Edward Snowden được tin là vẫn còn ở Hong KongCựu nhân viên CIA Edward Snowden, người rò rỉ thông tin về hệ thống nghe lén tuyệt mật của Hoa Kỳ, đã biến mất khỏi khách sạn ở Hong Kong.
Ông Snowden, 29 tuổi, đã rời khỏi khách sạn vào thứ Hai 10/6. Hiện không ai biết ông ở đâu, tuy người ta cho rằng ông vẫn ở Hong Kong.
Trước đó, ông tuyên bố ông có "bổn phận giúp giải thoát người dân khỏi áp bức".
Tuần trước xuất hiện thông tin rằng các cơ quan của Mỹ đang thu thập hàng triệu băng ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại cũng như theo dõi dữ liệu trên internet.
Người phát ngôn của Văn phòng Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia nói hồ sơ đã được chuyển lên Bộ Tư pháp Mỹ như một vụ án hình sự.
Trong khi đó, một lá đơn được đăng tải trên website của Nhà Trắng với nội dung kêu gọi tha tội cho ông Snowden đã thu được hơn 30.000 chữ ký.
Thông qua báo Guardian của Anh, ông đã tự xác nhân mình chính là nguồn tiết lộ thông tin về hệ thống nghe lén.
'Biến mất'Hãng truyền thông RTHK của Hong Kong nói ông Snowden đã ra khỏi khách sạn Mira hôm thứ Hai.
Hãng thông tấn Reuters dẫn lời nhân viên khách sạn nói ông trả phòng lúc giữa trưa.
Ewen MacAskill, phóng viên tờ Guardian, thì nói với BBC ông tin rằng ông Snowden vẫn còn ở Hong Kong.
Hong Kong - nay là thành phố của Trung Quốc - đã ký hiệp định dẫn độ với Mỹ, nhưng các phân tích gia cho rằng để dẫn độ ông Snowden về Hoa Kỳ thì sẽ phải mất nhiều tháng, và Bắc Kinh có thể ngăn chặn việc này.
Tin cho hay ông Snowden tới Hong Kong hôm 20/5. Công dân Mỹ có thể được miễn thị thực nhập cảnh Hong Kong trong thời hạn 90 ngày.
Các tố cáo của ông đã gây rắc rối chính trị xuyên Đại Tây Dương, khi có cáo giác rằng cơ quan theo dõi điện tử GCHQ của Anh cũng sử dụng hệ thống của Mỹ để theo d̃i công dân Anh.
Ngoại trưởng Anh William Hague đã hủy chuyến đi Washington để ra điều trần trước Quốc hội Anh hôm thứ Hai, tại đó ông bác bỏ các cáo buộc.
Báo Guardian nói ông Snowden là cựu trợ lý kỹ thuật của CIA, hiện làm việc cho công ty Booz Allen Hamilton, nhà thầu quốc phòng của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA).
Ông nói với báo này: "NSA đã lập ra một hệ thống hạ tầng cho phép họ có thể chặn lọc bất kỳ thông tin gì. Với khả năng này, đại đa số các cuộc liên lạc trên thế giới có thể bị nghe lén".
"Nếu như tôi muốn đọc email của anh hay nghe lén điện thoại của vợ anh, tôi chỉ cần vào hệ thống chặn lọc này. Tôi có thể tiếp cận các thư điện tử, mã khóa, các cuộc điện thoại, chi tiết thẻ tín dụng..."
"Tôi không muốn sống trong một xã hội nơi người ta làm những việc này. Tôi không muốn sống trong một thế giới nơi mọi điều tôi làm hay phát biểu đều bị ghi lại."
Ông Snowden tuyên bố ông không gây tội gì: "Chúng ta đã thấy quá nhiều tội trạng mà chính phủ gây ra. Họ thật là giả dối nếu cáo buộc tôi phạm tội".
Tuy nhiên ông thừa nhận rằng có khả năng ông sẽ bị bỏ tù và quan ngại cho những người quen biết ông.
'Giá trị cốt lõi'Trong một thông cáo, công ty Booz Allen Hamilton xác nhận rằng ông Snowden là nhân viên của họ trong thời gian chưa tới ba tháng.
Thông cáo nói: "Nếu đúng sự thực thì đây là hành động vi phạm nghiêm trọng quy tắc hành nghề và các giá trị cốt lõi của công ty chúng tôi".
Trong cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Hai, người phát ngôn cho chính phủ Jay Carney nói ông không thể bình luận gì về vụ Snowden vì quá trình điều tra đang diễn ra.
Những tin tức đầu tiên của vụ rò rỉ xuất hiện tối thứ Tư tuần trước, khi tờ Guardian đưa tin rằng một tòa án bí mật của Mỹ đã ra lệnh cho công ty điện thoại Verizon phải chuyển cho NSA dữ liệu về hàng triệu cuộc nói chuyện điện thoại.
Trong các dữ liệu này có số điện thoại, thời lượng cuộc gọi, giờ gọi và địa điểm cuộc gọi.
Một hôm sau đó, hai báo Washington Post và Guardian cho hay NSA đã nối thẳng vào máy chủ của chín công ty internet như Facebook, Google, Microsoft và Yahoo để theo dõi các hoạt động của người sử dụng, trong một chương trình có tên là Prism.
Tất cả các hãng internet trên đều bác bỏ cáo buộc cho phép chính phủ Mỹ tiếp cận máy chủ của họ.
Prism bị nói đã cho NSA và FBI quyền tiếp cận emails, web chats và các hình thức liên lạc khác thẳng từ máy chủ của các công ty internet lớn ở Mỹ.
Các dữ liệu này được sử dụng để theo dõi các nghi phạm khủng bố hoặc điệp viên người nước ngoài. NSA cũng thu thập dữ liệu điện thoại của các khách hàng Mỹ, nhưng nói không thu âm lại các cuộc trò chuyện của họ.
Văn phòng của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper nói các thông tin thu thập được trong chương trình Prism đã được Tòa án về Theo dõi Tình báo nước ngoài (Fisa) thông qua.
Prism được cho quyền thực hiện hoạt động này theo điều luật theo dõi đã được bổ sung sửa đổi và thông qua dưới thời Tổng thống George W Bush, và được tái thông qua dưới thời Barack Obama.
Ông Obama đã lên tiếng bảo vệ các chương trình theo dõi của chính phủ và trấn an người dân Mỹ rằng không ai nghe điện thoại của họ cả.
Source: BBC