Biển Đông có thể sắp sôi động hơn... Vì Trung Quốc ra độc chiêu, sẽ đấu giá quyền thăm dò và khai thác 22 lô dầu và khí đốt ở Biển Đông.
Báo Oil Price cho biết rằng công ty quốc doanh China National Offshore Oil Corp của chính phủ TQ cho đấu giá quyền thăm dò và khai thác 22 mỏ dầu và khí ở Biển Đông.
Dự kiến tham dự thầu sẽ có nhiều công ty ngoại qu6c sẽ giúp TQ khai thác, nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng.
Hiện thời đã có một thương lượng: công ty Husky Energy của Canada sẽ khoan 2 giếng thăm dò ở lô 16/25 vào năm tới.
Vấn đề là, lãnh hải ở Biển Đông do TQ vẽ ra lại bị tranh chấp, và tòa quốc tế The Hague năm ngoái đã nói rằng một vùng Biển Đông mà TQ đang giành thực ra là của Philippines.
Thêm vấn đề là, khi một công ty ngoaị quốc xin vào tham dự đấu giá, Trung Quốc sẽ chỉ vào các lô nằm nơi vùng biển tranh chấp, hoặc với Việt Nam hoặc với Philippines.
Như thế, khi CNOOC rao đấu giá 22 lô dầu khí, công ty quốc tế nào vào khi tranh chấp là sẽ tự động đứng về phía TQ...
Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận rằng đôi tàu biển của Việt Nam được cảnh báo có thể bị đưa trở lại danh sách đen do có nhiều tàu không bảo đảm an toàn cũng như tỷ lệ bị lưu giữ tại nước ngoài cao hơn tàu của những nước khác.
Tổ chức Chính quyền Cảng biển các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đưa ra cảnh báo như vừa nêu.
Thống kê cho thấy trong quí 1 năm nay, số tàu biển của Việt Nam chạy tuyến quốc tế bị lưu giữ ở nước ngoài khi bị kiểm tra về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm được cho biết tăng với tỷ lệ cao nhất so với trung bình trong 3 năm qua ở mức gần 5%.
Lý do tàu Việt Nam bị lưu giữ được cho biết vì bị hư hỏng về an toàn chống cháy nổ, trang thiết bị cứu sinh, tình trạng kín nước, các hệ thống sử dụng trong trường hợp có sự cố, an toàn hàng hải, hệ thống quản lý tàu…
Đội tàu biển của Việt Nam trước năm 2014 bị Tổ chức Chính quyền Cảng biển Các nước Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương liệt vào danh sách đen.
Cục Hàng Hải Việt Nam thừa nhận từ đầu năm đến giữa tháng tư vừa qua, có hơn 300 lượt tàu biển của Việt Nam bị kiểm tra tại các cảng biểng nước ngoài.
Bản tin của VOA lại cho thấy tình hình TQ hung hăng gây quan ngại: Thượng nghị sĩ Philippines, Leila de Lima, tuyên bố việc Trung Quốc quấy nhiễu ngư dân Philippines ở Biển Đông là “một diễn biến đáng ngại.”
Bà Lima, hiện đang bị giam cầm, nhấn mạnh hải quân, chứ không phải như tin nói trước đây là tuần duyên Trung Quốc, tấn công ngư dân Philippines cho thấy “sự táo bạo và quyết tâm của Bắc Kinh không dùng tuần duyên theo thông lệ để thực thi tuyên bố lãnh thổ.”
“Việc leo thang tình hình tại quần đảo Trường Sa phải bị chính phủ Philippines lên án mạnh mẽ,” bà Leila de Lima viết trong một bức thư gửi ra từ phòng giam tại trụ sở cảnh sát quốc gia.
VOA nhắc rằng tuần duyên Trung Quốc xua đuổi ngư dân Bataan khi họ đến gần bãi Union Reef, theo tin tức tuần qua.
Union Reef nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đang kiểm chứng vụ này.
Bà De Lima cũng chỉ trích “sự do dự” của chính phủ Duterte trong việc giải quyết những đe dọa của Trung Quốc, và cảnh báo là Philippines có thể mất quyền trên biển trong khu vực tranh chấp.
Có nghĩa là, mất biển... Vấn đề là, bà đang bị giam, theo bản tin:
“Bà De Lima, một người thường lên tiếng chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte trong thời gian bà giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền, bị giam tại Trại Crame vì các cáo buộc liên quan đến ma túy. Tổng thống Duterte là người đầu tiên công khai tố cáo bà dính líu đến ma túy.
Thượng nghị sĩ De Lima đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc này, cho rằng “đây là một vụ đàn áp chính trị.”...”
Trong khi đó, báo Pháp Luật cho biết tàu lặn Giao Long của Trung Quốc vừa trải qua đợt thử nghiệm tại tỉnh Hải Nam để chuẩn bị cho hoạt động thám hiểm ở biển Đông.
Trang tin ECNS (Trung Quốc) ngày 24-4 đưa tin Bắc Kinh hôm 22-4 vừa cho thử nghiệm tàu lặn có người lái mang tên Giao Long ở TP Tam Á, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc để chuẩn bị cho một cuộc thám hiểm sâu ở biển Đông.
Tàu lặn Giao Long đã được thử nghiệm dưới mặt nước trong 18 phút hôm 22-4 trước khi trở về tàu mẹ Hướng Dương Hồng 09, hoàn thành các nhiệm vụ bao gồm huấn luyện dưới nước.
Và bản tin BBC kể về hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ và các cuộc tập trận chung.
Thông cáo trên trang Facebook USS Carl Vinson (CVN 70) nói rằng nhóm tàu hàng không mẫu hạm Carl Vinson và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) bắt đầu tập trận chung từ hôm 23/4.
Cuộc tập trận định kỳ nhằm "tăng cường khả năng chiến đấu và phản ứng hàng hải chung, tăng cường hiệu quả thao diễn kết hợp, và đảm bảo các lực lượng hải quân sẵn sàng bảo vệ khu vực khi được yêu cầu", thông cáo này viết.
Hai tàu khu trục của Nhật tham gia các hoạt động cùng nhóm tàu của hải quân Mỹ, Reuters tường thuật.
Các quan chức quốc phòng Nam Hàn hôm thứ Hai 24/4 nói rằng hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sẽ tham gia một cuộc tập trận chung với các tàu chiến của Nam Hàn gần bán đảo Triều Tiên, theo hãng tin Nam Hàn Yonhap.
"Các cuộc bàn thảo đang diễn ra (giữa hai bên) về cuộc tập trận chung này," ông Moon Sang-gyun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nam Hàn phát biểu tại cuộc họp báo hôm 24/4.
Ông Moon không nói rõ vị trí nhưng có nhiều đồn đoán rằng cuộc tập trận sẽ diễn ra ở vùng Biển Hoa Đông.
Thắc mắc vẫn chưa rõ, trong 22 lô dầu khí hãng quốc doanh TQ rao thầu thăm dò và khai thác, có bao nhiêu lô nằm ở vùng biển VN?
Trần Khải