Nhân dịp họa sĩ Nguyễn Đại Giang ghé Nam Cali chơi, lại gần ngày Quốc Hận 30 tháng tư, nhóm bạn bè của ông cùng tổ chức một cuộc họp mặt chào đón ông tại một nhà hàng ở Quận Cam. Ban tổ chức gồm có nhà văn Phan Nhật Nam, Nguyễn Xuân Nghĩa, Đỗ Khánh Hòa chủ báo Sống Magazine và Vũ Đình Trọng. Ngoài ban tổ chức, hiện diện chiều hôm đó có nhiều văn nghệ sĩ tham dự như nhà văn Nguyễn Đình Toàn, họa sĩ Cao Bá Minh, nhà văn Trịnh Y Thư, nhà báo Ngọc Hoài Phương, thi sĩ Lê Giang Trần, thi sĩ Nguyễn Đức Bạt Ngàn, nhạc sĩ Hoàng Thi Thao, thi sĩ Hà Nguyên Du, nhà văn Trịnh Thanh Thủy, họa sĩ Trương Đình Uyên, Họa sĩ Ái Lan...v..v..
Đỗ Khánh Hoà đã đọc một đoạn văn của Phan Nhật Nam để mở đầu cuộc họp mặt. "Hoạ sĩ Đại Giang là 1 thuyền nhân ra đi từ miền Bắc. Ngay trong thập niên 80, ông đã là một danh tính lớn của nền hội hoạ thế giới vì ông đã có tranh được lưu giữ tại viện bảo tàng Nga từ năm 1973, khi ông còn là sinh viên theo học tại Moscow. Buổi nói chuyện hôm nay mục tiêu nêu bật lên quá trình tranh đấu của một cá nhân người Việt tại mỗi hoàn cảnh với điều kiện riêng để trở nên một danh xưng. Người VN trong cộng đồng nhân loại, trường hợp hoạ sĩ NĐGiang, càng hãnh diện hơn, do ông đuợc xếp hạng là nghệ sĩ VN trong tập thể nghệ sĩ thế giới xây dựng nền nghệ thuật của thế kỷ 21."
Phan Nhật Nam đã nói về nguyên nhân có buổi nói chuyện chiều nay. Đó là một câu chuyện tao ngộ lý thú của hai người tù cùng nằm trong một phòng giam cấm cố tử hình của trại giam Lam Sơn, Thanh Hoá năm 1981 để chờ đi xử bắn. Nhưng may mắn thay, cả hai không bị bắn mà còn sống đến ngày hôm nay. Đến cuối cùng Đại Giang đã trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng chỉ vì ông là người Việt mà người Việt thì có một sức sống mãnh liệt. NĐGiang là một người VN độc nhất nằm trong danh sách "Who's Who"(xem chú thích về Who's Who bên dưới) của hoạ sĩ thế giới. PNN thêm "Tôi không nói quá lời đâu, làm sao mà một người tù cấm cố tử hình lại trở thành một hoạ sĩ hàng đầu của thế giới, mời các bạn nghe NĐGiang trình bày".
Sau đó là phần kể chuyện của HS Đại Giang. Ông tâm sự, Khi nhìn lại cuộc đời thăng trầm đã đi qua, bây giờ có cho ông làm lại ông cũng không làm, vì lúc ấy ông đang bị bế tắc, cùng đường, yêu tự do và muốn qua nước ngoài sống. Năm 1978, ông, em trai và cả gia đình, đã lái xe tông vào toà đại sứ Trung Quốc ở tại Hà Nội để xin tị nạn chính trị, mong cho họ đưa ông ra ngoại quốc. Không ngờ chính quyền CSVN lại tổ chức một đại đội biệt kích đánh vào toà đại sứ Trung Quốc lấy tiếng là vào cứu, để đưa ông ra ngoài. Ngay sau tối hôm giải cứu, ông và gia đình bị đưa thẳng vào nhà tù Hoả Lò vì tội danh trốn theo địch là Trung Quốc."
