Học giả Phạm Quỳnh trong thời Pháp thuộc người Việt phải học, dùng tiếng Pháp như chuyển ngữ (vehicle language/ langue véhicule) như tiếng Anh tại Mỹ, vẫn nói một câu để đời: “Tiếng Việt còn, người Việt còn”. Bốn triệu rưỡi người Việt di tản khỏi nước nhà VN, đa số định cư tại nhiều nước cách nước nhà nửa vòng Trái Đất, trong lòng văn minh Tây Phương, năm nay đã hơn 41 năm mà còn giữ cội nguồn, chẳng những bảo tồn tiếng Việt mà còn bảo tồn văn hoá Việt gồm nhiều yếu tố hơn tiếng Việt nữa. Chắc học giả Phạm Quỳnh bên kia thế giới thấy thành công này sẽ tấm tắt khen ngợi người Việt hải ngoại là con hơn cha nhà có phước, sau hơn trước đất nước có phần.
Biểu tượng đầu tiên là chánh trị, văn hoá, xã hội người Việt hải ngoại cố gắng bảo tồn và đã thành công một cách khôn khéo, là giương cao quốc kỳ VN, nền vàng ba sọc đỏ ở hải ngoại. Nếu thời sơ khai, kinh tế săn băn, hái lượm, con người sống thành bộ lạc, chọn vật tổ (totem) là biểu tượng của bộ lạc, thì thời đại văn minh quốc gia đô thị, quốc gia dân tộc con người chọn quốc kỳ là biểu tượng của quốc gia. Quốc kỳ được tôn vinh trở thành thiêng liêng đến mức các nhà xã hội học xem gần như tôn giáo (quasi -religious). Và người Việt Hải ngoại đã khéo léo, tương kế tựu kế làm được điều đó đối với tập thể sống chung và đối với cư dân địa phương nơi định cư. Vì người Việt Hải ngoại, quốc gia cũ đã không còn pháp nhân công pháp, chưa có chánh quyền, chưa giành lại được lãnh thổ, mất thế công pháp quốc tế ngoại giao, nên vận động chánh quyền sở tại thừa nhận Cờ Nền Vàng Ba Sọc Đỏ là biểu tượng Tự do, Dân Chủ của người Việt Hải ngoại. Điểm xuất phát từ Tượng Đài Chiến sĩ Việt Mỹ ở thành phố Westminster và từ đó và từ ấy biến thành phong trào lan toả ra cả chục tiểu bang và hàng trăm thành phố, quân hạt Mỹ, và bắt đầu vượt đại dương sang Úc Châu, lên Canada. Người dân Mỹ ủng hộ đem treo lên đỉnh Everest cao nhứt của dãy núi thiêng Hymalaya, nóc nhà của thế giới. Quân nhân Mỹ gốc Việt đưọc đơn vị quân đội Mỹ ủng hộ cho treo ở Chiến trường Iraq, ngày Lễ Lao động Mỹ và 30 tháng tư 2005.
Biểu tượng căn bản, thiết yếu nhứt và quan trọng nhứt là ngôn ngữ, tiếng Việt. Ngôn ngữ giúp cho người cùng văn hoá thông cảm nhau và giúp cho thế hệ này truyền đạt văn hoá cho thế hệ sau. Sở dĩ phải dông dài phân tích ý nghĩa xã hội học về ngôn ngữ, là để làm nổi bật công trình khó khăn bảo tồn tiếng Việt. Khó vì người Việt tỵ nạn CS đang định cư ở trong lòng văn minh Tây Phương ngôn ngữ hoàn toàn khác lạ. Tây Phương đa âm, VN đơn âm. Khó vì tiếp nối, bảo tồn tiếng nói liên tục theo điệu người Việt Quốc gia đã xài từ khi Hà nội mất, Saigon mất vào tay CS. Nhưng với quyết tâm sắt đá, riêng tại Mỹ quốc gia người Việt định cư đông nhứt, tại các vùng người Việt quần cư như California, Texas tiếng Việt được thừa nhận như một sinh ngữ thứ hai, có lớp dạy từ ở đại học nổi tiếng như UC Berkley và trường nhỏ như Bolsa Grande.
Văn hoá phẩm viết bằng tiếng Việt số lượng đầu sách báo lớn và nhiều làm ngạc nhiên nhiều sắc tộc gốc Á Châu như Trung Hoa, Nhựt bổn, và Phi luật Tân ngạc nhiên. Truyền thông đại chúng tiếng Việt Hải ngoại sung mãn, cộng đồng người Việt nào cũng có. Truyền thanh, truyền hình, báo chí lên vệ tinh loan truyền khắp thế giới, đầy tràn xa lộ thông tin Internet. Chẳng những thế, người Việt hải ngoại còn nỗ lực dùng ngôn ngữ để truyền đạt văn hoá cho các thế hệ mai sau. Nhiều tờ báo, nhiều cơ sở tôn giáo, hội đoàn mở hết lớp dạy tiếng Việt này đến lớp khác.
