọi người nghe, Kìa, kìa, con khô mực tươi. Mùi nấu nướng bốc lên thơm cả một vùng. Tiếng rao hàng, tiếng gọi hàng rối rít. Trái cây thì xoài Cao Lãnh, cam Cái Bè, mận Mỹ Tho, khóm Long An, vân vân. Dường như tất cả trái cây Miền Nam đều có ở Bắc Mỹ Thuận. Còn uống? Thông thường là nước đá bào nén lại trong ly nhựa xịt vào mấy giọt xi - rô vàng, đỏ, tím mà con nít rất thích; người lớn thì cô ca, xa xị, chanh muối, nước dừa, hoặc chịu chơi đã có rượu đế cũng Long An, bia 33, la de Con Cọp, Trái Thơm từ Sài Gòn mang về. Sinh hoạt bến phà nhộn nhịp từ sáng tinh mơ cho tới chiều tối. Đợi phà ở Bắc Mỹ Thuận là trẩy hội.
Nhưng không phải cái bắc nào cũng vui. Không vui thì buồn. Bắc Vàm Cống chẳng hạn. Quán hàng lỏng chỏng xác xơ, hành khách lác đác, lặng câm. Sông không rộng, nước phù sa đục chảy nhanh, phà ít khách, ban đêm càng vắng. Nhớ tuổi trẻ hoang mang, nhớ mấy câu thơ của một thi sỹ có tiếng. Vâng, Tô Thùy Yên hồi đó cũng còn “tuổi xanh”:
Đêm qua bắc Vàm Cống
Mối sầu như nước dâng
...
Chiếc bắc xa dần bến
Đời xa dần tuổi xanh
Lại nhớ xa thêm. Nhớ Miền Trung nghèo. Nhớ cái bến đò ấy, buồn thiu, vắng teo. Nhớ hổi bé tí níu tay mẹ đi qua đò Ca Cút. Không có quán ăn, cũng không có gánh gánh bán quà, bán bánh. Chỉ một chiếc đò nhỏ cũ nát chở được năm ba người đậu chờ ở bờ bên này hay bờ bên kia của con sông – đưa khách “qua”sông, khách lên bờ, đò lại nằm chờ đưa khách khác “về” sông. Khách gặp may thì có sẵn đò tại bến, lỡ đò đậu chờ bên kia sông thì khách phải khum hai tay vào miệng làm loa gào to, Bơ đò Ca Cút, Bơ đò Ca Cút. Những hôm gió lớn từ Phá Tam Giang thổi giạt tiếng gọi đò, khách sẽ rút ra chiếc mõ gỗ hay mõ tre mang theo sẵn khua lên vài tràng. Tiếng mõ văng vẳng trong gió tiếng được tiếng mất, khá lâu mới tới tai o chèo đò.
Kỷ niệm ùa về như một liều thuốc an thần làm xoa dịu những cơn đau trong lòng. Nhưng bây giờ, tại sao lại phải chiều chuộng một người đàn bà xốc nổi, xa lạ, vô tình, để co ro đứng một mình nơi đây chịu lạnh. Thì còn tại sao nữa, một tiếng nói mơ hồ từ thăm thẳm trong đáy hồn âm ỉ như câu trả lời, nếu không phải tại vì ta có ý đồ dòm ngó túi tiền của người đồng hành? Mình trơ đến thế sao, ông vội gạt bỏ ý nghĩ ấy. Ông lẩm bẩm có lẽ không phải.
Một cơn gió mạnh. Sóng lớn, nước biển bắn vào sàn tàu. Ông thụt lùi mấy bước. Đêm như một khối đen và dày trùm lên mặt biển cũng đen ngòm nếu thỉnh thoảng không có ánh đèn le lói xa xa. Lạnh buốt. Dường như màu đêm đen càng làm cho trời lạnh thêm. Mùa Đông đã đến trên biển Bắc gần một tháng nay rồi, ông đoán. Cài thêm nút áo choàng trên cùng. Bậy quá, mình quên mang nón. Quên cả cái áo có gắn chiếc mũ đằng sau để che hai lỗ tai. Ông lầm bầm tai được che sẽ bớt lạnh nhiều, ông nhớ lần đi Tàu vào mùa Giáng Sinh được một người bạn khuyên như thế. Ông chợt nhận ra rằng mình bỗng dưng có thói quen nói một mình. Ông lại nhớ trong một cuốn sách nào đó ông đọc đã lâu, một ông già đánh cá ngoài biển xa ưa nói nhiều, nói to, cho chính mình nghe khi không có ai ở cạnh. Thế ra mình cũng già rồi. Có khi ông tưởng mình còn trẻ nhí nha nhí nhảnh, có khi ông cảm thấy mình già khọm xấu xa như con khỉ rầu rỉ trong sở thú.
