Hoài Linh quả là một thiên tài trong âm nhạc, tạo dựng một bài hát có âm điệu da diết và lời lẽ tinh tế. Thêm vào đó, tiếng Việt, với những từ ngữ kỳ diệu như lỡ, sa vào, đã giúp ông viết được những lởi nhạc mê hồn. Điểm đặc biệt trong bài là Hoài Linh chỉ dùng ba từ Hán Việt: Phong trần, vạn lý, và sơn khê. Trái với lời đồn, hầu như tất cả những bản nhạc của Hoài Linh dùng rất it từ ngữ Hán Việt. Ngược lại, theo tôi nghĩ, ông dùng tiếng Việt đơn giản, it màu mè trau chuốt. Có những câu rất mộc mạc nhưng tha thiết (Hậu Giang tôi cũng kiếm/ Miền Trung tôi cũng tìm trong Nhịp Cầu Tri Âm), đơn giản nhưng sâu sắc (Trẻ thơ yên tâm sách đèn trong Lá Thư Trần Thế), trẻ con nhưng nồng nàn (Nắm tay hết giận hết hờn trong Hai Đứa Giận Nhau).
Lối diễn tả thiết tha chân thành tự phát trong thi ca được tạo ra từ một xã hội tự do
Ngoài chuyện những bài hát viết trong miền Nam năm 1954-1975, còn gọi là nhạc vàng, có âm điệu trữ tình, nhẹ nhàng, du dương, những lời nhạc cũng rất là thiết tha, chân thành, và đầy tình cảm, dùng tiếng Việt trong sáng, đơn sơ, phong phú. (Tôi sẽ không đi sâu vào sự khác biệt giữa ‘’ âm nhạc/ tình khúc miền Nam 1954-1975’’ và ‘’nhạc vàng’’ nhưng trong bài này, tôi dùng hai biểu hiện đó như nhau.) Như đã trình bày ở trên, Hoài Linh không phải là nhạc sĩ nổi tiếng nhất. Câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ đương nhiên không phải là câu hay nhất trong âm nhạc miền Nam năm 1954-1975. Còn có cả ngàn, vạn câu hay như vậy. Tôi không thể viết hết ra được. Nhưng hãy lắng nghe những câu sau đây:
– Và se tơ kết tóc – giam em vào lòng thôi trong Ngày Đó Chúng Mình – Phạm Duy
– Sóng vỗ về ru giấc quê hương/Nhưng quê hương chưa ngủ trong Biển Mặn – Trần Thiện Thanh
– Mơ thấy một ngày con níu chân cha trong Trộm Nhìn Nhau – Trầm Tử Thiêng
– Ngày nao súng phải thẹn thùng trong Đa Tạ – Anh Việt Thu
– Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ trong Tình Xa – Trịnh Công Sơn
– Cỏ may đan dấu chân tròn trong Bông Cỏ May – Trúc Phương
– Tóc buông giữ vẹn lời thề trong Xa Vắng – Y Vân
– Lòng tuôn đong đầy trang giấy trong Phút Đầu Tiên – Hoàng Thi Thơ
– Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết trong Áo lụa Hà Đông – Ngô Thụy Miên
– Cho em môi hôn vội vàng trong Tình Khúc Cho Em – Lê Uyên Phương
– Tình yêu là những ngôi sao bay vèo trong đêm trong Tình Là Sợi Tơ – Anh Bằng
– Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi trong Một Mai Giã Từ Vũ Khí – Trịnh Lâm Ngân (Nhật Ngân).
Giống như câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em,’’ các câu hát trên rất là đơn sơ nhưng thiết tha, chân thành, và có mãnh lực rung động tình cảm. Cách dùng chữ rất tinh tế và sâu sắc. Vi những câu đó quá đơn giản, quá chân thành, và thể hiện tình cảm con người một cách chân thật tự nhiên không màu mè, tôi tin rằng những nhạc sĩ miền Nam trước năm 1975 không nghiền ngẫm từ điển, hoặc tốn hàng ngày hàng giờ cố tìm lời ca, mà chỉ viết những câu đó một cách tự phát.
Đa số nhạc sĩ, văn sĩ, hoặc thi sĩ thường có cái hứng ‘’tự phát’’ như vậy. Nhưng không phải ai cũng có thể ghi nhận được, hoặc có được cái hứng ‘’tự phát’’ phản ảnh trung thực tâm trạng mình. Để làm được chuyện đó, người viết nhạc, văn, thơ phải được sống trong một môi trường xã hội khuyến khích tự do và sáng tạo. Chính cái môi trường sinh hoạt cho phép tự do tư tưởng giúp người viết nhạc, văn, thơ tích tụ và phát huy được những ý tưởng tuyệt diệu và biết cách diễn tả các ý tưởng đó một cách hữu hiệu.
