Đọc Bản Dịch Ông Nguyễn Nghị Quyển Lịch Sử Việt Nam Từ Nguồn Gốc Đến Giữa Thế Kỷ XX Của Giáo Sư Lê Thành Khôi
Là môn sinh Gs Lê Thành Khôi, tôi rất cảm động và trân trọng công việc làm của ông Nguyễn Nghị. Dịch quyển Lịch sử Việt Nam của Gs Lê Thành Khôi không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng thú thật khi đọc bản dịch, tôi lấy làm thất vọng vì bản dịch quá nhiều lỗi. Công việc làm quá cẩu thả, nhiều trang bản dịch chỉ mới là bản nháp, quên cả việc bôi xóa những chữ sai nghi ngờ. Thế mà hai nhà xuất bản Nhã Nam và Thế Giới đứng tên, các ông Tổng Thư Ký nhà xuất bản không đọc lại, hai nhà xuất bản lẽ nào không có được một nhà văn làm biên tập viên để đọc lại văn chương chữ nghĩa. Văn của Gs Lê Thành Khôi trong bản tiếng Pháp, tuyệt tác, thật đẹp có học giả xem là ‘một tiểu thuyết lịch sử ’, đọc lôi cuốn say mê, nhưng bản dịch ông Nguyễn Nghị thì nhiều câu trở nên ngược ngạo, khúc mắc, phản nghĩa, ngớ ngẫn, buồn cười. ! Có lẽ bản dịch ông đã giao cho nhiều học trò ông hay con cháu ông mới tập dịch, nhiều trang quá kém, trình độ bản dịch không đồng đều. Nhưng là người đứng tên dịch giả, ông phải có trách nhiệm cho danh tiếng mình, nhất là danh tiếng người đoạt giải thưởng dịch giả Phan Châu Trinh.
Đây là một tác phẩm kinh điển của những nhà nghiên cứu về Việt Nam trên thế giới. Quyển sách đầu tiên in năm 1955 được bổ túc tài liệu viết lại năm 1982 giới thiệu lịch sử và văn hóa Việt Nam trung thực, bằng tiếng Pháp, khác biệt với những tác phẩm các tác giả Pháp thời thuộc địa viết với quan điểm thực dân. Hầu hết mọi sách viết về Việt Nam, các luận án tiến sĩ nghiên cứu về Việt Nam trên các đại học các nước đều đọc và trích dẫn trong thư mục. Hơn nữa thế kỷ qua vẫn chưa có một tác phẩm nào viết hay hơn. Việc dịch tác phẩm Gs Lê Thành Khôi là một công việc muộn màng vì tình hình chính trị và giáo dục của Việt Nam có nhiều rào cản và có lẽ khó tìm ra người dịch thuật có đủ bản lĩnh để làm công việc này chăng ?. Từ những năm 1980 Gs Phan Huy Lê sang Pháp giảng dạy Việt Học tại Viện Đại Học Paris 7, tôi có dịp đưa anh đi chơi và tâm sự cùng anh, anh đã có ý định vận động dịch và xuất bản trong nước, đây là quyển sách anh đọc và chịu rất nhiều ảnh hưởng từ năm 1956 về phương pháp nghiên cứu và tính trung thực, thế mà gần 40 năm sau mới thực hiện được..
Đây không phải là việc làm Hoà giải hoà hợp dân tộc cho một ông người Pháp gốc Việt, như một người có trách nhiệm quan trọng đã viết trên báo Nhân Dân Điện Tử, hay một người tên tuổi xa lạ nào, mà một vị trách nhiệm trong báo Công An Nhân Dân điện tử kích bác mà không biết người đó là ai ? Lời giới thiệu của Gs Phan Huy Lê và Gs Georges Condominas và tiểu sử trên sách bìa, lời mở đầu, người viết kích bác nhắm mắt không đọc ? Không đọc không tìm hiểu Gs Lê Thành Khôi là ai, những câu phê phán để lộ những hiểu biết kém cỏi, ấu trỉ của mình ví dụ « Vua Hàm Nghi bị đày đi Algérie là sai, thực tế vua Hàm Nghi bị đày đi Phi Châu », người viết cũng không biết tài năng kiến thức mình ra sao, sánh với một nhà văn hóa lớn Việt Nam được thế giới kính trọng. Tôi đã trả lời hai bài của ông Tiến Anh Hồng Quang và ông Phú Trường những điều các ông cho là sai lầm.
