Ca khúc “Con Ðường Xưa Em Ði” bị nhà phê bình Nguyễn Lưu đổi thành “Con Ðường Xưa Anh Ði.”
HÀ NỘI (NV) – Sau khi chính quyền Việt Nam tạm ngưng lưu hành năm ca khúc sáng tác trước năm 1975 thì công chúng phản ứng khá gay gắt về quyết định này. Ngay sau đó, báo điện tử VTC News và báo điện tử VOV của đài Tiếng Nói Việt Nam mở diễn đàn bình luận với mục đích “giải độc.”
Kết quả, “độc” không giải được, mà công chúng còn nhận được những phát ngôn ngớ ngẩn của hai nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu, và Nguyễn Thụy Kha cho năm ca khúc sáng tác trước năm 1975 tạm ngưng lưu hành, gồm: “Cánh Thiệp Ðầu Xuân” (Lê Dinh-Minh Kỳ), “Rừng Xưa” (Lam Phương), “Chuyện Buồn Ngày Xuân” (Lam Phương), “Ðừng Gọi Anh Bằng Chú” (Diên An), “Con Ðường Xưa Em Ði” (Châu Kỳ-Hồ Ðình Phương).
Chẳng hạn, ông Kha cho rằng: “Hàng trăm hợp xướng của tôi và các đồng nghiệp, hàng nghìn ca khúc cách mạng vĩ đại thì chẳng ai nhắc đến hay ca ngợi. Còn năm ca khúc kia mới bị tạm dừng lưu hành lại được đưa ra mổ xẻ, tranh cãi, bênh vực…”
Ông Nguyễn Lưu và “cái tát” 11 năm trướcÐây không phải lần đầu ông Nguyễn Lưu gay gắt với nhạc “vàng.” Cách đây 11 năm (2006), khi nhạc sĩ Phạm Duy được công chúng chào đón trong chương trình “Ngày Trở Về” do công ty Văn Hóa Phương Nam tổ chức, ông viết bài “Không Thể Tung Hô” đăng trên báo Ðầu Tư gây phản đối kịch liệt trong dư luận. Sự phản đối về bài viết của Nguyễn Lưu mạnh đến nỗi ông không thể “ngóc đầu lên để thở” suốt 11 năm qua.
Chỉ cần đánh bốn chữ “Không Thể Tung Hô,” chúng ta dễ dàng tìm đọc cả bài trên Google. Chẳng hạn, Nguyễn Lưu cho rằng: “Một người từng bỏ kháng chiến theo thực dân Pháp, khi Pháp rút lại theo Ngô Ðình Diệm và khi ngụy quyền sụp đổ lại chạy qua Mỹ. Và tại đó, đã viết hàng loạt bài kêu gọi chống Cộng, với giọng điệu ‘sặc mùi’ hiếu chiến. Nay, thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, lại xin trở về! Hà cớ gì phải tung hô, xưng tụng đến như thế!”
Hay Nguyễn Lưu viết: “Ðỉnh cao sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài ‘Mùa Thu Chết.’ Ở đó, tác giả đã công khai tư tưởng chống Cộng của mình. Ông ta đã từ bỏ tình yêu với tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả và ít ai quên cái mùa Thu trong ca khúc ấy chính là cách mạng mùa Thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.”
Bài viết này của ông lập tức bị công ty Phương Nam phản bác lại nhiều điều. Công ty cho rằng đây là một show ca nhạc bình thường, ai thích thì mua vé vào xem. Họ tổ chức cho nhạc sĩ Phạm Duy, vì họ là đơn vị nắm bản quyền khai thác ca khúc Phạm Duy ở Việt Nam trong 20 năm. Mua bản quyền rồi, thì họ phải bán kiếm lời, chứ chẳng lẽ cất vô kho!
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu. (Hình: chinhhoiuc.blogspot.com)
Trong lá thư phản bác, bà Phan Thị Lệ, tổng giám đốc công ty Phương Nam, cũng chỉ ra một số “lỗ hổng kiến thức” của Nguyễn Lưu: “Ðộc giả, đặc biệt là những người từng ở miền Nam trước năm 1975, ai cũng biết rằng bài ‘Mùa Thu Chết’ rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy là phổ thơ Guillaume Apollinaire (1880-1918), một nhà thơ Pháp. Bài thơ của Apollinaire chỉ có năm câu, mang tựa đề ‘L’Adieu,’ khi phổ nhạc vẫn giữ gần như nguyên vẹn.”
Bà Phan Thị Lệ kết luận rằng cách phê bình “cả vú lấp miệng em” của ông Nguyễn Lưu ngoài chuyện “gây ô nhiễm nặng môi trường học thuật” trong nước, mà còn “cạnh tranh không lành mạnh” trong kinh doanh nghệ thuật.
Cả hai bài viết của Nguyễn Lưu và Phan Thị Lệ tạo sự tranh luận sôi nổi, thậm chí gay gắt về nhân vật này trong năm 2006.
Ðáng chú ý là ý kiến của một người tên huynhhai, đăng lên blogger Nguyễn Ðình Chính: “Những người thuộc lớp tuổi như ông Nguyễn Lưu được sinh ra trong lòng ‘hậu phương lớn miền Bắc,’ được giáo dục ‘dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa.’ Ðặc điểm chung của lớp người này là kiến thức nửa vời, lối suy nghĩ đầy định kiến, dù họ được học hành đàng hoàng và được cho là ‘trí thức Xã Hội Chủ Nghĩa.’ Thêm vào đó, họ còn một đặc điểm nữa là ‘kiêu ngạo cách mạng’ hoặc ‘kiêu ngạo Cộng Sản.’ Ðối với họ chỉ có cách mạng vô sản và người Cộng Sản mới đáng kể, mới là ‘đỉnh cao trí tuệ của loài người.’”