“Nãy giờ tìm không thấy anh đâu cả. Té ra một mình xuống đây. Muốn trốn em hay muốn thi gan với cái lạnh hả?”
“Muốn cả hai.”
“Lại cái giọng đó. Không sợ em giận sao. Thôi, lên trên kia đi anh.”
Phá đám. Đúng là phá đám. Ông buồn cười sực nhớ đã lâu quá ông không hề nghe, không hề nói hai chữ phá đám. Nó đến với ông hồi còn ấu thơ, rồi nó đi biệt, nay thình lình nó trở lại. Phá đám, phá tổ chim, phá cái yên ổn của ngưới khác. Ông đang muốn đứng một mình nơi này thêm một chốc nữa, thì cô ta. Ông đang muốn nhớ thêm những mẫu chuyện lặt vặt khác. Ông đang muốn gặp lại ngày xưa. Những dịp như thế này, không muốn quá khứ cũng kéo về.
“Còn bao lâu tới nơi?” Ông hỏi, giọng khe khẽ, gắt gỏng.
“Đi mới nửa tiếng. Còn hơn một tiếng nữa. Lên trên kia nhe.”
“Không... Thì lên.”
“Hôm nay anh không vui?”
“Ai bảo em thế?”
“Thấy cái mặt anh, em biết.”
“Em nói sai rồi. Trời tối đen thế kia, làm sao em thấy được mặt anh.”
“Anh sai thì có. Tối ngoài kia nhưng trong này có đèn. Mà trời lạnh quá, đừng lôi thôi nữa, lên trên kia đi, bịnh bây giờ. Anh ơi!”
Vài ba người già cả nằm dài trên những chiếc ghế trống vờ ngủ. Chắc mỏi lưng như mình đang mỏi lưng. Thử tưởng tượng có một người rừng từ trên một trong những hòn đảo hoang vắng kia nhìn theo chiếc phà này. Phải không, như một đám lửa khổng lồ trôi lừ lừ trong đêm đen thuở hồng hoang, như dòng phún thạch đỏ rực len lỏi qua những khe, truông, rừng, rú. Trông khiếp đảm. Đầu óc của ông bỗng dưng trống rỗng như cái lon bia đã uống cạn, cứ vô ý cầm mãi trên tay. Thì như có linh cảm, người đàn bà bảo:
“Đưa cái lon cho em bỏ sọt rác.”
Rồi phà cũng đến bến. Một thị trấn nhỏ xúm xít bên trên bến phà. Thị trấn tên là Friday Harbor mà cứ tưởng vào mỗi Thứ Sáu sẽ có tổ chức gì đặc biệt trên cái cảng này. Đèn đường, xe cộ, quán xá, người đi bộ trên các vỉa hè, các lề đường. Cảnh vật rất quen thuộc như từng gặp tại nhiều thị trấn nhỏ trên cái xứ mênh mông này. Lẽ dĩ nhiên không thể thấy xe gắn máy, xe đạp như ở quê cũ. Càng không thể thấy nhưng vẫn gợi nhớ những chiếc xe của thời xa xưa hơn nữa, thời mình còn bé, xe kéo. Cũng gọi là xe tay, hay xe cao su, theo lối nói người miền Bắc. Nhìn đồng hồ. Mới hơn 7 giờ tối.
“Ngoài biển tối hù, đây thì sáng trưng,” người đàn bà bỗng vui hẳn lên. “Trước tiên mình ghé vào một tiệm nào đó kiếm gì ăn đi anh. Hồi trưa em nóng ruột đi nên không kịp ăn cái gì cả. Bây giờ đói bụng muốn chết. Xong đi ngắm phố phường một chút. Về khách sạn chi vội, nhe anh.”