Giáo sư Lê Thành Khôi, một trí thức người Việt tại Pháp với 25 tác phẩm nghiên cứu khoa học đồ sộ, và 33 công trình đồng tác giả, và hàng trăm luận văn khoa học đăng tải trên nhiều tạp chí quốc tế, giáo sư Lê Thành Khôi đã một đời truyền bá văn hoá, lịch sử Việt Nam trên thế giới, giữ nhiều chức vị trong các Viện Đại Học Pháp, tư vấn cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc, giáo sư được mời vào địa vị Chủ tịch, hàng đầu Hội Người Việt Nam tại Pháp, Hội Khoa Học Xã Hội Việt Nam tại Pháp từ những năm khó khăn nhất trong chiến tranh. Và càng cảm động hơn nữa, bao tài sản cả một đời thu thập cổ vật Việt Nam, Đông Á, gần 600 hiện vật giáo sư không giữ lại cho con cháu mà trao tặng hết cho Viện Bảo Tàng Việt Nam. Năm 2013 Giáo sư còn được trao giải Phan Chu Trinh..
Phong cách viết sử của Giáo sư Lê Thành Khôi có gì khác lạ với Ủy ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Ta thử đọc hai đoạn hai quyển Lịch sử Việt Nam cùng viết về Lê Chiêu Thống :
Quyển Lịch Sử Việt Nam của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, nxb KHXH Hà Nội 1971 tr 349 viết :
« Bọn phong kiến phản động trong nước câu kết chặt chẽ với bọn cướp nước. Bè lũ Lê Chiêu-thống bám gót quân Thanh, trở về Thăng Long. Hắn được vua Thanh phong làm « An-nam quốc vương » nhưng chỉ là một tên bù nhìn ươn hèn, đốn mạt. Đối với quân thù thì bọn chúng quỵ lụy đến khốn nạn. Đối với nhân dân trong nước thì bọn chúng tàn nhẫn đến dã man. Dựa vào thế quân Thanh, chúng trả thù báo oán rất ti tiện và ra sức vơ vét thóc gạo, cướp bóc của cải để cung đốn cho hàng chục vạn quân xâm lược. Bộ mặt phản dân hại nước của bè lũ Lê Chiêu-thống đã bị lột trần. ..
Trước cảnh đất nước bị quân giặc dày xáo, nhân dân Bắc-hà sôi sục căm hờn. Tất cả mọi người dân yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn đều hướng về phía Tây-sơn và sẵn sàng tập hợp dưới lá cờ đại nghĩa của anh hùng Nguyễn Huệ. »
GS Lê Thành Khôi trong Lịch Sử Việt Nam, bản dịch Nguyễn Nghị, tr 380 viết :
« Lê Chiêu Thống đón đồng minh của mình tại Kinh Bắc và cùng tiến vào Thăng Long. Sau khi Lê Chiêu Thống lên ngôi, quân Thanh đóng binh xung quanh kinh đô và xử sự như tại một đất nước vừa chiếm được. Nhà vua bắt buộc phải ghi theo niên đại Càn Long, hoàng đế Mãn Thanh, trên các công văn của mình và hàng ngày phải đến trình diện tại trại của Tôn Sĩ Nghị. Bị hận thù làm mù quán, Lê Chiêu Thống chỉ còn nghĩ tới việc trả thù các quan chức đầu hàng Tây Sơn mà không nghĩ đến những hành động quá quắt của quân Trung Quốc. Nhân dân từ một năm nay, điêu đứng vì bão táp và mất mùa, « không còn gạo để ăn, không còn nhà để ở », đã xa dần nhà Lê. Cũng vậy, một số quan lại còn trung thành với nhà Lê khi ấy ý thức được rằng nhà vua đang phản bội tổ quốc. Họ không còn ủng hộ vua nữa, tuy nhiên vẫn không quay về với Tây Sơn.. Như vậy, dưới sự áp bức của người Trung Quốc, trạng thái tâm lý đã biến chuyển một cách thuận lợi cho phía Tây Sơn. »
