Blogger Amos Yee.
Một thẩm phán ở Chicago chuyên trách về vấn đề nhập cư của Hoa Kỳ hôm 24/3 đã cho phép một blogger Singapore tị nạn, sau khi anh này cho rằng anh bị truy tố vì quan điểm chính trị tại quốc gia cùng nằm trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á với Việt Nam.
Amos Yee, 18 tuổi, từng bị tống giam hai lần ở Singapore, và nay anh này được trao quy chế tị nạn chính trị ở Mỹ, Reuters đưa tin.
Sau phán quyết trên, blogger trẻ tuổi đã được thả ngay lập tức sau khi bị giam tại một trung tâm tạm giữ người nhập cư của Hoa Kỳ kể từ ngày 16/12/2016.
Biểu tình ở Hong Kong kêu gọi trả tự do cho anh Amos Yee.
Thẩm phán Samuel Cole được trích lời ra phán quyết rằng việc truy tố, giam giữ và ngược đãi anh Yee của chính quyền Singapore nhằm “bịt miệng quan điểm chỉ trích chính phủ Singapore” của anh Yee, đồng thời gọi người thanh niên này là một “nhà bất đồng chính kiến trẻ tuổi”.
Bộ Nội vụ Singapore sau đó đã ra một thông cáo, trong đó trích dẫn những bình luận bài tín đồ Hồi giáo và Thiên chúa giáo của anh Yee, đồng thời nhấn mạnh chuyện anh này đã từng nhận tội.
Tuyên bố có đoạn nói rằng “Yee từng có những phát biểu đầy thù hận nhắm vào tín đồ Hồi giáo và Thiên chúa giáo”, và việc Hoa Kỳ chấp nhận những người có những lời lẽ đầy thù hận có thể khuyến khích những người khác trên thế giới cũng có những bình luận đầy thù nhận tới xin tị nạn.
Trong khi đó, tổ chức Human Rights Watch lại ca ngợi quyết định cho anh Yee tị nạn.
Amos Yee trả lời phỏng vấn báo chí sau khi rời tòa năm 2015.
Bộ An ninh Nội địa của Mỹ từng bác đơn xin tị nạn của Yee, và nói rằng chính phủ Singapore đã truy tố blogger này một cách hợp pháp.
Luật sư của anh Yee nói rằng quyết định trên của thẩm phán ủng hộ quyền được chỉ trích chính phủ của các cá nhân.
Anh Yee bị bắt giam kể từ khi tới Hoa Kỳ xin tị nạn năm 2016. Anh này từng bị tống giam hai lần ở Singapore vì các bình luận trên mạng.
Các phiên tòa xử người thanh niên này được các tổ chức nhân quyền cũng như Liên Hiệp Quốc theo dõi sát. Chúng cũng gây ra tranh cãi ở Singapore về nạn kiểm duyệt hay việc giới hạn quyền tự do ngôn luận.
Theo VOA