Tạp ghi Huy Phương: Nhẫn và... Nhục!
Ngày xưa còn bé, tôi nhớ mỗi lần cô tôi về nhà, than thở chuyện gia nương, buồn phiền chuyện chồng con,
thì bà nội tôi lúc nào cũng khuyên giải cô tôi nên học lấy chữ “nhẫn”. Bà thường giải thích trong nghi thức
cưới hỏi, lễ vật lúc nào cũng có chiếc nhẫn làm đầu, đó là vật tượng trương cho tình vợ chồng, sống với nhau
thì phải nhẫn, nhịn nhau cho qua lúc, để có hạnh phúc suốt đời. Có lẽ nhờ học được chữ nhẫn, nên gia đình
cô dượng tôi sinh hết thảy được mười hai đứa con, hiện nay con đàn cháu đống, mặc dầu sau tháng tư năm
1975 ly tán khắp nơi, nhưng con số đếm cũng dễ chừng lên đến hơn trăm.
Trong cách xử thế thì mẹ tôi lúc nào cũng mở kinh nhật tụng, khuyên con luôn luôn nhịn nhục, “chín bỏ làm
mười,” cho rằng “một sự nhịn thì chín sự lành hay“chữ nhẫn là chữ thếp vàng, ai mà nhẫn được thì càng
sống lâu!”nên đi học thì bị bạn bè hiếp đáp, ra đời ngây ngô, nhũn nhặn, vẫn thường chịu cảnh “trâu chậm
uống nước đục”. Những ngày cuối tháng tư năm ấy, bị cấp chỉ huy ra lệnh ôm chặt đơn vị cho đến phút tan
hàng rã ngũ, biết bị ép, nhưng vẫn “nhẫn” để cho “xếp” có thời gian cao bay xa chạy.
Cha tôi thì ảnh hưởng Khổng học, mọi điều theo kinh điển “Khổng Tử viết” (Đức Khổng Tử nói…) là chân lý,
là kết luận cuối cùng không cần bàn cãi.
Trong Phật Giáocó nói đến đức “Nhẫn Nhục Ba La Mật”.
Ðối với nghịch cảnh như nắng mưa, nóng lạnh, đói khát, đau ốm, hoặc bị người đánh đập, hành hạ, làm bức
não nơi thân, mình cũng cam chịu, không phàn nàn hay chống cự lại. Ðây là chịu đựng về thể xác, là “thân
nhẫn”.
Thân đã nhẫn chịu không chống lại người và miệng cũng không thốt ra những lời nguyền rủa độc ác trước
những lời nhục mạ, chua cay, mắng nhiếc tồi tệ hay đánh đập tàn nhẫn, gọi là “khẩu nhẫn”.
Nhẫn nhục cả trong tâm, không căm hờn, không oán giận, không nổi lên ý phản đối, những tư tưởng hắc ám
để trả thù gọi là “ý nhẫn”.
Trong Luận Ngữ có ghi chuyện ông Tử Trương và chữ “Nhẫn” của ông Khổng Khưu như sau:
Ông Tử Trương muốn đi xa, đến chào Đức Khổng Tử và xin Ngài một lời khuyên.
Ông Khổng Tử nói: - Chữ Nhẫn đứng đầu trăm nết!
Tử Trương hỏi lại: - Làm sao phải nhẫn?
Đức Khổng Tử trả lời: - Thiên Tử mà nhẫn thì nước không sinh hại. Chư hầu mà nhẫn thì nước sẽ mạnh lớn
thêm. Quan lại mà nhẫn thì chức vị sẽ thăng tiến. Anh em mà nhẫn thì cửa nhà giàu sang. Vợ chồng mà nhẫn
thì ở với nhau được trọn đời. Bạn bè mà nhẫn thì thanh danh không mất. Hễ nhẫn thì không lo tai họa!
Tử Trương hỏi lại: - Nếu không nhẫn thì sao?
Đức Khổng Tử đáp: - Thiên Tử không nhẫn thì nước sẽ trống không. Chư hầu mà không nhẫn mất mạng.
Quan chức mà không nhẫn thì sẽ bị hình phạt. Anh em mà không nhẫn thì sẽ chia rẽ. Vợ chồng không nhẫn
thì sẽ xa nhau.
Tự mình không nhẫn được tất không tránh được lo lắng!
Ông Trương Tử thán phục mà kêu rằng: - Phải lắm! Phải lắm!
Nhìn chung, trong triết lý sống, chỗ nào cũng đề cao chữ “nhẫn”. Nho giáo cho rằng “Nhất định phải Nhẫn
mới có thể thành công. Khoan dung thì đức sẽ lớn”. Khổng giáo nói: “Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn,
bậc quân tử không có tranh giành”. Lão giáo nói: “Thiên Đạo không tranh mà Thiện thắng, không nói mà
Thiện ứng”. Phật giáo giảng: “Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, ‘Nhẫn’ là đệ nhất”.