Không cần bình luận, với hai phong cách viết sử . Đã từ lâu nền giáo dục chúng ta chỉ biết một phong cách do Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam viết. Ngành Sử học từ năm 1954 được hình thành bởi các ông Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Văn Tân, Đào Duy Anh, kiến thức sử học hoàn toàn tự học và giảng dạy đại học. Các vị là những nhân vật chính trị bị loại khỏi quyền lực, dành lấy mảnh đất Sử học để áp dụng chuyên chính vô sản. Cụ Đào Duy Anh cởi mở nhất lại vấp phải vụ án Nhân Văn. Từ năm 1956 trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử có một cuộc tranh luận giữa ông Văn Tân và Gs Lê Thành Khôi về Quang Trung và Gia Long ai thống nhất đất nước. Gs Lê Thành Khôi đưa ra chứng cứ năm 1789 khi Nguyễn Huệ đánh quân Thanh, Nguyễn Lữ đã bỏ chạy về Quy Nhơn, Nam Kỳ bị mất về tay Nguyễn Ánh từ cuối năm 1787. Ông Văn Tân không trả lời được đã kết án Gs Lê Thành Khôi là ‘sử gia tư sản.’
Giáo sư Phan Huy Lê trong lời giới thiệu đã viết :
Giáo sư Lê Thành Khôi « đã trình bày lịch sử Việt Nam bằng một quan điểm và phương pháp luận hiện đại. Tác giả quan niệm lịch sử không chỉ giới hạn trong lịch sử chính trị, lịch sử các vua chúa mà là lịch sử toàn diện bao gồm tất cả các lãnh vực của cuộc sống con người, từ kinh tế, xã hội cho đến các thiết chế chính trị, văn học nghệ thuật. Vì vậy viết lịch sử, ngoài các tư liệu chữ viết, còn khai thác tư liệu của nhiều ngành khoa học liên quan như khảo cổ học, bi ký học, tiền tệ học, dân tộc họcv, xã hội học, dân số học cho đến các ngành ngôn ngữ, kinh tế, chính trị, luật pháp.. Tác giả cũng nhận thức sâu sắc, lịch sử không chỉ là một khoa học của quá khứ mà là một khoa học của thời hiện đại, góp phần giải đáp những vấn đề cuộc sống hôm nay, vì lợi ích của sự phát triển. Trên tầm nhìn mang tính toàn bộ của lịch sử, tác giả luôn luôn gắn sự phát triển của Việt Nam với lịch sử khu vực thế giới, nhất là với Trung Quốc, Đông Nam Á và Châu Âu.
Cuốn thứ hai nổi bật lên giá trị về tính cập nhật công tác tư liệu… Nhìn vào thư mục cuốn sách xuất bản năm 1982, có thể thấy ông đã sử dụng nhiều công trình nghiên cứu trong nước. Ông đã nghiên cứu kỹ những kết quả khoa học đó và vận dụng một cách chọn lọc vào công trình Histoire du Viet Nam, des origines à 1858. So với cuốn sách xuất bản năm 1955, nội dung của cuốn thứ hai đã có nhiều thay đổi theo hướng cập nhật và hiện đại. »
Khác với các quyển sử khác chỉ nói đến lịch sử Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ, quyển lịch sử của Giáo sư Lê Thành Khôi cho ta biết về lịch sử vùng đất miền Trung và miền Nam ; lịch sử lập quốc của Chiêm Thành và các nền văn minh Phù Nam, Chân Lạp cùng các mối liên hệ với các dân tộc Đông Nam Á đến huyền thoại, chứng cứ khảo cổ về thời Hùng Vương, và lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc. Ngược lại với ý kiến cho rằng nội dung sơ sài, quyển sử Gs Lê Thành Khôi thật phong phú về tài liệu và bao gồm nhiều ngành học thuật. Cũng nên nhắc lại là sử gia không phải là người sáng tác ra tư liệu sử học mà là người tổng hợp tất cả các công trình nghiên cứu có liên hệ đến lịch sử và chọn lọc, nhận định sáng suốt trung thực. Xem tất cả những trích dẫn và thư mục chúng ta có thể nhận ra được nguồn tài liệu phong phú của công trình sử học.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương tại Việt Nam hiện nay cần phải cải cách sâu rộng việc giảng dạy môn sử học, từ viết lại sách giáo khoa, đến đào tạo giáo viên, giáo sư môn sử, để môn sử trở thành một môn Khoa học Xã Hội thật sự. Sử học cần tách rời ra khỏi Tuyên truyền. Với sự đúng đắn khoa học, Sử học có tính thuyết phục của nó, không cần phải to tiếng, chửi bới, văng nước bọt lên trang giấy.
