“Tháng Tư Đen” đã đến lần thứ 42; đây là dịp tiếp tục nhìn lại liên hệ Việt-Mỹ một cách đúng đắn để có khái niệm phần nào về tương lai. Như thường lệ, người viết dựa vào những học hỏi, nghiên cứu, và khám phá từ người đi trước và đương thời của những chuyên gia, giáo sư đại học – những vị này cũng đều dựa vào những khám phá, học hỏi và nghiên cứu của người đi trước và đương thời, theo đúng truyền thống học thuật.
Trong số những người trên đáng kể nhất là Giáo Sư George C. Herring; nay đã về hưu, ông vẫn nghiên cứu, diễn thuyết và viết sách. Ông chuyên về chính sách, đường lối ngoại giao Mỹ; đặc biệt là Chiến Tranh Lạnh/Cold War (như Aid to Russia, 1941-1946, năm 1973), và chính sách đối với Việt Nam, như qua hai tác phẩm: America’s Longest War: The United States and Vietnam, 1950-1975 (tái bản bốn lần), và From Colony to Superpower: U.S. Foreign Relations since 1776 (2008) được hội Sử gia Bang giao Quốc tế (SHAFR) xem là “công trình vĩ đại nhất” liên hệ đến ngoại giao Mỹ. Tập sách mới nhất của ông là The American Century and Beyond: US Foreign Relations, 1893-2014 (2017).
Bài kỳ trước nói về liên hệ Việt-Mỹ sau cuộc chiến gần 30 năm. Đây thật ra là trận chiến trong đó Washington nắm phần chủ động, sau “thất bại đau đớn và nhục nhã” về quân sự lẫn chính trị năm 1975 (từ cái “kiêu căng vì quyền lực/arrogance of power” mà các đế quốc lớn trong lịch sử đều kinh qua, theo chữ và ý của cố Thượng Nghị Sĩ William Fulbright). Và ngay sau đó Hà Nội thành nạn nhân của chính chiến thắng này, hay của chính mình – hai cái “nghiệp” cửa Phật từng nhắc nhở, và kịch tác gia Anh William Shakespeare nổi tiếng “khám phá” ra hơn nghìn năm sau – và từ đây gây nhiều lỗi lầm kinh tế và chính trị.
Theo ông Herring, đầu thập niên 1990 “trận chiến sau cuộc chiến” trở thành gánh nặng cho cả đôi bên, dẫn đến những thay đổi lớn.
Hòa giải và “hóa giải”
Chuyển qua thời bình sau 1975, Hà Nội đặt để khuôn mẫu kinh tế chỉ đạo của đàn anh Joseph Stalin (Liên Xô) và Mao Trạch Đông (Trung Quốc); đây đạt tới mức tai họa kinh tế cho dân chúng cả ba nước “xã hội chủ nghĩa độc tài, chuyên chế” – khác với “xã hội chủ nghĩa tự do, dân chủ/không cộng sản” ở nhiều nước Bắc và Tây Âu, như Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders kêu đòi trong kỳ tranh cử tổng thống 2016 và được ủng hộ rộng rãi.
Cuối thập niên 1980, giới lãnh đạo thực tế và tỉnh ngộ hơn đưa ra cải tổ kinh tế “Renovation/Đổi mới,” đều dựa trên khuôn mẫu đàn anh Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình (với tuyên bố nổi tiếng “Mèo trắng hay đen cũng tốt miễn là bắt được chuột”) và Nga, Mikhail Gorbachev (với “perestroika/đổi mới”). (Xin mở ngoặc về ba yếu tố cần phải có để phát triển kinh tế, “tài nguyên thiên nhiên/natural resources, tài nguyên nhân lực/human resources, và tư bản/capital,” trong hội thảo ở báo Người Việt đầu Hè 1986, do chủ nhiệm Đỗ Ngọc Yến, chủ bút Lê Đình Điểu, và người viết điều hợp). “Renovation” chấp nhận một số yếu tố kinh tế tư bản, ví dụ như quyền tư hữu, và nỗ lực đi tìm đầu tư từ nước ngoài – trong đó ngoại thương với Hoa Kỳ đại tư bản là yếu tố quan trọng vô cùng. Dân chúng những “thiên đường cộng sản tan vỡ” có vẻ như quá mệt mỏi với “bình đẳng trong túng đói, khốn khổ” và hăng hái hướng về tư bản “bất bình đẳng, người bóc lột người, nhưng no đủ” – với những hệ quả khôn lường.
Khi đế quốc Liên Xô “sụp đổ từ bên trong ra/implode,” Hà Nội không còn đồng minh và ân nhân kinh tế chính đành chấp nhận kế hoạch rút khỏi Cambodia của Liên Hiệp Quốc. Dù còn hơn 300 nghìn người Việt chưa dò ra tung tích, Hà Nội lấy lòng Washington qua nỗ lực tìm lính Mỹ mất tích (MIA) – hợp tác liên tục này tạo nhiều cơ hội để đối thoại về những vấn đề khác. Nhà nước cũng đưa ra một số hành động tượng trưng về “cởi mở/openness/glasnost” giảm bớt những khắt khe về mặt chính trị.
