Các vấn đề trademark, unincorporated association và incorporated association trong các hội đoàn và tổ chức tại hải ngoại
I. Tổng quát
Nhu cầu kiện toàn xã hội dân sự, hầu tạo ra sự đối trọng với nhà nước CSVN trong nước, là một nhu cầu thiết yếu và tôi đã viết đầy đủ trong cuốn “Cẩm nang song ngữ thành lập hội đoàn trong bối cảnh xã hội dân sự tại Việt Nam” (Bilingual manual on the formation of associations within the context of civil society in Vietnam) xuất bản năm 2016. Mong rằng, cuốn sách này sẽ đóng góp hiệu năng vào cấu trúc xã hội dân sự tại Việt Nam.
Điều trên không có nghĩa là tình trạng các hội đoàn người Việt hải ngoại, trong xã hội dân sự tại các quốc gia dân chủ đa nguyên là hoàn hảo.
Tình trạng này vô cùng có lợi cho người CSVN trong cố gắng duy trì và kéo dài sự sống còn của chế độ, hầu chia chát tài nguyên quốc gia cho các thành viên cao cấp của đảng và nhất là các thế hệ con cháu của họ.
Như bất cứ tập thể toàn trị nào trong lịch sử, người CSVN sợ hãi nhất là những đối kháng có tổ chức (organized opposition) và luôn coi thường những cá nhân đối kháng (individual opposition). Thâm chí trong nhiều trường hợp, chiến thuật của họ còn khuyến khích một số cá nhân đối kháng chừng mực, tạo ra ảo tưởng dân chủ, hầu trình diện cùng dư luận thế giới và xoa dịu sự phẫn uất của quần chúng.
Những cá nhân chống đối trong nước tương đối được tự do và những cá nhân chống đối tại hải ngoại cũng được visa về nước. Trong khi đó, họ đàn áp mạnh tất cả mọi đối lập có tổ chức, dù là nhỏ nhoi. Những cá nhân đối kháng nằm trong các tổ chức hải ngoại bị triệt để cấm đoán nhập cư Việt Nam.
Điều trên dĩ nhiên là vì người CSVN nghèo nàn tư tưởng và khả năng quản trị quốc gia, nhưng rất thấu hiểu lẽ tương tranh tồn vong trong thiên hạ và từ đó nghiêm cấm hoặc kiểm soát chặt chẽ các lực lượng đối kháng có tổ chức.
Chúng ta phải làm những điều người CSVN sợ hãi nhất. Đó là thành lập các hội đoàn đối kháng có thực chất trong nước lẫn hải ngoại.
Điều này có vẻ đơn giản tại hải ngoại nhưng không phải không có những trở lực khách quan, trong môi trường dân chủ pháp trị tại các quốc gia tây phương. Một số hội đoàn và tổ chức chính trị hải ngoại đã và đang gặp nhiều trở lực lớn trên phương diện này.
Tôi xin nêu ra những đường nét chính về các hội đoàn xã hội dân sự tại Úc Đại Lợi và tuy Úc Đại Lợi là một nền dân chủ pháp trị tiêu biểu và luật pháp tại Hoa Kỳ hay Liên Hiệp Âu Châu cũng tương tự, nhưng độc giả cần phải tham khảo luật sư của mỗi quốc gia, khi có nhu cầu thành lập hoặc điều hành một hội đoàn.
Nếu chúng ta áp dụng các điều trong tài liệu này, chúng ta sẽ tránh được những khuyết điểm mà một số tổ chức, đảng phái chính trị hoặc xã hội người Việt đang đối diện.
Phần lớn các tổ chức hoạt động xã hội, văn hóa, từ thiện hoặc các tổ chức đấu tranh người Việt tại hải ngoại đều là bất vụ lợi tức non-profit. Các tổ chức có tính tôn giáo hoặc từ thiện cũng nằm trong loại này.
Trước hết non-profit có nghĩa là gì?
Câu trả lời là có một nội quy (hoặc thành văn, hoặc trong những trường hợp tạm bợ và đơn giản thì bất thành văn) quy định:
a. Lợi tức không được phân chia cho hội viên
b. Sau khi hội giải tán thì tất cả mọi tài sản chuyển giao cho những hội bất vụ lợi với mục tiêu tương tự
Tuy nhiên hội đoàn đó, như một tập thể dĩ nhiên vẫn có quyền có lợi nhuận và tài sản của mình và vẫn có thể mướn và trả lương cho các nhân viện etc…
II. Các loại tổ chức:
Trên phương diện non-profit tức bất vụ lợi có 2 loại hội đoàn hoạt động như sau:
1. Unincorporated associations:
Ưu điểm:
a. Từ 4- 5 người trở lên có thể thành lập được
b. Không cần khai báo gì với chính phủ
Khuyết điểm:
a. -Không có tư cách pháp nhân riêng (legal personality, legal standing)
- Không thể là bị cáo hay nguyên cáo trước tòa
- Không thể trực tiếp sở hữu tài sản
b. Không có trách nhiệm hữu hạn, ngược lại những thành viên đều chịu trách nhiệm pháp lý cả hình lẫn hộ.