Nhưng có một đặc điểm chung, một đồng thuận mặc thị, là không dùng những sách học vần, tập đọc, lịch sử do các Toà Đại sứ Việt Cộng len lỏi đưa vào, cho không. Còn trong ngôn ngữ viết và nói, tránh không dùng những chữ CS Hà nội du nhập vào Miền Nam. Những chữ thường dùng như chữ “đồng tình” của CS thay cho chữ đồng ý của Miền Nam, những chữ chánh trị như “sơ tán” (sétaner), “sô vanh” (chauvin) bắt chước của Pháp, hay “hồ hởi, phấn khởi, ưu việt, xã hội chủ nghĩa”, bắt chước của Tàu Cộng, người Việt Hải ngoại dùng để chê cười CSVN, chớ không phải để nói chuyện bình thường.
Những biểu tượng kế tiếp là các phong tục, lễ hội truyền thống đều được gìn giữ và kỷ niệm long trọng. Gia đình VN như cây tre bứng gốc từ bên kia đông bán cầu sang tây bán cầu, từ miền nhiệt đới sang ôn đới, từ ở bển là đêm sang bên này là ngày, nhưng gia đình VN vẫn sống mạnh, sống hùng. Tinh thần gia đình VN, sự gắn bó của gia đình VN đã giúp cho lớp trẻ người Việt tốt nghiệp đại học tỷ lệ ngang người Mỹ Trắng, giúp cho người Việt là sắc dân mua nhà tỷ lệ cao dù mới chân ướt chân ráo, giúp cho tiểu thương do người Việt làm chủ phát triển nhanh và mạnh nhứt ở Mỹ. Món phở VN được Mỹ hoá thành “pho” của Mỹ; món chả giò VN là món ít khi thiếu trong các cuộc tiếp tân ngoại giao Mỹ. Tỷ lệ ly dị vợ chồng, và bạo hành gia đình, bạo hành đường phố của người Việt Hải ngoại tại Mỹ rất thấp trong các sắc dân thiểu số.
Trong môi trường hoàn toàn tự do, tất yếu các hội đoàn, đảng phái lịch sử, và các cộng đồng non trẻ người Việt hải ngoại có khi phân hoá, bất hoà. Nhưng mẫu số chung VN vẫn còn. Tết nhứt, lễ Bà Trưng, Bà Triệu, vua Quang Trung, Tổ Hùng Vương, Đức Thánh Trần phe này hay phái kia, dù không thuận nhau đều tổ chức, không ai nỡ lòng nào bỏ qua. Công cuộc chống Cộng tuy có khác nhau về cách làm, nhưng cùng cứu cánh là đem lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho đồng bào trong nước, như các tôn giáo dù khác tín lý nhưng vẫn đấu tranh cho tự do tôn giáo.
Nói tóm trong hơn 41 năm đoạn đầu của cuộc hành trình tìm tự do, người Việt Hải ngoại đã tự tạo gần đủ điều kiện bằng việc làm tạo thành sự kiện – ngôn ngữ, biểu tượng, lối sống, kinh tế – những điều kiện cần và đủ để thành một Việt Nam hải ngoại, kiểu Đài Loan đối với Trung Cộng.
Nhưng hành trình chưa chấm dứt vì chưa đạt mục tiêu là giúp đem lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho đồng bào trong nước, bằng cách quốc tế vận và đấu tranh giải trừ chế độ CS độc tài đang trị toàn diện trong nước. Nhiều dấu chỉ cho thấy lớp trẻ thế hệ một rưỡi, hai và ba đang kề vai vào gánh vác công cuộc đấu tranh chống CSVN. Hành động CSVN thần phục TC, thông đồng với TC để cho TC xâm chiến biển đảo VN, cấm dân chúng VN biểu tình bày tỏ lòng yêu nước chống quân Tàu Cộng xâm lăng, gây ô nhiễm môi sinh VN, biến cuộc đấu tranh của người dân Việt trong ngoài nước trở thành cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện chống CSVN và CS Trung Quốc. Cuộc đấu tranh chống CS toàn diện của toàn dân chúng VN nay đã từ điểm chuyển thành diện, từ phẩm sang lượng, đã trở thành một qui trình không thế đảo ngược được nữa. Đó là dấu ấn của tình hình VN trong đầu năm 42 của cuộc di tản vô tiền khoáng hậu và của Quốc Hận thứ 42.
Vi Anh