Quan hệ Mỹ-Trung phủ bóng «Sự nghi kỵ chiến lược »Tổng thống Barack Obama (P) chuẩn bị bắt tay phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nhà Trắng, Washington, 14/02/2012
REUTERSHôm nay, 07/06/2013, và ngày mai, tại California, Tổng thống Mỹ Obama sẽ tiếp Tổng bí thư-chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình. Báo chí Pháp hôm nay đặc biệt chú ý đến sự kiện này và có nhiều bài phân tích về quan hệ giữa hai nước. Nhìn chung, các tờ báo đều cho rằng, bên cạnh những tiềm năng hợp tác, giữa hai nước còn khá nhiều chướng ngại, trong đó chướng ngại lớn nhất là thiếu một lòng tin chiến lược, do mâu thuẩn về lợi ích, như tựa đề bài viết đăng trên tờ nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro : «Obama và Tập Cận Bình tấn công vào « sự nghi kỵ chiến lược ».
Theo tờ báo, « sự nghi kỵ chiến lược » ám chỉ tình tình trạng « chạm trán » giữa Mỹ và Trung Quốc-«hai đối thủ chiến lược », mặc dù giữa hai nước có quan hệ đối tác chặt chẽ và có nền kinh tế lệ thuộc lẫn nhau. Le Figaro dẫn lời chuyên gia nhấn mạnh : « Sự ngờ vực này không phải dựa trên cảm giác nhất thời, mà là trên những phân tích mang tính dài hạn ». Một chuyên gia khác nhận định : Người Mỹ và người Trung Quốc nghi kỵ nhau, vì cả hai đều hiểu rõ rằng, không bao giờ có kết cục tốt đẹp trong quan hệ giữa hai cường quốc trong khi một bên là « cường quốc đã lên » và một bên là « cường quốc đang lên ».
Le Figaro cho rằng, phát triển quan hệ với Mỹ có ý nghĩa quan trọng với bộ sậu của ông Tập Cận Bình trong hiện tại, vì họ Tập đang cần một sự thành công trong quan hệ quốc tế để củng cố chiếc ghế còn chưa nóng chỗ của ông, cũng như để hỗ trợ các cải cách trong nước. Về phần mình, chính phủ Obama cũng muốn tăng cường đối thoại với Bắc Kinh để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên, và trong bối cảnh Mỹ xoay trục từ Trung Đông về khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.
Bên cạnh sự cần có nhau này, tờ báo cũng nêu lên một số hồ sơ gây trở ngại quan hệ Mỹ-Trung, như hồ sơ nhân quyền, việc Trung Quốc cố tình hạ giá đồng nhân dân tệ, hay việc Mỹ tố cáo Bắc Kinh đứng đằng sau các vụ tấn công tin tặc vào lợi ích của Mỹ. Chưa kể là những xung đột lợi ích ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Trong bối cảnh đó, một câu hỏi đặt ra là : Liệu hai bên có « khoanh vùng » được các chướng ngại, để chỉ tập trung vào các hồ sơ có sự đồng thuận ? Le Figaro cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc khoanh vùng nói trên khó lòng mà thực hiện.
Tờ báo nhắc lại rằng, việc Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân đội và làm gia tăng căng thẳng trong vùng đã gây quan ngại cho Mỹ và góp phần đưa Mỹ trở lại Thái Bình Dương để làm đối trọng với Trung Quốc. Trong khi đó, chính sách xoay trục và tăng cường quan hệ đồng minh trong khu vực của Mỹ đã gây lo lắng cho Trung Quốc.
Trong một bối cảnh như vậy, thì rõ ràng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc « vừa là bạn bè vừa là kẻ thù », như kết luận của tờ Le Figaro.
Trong bài : «Cuộc gặp chưa từng có giữa Obama và Tập Cận Bình », nhật báo kinh tế Pháp Les Echos cũng nêu ra một số tiềm tăng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước, nhưng cũng không quên cho biết, giữa hai nước còn nhiều mâu thuẫn, trong đó nổi lên là hồ sơ Mỹ tố cáo Trung Quốc tấn công tin tặc vào quyền lợi của Mỹ và hồ sơ Trung Quốc tố cáo Mỹ tăng cường ảnh hưởng trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương để bao vây Trung Quốc. Les Echos nói thêm, trên hồ sơ kinh tế, Mỹ bao vây Trung Quốc bằng việc xúc tiến đàm phán Hiệp ước tự do mậu dịch xuyên thái bình dương (TPP) không có Trung Quốc, mà lại có sự tham gia của nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam- «một đối thủ cạnh tranh thương mại lớn của Bắc Kinh ».
Về phần mình, nhật báo cánh tả Libération nhấn mạnh thiện chí đối thoại của ông tập Cận Bình, đó là ông chấp nhận phía chủ nhà bỏ qua các thủ tục lễ tân ngoại giao dành cho một cuộc viếng thăm cấp nhà nước, để có nhiều thời gian đàm phán hơn. Tuy vậy, tờ báo cho rằng, chuyến thăm này sẽ không mang lại kết quả cụ thể lớn lao nào, mà chỉ là « xác định tầm nhìn chiến lược chung cho 10 năm tới ».
Source: RFI
Sửa bởi người viết 07/06/2013 lúc 05:38:21(UTC)
| Lý do: Chưa rõ