Chuyện đời có những sự việc xảy ra nghịch lý vô cùng kỳ diệu. Nếu chúng ta căn cứ tuyệt đối vào lý thuyết chủ quan của các nhà triết học đạo đức Đông phương thì chưa hẳn đúng với thực tế. Khổng Tử thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa. Bần cùng sinh đạo tặc”. Nếu áp dụng vào đời thường với những định kiến cổ điển một chiều, đôi khi là một sự sai biệt đáng tiếc. Có thể đúng ở một hoàn cảnh đặc biệt, một thủ đoạn vì lợi danh hay chủ trương của chế độ "bần cùng hóa nhân dân"... đó là vấn đề ở một lãnh vực khác. Chính từ những kinh nghiệm diễn biến qua thời gian, chúng ta đã tìm thấy nơi giáo lý vi diệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khai sáng Con Đường Trung Đạo từ hơn hai ngàn năm trước. Nhà khoa học triết học Albert Einstein đã phát minh ra Thuyết Tương Đối năm 1905...
Gia đình chúng tôi nghèo nhưng Mẹ tôi có một nếp sống vô cùng thanh bạch, luôn luôn thể hiện tình thương chân thật đối với mọi người...Chính vì ưu điểm nầy chúng tôi nhận thấy nơi Mẹ tôi, từ thuở thiếu thời. Trải qua nhiều năm cần cù tần tảo như con cò "lặn lội ven sông"... dành dụm được chút ít vốn liếng Mẹ tôi mở quán bán hàng vải và tạp hóa ở chợ Hội An. Lúc đó chúng tôi có cơ hội giao tế thường ngày với lớp người nghèo khổ lao động buôn gánh bán bưng, chúng tôi mới thực sự khám phá những con người từng trải qua những bối cảnh nghèo khổ thiếu thốn, niềm tin nơi đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào. Hay nhận định một cách khác, nguyên nhân khởi động lòng từ bi mang lại hạnh phúc tối thượng đối với tha nhân chỉ đơn giản là: bản chất của con người tự nó đã nảy sinh lòng yêu thương mọi người hơn tất cả mọi thứ.
Về sau khi lên Trung học, chúng tôi yêu thích những tác phẩm của Nhà văn Doãn Quốc Sỹ như Sợ Lửa - Hồ Thùy Dương - Trái Cây Đau Khổ - Người Việt Đáng Yêu - Vào Thiền, Trái Đắng Tràng Sinh - U Hoài - Gánh xiếc - Dòng Sông Định Mệnh - Gìn Vàng Giữ Ngọc - Đốt Biên Giới - Cánh Tay Nối Dài - Cúi Đầu, Sầu Mây. Và một bộ trường thiên tiểu thuyết khác có tên Khu Rừng Lau. Sau năm 1975, ông viết thêm những tác phẩm Đi, Dấu Chân Trên Cát, Cò Đùm, Mình Lại Soi Mình, Người Vái Tứ Phương... Tuy nhiên câu chuyện Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều gây cho chúng tôi nhiều ấn tượng ngậm ngùi sâu sắc nhất. Gợi cho chúng tôi liên tưởng đến những ngày tản cư và hồi cư tại Hội An. Trong suốt cuộc hành trình đầy gian lao khổ ải, Mẹ tôi đã mua lại chiếc chiếu cũ khi qua làng Bàn Thạch, chiếc chiếu đã giúp chúng tôi đủ chuyện. Khi nào quá mỏi chân, Mẹ tôi trải cho chúng tôi ngồi tạm bên vệ đường đầy cát nóng. Tối đến Mẹ tôi dùng chiếc chiếu đắp cho chúng tôi đỡ gió sương. Chính vì lý do đó, tác phẩm Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều của Nhà văn Doãn Quốc Sỹ như một đồng điệu kỳ thú nên chúng tôi yêu thích cho đến bây giờ. Thực sự chúng tôi cũng chưa được vinh hạnh đối diện với Nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Chỉ có một lần khi chúng tôi ở Los Angeles, nhà văn Mai Thảo nhờ chở về Orange County để tham dự buổi họp mặt đón Nhà văn Doãn Quốc Sỹ vừa đến từ Việt Nam do nhật báo Người Việt và thân hữu của nhóm Sáng Tạo ngày xưa đứng ra tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt.