___________________
PNN chen vào "Đây là một biến cố chính trị lịch sử rất lớn, có tầm vóc quốc tế xảy ra năm 1978 trước khi Tàu đánh VN, nhưng vì Hà Nội bưng bít và thế giới Tây Phương cũng bưng bít. Năm 1979 TQ đã đánh VN với nhiều lý do và một trong những lý do là Vn đã vi phạm ngoại giao khi đánh vào toà đại sứ TQ ở Hà Nội năm 1978, để lấy NĐ Giang ra. Cuộc chiến tranh giữa VN và Trung Hoa năm 1979, được gọi là chiến tranh Việt-Trung."
______________
Pic 1, PNN và NĐG cùng bị cùm trong tù, ĐG vẽ năm 1981
Đại Giang tiếp :
- Trong hoàn cảnh đất nước tăm tối nhất, vào năm 1981, tôi bị chuyển từ nhà tù Hoả Lò lên trại Lam Sơn, Thanh Hóa, là một trại lao động cải tạo. Trong một báo cáo về chuyện trốn trại, tôi bị gọi lên hỏi cung. Tôi khai là tôi chưa có ý định gì cả và thế là tôi bị đưa vào trại kiên giam(biệt giam) . Trại kiên giam có khoảng 6,7 buồng giam, tôi và anh Nam cách nhau một buồng và cùng bị cùm. Một người sanh ra, lớn lên, được giáo dục, đi du học ngành mỹ thuật tại Nga và sống tại miền Bắc đó là họa sĩ Nguyễn Đại Giang. Còn một người là nhà văn Phan Nhật Nam nổi tiếng với các tác phẩm "Mùa hè đỏ lửa, Dấu binh lửa, Dựa lưng nỗi chết ...", là sĩ quan thiếu tá của quân lực VNCH, sinh tại Quảng Trị, miền Nam VN. Và như hình vẽ, cái cây thông nòng đâm xuyên vách qua các phòng giam, nên chúng ta có thể thấy được hầu như ông Giang và ông Nam được cùm chung một cái cây thông nòng nên có tạm gọi "Bắc Nam, chung một cái cùm" cũng không ngoa.
Pic 2. Hình minh hoạ chiếc cùm CSVN.
(Chú thích thêm về chiếc cùm - Trích từ truyện ngắn "Sau 30/4/1975, tôi đi thăm nuôi chồng" -Tôi không thể quên chuyện cái cùm trong trại tù CS mà bất cứ người cựu tù nào cũng rùng mình khi nhớ tới, nhắc lại. Thời chế độ thực dân Pháp, người dân Việt Nam khốn khổ không ít với mấy chiếc cùm gỗ. Cùm thực dân làm bằng hai mảnh gỗ, mỗi mảnh được đục khuyết hình nửa vành trăng cách khoảng nhau chừng mười phân. Cái bán nguyệt mỗi mảnh ghép lại thành vòng tròn. Phạm nhân ngồi bệt xuống tra chân vào vòng tròn này.
CSVN thì “tinh vi” và “khoa học” hơn thực dân Pháp về phương pháp áp dụng nhục hình độc ác cho kẻ thù. Thay vì cùm gỗ, họ cho thợ rèn rèn những khoen sắt, luồng hàng chục cái khoen sắt ấy vào một thanh sắt dài gọi là “cây thông nòng”. Cây thông nòng đâm xuyên từ vách này sang vách khác của dãy biệt giam dài hàng chục phòng. Chân tù nhân bị tra vào các khoen sắt vừa bằng cổ chân, tội nhẹ thì cùm một chân, tội nặng thì cùm cả hai chân. Một lời nói bâng quơ bị diễn dịch thành ý đồ chống phá: Cùm. “Cải thiện linh tinh”: Cùm. Gì cũng có thể tra chân vào cùm. Khi bị cho là ngoan cố, nạn nhân bị cùm chéo hai chân! Chân cùm trong khoen sắt rèn, nhất cử nhất động cọ xát, đau đớn dường nào. Những người tù bị cùm khi được thả về phần lớn mang thương tật đến cuối đời. Có người về mắc chứng hoại tử cả hai chân, rồi chết thảm.)