Môi trường sinh hoạt đó hiện hữu trong miền Nam trước năm 1975. Chính thể Việt Nam Cộng Hòa, tuy còn chập chững trong những bước chân đầu tiên của nền dân chủ, là một chính thể dựa vào nguyên tắc căn bản của tự do. Xã hội miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa là một xã hội tự do. Người miền Nam ưa chuộng hòa bình và tự do. Người miền Bắc cũng vậy, nhưng cộng sản miền Bắc đem học thuyết ngoại bang đô hộ dân miền Bắc và chà đạp tinh thần tự do cố hữu của dân Việt, qua những quái trạng như vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm. Dưới sự kiểm soát tư tưởng và chính sách tẩy não và nhồi sọ, người dân miền Bắc không có tự do để tích tụ và phát huy những ý tưởng chân thành của con người. Mọi chuyện đều phải hướng về đảng cộng sản, cuộc chiến tranh, hoặc tôn thờ Hồ chí Minh. ‘’Ở miền Bắc, mọi thông tin mà quần chúng biết được qua bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào đều bị gạn lọc qua một thể thức kiểm tra được chính quyền, và sau cùng là đảng cộng sản, kiểm soát chặt chẽ; trong miền Nam, mặc dù kiểm duyệt hiện hữu, những quan điểm rất khác biệt về các vấn đề xã hội, kinh tế, quân sự, và ngay cả chính trị luôn luôn được biểu lộ với sự tự do rộng rãi hơn không thể so sánh được’’ (Jamieson 1995, 290). Chính ‘’sự tự do rộng rãi hơn không thể so sánh được’’ đã nuôi dưỡng và phát huy sức sáng tạo mãnh liệt về phương diện văn chương và thi ca, nhất là âm nhạc, tại miền Nam trước năm 1975.
Mối liên hệ giữa tự do và sáng tạo được hiểu rõ trên nhiều khía cạnh. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng tuyên bố (2010), ‘’Không có tự do, sự sáng tạo không thể nào nẩy nở.’’ Trong âm nhạc, tự do và sáng tạo luôn luôn đi đôi với nhau. Johnson-Laird, khi nghiên cứu mối liên hệ này, nhận xét (1988, 207), ‘’Tự do lựa chọn xảy ra hay nhất trong những hoạt động sáng tạo.’’ Trong giáo dục, không có tự do, khó mà có được sáng tạo: ‘’Tự do là điều kiện cần thiết cho sáng tạo’’ (Erez 2004, 134). Chế độ cộng sản tại miền Bắc Việt Nam hạn chế tự do trong nhiều lãnh vực, nhất là về văn học. Ngược lại, miền Nam trước năm 1975 hưởng tự do gần như là không hạn chế trong lãnh vực văn học, thi ca, và âm nhạc; và do đó đã giúp cho sự phát huy cực thịnh của nền âm nhạc tuyệt diệu sống mãi trong lòng người dân Việt.
Giả sử một người có khả năng như Hoài Linh sống dưới chế độ cộng sản cố viết một câu tương tự như câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em.’’ Có thể ông ta vẫn có được ý tưởng, nhưng ông ta sẽ phải đắn đo suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi viết ra lời nhạc. Ông ta sẽ phải nghĩ đến câu đó sẽ có hậu quả gì, chính quyền có cho phép ông ta xuất bản bài hát không. Ông ta sẽ phải sửa đổi lời nhạc cho thích hợp với ý thích của chính quyền. Hai câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em/ Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm’’ có thể sẽ biến thành hai câu lãng nhách như ‘’Lòng vẫn u hoài thương Bác yêu/ Càng thương càng nhớ càng yêu nhiều.’’ Chuyện tình câm của chàng trai nghèo với cô gái xõa tóc bên rèm cửa sổ có thể sẽ biến thành chuyện chàng trai ‘’dũng cảm, hy sinh tính mạng cho nổ lựu đạn giết quân Ngụy theo lời dậy dỗ của Bác Hồ’’.
Âm nhạc miền Nam trước năm 1975 có ‘’đồi trụy, ủy mị, yếu đuối, và ru ngủ’’ hay không ?