“Để anh xem nào.” Ông bấm iPhone tìm đường về khách sạn. “Từ đây đến Friday Harbor Suites không xa mấy. OK, muốn đi đâu thì đi.”
Qua một phố vắng, gặp mấy con nai chạy tung tăng trên một con đường hẻm. Ông ngẫm nghĩ lạ nhỉ, dân miền này không nuôi chó hay sao. Hay là nai và chó đã quen nhau, sống hòa bình với nhau.
“Anh dừng xe cho em coi nai đi. Kìa có một con nai to bự sư. Em thích nai lắm.”
“Thì dừng. Nhưng em đói bụng mà.”
“Coi nai rồi đi ăn ngay.”
Người góa phụ nói giọng Nam ngọt ngào, có nhan sắc, có tiền, đã đứng tuổi nhưng so với ông thì trẻ hơn nhiều. Lại vui tính, hiếu động, đồng thời cũng biết và chịu khó nấu ăn, và cũng chịu khó sắp xếp việc nhà, sạch sẽ, gọn gàng. Những tính khí trái ngược đó khiến ông quan tâm và tò mò tìm hiểu thêm. Và chỉ quen nhau một thời gian ngắn, họ chung sống. Ông nghiệm ra rằng độ rày ai gặp ông ban đầu cũng dễ bị cuốn hút, nhưng sau một thời gian họ chán.
Trước kia, từ ngày chia tay người vợ thứ nhất, ông buông thả, bừa bãi, sống thường trực trong khủng hoảng. Mỗi khi nghĩ lại thời gian đó, ông thấy lòng buồn vô hạn. Trông ông như người vô gia cư, dù ông có căn nhà khá tươm tất trong khu dân cư có mức sống gần trung lưu. Ngày ngày cơm hàng, cháo chợ, áo quần lôi thôi, lếch thếch, không nếp, không ủi. Căn nhà càng trống trải, lạnh lẽo. Hết giờ làm việc ông không về nhà ngay, lái xe quanh quẩn, ghé nơi này, nơi nọ, đói ăn, khát uống, giết thì giờ. Hễ gặp free way, bất cứ free way nào, ông thường nhập vào và đi thật xa. Chạy trên đó, tốc độ cao, không bị đèn lưu thông quấy rầy, đường êm, dài hun hút, miên man, bất tận, mang lại cho ông phần nào sự an tâm.
Rồi ông lấy người đàn bà thứ hai nhanh chóng, không hôn thú. Bỏ nhau cũng nhanh chóng và dễ dàng. Hai người xa nhau nhưng vẫn giữ được tình cảm tốt cho nhau. Thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi han nhau như bạn. Có điều ông lại lúng túng trong cuộc sống hàng ngày, và không thể nào quên được thời gian cũ sống với người vợ cũ.
Yêu nhau không phải để nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng. Antoine de Saint Exupéry, một nhà văn người Pháp, nói thế, và câu nói được xem như danh ngôn. Ông không thích danh ngôn. Danh ngôn, ngạn ngữ, thường chỉ đúng một nửa, chỉ đúng trong hoàn cảnh nhất định nào đó thôi. Ông cho rằng yêu nhau, ái tình của người nam và người nữ, là chiếm đoạt nhau, sở hữu nhau, không thể “khơi khơi ngồi đó” mà nhìn về một hướng. Ái tình rất vị kỷ, nó không chấp nhận san sẻ cho ai cả. Nó khác tình cảm đối với cha mẹ, anh chị em, bạn bè. Nó, lẽ dĩ nhiên, không những chi phối sinh hoạt của hai người đang yêu nhau, mà còn có ảnh hưởng đối với tương lai của họ. Thế đối với quá khứ? Người ta bảo rằng quá khứ là cái gì không thể thay đổi được. Nhưng khi liên quan đến ái tình, nó khác. Nó thay đổi cả quá khứ.
Ông yêu người vợ thứ nhất. Bỗng một buổi chiều đi làm về sớm hơn mọi ngày, ông bắt gặp cô ta phản bội. Chuyện phải đến, ly dị. Đôi lúc ông cố nhìn lại quá khứ, nhìn lại “những ngày vui cũ” như tìm sự an ủi. Nhưng chính nó không còn nguyên vẹn. Nó thay đổi có lẽ không phải vì lòng ông thay đổi. Mà chính nó, chính những ngày vui ấy tự nhiên mang những dáng dấp khác. Nó bẽ bàng. Nó mất dần cái ngọt ngào, êm ái. Nó cay, đắng.