NĐGiang tiếp:
-Tối hôm sau, tôi nghe một tiếng hát bài "Green Field-Đồng Xanh",(mà tôi rất mê), là một bài hát nổi tiếng vào năm 70 ở Mỹ rồi nó lan qua Liên Sô lúc ấy tôi đang du học Mỹ Thuật tại đấy. Tôi liền hỏi "Ai hát đấy". Anh Phan Nhật Nam trả lời anh hát và tôi đã biết tên anh từ lúc đọc cuốn "Mùa Hè đỏ lửa" năm 1977. Thế là chúng tôi quen nhau, cùng nhau bàn luận triết học, và mọi thứ trên đời. Nằm trong đó 2 tháng, một hôm tôi bị đau bụng vì giun sán và ăn uống thất thường. Chính anh Nam gọi báo cáo với cán bộ cho tôi. (PNNam chen vào "Tôi gào từ 5 giờ chiều tới 2 giờ sáng, họ mới đưa ông ấy vào bệnh xá).
Sau 7 năm, 3 tháng, 19 ngày tôi được tha. Về tới Hà Nội, gia đình tan nát, vợ đi lấy chồng khác. Ở chưa được một năm, tôi vượt biên bằng thuyền và đến Hồng Kông sau 24 ngày.
Khi đến Mỹ tôi cũng vẽ, đi làm và lao động để sống như mọi người. Tôi tự hỏi bây giờ mình "vẽ cái gì, và vẽ cho ai". Tôi bỗng ngộ ra một điều, sao không vẽ lại cuộc thăng trầm, đảo lộn, từ có đến không, hạnh phúc đến khổ đau, lịch sử đời mình? Nhưng điều quyết định là một hôm khi đi làm ngang qua con phố, tôi bắt gặp hình ảnh một phụ nữ homeless tay bế con, cô đeo một tấm bảng carton với hàng chữ "Không thức ăn, không tiền bạc, xin giúp đỡ". Tôi bỗng ý thức ra rằng, một nước Mỹ to lớn, giàu mạnh của thế giới như thề này, cũng bị đảo lộn, người Mỹ cũng đang "Upsidedown". Thế là Tranh với trường phái Upsidedownism của Nguyễn Đại Giang ra đời.
Thanh Thư thực hiện
_________________
Tài liệu tham khảo
- Sau 30/4/1975, tôi đi thăm nuôi chồng
http://namvietnetwork.bl...i-i-tham-nuoi-chong.html"Who's Who in American Art" là một thư mục về tiểu sử của các cá nhân đáng được chú ý trong cộng đồng nghệ thuật thị giác Hoa Kỳ, xuất bản bởi Marquis Who's Who, trước đây là R.R. Bowker Publishing. Tên tuổi được ghi trong này phải qua một sự tuyển chọn kỹ lưỡng của ban quản đốc. Gần đây có những quảng cáo rằng muốn có tên trong thư mục chỉ cần trả tiền, chỉ là những scam lừa phỉnh của bọn gạt người làm tiền mà thôi.
https://en.wikipedia.org...%27s_Who_in_American_Art Pic 3. Tranh của NĐGiang "30 tháng 4"
Pic 4. TĐUyên , Ái Lan, NĐGiang và vợ chồng Nguyễn Đức Bạt Ngàn
Pic 5. NKThoa, ĐKHoà, Quỳnh Hương, Nguyễn Đình Toàn, Châu Hà, và vợ chồng Ngọc Hoài Phương
Pic 6. NXNghĩa, ĐKHoà, NĐGiang, PNNam
Pic 7. Quan Khách
Pic 8. Một bức tranh upsidedownism của NĐGiang
Pic 9. NĐGiang