Washhington cũng bị nhiều thúc đẩy để đi tới “bình thường hóa/normalisation” với Việt Nam: nhiều người Mỹ tin rằng hòa giải với Việt Nam là cách độc nhất để “hóa giải” cuộc chiến tàn bạo, chia rẽ xã hội Mỹ đã kéo dài quá lâu; thăm dò dư luận dân chúng cho thấy mức ủng hộ normalisation gia tăng trong khi phản đối đi xuống. Giữa thời 1990, Hà Nội đáp ứng hầu hết điều kiện chính quyền George W. H. Bush (bố) đã đề ra, dù “cấm vận/embargo” vẫn còn. Vì quyền lợi “làm ăn lớn” với “mức lời cao/great profit magin” của mình giới đại kỹ thương, tài phiệt Mỹ ào ạt làm “áp lực/lobby” Quốc Hội và chính quyền bãi bỏ embargo. Những cựu chiến binh Việt Nam với ảnh hưởng lớn như Thượng Nghị Sĩ John McCain và Thượng Nghị Sĩ John Kerry đưa ra bằng chứng không còn tù binh Mỹ (POW) ở Việt Nam.
Cùng quê quán với Thượng Nghị Sĩ Fulbright (Arkansas) và từng là sinh viên công khai phản chiến, Tổng Thống Dân Chủ Bill Clinton vô cùng thận trọng, nhưng đi tới rất nhanh: giữa năm 1993 ông chấp thuận quốc tế cho Việt Nam vay tiền và đặt nhân viên ngoại giao ở Hà Nội nhằm theo rõi về MIA. Đầu 1994, embargo được bãi bỏ; cuối năm Việt Nam trả lại Washington tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, “một biểu tượng của hiện diện quyền uy và ra đi nhục nhã.” Giữa 1995 ông Clinton tuyên bố chính thức nối lại bang giao giữa hai nước, với chọn lựa đại sứ đầy ý nghĩa: ông Douglas Peterson, một phi công bị bắn rớt và cựu tù binh chiến tranh (POW), và cũng là yếu tố đẩy mạnh hòa giải và hóa giải tiến tới.
Theo ông Herring, hòa giải đưa đến những kết quả có ý nghĩa tuy có phần hạn chế. Những đại công ty Mỹ như PepsiCo, Nike và United Airlines ào ạt đi vào Việt Nam. Theo University of Michigan (viện đại học dính dáng nhiều đến Nam Việt Nam ngay từ thời 1960), Nike thành chủ nhân làm giầy lớn nhất ở Việt Nam, trả công nhân $1.60 một ngày, bắt làm việc 65 giờ một tuần, sản xuất giầy bán cả trăm đô-la một đôi, thưởng danh thủ bóng rổ Michael Jordan $25 triệu làm quảng cáo!
Nhưng cuối thời 1990, Hoa Kỳ vẫn là nước đầu tư hàng thứ tám vào Việt Nam; mãi tới 1999 hai nước mới ký thỏa ước mậu dịch, tuy nhiên Việt Nam vẫn không được hưởng qui chế “tối huệ quốc/most-favoured-nation” với giới hạn đặt trên số lượng hàng hóa và dịch vụ Hoa Kỳ có thể bán cho Việt Nam – đây có nghĩa là với lợi tức đồng niên thấp người Việt bị hạn chế rất nhiều về những gì mình có thể mua được.
Tổng Thống Clinton cùng gia đình chính thức thăm viếng Việt Nam cuối năm 2000 là một bước tiến quan trọng trong liên hệ đôi bên. Ông có tiếng như người học sâu hiểu rộng, đồng thời cũng là người của đại chúng với cung cách xuề xòa, thân mật, được dân chúng mến mộ vô cùng. Ông cẩn thận không xin lỗi về cuộc chiến, như nhiều giới trí thức Mỹ thúc đẩy ông làm, nhưng nhấn mạnh “Việt Nam là một quốc gia, chứ không phải là một cuộc chiến” – một điều ít người Mỹ trung bình có thể hiểu nổi. Ông rất xúc động khi thăm viếng một công trường đào mộ MIA, nhưng cũng tỏ bùi ngùi về những người MIA Việt chưa tìm ra.
Cuộc thăm viếng lịch sử cũng cho thấy những khác biệt còn nhiều: Hà Nội vẫn đòi Washington phải chịu trách nhiệm lớn hơn về tai họa đau đớn và lâu dài từ những đợt rải “thuốc khai quang/Agent Orange” trong thời chiến cùng những bom, mìn chưa nổ rải rác khắp Việt Nam (riêng Việt Nam chịu gần 7.1 triệu tấn bom, gấp ba lần rưỡi số bom Hoa Kỳ thả ở Âu, Á và Phi Châu trong Thế Chiến 2, theo Wikipedia). Khi ông Clinton nhẹ nhàng nhắc tới “thành tích” đáng buồn của Hà Nội về nhân quyền, và thúc đẩy thêm cởi mở cùng tham gia vào toàn cầu hóa kinh tế, giới lãnh đạo Việt Nam lên án Hoa Kỳ vẫn “đế quốc” và “vẫn cố áp đặt ý nguyện của mình lên nước ngoài.”
Cổ-Lũy