Không ai không nhắc nhở về đạo “Nhẫn” ở đời.
Chữ nhẫn dùng trong gia tộc, nhẫn với vợ chồng, anh em, bạn bè, ruột thịt thì dễ hiểu. Thiếu chữ nhẫn thì vợ
chồng đưa đến ly dị, chia cắt, anh em, bạn bè chẳng muốn nhìn mặt nhau. Nhưng “nhẫn” ứng dụng cho thiên
tử (cấp lãnh đạo), chư hầu (tiểu quốc) và quan lại (cán bộ) như đám Cộng sản Việt Nam ngày nay thì nhẫn
mang theo nhục.
Cách đây mấy năm, chế độ Cộng sản Trung cộng quyết định phục hồi ý thức hệ Khổng Tử, đặt tượng
Khổng Tử ngay ở quảng trường Thiên An Môn, phải chăng qua hơn nửa thế kỷ, từ ngày Trung Quốc thành
Trung Cộng, đạo lý suy đồi, nhân tâm ly tán, Khổng giáo bị lên án như lời của Mao Trạch Đông: “Khổng Tử là
con chó giữ nhà cho chế độ phong kiến!” mà nay chế độ cộng sản lại muốn phục hồi Khổng giáo, vì trên thế
giới này chế độ cộng sản hiện nay quả là phong kiến hơn phong kiến. Xưa Vua là tối thượng, nhưng trong
chế độ cộng sản, lãnh tụ là tối ưu. Xưa bầy tôi có thể can gián Vua, nhưng ngày nay đi nói ngược lại ý Đảng
có thể dễ dàng quy tội gián điệp, chống phá, lật đổ quyền, bị thanh trừng, thủ tiêu như dưới chế độ Staline,
Mao Trạch Đông và cả Lê Duẫn, Lê Đức Thọ ở Việt Nam.
Khổng giáo với cộng sản như đen với trắng, như ngày và đêm.
Khổng Tử luôn nhấn mạnh đến nhân, nghĩa, lễ trí, tín, có nghĩa là con người phải có lòng thương người,
thương vạn vật (Nhân), phải hành động theo đúng lẽ phải, hợp đạo lý (Nghĩa và Lễ); phải có suy nghĩ (Trí) và
phải giữ niềm tin (Tín). Trong khi đó thì con người cộng sản phải là: “một kẻ vô đạo đức, một thằng ăn cắp,
một người lợi dụng thời cơ, một đứa hối lộ”, như lời Netchaïev, đồ đệ của Bakounine, của Marx và Engels
(Theo Jacques Attali – K. Marx ou l’esprit du monde trang 404 – Nhà xuất bản Fayard-Paris).(Chu Chỉ Nam
-Báo Tổ Quốc-2011)
Chúng ta thấy gì trong chế độ cộng sản ngày nay: đạo đức suy đồi, giáo dục, y tế xuống cấp. Những con số
về nạn phá thai, đĩ điếm, tội phạm xã hội tăng vọt, tham nhũng, đàn áp, bất công lan rộng. Để cứu vãn tình
trạng này, không có gì khác hơn là phục hồi Khổng Giáo, nhưng Khổng giáo không thể đi song hành với chủ
nghĩa Mác-Lê Nin.
Nhưng phải nói trong hoàn cảnh Việt Nam ngày nay chưa lúc nào Vua Quan đảng cộng sản là thực hành lời
dạy của Đức Khổng ráo riết như bây giờ:
- Sợ Trung Cộng nên Thiên Tử (lãnh đạo) phải nhẫn, nhịn nhục ca tụng 16 chữ vàng.
- Coi mình như chư hầu của Tàu nên Việt Nam phải nhẫn nhục, thà mất nước, để khỏi mất chức, mất đảng,
đã bán đất dâng biển, lại chịu nhục để ngư dân bị bắn giết, lạy lục bọn Tàu. Trong khi Philippines thề chống
Trung Quốc “đến người cuối cùng” thì Cộng Sản Việt Nam kết án hai sinh viên 7 và 8 năm tù chỉ vì viết khẩu
hiệu: “Tàu Khựa hãy cút đi!”
- Quan chức Cộng sản hết lòng theo lời Khổng Tử khuyên thực hành chữ “Nhẫn,” “vì quan lại mà nhẫn thì
chức vị sẽ thăng tiến, không nhẫn thì phải bị trừng phạt!” nên đảng viên thành đàn cừu, bịt mắt che tai, cung
cúc tận tụy hết lòng với đảng để có đặc quyền đặc lợi.
Phục hồi Khổng Giáo là phải, để rồi cả đám vua quan trong nước, như Tử Trương, đắc ý, mà đồng tình gào
lên: “Phải lắm! Phải lắm!”
Nhẫn ngày nay, nhiều khi đã thành hèn nhát. Nhẫn này hẳn phải đi theo với... nhục! Mà lại là quốc nhục.
Huy Phương