Lời kêu gọi biểu tình ngày 30-4 ở Paris (Ảnh chụp từ trang lyhuong.net)
Nhiều cuộc biểu tình dự trù diễn ra nhân dịp 42 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc (30/4) tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Washington DC, Paris, Frankfurt, Canberra… và có thể ở cả Việt Nam.
Ông Đinh Hùng Cường, Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam tại thủ đô Hoa Kỳ và vùng phụ cận cho biết về kế hoạch tại Washington DC:
“Cuộc biểu tình ngày 30/4 này không phải là cuộc biểu tình phản đối thường lệ, mà là một cuộc biểu tình để yểm trợ cho những người đòi quyền sống ở Việt Nam, những người đòi quyền tự do chính đáng của người dân, nhất là đấu tranh đòi hỏi dân chủ, tự do, và nhân quyền cho Việt Nam. Phản đối hành động đánh đập người dân đi biểu tình đòi hỏi quyền lợi về vấn đề Formosa.”
Theo chương trình, sự kiện này sẽ bắt đầu vào lúc 14 giờ ngày 30/4 trước tòa đại sứ Việt Nam ở Washington, mà theo ông Đinh Hùng Cường sẽ tập hợp nhiều cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ tham gia:
“Chúng tôi luôn luôn kêu gọi và hy vọng rằng sẽ có một số đông cô bác tham gia vì cuộc biểu tình ngày 30/4 này không phải như thường lệ thành ra số người chúng tôi tin tưởng rằng số người tham gia sẽ đông đảo hơn những lần trước.”
Ngoài cuộc biểu tình tại thủ đô Washington, cộng đồng người Việt tại vùng đông bắc Hoa Kỳ còn tổ chức các sự kiện tri ân và tưởng niệm các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa vào những ngày cuối tuần bắt từ ngày 22/4 cho đến ngày 2/5.
Từ Melbourne, Australia, ông Đỗ Văn Thắng, người phụ trách ghi danh cho cuộc biểu tình 30/4 sắp tới tại thủ đô Canberra của Cộng đồng Người Việt Tự do Úc Châu cho VOA biết đoàn sẽ thực hiện một cuộc biểu tình trước Tòa đại sứ Việt Nam và Tòa đại sứ Trung Quốc tại Canberra.
“Nhiều tiểu bang gom lại cũng vài ngàn người, trung bình khoảng 2.000-3.000 người. Kỳ này hy vọng cũng đông. Mình yểm trợ để cho người dân trong nước đứng lên quang mục quê hương, đòi quyền tự quyết.”
Theo trang lyhuong.net, cộng đồng người Việt tại Pháp cũng sẽ tổ chức một cuộc biểu tình trước sứ quán Việt Nam tại Paris từ 14 giờ đến 18 giờ ngày 30/4 với chủ đề: “Hãy đứng lên vì môi sinh và sự sống còn của dân tộc và là trách nhiệm của người dân.”
Tại Đức vào lúc 13 giờ ngày thứ Bảy 29/04 sẽ diễn ra cuộc biểu tình trước Tổng lãnh sự Việt Nam ở Frankfurt “để hỗ trợ cho tất cả những cuộc xuống đường của toàn dân tại quốc nội,” theo trang lyhuong.net.
Một cuộc tuần hành của giáo sứ Song Ngọc
Linh mục Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc ở Nghệ An, nơi chịu thiệt hại nặng nề vì thảm họa Formosa cho VOA biết giáo xứ của ông chưa có kế hoạch cho cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật 30/4 năm nay, nhưng theo ông, việc thực hiện một cuộc biểu tình thì “không phải là điều quá khó khăn.”
Linh mục Nguyễn Đình Thục nói:
“Cho đến bây giờ thì vẫn chưa có lời kêu gọi biểu tình. Nhưng việc chúng tôi biểu tình cũng không phải cái gì khó khăn mà chúng tôi cần phải có một chương dài và kế hoạch này nọ. Đối với cộng đồng giáo sứ thì việc chúng tôi xuống đường biểu tình, yêu cầu hay phản đối một vấn đề gì đó thì không phải là điều quá khó khăn.”
Liên tiếp trong tháng 3 tháng vừa qua, hàng trăm giáo dân giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An, đã nhiều lần xuống đường yêu cầu chính quyền giải quyết bồi thường thiệt hại cho ngư dân trong sự cố môi trường Formosa.
Vào ngày 03 tháng 4, một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, mà theo người địa phương ước tính lúc cao điểm có khoảng 7.000 người quanh khu vực đặt trụ sở Ủy ban huyện; đa số người biểu tình là giáo dân.
Tại Hà Nội, ngày 10/4, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm, đã chủ trì cuộc họp “bàn về các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4.”
Người dân biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 3/4/2017. (Ảnh Facebook Nhật Ký Yêu nước)
Tại một cuộc họp này, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo cấp dưới “kiên quyết” không để xảy ra các vụ “tụ tập đông người, chặn quốc lộ” như đã xảy ra ở miền trung trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, theo truyền thông trong nước, cũng trong ngày 10/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì một cuộc họp với Quân ủy trung ương tại Bộ Quốc phòng “nhằm chỉ đạo nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu.”
Những cuộc họp quan trọng của lãnh đạo Việt Nam phần nào cho thấy sự thận trọng của chính quyền và cũng là chỉ dấu rằng các biện pháp răn đe, bắt bớ sẽ được tiếp tục sử dụng để ngăn chặn các cuộc biểu tình, nếu có, vào dịp lễ 30/4 năm nay.
Cộng đồng người Việt hải ngoại nói các cuộc biểu tình đã lên lịch nhằm yểm trợ cho các phong trào kêu gọi dân chủ trong nước.
Ông Đinh Hùng Cường nói:
“Cuộc biểu tình bên nhà Việt Nam là thái độ của những người anh hùng, những người dân đã không chịu nỗi sự áp bức. Chúng tôi thấy đây là đúng lúc. Người dân Việt Nam phải can đảm. Chúng tôi ở hải ngoại sẽ làm hết sức mình yểm trợ các bạn trong nước. Việc làm của các bạn là vô cùng chính đáng. Thái độ đó chúng tôi rất kính phục và ngưỡng mộ, cho dù bị đe dọa, bóp chặt trong trứng nước trước các vụ phản đối.”
Hôm qua 10/4, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam nói rằng “tận dụng sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, hơn một năm qua, những phần tử xấu dưới vỏ bọc ‘tôn giáo’ đã ra sức lôi kéo một bộ phận giáo dân gây rối an ninh trật tự hòng tạo cớ ‘vu khống, ăn vạ’ chính quyền ‘đàn áp tôn giáo, bóp nghẹt dân chủ’ để từ đó lu loa với thế giới về một Việt Nam ‘bất ổn’, chia rẽ đoàn kết dân tộc, kích động bạo loạn, kêu gọi nước ngoài can thiệp vào Việt Nam.”
Theo VOA