Sách sử Gs Lê Thành Khôi đặt lại vấn đề dùng hai chữ ‘phong kiến’ để chỉ các triều đại Đinh Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn trong các sách sử, sách giảng dạy các bậc Phổ thông và Đại Học. Phong kiến dịch từ chữ ‘féodale’ có nghĩa là chế độ nhà vua cai trị dựa trên việc phong đất cho lãnh chúa. Thế thì Việt Nam không có ‘chế độ phong đất’ như Tây Phương, không có ‘nông nô’ làm việc cho lãnh chúa, cũng không có ‘một giai cấp quý tộc’. Thời Trần, tướng sĩ như cha con quân dân như ruột thịt, không ai có thể nói quý tộc Trần Hưng Đạo chỉ huy ’nông nô Đại Việt’ đánh quân Nguyên Mông xâm lăng. Phật Giáo, Nho Giáo cũng không phải là một tôn giáo thần quyền như Thiên Chúa Giáo tại Tây Phương ? Quan lại Việt Nam được tuyển qua các kỳ thi Tam Giáo hay Hương, thi Hội, thi Đình. Vài mươi người trên hàng ngàn, hàng vạn thí sinh. Người không thi đỗ trở về làng xóm dạy học hay hành nghề y, lý, bốc, số.. Bản thân giới Nho sĩ cũng chia hai, không thể gọi nho sĩ là một giai cấp. Không thể nhập cảng tội lỗi phong kiến Tây Phương vào để kết tội « giai cấp phong kiến bóc lột » tại Việt Nam, cũng không thể phân chia xã hội Việt Nam thời Lý, Trần thành quý tộc, tăng lữ và nông nô. Thời Lý Trần chỉ lo xây cất chùa mà không xây cất nhà tù, chỉ lo đào tạo tăng mà không đào tạo cai ngục. Người xưa trị nước bằng phòng bệnh hơn là chữa bệnh, nhà chùa là trường học, giáo huấn ngăn ngừa tội phạm, không đợi xã hội loạn lạc rồi mới trị tội, xử án, lưu đày. Phật Giáo đã cấu kết vời Triều đình Lý Trần không phải để bóc lột nông nô mà làm cho xã hội Đại Việt đạo đức, tươi sáng lành mạnh theo con đường Chánh Đạo.. Viết sử không phải là việc làm ca tụng các cuộc khởi nghĩa nông dân và chửi bới ‘giai cấp phong kiến’. Hai chữ ‘phong kiến bóc lột’ từng được đem ra để kết án các cụ Nghè Nho học những năm 1956 vùng Thanh, Nghệ,Tĩnh, đến Quảng Bình khi một cơn lốc trào lưu tư tưởng trên thế giới thổi qua đất nước : nhiều cụ Nghè bị án tử hình, nhiều cụ chết trong tù như cụ Nghè Nguyễn Mai cháu 5 đời thi hào Nguyễn Du. Ai bảo bàn tay dịch giả đầu thế kỷ 20 không nhuốm máu, việc dịch sai lầm một từ ngữ có thể gây nên một thảm họa không lường được cho đời sau ?
Sách sử Gs Lê Thành Khôi, khơi mở nhiều vấn đề lịch sử chưa được tìm hiểu ví dụ vấn đề sự suy vong của Chiêm Thành, Chân Lạp.