Trên chặng đường từ Los Angeles đến Santa Ana, Nhà văn Mai Thảo kể nhiều chuyện về những kỷ niệm phối hợp đầu tiên hình thành nhóm Sáng Tạo ở Saigon. Ông Mai Thảo kết luận: Anh Doãn Quốc Sỹ xứng đáng được đa số anh em trọng nể về tư cách đạo đức, nhân hậu và nhất là hào khí kẻ sỹ trong trại tù...có lập trường quốc gia dân tộc...thể hiện rõ nét qua các nhân vật trong các tiểu thuyết của anh, cũng như khi anh ở trong các trại cải tạo. Trong những tác phẩm văn chương của anh Doãn Quốc Sỹ như chúng ta thường thấy, hầu hết các nhân vật đều là những người rất hiền lành, bao dung, yêu người yêu đời, không hận thù và tin tưởng cái thiện bao giờ cũng thuận lòng trời và đạt thành viên mãn...Không phải chỉ có ông Mai Thảo nhận xét về tác giả tác phẩm của Dòng Sông Định Mệnh mà khi chúng tôi có cơ hội gặp Nhà văn Võ Phiến, Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, Nhà văn Duy Lam trong những buổi sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật tại Little Saigon và tại quán Doanh Doanh ở Los Angeles. Và chính các Nhà văn chúng tôi vừa đan cử đã từng khai mở dòng văn chương mới khởi sắc chung với nhau từ những ngày trước ở Saigon, đều có nhận xét tương tự như ông Mai Thảo. Chúng tôi còn khám phá nơi nhà văn Doãn Quốc Sỹ những tâm lượng từ ái tuyệt vời, luôn luôn tin tưởng vào những giá trị cao quý của truyền thống văn hóa dân tộc: Ông không nuôi hận thù dài lâu ngay cả khi ông đang bị giam trong lao tù cộng sản. Ông chỉ căm thù chính sach của một chế độ tàn bạo đàn áp cái nhân phẩm con người xuống tầm súc vật, muốn dìm con người trong thiếu thốn để chứng minh nguyên lý "vật chất quyết định hết thảy". Ông không căm thù những kẻ thừa lệnh đang hành hạ ông và ông quan niệm nếu chúng ta thực sự muốn học hỏi hạnh từ bi nhẫn nhục thì nên cám ơn những người gây ra tội ác vì chính kẻ thù đã dạy cho chúng ta rèn luyện lòng nhân từ. Đối với người có bản chất từ bi nên xem như một vốn liếng kinh nghiệm cần thiết mà trong đó kẻ thù không thể thiếu được thành tố đạt đến thành công...
Chính vì những cảm nhận cao quý nầy, chúng tôi không ngạc nhiên khi đọc hầu hết các tác phẩm văn chương của ông Doãn Quốc Sỹ cũng như những bài thơ của Thi sỹ Thanh Tâm Tuyền, và Thi sỹ Tô Thùy Yên. Chúng tôi đã tìm thấy tấm lòng thật khoan dung độ lượng, đã từng ở tù cộng sản hàng chục năm, sau khi trở về với gia đình, chỉ biết ca ngợi tình thương giữa con người với con người, không còn vướng bận đến hận thù:
...Dòng sông u hiển trôi vô lượng
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ
Mà ta thân thiết tựa tri âm...
(Tô Thùy Yên)
Đó chính là cái hơi thở phát tiết từ trí tuệ, tỏa ngát hương trầm của truyền thống ngàn năm của tinh thần Lạc Việt: Yêu thương mà không mê muội. Bao dung chứ không bao giờ bi lụy khuất phục. Các ông mang tâm thức hùng tráng của bậc hành giả lên đường, khám phá những trường sơn đạo hạnh, khai mở những thảo nguyên an bình, những ngọn đỉnh của Tình Thương. Khi tâm thực sự thăng hoa tuệ giác, chuyện trở về như một cứu rỗi tha nhân:
...Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu nầy...
...Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi...
(TA VỀ của Tô Thùy Yên)
Cùng với sự hợp tác trí tuệ để hình thành nhóm Sáng tạo với những tác phẩm đa diện, giá trị và phong phú, nhưng có điều khác biệt qua cảm nhận chủ quan của riêng chúng tôi. Cõi văn của ông Doãn Quốc Sỹ càng vượt qua tuổi “thất thập cổ lai hy” chẳng khác Dòng Sông Định Mệnh đã hòa tan vào Đại Dương, từ tiểu ngã hòa nhập vào đại ngã để tan biến vào vũ trụ bao la. Trong khi Nhà văn Mai Thảo vẫn lửng lơ giữa đôi bờ hư thực đùa chơi với chữ nghĩa cho dù hạt cát, hạt cải hay hạt muối vẫn chưa tan giữa trùng trùng duyên khởi, còn luyến lưu giữa vô lượng hải hà, tiêu dao mộng huyễn:
Ta thấy tên ta những bảng đường
Đời ta sử chép cả ngàn chương
Sao không hạt cát sông Hằng ấy
Còn chứa trong lòng cả đại dương...
Riêng Nhà văn Nguyễn Sỹ Tế thì chúng tôi thường gặp lui tới các tự viện giảng kinh nghe Pháp nơi các bậc thiền sư thâm sâu về dòng triết học Phật Giáo và cuộc sống thanh thản an tịnh như hơi nước đang bốc thành mây trở về cội nguồn. Sự lựa chọn cuối đời của mỗi nẻo đường mỗi khác theo từng quan niệm. Cây cổ thụ lừng lẫy văn học Doãn Quốc Sỹ vẫn còn đó thách đố với giông bão nhiễu nhương giữa cuộc đời, tỏa những tàng cây bóng mát đạo hạnh cho người bộ hành đồng điệu cảm thấy thoải mái khi dừng chân giữa cơn nắng lửa mùa hạ nơi xứ người.
Giấc mơ chung mà chúng ta thường ước nguyện: ai cũng mong muốn cầu xin được sống hạnh phúc và không thích khổ đau. Từ nhận thức đơn giản nầy, mọi người nên cố gắng phát triển tình thương yêu đồng loại. Và điều quan trọng nhất trong cuộc sống thường nhật là chúng ta hãy thể hiện một tâm hồn vị tha như chúng ta thường bắt gặp nơi các nhân vật trong những tác phẩm văn chương của Nhà văn Doãn Quốc Sỹ mà chung ta có cơ hội đọc từ nửa thế kỷ qua.
Từ ngàn xưa trong Kinh Pháp Cú đã dạy: Trong muôn ngàn loài hoa đều tỏa mùi hương cuốn theo chiều gió. Chỉ có hương từ bi bay ngược chiều gió ngát thơm khắp cõi ta bà.
Los Angeles, tháng 7-2006
Thái Tú Hạp