Qua những “cơn sóng dữ” của dư luận, người ta không ngạc nhiên khi Nguyễn Lưu “lặn không sủi tăm,” từ ngày ấy.
“Hàng nghìn ca khúc cách mạng vĩ đại chẳng ai ca ngợi”Sau 11 năm, ông Nguyễn Lưu, bây giờ là nhà phê bình âm nhạc “trồi lên để thở” qua cuộc phỏng vấn với báo điện tử VTC News, sau khi năm ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị tạm cấm lưu hành.
Trong lần phỏng vấn này, hầu hết từng câu trả lời phỏng vấn của Nguyễn Lưu đều bị dân mạng “bẻ gãy” bằng những lập luận sắc bén.
Nguyễn Lưu nói: “Nên cấm phổ biến những ca khúc viết về lính VNCH. Tôi thấy có rất nhiều về vấn đề tư tưởng. ‘Con Ðường Xưa Anh Ði’ là con đường nào?”
Facebooker Do Duy Ngoc phản biện: “Nếu bắt bẻ thì ngay mở đầu chú đã sửa ca từ của người ta rồi. Nguyên văn của nó là ‘Con Ðường Xưa Em Ði,’ chú gán thành chữ ‘anh’ để chú lôi anh lính VNCH vào để chú kết án: ‘Khi chúng ta ca ngợi những bước chân người lính, đó phải là những bước chân của người đi bảo vệ, xây dựng tổ quốc, chứ không phải của những người dại dột đi theo kẻ thù, chống lại quyền lợi của dân tộc.’ He… he chú lên gân cốt hơi quá rồi, hay là tại chú ngu không hiểu nội dung bài hát, hoặc chú giả vờ ngu để lái ý bài hát đi theo hướng của mình. Bởi thật ra đây là bài nhạc tình, một anh chàng yêu một cô nàng, gợi lại kỷ niệm trên con đường xưa. Chú là chuyên gia tào lao, cũng như trước đây chú lên án bài ‘Mùa Thu Chết’ của Phạm Duy vậy.”
Trên trang mạng VNTB, tác giả Kỳ Lâm cho rằng,“Và 11 năm sau, nhạc sĩ Nguyễn Lưu vẫn không thay đổi gì trong cách nhìn quá khắc nghiệt, đầy tính giai cấp và hận thù chiến tranh qua tác phẩm nghệ thuật.”
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lưu không đơn độc. Ông vẫn có một “đồng chí” chia sẻ, đó là Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ, kiêm nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha. (Hình: vov.vn)
Nói với báo điện tử VOV, ông Kha cho rằng: “Hàng trăm hợp xướng của tôi và các đồng nghiệp, hàng nghìn ca khúc cách mạng vĩ đại thì chẳng ai nhắc đến hay ca ngợi. Còn năm ca khúc kia mới bị tạm dừng lưu hành lại được đưa ra mổ xẻ, tranh cãi, bênh vực. Tôi cho rằng, thị hiếu của một bộ phận công chúng người Việt đang thực sự có vấn đề. Ðó là điều rất đáng buồn.”
Ngay lập tức, bài phỏng vấn này được mạng xã hội mổ xẻ.
Facebooker Do Duy Ngoc thẳng thắn: “Ðọc bài phân tích của chú, tui cũng thấy chú ngu chẳng khác gì chú Lưu. Thế mà hai chú cũng vỗ ngực xưng tên là nhà phê bình âm nhạc, tui cũng xấu hổ cho cái nghề phê bình […] Các chú làm ra hàng trăm, hàng nghìn ca khúc vĩ đại mà chẳng có ai nhớ, chẳng có ai vinh danh, nên chú tức, chú hận, chú cho là thị hiếu của người nghe bây giờ có vấn đề. […] Nếu sáng tác của các chú có giá trị, đi được vào trái tim con người, nó sẽ nằm đó mãi mãi, dù có ngăn cấm, dù có xóa sạch, nó vẫn hiện diện. Trái lại, những tác phẩm của một phong trào, phục vụ cho một thời kỳ sẽ có lúc bị lỗi mốt và người ta quên nó mất. Ðó là quy luật đào thải, không ai cản được.”
Nhà văn Lê Thiếu Nhơn cũng gởi gắm đôi điều: “Nguyễn Thụy Kha không phải hạng kém cỏi, nhưng quen thói đãi bôi kiếm ăn. Cứ có tiền, có rượu là Kha nhảy xổ lên uốn lưỡi đong đưa ca ngợi tít mù. Cái tâm tư lớn nhất của Kha là công chúng và ca sĩ đều ngu lâu dốt bền. Ừ nhỉ, tại sao thiên hạ không biết Kha cũng có viết nhạc? Ðể tái cấu trúc nền âm nhạc vớ vẩn và tái giáo dục đám đông mê muội, đề nghị ‘các cơ quan có thẩm quyền’ phải triển khai ngay ‘sự quản lý’ để mọi người cùng hát, cùng nghe nhạc Nguyễn Thụy Kha cho văn hóa Việt đi lên theo tốc độ phi mã!”
Vũ Ðình Trọng/Người Việt
Sửa bởi người viết 21/03/2017 lúc 11:26:22(UTC)
| Lý do: Chưa rõ