Các sách sử Việt Nam xưa nay cũng không nhắc đến lịch sử lập quốc của Chiêm Thành, Chiêm Thành từng là một nước giàu có thịnh vượng, được nhiều sử liệu ca ngợi, các sử gia cũng không nói đến nền văn minh sáng chói của Angkor. Mãnh đất miền Trung của Chiêm Thành, mãnh đất miền Nam từng là đất của các vương quốc hùng mạnh Phù Nam, Chân Lạp , thương mại họ phát trìễn thương thuyền họ từng buôn bán với các nước Á Rập, Ấn Độ, La Mã... Nguyên nhân nào các nền văn minh ấy sụp đổ. Angkor từng là một kinh đô gần một triệu dân, một « New York » của thế giới, từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 15. Thành quách đền đài rực rỡ trang trí bằng vàng, bằng đá quý, có đền đã dùng đến 65 tấn vàng. Đền Angkor Vat. Sử thi khắc trên đá hàng cây số trên bốn mặt cung thành, vách đền. Chiêm Thành là vương quốc thế nào mà đem quân đánh sụp cả nền văn minh Chân Lạp. Phải dùng bao nhiêu sức để biến Angkor thành hoang vu ? Chưa kể Chiêm Thành ba lần đem quân đánh Thăng Long. Đánh bại đoàn quân 200 000 người của Đại Việt, vua Trần Duệ Tông tử trận ? Chiêm Thành từ một vương quốc Phật Giáo đã chuyển sang Hồi Giáo như thế nào ? Ảnh hưởng Hồi Giáo trong các cuộc xâm lăng đó ra sao ? Những nơi Hồi Giáo đi qua, là cuộc thánh chiến tôn giáo, vùi lấp các nền văn minh Ai Cập, chiếm các Thánh địa Thiên Chúa Giáo, chiếm đóng Hy Lạp, Tây Ban Nha hằng mấy thế kỷ, đến các thánh địa di tích Phật Giáo tại Ấn Độ, các nhà sư lớp bị giết, lớp phải chạy trốn khỏi nước. Hồi Giáo chiếm đến Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân. Hồi Giáo từ khi lập đạo đã truyền bá bằng thánh chiến, bằng thanh gươm, ai không theo bị chém đầu, họ có truyền đạo qua Chiêm Thành trong hòa bình, bằng những trao đổi thương mại, bằng hôn nhân chăng ? Lý do nào các Trung tâm Phật Giáo : Đồng Dương, Mỹ Sơn, Thập Tháp Di Đà bị tàn phá ? Tạ sao ngày nay tại vùng miền Trung khi đào đất nông dân thường bắt gặp các tượng Phật được chôn dấu. Tại Ai Cập, Hồi Giáo vấp phải sự chống cự trong suốt 4 thế kỷ thế thì tại Chiêm Thành, Hồi Giáo có thể nhanh chóng biến đổi vương quốc Phật Giáo Chiêm Thành trong một thời gian ngắn ? Tìm hiểu về xã hội Chăm, người ta chỉ nói đến thành phần theo Hồi Giáo, và thành phần theo đạo Bà La Môn, thế thì những người Phật Giáo Chăm đi đâu ? Chúng ta hoàn toàn thiếu những tài liệu về xã hội Chiêm Thành từ lúc họ du nhập Hồi Giáo. Theo tôi các Chúa Nguyễn sỡ dĩ đứng vững được ở Đàng Trong vì đã được người Chăm theo Phật Giáo là đa số dân Chăm ủng hộ, sau khi bị Hồi Giáo đàn áp, cưỡng bức, đàn áp, tiêu diệt. Các cuộc chiến tranh đánh Đại Việt, đánh Chân Lạp của Chiêm Thành mang màu sắc các cuộc thánh chiến Hồi Giáo được sự trợ giúp của các nước Á Rập, đã làm suy kiệt nước Chiêm Thành. Các Chúa Nguyễn đã chinh phục phương Nam không bằng sự diệt chủng, không bằng vũ lực, mà bằng đạo đức, từ bi, nhân hòa của Phật Giáo. Đó là lý do các Chúa Nguyễn sùng đạo Phật được tôn sùng là Chúa Sãi (là vua các vị sư), chúa Hiền. Người theo đạo Phật đã gọi người Hồi Giáo là dân Hời, là người theo đạo Hồi. Đó là lý do người Hời ngày nay chỉ còn một thiểu số vài chục ngàn người. Người Việt đồng bằng Bắc Bộ thường quyến luyến làng mạc, suốt thời Trịnh Nguyễn cũng chẳng có một biến cố nào trong lịch sử, thiên tai hay chiến tranh người Việt phải bỏ làng quê vào Nam, như năm 1954. Người Việt Bắc Bộ ít ai có ý chí phiêu lưu đi xa quê hương, chỉ có các ông đồ Nghệ là những người đi khắp nước, làng mạc nào cũng có các ông đến mở trường dạy học, làm thuốc, đó là một trong những lý do chính tiếng Việt được phổ biến, trở thành tiếng nói cả nước. Đưa lịch sử Chiêm Thành, Phù Nam và Chân Lạp vào lịch sử Việt Nam, Giáo sư Lê Thành Khôi đã khơi mầm cho chúng ta những hướng nghiên cứu và việc làm tương lai một Việt Nam trong Đông Nam Á.