“Anh nghĩ gì mà thừ người ra thế?”
“Vậy sao? À, có gì đâu, nhớ vài ba chuyện cũ đó mà.”
“Chuyện gì vậy?”
“Những ngày vui.”
Người đàn bà cướp lời:
“Nói thế mà cũng nói. Vậy đi chơi với nhau như bây giờ ... không vui hả?”
“Thì vui.”
Người đàn có vẻ phật ý:
“Thì vui nghĩa là cái gì? Thôi, cầm dao, cầm nỉa lên. Ăn uống lẹ lẹ, rồi về khách sạn. Ngồi đây nhìn anh chán thấy mồ.”
Mùa Đông thường hay mưa vùng đảo này, có lẽ. Sáng hôm sau vẫn chưa thấy mưa như dự báo thời tiết. Trời có âm u hơn. Chạy quanh thăm hòn đảo cho biết, người đàn bà bảo. Thì đi. Ông không muốn lái xe, người đàn bà vui vẻ lên ngồi sau tay lái. Ông lơ đãng nhìn cảnh vật. Mùa Đông mà cây cỏ trên hòn đảo vẫn xanh tươi. Cũng na ná những miền quê khác của nước Mỹ, đường sá sạch sẽ, nhà cửa khang trang, thỉnh thoảng gặp những cánh đồng trống, vài ba bầy bò, bầy cừu chăm chỉ gặm cỏ. Chốc chốc có tiếng chim hót thành những tràng dài trong các lùm cây. Ôi chiều quê, chiều sao xiết êm đềm, một câu hát xa xưa vang vang trong hồn, trong trí, dù chiếc xe đang chạy quanh co trong một buổi sáng mùa đông nơi quê người.
Trước cổng một số trang trại thấy có bày bán trứng vịt: một cái rổ lót rơm trên đó có vài chục quả trứng vịt khá to, màu trắng, màu xanh, có bảng ghi giá trứng đặt nằm cạnh một thùng gỗ nhỏ và cao dùng để đựng tiền. Cao cho gió khỏi bay tiền, ông nghĩ, vì đảo thoáng gió. Không có người kiểm soát. Người mua tự động lấy trứng rồi quăng tiền vào thùng gỗ.
Lại đi nơi khác, lại gặp một khu vườn nhỏ nằm thoai thoải cạnh bờ biển, cuối vườn là ngọn hải đăng. Tại cổng vào vườn có treo bảng ghi giá vào cửa. $10.00. Cũng không có người soát vé. Hai người xuống xe vào vườn đi thăm thú các nơi. Người đàn bà vui như con chim khướu, hỏi han lắm chuyện, hỏi thiệt và hỏi vờ vĩnh. Ông trả lời cầm chừng. Ông nghĩ ông đâu phải là cái máy trả lời, nhiều lúc bí. Mươi phút sau, hai người trở lại xe thì gặp một chiếc xe hơi chạy đến đậu bên cạnh. Ba cô gái da trắng, mới lớn, tuổi sàn sàn nhau, nhảy ra xe. Dùng chữ nhảy là đúng, vì ba cô bé không mở những cánh cửa của chiếc xe mui trần. Bọn trẻ mỉm cười chào, rồi đứa nào đứa nấy vội mở ví rút tiền bỏ vào thùng đựng tiền đặt ngay trước cổng.
“Mỹ nó đàng hoàng quá,” ông nói.
“Em cũng có rút ví, nhưng không có tiền lẻ.”
“Anh thì có tiền lẻ nhưng không moi ra.”
“Anh khôn ghê.”
“Em nói cái gì vậy? Anh không khôn, cũng không dại. Chỉ lười.”
“Lười móc tiền ra khỏi ví? Vậy là khôn chớ.”