c. Không sở hữu danh xưng riêng của mình
2. Incorporated associations:
Ưu điểm:
a. Có tư cách pháp nhân riêng
b. Có trách nhiệm hữu hạn và các thành viên không chịu trách nhiệm về hình lẫn hộ
c. Có thể xin trợ cấp funding của chính phủ hay các cơ quan tư nhân
d. Sở hữu danh xưng của riêng mình
e. Có thể đứng tên trực tiếp sở hữu tài sản của hội
Khuyết điểm:
a. Phải khai báo sổ sách hằng năm
b. Phải chi phí để đăng ký
III. Trademark danh xưng:
Là thủ tục giữ độc quyền một danh xưng. Chỉ cần áp dụng cho những thực thể không đăng ký hầu có khả năng sở hữu một danh xưng mà thôi. Điều này không thay đổi cấu trúc pháp lý của một hội unincorporated.
IV. Trusteeship (tình trạng ký thác)
Bởi vì các unincorporated association không có tư cách pháp nhân riêng nên nếu có tài sản phải nhờ những người bình thường hay một hội có tư các pháp nhân đứng tên dùm qua việc thành lập các trusteeships với một văn kiện như declaration of trust.
Người trustee chỉ là trustee chứ không phải owner và không chịu trách nhiệm về thuế nếu có.
Nếu không có các declaration of trust hay những văn kiện tương tự, hội có thể bị tước đoạt tài sản dễ dàng và vì hội không có tư cách pháp nhân nên không thể khởi kiện một đệ tam nhân với danh nghĩa của mình được. Vấn đề đòi lại tài sản vô cùng khó khăn.
Trong cuốn sách nêu trên tôi có thảo ra một trusteeship đơn giản có thể sử dụng được.
V. Tương quan giữa những cơ cấu unincorporated và incorporated:
Thông thường những tổ chức chính trị đấu tranh của người Việt hải ngoại là unincorporated vì không muốn bị ràng buộc bởi những kiểm soát của chính phủ. Trong khi đó, một số ngoại vi của họ hoạt động xã hội nhiều hơn nên có đăng ký thành incorporated associations.
Điều này không có nghĩa là luật pháp không thể chế tài các hội không đăng ký vì các hội này vẫn có nội quy, cương lĩnh và trên nguyên tắc, một khi ánh sáng luật pháp chiếu rọi vào, sẽ phải tuân thủ nội quy, cương lĩnh và pháp luật.
Chính vì thế, các tổ chức đấu tranh, dù không đăng ký, vẫn phải có những điều khoản hoàn toàn hợp pháp và hợp hiến của các quốc gia sở tại, nhất là nguyên tắc đấu tranh bất bạo động cần phải được minh thị nêu ra, trong cương lĩnh hay nội quy.
Các ngoại vi có đăng ký của các tổ chức này, ngoài các mục tiêu chính yếu trong nội quy/cương lĩnh (bylaws) như truyền thông, bảo vệ phụ nữ quyền, phục hưng văn hóa.. cần có các mục tiêu khác như, nếu (và thông thường) được cho phép:
a. Tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền
b. Tranh đấu cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam
c. Bảo vệ môi sinh tại Việt Nam
VI. Các điều pháp lý tuyệt đối không thể vi phạm (bottom line):
Phần lớn các đoàn thể bất vụ lợi đều vi phạm luật chỗ này hay chỗ kia. Lý do là vì họ không phải là những người professional. Tuy nhiên các điều sau đây tuyệt đối không thể vi phạm:
a. Trốn thuế của chính phủ (tax evasion) nếu có thuế.
b. Chia lợi nhuận cho các thành viên
c. Chuyển tài sản chung thành tài sản riêng
Tính ra thì trốn thuế phải đặt ra nhưng tại Úc, có lẽ Hoa Kỳ cũng như thế, thuế lợi tức là thuế quan trọng nhất mà các tổ chức bất vụ lợi được miễn thuế này. Các thuế khác ít hơn nhưng cũng không nên trốn.
Tội trốn thuế là một tội hình luật đại hình (indictable offence) và vi phạm trở thành một hành vi vô cùng nghiêm trọng theo bộ luật hình sự.
VII. Kết luận:
Trước hết chúng ta phải lưu ý các điều này:
Nếu một thực thể đã đăng ký (register hay incorporate) như một non profit association hay một công ty (company), thì pháp luật đã trao (confer) một danh xưng cho mình rồi, không cần phải trade mark một tên nữa. Sau đó, trade mark tất cả những danh xưng một tổ chức cần sử dụng.
Kỷ thuật sử dụng hài hòa các tổ chức có đăng ký và các tổ chức không đăng ký, nhưng độc quyền giữ danh xưng hầu duy trì chính danh trong quần chúng là một kỹ thuật quan trọng cần nắm bắt trong hoạt động đấu tranh tại hải ngoại hầu xúc tiến và hoàn tất tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam.
Hy vọng bài này sẽ giúp các tổ chức, đảng phái đấu tranh nâng cao hiệu năng hoạt động của mình, hầu góp phần tích cực hơn vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
25/3/2017
Đào Tăng Dực