Đọc lịch sử Việt Nam, ‘gáy’ quá to về cuộc Nam Tiến, người Việt Nam học sử có cảm tưởng tổ tiên mình đã diệt chủng hàng triệu dân Chiêm Thành, Chân Lạp để mở mang xứ sở. Người Việt tiến vào chốn không người, sau khi đã tiêu diệt Chiêm Thành và Chân Lạp ?. Nhưng đâu là dấu vết của cuộc diệt chủng đó, có đào ra những hố xương tập thể nào chăng ? Có những địa danh nào mang dấu vết như núi Đầu Lâu ở Trung Quốc, tướng Bạch Khởi nhà Tần giết bốn trăm ngàn quân Triệu. ? Nếu tìm ra dấu vết thì người Việt Nam phải xin lỗi tội diệt chủng một dân tộc trước lịch sử nhân loại. Nếu không tìm thấy thì người Việt Nam phải viết lại lịch sử về cuộc Nam tiến. Khi chúa Nguyễn Hoàng đến Thuận Hóa người Việt ở trước đó không đến 100 000 dân, đi theo chúa Nguyễn Hoàng không đến 5000 người vùng quê hương Tống Sơn, Thanh Hóa gốc tích chúa Nguyễn. Gần 250 năm Trịnh Nguyễn phân tranh, sông Gianh, Lũy Thầy làm biên giới. Số người vượt qua lũy Thầy như Đào Duy Từ cũng hiếm hoi. Có lần quân Đàng Trong thắng trận bắt được 30 000 quân Trịnh chia đều cho mỗi làng xã được 5 người, thì không thể gọi bao nhiêu đó người Việt đã sinh sản ra đến hàng chục triệu người Đàng Trong. Phần lớn những gia đình tại miền Nam truy nguyên nguồn gốc đến chín, mười đời đều xuất phát từ vùng Bình Định, Phú Yên tức là những vùng đất cũ của Chiêm Thành. Nếu các chúa Nguyễn diệt chủng tàn ác thì tại sao nhân dân gọi là chúa Hiền, chúa Sãi ? Tại sao các Chúa Nguyễn sùng đạo Phật ? nếu nhân dân Chiêm Thành ai cũng theo Hồi Giáo hết thì chúa Nguyễn làm sao sống được ? Lịch sử Việt Nam chưa soi sáng : Phật Giáo đã vượt qua khỏi tầm nhìn chủng tộc, triều đại để thống nhất các dân tộc Việt, Chiêm. Người Việt Nam thuộc hệ ngôn ngữ Môn-Khmer đã tìm lại được nguồn cội anh em chủng tộc mình ?
Quyển Lịch sử Việt Nam của Gs Lê Thành Khôi, tổng hợp một kiến thức đa dạng phong phú, đánh dấu việc mở cửa về phương diện sử học sau 30 năm mở cửa đổi mới về kinh tế. Tôi đồng ý với Gs Ngô Bảo Châu, quyển Lịch Sử Việt Nam của Gs Lê Thành Khôi cần thiết cho mỗi gia đình Việt Nam.
