Lá cờ Mỹ bên cạnh tên của những người lính Mỹ đã hy sinh trong cuộc chiến ở Việt Nam trên bức tường tưởng niệm ở Washington DC. Sau hơn 4 thập kỷ nhưng nhiều người Mỹ vẫn cảm nhận vết thương mà chiến tranh để lại.
Hơn 4 thập kỷ sau khi cuộc chiến tranh làm gần 2 triệu người thiệt mạng, những người Mỹ, dù tham gia cuộc chiến hay không, vẫn còn cảm nhận vết thương chiến tranh để lại.
Những người Mỹ từng tới Việt Nam lần đầu hoặc trở lại sau chiến tranh đều cho rằng những dấu vết của chiến tranh không còn tồn tại ở đây nữa. Họ chỉ cảm nhận được một xã hội đang bận rộn với sự phát triển kinh tế nhanh chóng và hai quốc gia cựu thù nay đã trở thành bạn. Tuy nhiên, họ nói cuộc chiến tranh lẽ ra không nên có, và một một sự giằng xé vẫn còn hiện diện trong họ.
Mội cựu binh quân đội Mỹ từng tham gia chiến đấu tại Việt Nam. Theo giáo sư David Cortright của Đại học Notre Dame, người từng phục vụ trong hải quân Mỹ thời gian chiến tranh, nói người Mỹ vẫn bị giằng xé và chia rẽ về cuộc chiến này.
David Cortright, hiện là một giáo sư của trường Đại học Notre Dame ở Indiana từng phục vụ trong hải quân Mỹ trong thời gian chiến tranh, là một trong số những người đó. Ông trở lại Việt Nam 4 năm sau khi cuộc chiến kết thúc với một tổ chức nhân đạo.
Ông nói: “Người Mỹ vẫn còn bị giằng xé về cuộc chiến tranh. Chúng tôi vẫn bị chia rẽ về một số phương diện. Đó là cuộc chiến tranh đầu tiên mà người Mỹ thua cuộc. Và nhiều người Mỹ vẫn không muốn tìm hiểu tại sao và để học một bài học. Và với cảm nhận đó, đất nước của chúng tôi vẫn tiếp tục mắc sai lầm bằng việc xâm chiếm Iraq và cuộc chiến ở Afghanistan. Chúng tôi cứ nghĩ rằng nếu chúng tôi tiếp tục xâm chiếm và tấn công những nước khác để có được những kết quả tốt hơn. Và thường thì nó chỉ làm cho vấn đề tệ hơn vì nó tạo ra những thiệt hại không cần thiết.”
Giáo sư của Đại học Notre Dame nói những người lãnh đạo chính trị của Mỹ không đại diện cho ý chí của người dân Mỹ muốn chấm dứt cuộc chiến.
Đồng tình với ý kiến đó, David Hughes – một diễn viên kiêm nhà hoạt động chống chiến tranh – cho rằng chỉ một phần nhỏ những người Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh này và phần lớn trong số họ không tham gia vào việc ra quyết định. “Chúng ta có thể nói rằng chính quyền và chính phủ đã không học được từ sai lầm đó. Với phần lớn dân chúng, đó là việc khác. Trong một số trường hợp, họ còn không biết những nước đó ở đâu. Do vậy những lỗi lầm tiếp tục bị mắc phải và ở một cấp độ cao hơn những người dân bình thường.”
Năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam và một năm sau đó quan hệ giữa 2 nước được bình thường hóa. Trong những thập kỷ tiếp theo, quan hệ này ngày càng được cải thiện, đặc biệt dưới thời Tổng thống Barack Obama khi ông xóa bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, một động thái mà nhiều chuyên gia cho rằng là bước cuối cùng để mối quan hệ giữa 2 nước trở nên toàn diện. Sự nồng ấm của mối quan hệ Việt-Mỹ được tăng lên phần lớn trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển Đông và bành trướng ra thế giới.
Cựu tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm tới Hà Nội tháng 5/2016. Quan hệ Việt Nam-Mỹ được cải thiện và trở nên nồng ấm hơn dưới thời của chính quyền Obama.
“Việt Nam giờ đây là những người bạn của chúng tôi. Các công ty Mỹ giờ đây đang đầu tư vào Việt Nam và tôi luôn nghĩ rằng đáng lẽ ra chúng tôi đã phải làm điều này từ những năm 1945-46 ngay sau cuộc chiến tranh Thế giới thứ 2 và không phải trải qua những đau đớn của các cuộc chiến tranh chống Pháp và của người Mỹ và làm bạn với Việt Nam ngay từ lúc đó,” theo ông Cortright.