Ông cảm thấy chán nản, không muốn pha trò, tranh cãi. Ông thèm cái hồn nhiên, vui sống của cô ta. Vui thật hay vui giả, ông chưa biết chắc. Họ tiếp tục đi hướng về phía bắc hòn đảo, ghé thăm công viên English Camp National Historic Park. Một trụ cờ cao giữa sân, một lá cờ nước Anh thật lớn bay phất phới trong gió. Ông ngạc nhiên, mở bản đồ ra xem, thấy phía nam hòn đảo cũng có American Camp National Historic Park. Vậy phải chăng đã có thời hòn đảo này là vùng tranh chấp của Anh và Mỹ? Hai doanh trại này chắc chắn đã từng nổ súng đọ sức với nhau. Rồi cù cưa, không ai diệt được ai. Đành phải kẻ trấn bắc, người giữ nam, của cái hòn đảo bé con này? Ông ngẫm nghĩ. Về sau cách mạng Mỹ thành công, quân Anh phải rút đi hết. Nhưng tại sao vẫn còn lá cờ Anh? Nghĩa là mỗi sáng, mỗi chiều có người kéo cờ lên, hạ cờ xuống? Người đó là lính Anh, lính Mỹ, hay người dân thường?
Dù gì đi nữa, có một điều chắc chắn là hòn đảo này rất trân quý di tích lịch sử. Nhớ quá khứ chăng? Muốn sống mãi với kỷ niệm chăng? Thế là mình đã gặp người đồng điệu. Ô, không hẳn thế, ông nghĩ lại. Dân Mỹ trẻ trung, xem quá khứ là cái gì rất quý giá, cần phải bảo tồn trọn vẹn. Mất cái quá khứ đó là mất hết gốc, rễ, mất căn cước. Từ cái quá khứ ngắn ngủi ấy, họ hãnh diện và tích cực nhìn về tương lai. Còn ông, người thất bại, người thua trận, gậm nhắm quá khứ như con mọt gậm gỗ mục, thiếu không gian, thiếu không khí, nghẹn ngào, đau đớn, căm hờn. Hoặc nuối tiếc. Hoặc mơ một ngày về càng lúc càng xa vời vợi.
“Anh này, nước Mỹ hồi đó chắc còn trẻ lắm.”
“Hồi đó là hồi nào?”
“Hồi Anh đóng đồn mé bắc, Mỹ thì mé nam. Em nói thế chưa rõ sao mà anh còn muốn bắt bẻ? Từ hôm qua đến giờ anh làm sao ấy.”
Ông trả lời cho xong chuyện:
“Vâng, thì em đã nói rõ. Đúng, hồi đó Mỹ còn trẻ lắm.”
“Mới lập quốc được năm bảy năm là cùng chứ gì. Một nước Mỹ thơ ấu đánh đuổi hết quân Anh ra khỏi đất của mình sao nổi, phải không anh?”
“Phải.”
“Sau đó Mỹ mạnh lên, Anh phải co giò chạy?”
“Đúng.”
“Thôi, không thèm nói chuyện với anh nữa.”
Hai người lại lên xe. Người đàn bà tiếp tục cầm tay lái. Ông ngồi bên cạnh nhìn bâng quơ, cặp mắt không đậu vào một nơi nào, không trông thấy rõ cả con đường nhựa đen chạy quanh co đằng trước. Trên đảo này, hình như có nhiều con đường nhỏ, cong, khiến chiếc xe cứ thế quay mũi hoài. Đầu óc ông đang bận bịu vì chuyện ngày xưa có hai đoàn quân đối địch lại đồn trú trên một hòn đảo nhỏ. Tử thần luôn luôn hiện diện. Gươm giáo, súng ống, sẵn sàng vung lên, khạc đạn. Loài người hiếu chiến hơn tất cả mọi loài.
Không thể có hai con cọp dữ chung sống trong một cánh rừng. Huống là trên một hòn đảo nhỏ. Đó là người lớn ví von như thế. Hồi bé, mình nói khác. Ông nghĩ lan man đến những năm lên chín, lên mười. Tản cư về quê, nhà ở đầu xóm, mái ngói, nền lát gỗ, sân lát gạch. Gia đình có tiền hơn những người dân làng. Cuối xóm có thằng nhỏ tuổi sàn sàn với mình nhưng sai bảo được lũ trẻ con quanh đấy. Chỉ một thời gian ngắn, mình gặp nó.