Nói đến văn hóa mà không nói đến cái bối cảnh chính trị là một sự thiếu sót. Văn hóa và chính trị hầu như không thể tách rời được (Xem, thí dụ như, Nguyễn 2014). Nói đến âm nhạc miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 mà không đề cập đến bối cảnh chính trị là một sự thiếu sót to tát. Tại sao ? Vì âm nhạc miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 đã bị khai tử khi cộng sản chiếm đóng miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975, bị chính quyền cộng sản coi là ‘’phản động, ủy mị, đồi trụy, và ru ngủ.’’ Tuy bị cấm đoán, người dân cả khắp ba miền Nam, Trung, Bắc vẫn thích nghe nhạc vàng. Sau hơn mười năm cấm đoán, cuối cùng cộng sản phải chịu thua và dần dần cho phổ biến lại một số bản nhạc của miền Nam trước năm 1975. Nhưng tiếc thay, cho dù các bài hát của miền Nam được sống lại sau một thời gian câm nín, sự hồi sinh của âm nhạc miền Nam không thể giúp phát huy nền âm nhạc Việt Nam vì cái môi trường sinh sống của nền âm nhạc đó không còn nữa. Chế độ cộng sản đã hủy hoại tính chất nhân bản của văn hóa và làm suy đồi khả năng sáng tạo của người Việt.
Nền âm nhạc miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975 thể hiện bản chất dân tộc Việt Nam một cách tuyệt vời: Hiền hòa, ưa chuộng hòa bình, đơn sơ, nhún nhường, biết kính trọng, cao thượng, vị tha, chân thật, mộc mạc, bình dân, lãng mạn, và tình tứ. Trong hoàn cảnh chiến tranh trong giai đoạn 1954-1975, âm nhạc miền Nam vẫn có tình thương, kêu gọi hòa bình, ghi nhận những hãi hùng của cuộc chiến, và những mối tình ngây thơ của tuổi học trò hoặc với người lính đang xả thân trong lằn tên mũi đạn. Tuy cũng có vài bài nói đến giết giặc thù, những bài này không chửi rủa phe cộng sản, hoặc kích động chém giết. mà chỉ ghi nhận thực tế của chiến tranh.
Ngược lại, âm nhạc miền Bắc, còn gọi là nhạc đỏ, đượm màu sắc kích động chiến tranh, tuyên truyền, hoặc ca ngợi Hồ chí Minh. Rất it bài chỉ nói về tình yêu trai gái đơn sơ hoặc ước vọng hòa bình. Người cộng sản tự hào là âm nhạc họ ‘’hào hùng, mạnh mẽ, phát huy tinh thần dân tộc chống Mỹ diệt Ngụy’’, và coi âm nhạc miền Nam là ‘’đồi trụy, ủy mị, yếu đuối, ru ngủ tinh thần chiến đấu’’. Sự đánh giá trị này về âm nhạc miền Nam trước 1975 hoàn toàn sai lầm.
Nếu âm nhạc miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 là ủy mị, yếu đuối, ru ngủ, và đồi trụy, thì tại sao bây giờ những bài hát đó được phổ biến khắp nơi trên Việt Nam và hầu như ai cũng ưa chuộng ? Người cộng sản sẽ trả lời rằng trong thời bình, thì những bài đó không ủy mị, yếu đuối, ru ngủ, và đồi trụy; nhưng trong thời chiến thì chúng là như vậy. Câu trả lời đó sai lầm vì nhiều lý do.
Thứ nhất, tính chất ủy mị, yếu đuối, ru ngủ không có thời gian tính và không gian tính. Âm nhạc, giống như thơ văn, phản ảnh con người. Tính chất của âm nhạc, do đó, phản ảnh bản chất con người. Chiến tranh có thể thay đổi sự biểu lộ bản chất con người, nhưng không thay đổi bản chất con người.
Thứ nhì, có chắc là âm nhạc miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 là ‘’ủy mị, yếu đuối, hoặc ru ngủ’’ ngay cả trong thời chiến tranh ? Tôi tin sự thật là ngược lại. Âm nhạc miền Nam 1954-1975 phản ảnh trung thực tâm trạng, cuộc sống, ước vọng, và bản chất người miền Nam lúc bấy giờ; và cái gì trung thực đều mạnh mẽ, bền bỉ, và vững chãi. Đó là lý do tại sao mặc dù đã bị khai tử và cấm đoán hơn mười năm, âm nhạc miền Nam 1954-1975 vẫn sống lại và còn được phát huy mạnh mẽ hơn xưa, và được cả dân ba miền ưa chuộng. Ai dám nói rằng các câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em, Mơ thấy một ngày con níu chân cha, Tóc buông giữ vẹn lời thề là ‘’ủy mị ? yếu đuối ? hay ru ngủ’’ ? Ca ngợi tình yêu là ‘’đồi trụy’’ ? Mơ ước chiến tranh chấm dứt để trả súng đạn, sạch nợ sông núi là ‘’ủy mị ? đồi trụy’’ ?