Khác với việc dịch một tiểu thuyết, dịch nột tác phẩm nghiên cứu khoa học, đòi hỏi người dịch có một kiến thức chuyên môn tương tự. Giáo sư Lê Thành Khôi là một sử gia uyên bác, một nhà luật học, một nhà kinh tế học, một nhà giáo dục học, được đào tạo từ Viện Đại Học Sorbonne danh tiếng hàng đầu nước Pháp, một nhà văn, một nhà thơ từng xuất bản thơ bằng tiếng Pháp từ những năm học trường Trung Học Albert Sarraut Hà Nội. Giáo sư còn là một nhà Hán Học tốt nghiệp trường Ngôn Ngữ Đông Phương Paris.
Tôi rất hiểu và cảm thông với những nỗi khó khăn anh Nguyễn Nghị khi làm công việc này cũng như hai nhà xuất bản Nhã Nam và Thế Giới trong điều kiện : mỗi người Việt Nam đọc không đến một quyển sách một năm, phóng viên đi hàng tuần mới tìm thấy một người Việt Nam trong thành phố cầm quyển sách. Việt Nam mua được tàu ngầm hàng tỉ đô la, nhưng không tổ chức nỗi một hệ thống thư viện đọc sách miễn phí cho nhân dân, cho trẻ em từ thành phố đến làng xã. Việc nâng cao dân trí của cụ Phan Chu Trinh từ đầu thế kỷ 20, còn là một giấc mơ xa vời, dù các viện Đại Học được mọc ra như nấm, Việt Nam có thành tích đào tạo được nhiều Tiến sĩ, thạc sĩ.. dù người Việt Nam rất nhiều nhà đại tư bản đang lên, rất nhiều người dân có điện thoại di động đời mới nhất. Nước ta trong hoàn cảnh hiện nay lẽ ra dịch thuật phải được nhà nước nâng đỡ để nhanh chóng phổ cập những kiến thức thế giới, như nước Nhật đã làm từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, Hàn Quốc đã làm những năm 1960. Nhưng nước ta chưa nhận ra tầm quan trọng của việc đó. Dịch sách nước ta vẫn là công việc ‘ăn cơm nhà vác ngà voi ’, người giỏi ngoại ngữ đi làm hướng dẫn viên du lịch, tiền bạc thong thả, còn dịch sách chẳng lợi lộc gì so với công sức bỏ ra. Sách đã in ra chữ viết, lỗi sơ sót rành rành khó tránh khỏi búa rìu dư luận. Nhưng tìm ra một dịch giả toàn hảo không dễ gì có. Đọc bản dịch anh Nguyễn Nghị tôi thấy có một sự biến chuyển từ đầu đến cuối sách . Phần đầu đầy lỗi đần dần đã khá hơn. Người dịch xong một quyển sách đã mệt mỏi, có khi mờ mắt không còn thấy hết những lỗi lầm. Người hiệu đính là anh Nguyễn Thừa Hỷ lại không nhìn thấy hết những sơ sót đó. Người đứng ngoài cuộc đánh cờ có khi sáng nước hơn. Do đó tôi không dám gọi là làm việc phê bình bản dịch anh Nguyễn Nghị viết, mà chỉ xin góp ý cùng anh để bản dịch được hoàn hảo trong lần xuất bản tới.
Giáo sư Lê Thành Khôi đã lớn tuổi, năm nay đã trên 94 tuổi, tôi xin thay mặt giáo sư làm công việc rà soát lại những sơ sót trong bản dịch. Mong rằng nhà xuất bản và dịch giả sẽ kiểm soát lại và thực hiện một bản dịch hoàn hảo hơn trong lần xuất bản tới. Với một đất nước 94 triệu dân trong nước và bốn triệu người tại hải ngoại nhu cầu cần đọc một quyển sách sử căn bản, khoa học đứng đắn, ấn bản phải đi đến hàng trăm ngàn bản như các nước, chứ không phải là vài ngàn bản.