Tình hình Biển Đông ngày càng bất ngờ hơn. Những quân cờ đi có vẻ huyền ảo khôn lường... Đặc biệt, tình hình Mỹ kết thân hơn với Việt Nam. Và cũng theo truyền thống từ hơn nửa thế kỷ qua, Nga lại bày tỏ kết thân hơn với VN. Có gì nơi đây?
Trang báo ValueWalk phân tích rằng trong khi Nga liên tục có những động thái kết thân hơn với VN, trong đó gần nhất là dự án Nga-Việt khai thác chung các mỏ dầu khí ở Biển Đông, chính phủ Bắc Kinh không lộ vẻ bực dọc.
Phải chăng, vì Nga thực sự không có tham vọng chiếm đất, chiếm biển ở ven bờ Thái Bình Dương?
Tuy nhiên, khía cạnh khác cũng cho thấy: Hoa Lục an tâm khi Nga kết thân với Việt Nam vì tình kết thân đó cũng là một rào cản cho mối tình đang có vẻ kết thân hơn giữa Việt-Mỹ... và viễn ảnh năm nay có thể là Tổng Thống Trump sẽ thăm Việt Nam...
Nghĩa là, trong khi TT Trump lớn tiếng chỉ trích nhiều nước lạm dụng thương mại đối với Mỹ -- trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản, Đức, Mã Lai... -- TT Trump vẫn nhìn thấy rằng kết thân với Việt Nam có thể là một bước chiến lược để giữ thế lực Hoa Kỳ ở một nơi có thể sẽ trở thành ngòi nổ chiến tranh như Biển Đông, Bắc Hàn...
Nếu như thế, Việt Nam sẽ hưởng lợi kiểu bắt cá ba, bốn tay...
Dĩ nhiên, Nga sẽ không cho VN kết thân quân sự với Mỹ vì Nga thầu bán vũ khí cho VN... ngược lại, VN cũng có ván cờ thương mại đa phương chống đỡ hễ Trump bắt đầu chính sách rào thương mại đê theo lời cam kết khi Trump ứng cử là kêu gọi “mua hàng Mỹ ưu tiên”...
Trong khi đó, bản tin VOA cho biết tàu tuần duyên USCGC Morgenthau của Hoa Kỳ sẽ sớm có mặt trong biên chế lực lượng vũ trang Việt Nam. Theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ, Mỹ đã đồng ý chuyển giao tàu tuần duyên Morgenthau cho Việt Nam, sau khi tàu này bị loại biên. Tàu USCGC Morgenthau thuộc lớp tàu Hamilton, chính thức làm nhiệm vụ năm 1969, nặng 3.250 tấn, dài 115 mét, rộng 13 mét, thuỷ thủ đoàn gồm 160 người. Trước đó Hoa Kỳ cũng chuyển giao cho đồng minh Philippines loại tàu này. Phía Việt Nam yêu cầu mua lại 3 chiếc, nhưng Mỹ chỉ đồng ý một.
Còn móc nối ngoaị giao nữa: bản tin VOA cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/4 thông báo ngắn gọn rằng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sắp thăm chính thức Hoa Kỳ trong hai ngày 20 và 21/4/2017. Nhưng thông báo không cho biết quan chức hai nước sẽ thảo luận những vấn đề gì.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cách đây 2 tháng cho hay hôm 17/2, ông Minh đã gặp ông Tillerson bên lề hội nghị ngoại trưởng nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) ở Đức. Tại cuộc gặp đó, ngoại trưởng Mỹ đã mời ông Minh thăm Mỹ.
Cũng trong cuộc gặp hồi tháng 2, Phó Thủ tướng Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường “quan hệ hữu nghị, hợp tác, đối tác toàn diện” với Mỹ trên cơ sở “tôn trọng thể chế chính trị của nhau”.
Ông Minh cũng đã nhắc lại việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam “mời Tổng thống Donald Trump” dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng vào tháng 11 năm nay. Phó thủ tướng của Việt Nam cũng mời ngoại trưởng Mỹ sớm thăm Việt Nam.
Đáp lại, ông Tillerson tỏ ý mong muốn thăm Việt Nam và tham dự một số hoạt động của APEC ở Việt Nam trong năm nay.
VOA ghi nhận:
“Cho đến nay, Mỹ chưa đưa ra câu trả lời chính thức về việc Tổng thống Trump có dự hội nghị APEC ở Việt Nam cuối năm nay hay không. Báo chí Việt Nam hồi cuối tháng 3 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho hay ông Trump “đang xem xét tích cực” việc dự APEC.”
Dù sao đi nữa, dù là Trump chưa kịp thăm VN năm nay, rõ ràng là nhà nước Việt Nam hưởng lợi nhờ tình thân thiết từ Hoa Kỳ, và không phải mệt nhọc thanh minh thanh nga về nhân quyền: TT Trump và Ngoaị Trưởng Mỹ Tillerson chưa từng lớn tiếng rầy rà về nhân quyền VN như thời TT Obama và Ngoaị Trưởng Hillary Clinton.
Duy có điều để suy nghĩ: Biển Đông cần phải ổn định cụ thể hơn, không thể cứ để lơ lửng trong khi TQ đã quân sự hóa các đaỏ nhân tạo -- nghĩa là, chĩa súng vào bên hông VN.
Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận rằng khung cho Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông, gọi tắt theo tiếng Anh COC, có thể hoàn tất vào tháng 6 tới đây.
Quyền ngoại trưởng Philippines, Enrique Manalo, cho biết như vừa nêu và được tờ Inquirer của nước ông loan đi vào ngày 18 tháng tư.
Ông Enrique Manalo cho rằng quan điểm tích cực của Trung Quốc về COC sẽ góp phần vào việc đàm phán thành công giữa các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN về vấn đề duy trì trật tự tại khu vực tranh chấp Biển Đông..
Điêu thắc mắc: làm sao tin được TQ sẽ tôn trọng COC? Quy tắc ứng xử nào TQ sẽ tôn trọng, nếu các nước liên hệ như VN và Philippines không nhượng bộ?
Phải chăng có miếng mồi khai thác chung dầu khí Biển Đông sẽ may ra ổn định, và hóa ra là mời TQ vào múc dầu chung trên giếng dầu của mình để đổi lấy ổn định?
Bản tin VOA hôm Thứ Tư 19/4/2017 cho thấy mấp mé mưu đồ khác lớn hơn của Hoa Lục:
“Bắc Kinh đang tìm kiếm các nhà thầu nước ngoài để giúp thăm dò dầu và khí đốt ở Biển Đông trong dự kiến sẽ gặp phải phản đối từ các nước có tranh chấp chủ quyền trong khu vực và hơn nữa việc tìm kiếm được dầu khí ở đây không có tiềm năng lợi nhuận cao.
Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tuần trước đã mời các công ty nước ngoài tranh thầu thăm dò tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch tại 22 lô ở vùng biển phía nam Trung Quốc. Các lô này trải dài trên một vùng biển rộng 47.270 km vuông bao gồm vùng biển mà Đài Loan và Việt Nam có tranh chấp chủ quyền. Đáng lưu ý là Việt Nam đã thẳng thắn tuyên bố chủ quyền kể từ những năm 1970.”
Nan đề vậy... bất kể là VN có lang chạ tình ái gì với Nga hay Mỹ, người đàn anh Phương Bắc vẫn muôn giữ vai trò Thiên Triều với VN.
Trần Khải