Thứ ba, trong một cuộc mâu thuẫn, một phe không thể áp đặt cái suy nghĩ chủ quan của họ lên phe kia. Trong chiến tranh Việt Nam, phe cộng sản chủ trương phải giết kẻ đối đầu để giành chiến thắng. Nhưng người miền Nam không nghĩ như vậy. Trong khi phe cộng sản điên cuồng tấn công miền Nam, người miền Nam chỉ biết giữ thế thủ và tự vệ, hoặc bảo vệ người thân và dân vô tội. Đặt trường hợp bạn đang sống an vui trong nhà, một người anh em trong gia đình đi xa từ đâu về đánh đập con cái bạn, xúi giục chúng chém giết lẫn nhau, và kết tội bạn là kẻ phục tòng một ông nhà giàu nào đó. Bạn có coi đó là cuộc chiến để giành chiến thắng hay không ? Phản ứng bạn đương nhiên là tự vệ, bảo tồn gia đình và vợ con; nhưng bạn có muốn hô hào con cái bạn giết người anh em đó không ? Có thể bạn sẽ hô hào con cái bạn chống trả người anh em đó, nhưng bạn sẽ cố tránh không đào sâu mối hận thù bằng những lời chửi rủa hoặc chém giết. Ngược lại, bạn sẽ cố gắng hàn gắn vết thương và thảm khốc của chiến tranh qua những lời thương yêu, và khuyên nhủ người anh em bạn buông súng ‘’về bên bếp hồng tay cầm tay.’’ Đó là cái bản chất nhân bản của dân tộc Việt. Cái bản chất nhân bản thể hiện một phần qua nền âm nhạc chứa chan tình cảm và yêu thương của miền Nam 1954-1975 mà phe cộng sản gọi là ‘’ủy mị, yếu đuối, và ru ngủ’’.
Kết luận
Trong bài này, tôi chỉ dùng câu ‘’Hồn lỡ sa vào đôi mắt em’’ trong bài Về đâu mái tóc người Thương của Hoài Linh để đưa ra nhận xét rằng lời nhạ̣c trong đa số những bản nhạ̣c của miền Nam 1954-1975 phản ảnh bản chất nhân bản của dân Việt, với lời đơn sơ diễn tả tình con người thắm thiết. Tôi có thể viết cả ngàn bài tương tự, mỗi bài cho một câu trong một bản nhạ̣c của miền Nam; nhưng chuyện đó là chuyện thừa thải. Ai cũng có thể làm được chuyện đó. Bạn thử làm đi. Hãy nhắm mắt lại, và nghe những bài hát của miền Nam trước ngày 30 tháng 4, 1975. Bạn hãy để hồn bay bổng theo điệu nhạc du dương, tiếng đàn réo rắt, và giọng ca truyền cảm của người ca sĩ bạn yêu thích.
Bạn sẽ thấy muôn hình vạn trạng của bản chất dân tộc Việt như những bức tranh đầy màu sắc, những nét phác họa đơn sơ, những đường kẻ tỉ mỉ, những sắc thái tinh tế, và những nét chấm phá tuyệt vời. Bạn sẽ chóng mặt và hoảng kinh khi nghe những biểu hiện đơn sơ nhưng mạnh mẽ của con níu chân cha, giam em vào lòng, súng phải thẹn thùng, đong đầy trang giấy, môi hôn vội vàng, lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá, vì thương những người không tình yêu, trăng ngà lả lơi, có con chim sâu chỉ lối, vừa đi đã mỏi, thành phố ngả nghiêng, hiu hắt cơn sầu.
Sau khi nghe xong bản nhạc, bạn hãy nghĩ đến những nhạc sĩ miền Nam trước năm 1975.
Sau đó, bạn hãy tự hỏi, ‘’Liệu có nhạc sĩ hay thi sĩ nào sống trong chế độ cộng sản tại Việt Nam có thể viết được câu nào hay như những câu trong nhạc miền Nam trước năm 75 ?’’
Cao Đắc Tuấn