Vẫn theo lời giáo sư Cortright, mối quan hệ được cải thiện giữa Mỹ và Việt Nam đang giúp làm lành vết thương chiến tranh khi “nhiều người cựu chiến binh có thể quay trở lại để gặp những người Việt Nam hay con cái những người mà họ từng chống lại trong chiến tranh.”
Theo thống kê của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ, một số lượng lớn các cựu chiến binh tham gia chiến đấu tại Việt Nam vẫn bị hậu sang chấn tâm lý. Người sáng lập quỹ Loose Cannons ủng hộ nạn nhân chất da cam Dick Hughes nói việc những người từng chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam được trở lại và gặp những người Việt Nam từng đứng bên kia chiến tuyến giúp hàn gắn vết thương chiến tranh.
Tấm ảnh chụp tháng 5/1966 cho thấy một máy bay của không lực Hoa Kỳ đang rải chất độc hóa học xuống 1 khu rừng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Mỹ đã đền bù khoảng 2 tỷ đô la cho những cực chiến binh Mỹ bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam nhưng nhiều người Mỹ cho rằng chính phủ của họ chưa làm đủ trong việc đền bù cho nạn nhân ở Việt Nam.
Ông Hughes từng nói rằng ông “là một trong những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam” sau khi chiến tranh kết thúc. Ông đến Việt Nam trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh và đã ở lại để giúp đỡ trẻ em đường phố trong thời gian cuối thập kỷ 1960 đầu thập kỷ 1970. Khi trở lại Việt Nam vào những thập kỷ sau đó và gần đây nhất là năm 2016, ông Hughes – người từng tham gia các vai diễn trong 1 số bộ phim nổi tiếng của Mỹ bên cạnh Leonardo DiCaprio – ngạc nhiên với sự phát triển của Việt Nam và “mối quan hệ Việt-Mỹ đang tập trung vào hướng tới tương lai.” Nhưng theo ông, vẫn cần phải giải quyết những vấn đề còn tồn đọng thì “mới có thể làm lành vết thương chiến tranh” như vấn đề chất độc màu da cam.
Ron Carver, một người Mỹ sống ở Washington DC, cũng từng tới thăm Việt Nam năm ngoái, cho rằng chính phủ Mỹ đã chưa làm đủ để đền bù cho những nạn nhân chất da cam. Mỹ đã chi trả 2 tỷ đô la cho những nạn nhân nhưng phần lớn là những cựu chiến binh của Mỹ. Trong khi đó 2 triệu nạn nhân của Việt Nam không được đền bù, theo The Guardian.
Ông Carver nói với VOA Việt Ngữ rằng ông “đã gặp những người thân của những nạn nhân chất độc màu da cam. Không ai trong số họ được nhận đền bù của chính phủ Mỹ. Tôi không nghĩ là Mỹ đang có trách nhiệm (về việc này). Tôi nghĩ vậy vì các chính phủ và chính quyền kế nhiệm đã thấy xấu hổ vì 1 thực tế là Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến đó.”
Một cựu chiến binh Mỹ chơi đàn violin trong một lễ tưởng niệm cuộc thảm sát ở Mỹ Lai, Quảng Ngãi. Gần 500 thường dân của khu làng này đã bị giết hại trong cuộc thảm sát.
Nhưng giờ đây, những người Mỹ khi tới thăm Việt Nam không có cảm nhận về một sự thù hận. Trong chuyến trở lại Việt Nam vào năm 1979, ông Cortright đã đến thăm khu làng diễn ra cuộc thảm sát Mỹ Lai năm 1968, trong đó gần 500 thường dân Việt Nam thiệt mạng, và cho biết ông đã rất xúc động. “Nó làm cho mọi thứ rất đáng buồn vì đất nước của chúng tôi đã gây ra nhiều những thiệt hại như vậy chẳng vì một lý do gì hay ho nào cả. Tôi thực sự muốn khóc khi nghĩ rằng cộng đồng (này) đã bị tàn phá một cách tàn bạo bởi những người lính Mỹ lại đón nhận những người Mỹ đến đây bây giờ.”
Những cựu chiến binh này đều mong muốn quay trở lại Việt Nam.
“Tôi hy vọng sẽ được quay trở lại,” ông Cortright mong muốn như vậy. Ông Carver sẽ có chuyến đi thứ 2 vào mùa hè này để trở lại Việt Nam. Ông nói “Tôi muốn quên đi tất cả những nỗi buồn và chỉ để thưởng thức các món ăn của Việt Nam.” Còn ông Hughes thì cho biết ông cam kết bản thân với một nhiệm vụ giúp đỡ những nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam.
Theo VOA