Vươn cao bên trên hàng cây xanh tươi là những đường nét cong vút mạ vàng. Một kết hợp giữa kiến trúc Tây phương với mỹ thuật của dân tộc Thái Lan. Nhờ thế, không có gì quá khó khăn, tôi đã tìm được ngôi chùa Thái ngay trong thành phố lớn, người đông đúc, phố phường chen chúc như nơi đây.
Đang giờ lễ Phật, đạo hữu đã vào bên trong chùa, cung kính tụng niệm kinh Phật. Tiếng chuông cùng hồi trống từng lúc văng vẳng ngân vang trong khuôn viên chùa, đưa tâm tư trầm lắng, lòng người thanh thản yên bình.
Trong góc sân, một thanh niên đang chăm sóc vườn hoa. Mồ hôi ướt bóng trên thân người để trần. Nắng trưa thật gay gắt, như cứ muốn nung sạm thêm màu da của người làm vườn. Anh có cái vóc dáng rắn rỏi và nhanh nhẹn của một con báo đen, một võ sĩ Thái có thừa năng lực chớp nhoáng tung người lên, để đánh bằng đầu gối cao đến ngang ngực đối phương.
Nhìn anh với cái beret màu xanh đen đã bạc màu, nghiêng nghiêng trên đầu, lòng tôi bồi hồi nhớ về những người con dũng mãnh của Trường Mẹ ngày nào. Tôi nhớ đến một thời thao trường đổ mồ hôi, đậm đà tình huynh đệ cùng cái nóng nung đốt da người của mặt trời trên các bãi tập, trên đồi Mẹ Bồng Con. Tôi nhớ đến màu máu lẫn lộn bùn đen trên lớp da cháy nắng chiến trường, trong tù đày; một thứ địa ngục để huỷ diệt ý chí cùng sự sống của những tù binh can trường, mà chế độ cộng sản gian manh gọi là “trại cải tạo”.
Ngồi trong xe nhìn ngắm đường nét kiến trúc của ngôi chùa và hoa kiểng trong sân, tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi rời xe. Rảo bước qua bên kia đường, tôi đi đến cổng vào chùa. Thấy có khách lạ, anh làm vườn đến mở cổng rào và nhã nhặn chào đón tôi. Chấp tay đáp lễ với anh, tôi hỏi thăm thời giờ thuận tiện để được vào thăm viếng bên trong chùa. Nghe thế, anh nhanh nhẹn bước tránh ngang qua một bên để nhường lối đi và ân cần mời tôi vào chùa cùng lễ Phật. Tôi cám ơn lòng hiếu khách của người thanh niên Thái và giãi thích về ý định của mình xin được gặp riêng Thầy sau khi xong nghi thức tụng niệm, rồi quay trở về xe của mình ngồi chờ.
Định cư chưa tròn năm, chỉ vài tháng chưa làm quen được hết tất cả xa lạ quanh mình; đất nước thứ hai nơi đây thật tráng lệ nhưng không sao thay được những mất mát trân quý của quê hương đã cho mình được gọi Việt Nam, của những con đường khi còn được mang tên như Tự Do, Công Lý trên thành phố thân yêu Sài Gòn; nhà tôi bất ngờ được hung tin về chiếc tàu chở người thân đi vượt biên. Một số phụ nữ bị cướp biển Thái Lan bắt đem đi, giam giữ ở đảo hoang, để phục vụ cho loài thú mặt người. Tất cả những nạn nhân còn lại trên tàu đã bị mất tích; trong đó có cha, mẹ, anh và em gái. Tin dữ đến trong ngày cuối năm bồi hồi đón Tết, Tết xa quê hương.
Từ đó, mâm cơm chay Rước Ông Bà cũng là lễ Giỗ, tưởng niệm cho những thuyền nhân bất hạnh trên Biển Đông.
Cho đến nay, chưa ai biết rõ, đã bao nhiêu thuyền nhân liều mình vượt thoát khỏi vòng kềm kẹp của bọn cộng sản, mà không bao giờ đến được bến bờ tự do như mơ ước. Biết bao nỗi hãi hùng đã được nghe biết đến, và biết bao nhiêu kinh hoàng đã theo người bất hạnh vùi chôn trong rừng hoang hay dưới biển sâu.
Bảy mươi ba người vượt biển trên chiếc ghe bị hai tàu hải tặc Thái húc gãy đôi. Ước mơ tìm đến bến bờ tự do cùng chiếc ghe và thuyền nhân bạc mệnh chìm mất trong đại dương. Mười bảy người chúng tôi lần lượt được tàu đánh cá Mã Lai vớt lên và đưa vào trại tỵ nạn cộng sản ở Pulau Bidong, sau khi đã ôm những mãnh ván ghe mà bơi qua đêm đen, qua ngày dài trên biển cả.
Thời gian qua mau, nhưng vết thương đau của thuyền nhân Việt Nam vẫn còn đó!
Có những mất mát không gì thay thế được, mà thời gian cũng không thể nào mang vào dĩ vãng!
Từ ngày được định cư đến nay, gia đình tôi tránh đi đến nhà hàng Thái, đến tất cả những nơi của người Thái Lan.
Nó không là cái thù dai dẳng hay căm hờn cả dân tộc Thái Lan một cách vô lý. Thế nhưng, có cái gì đó vô hình cứ ngăn chặn lấy mình. Như người ta e dè, không muốn chạm đến những nơi mà vết thương vẫn chưa thật lành, hãy còn rỉ máu.
Nếu không vì thảm họa cộng sản, đồng bào Việt Nam đã không phải vượt rừng, vượt biển để trốn đi, đã không có thảm cảnh hải tặc Thái Lan hãm hại, cướp giết thuyền nhân Việt Nam trên Biển Đông!
Hải tặc Thái đã rất tàn bạo, thật dã man với thuyền nhân Việt Nam. Thế nhưng họ là những người Thái Lan, khác chủng tộc; họ chỉ điên cuồng hãm hại thuyền nhân Việt vì lòng tham, vì dục vọng nhất thời. Trái lại, chứng tích tội ác của cộng sản từ khi cướp chính quyền cho đến ngày nay, đã cho thấy cái dã man tàn bạo của cộng sản đối với đồng bào ruột thịt Việt Nam là những hành động man rợ có chủ trương và do đảng cộng sản lãnh đạo.
Với lòng vị tha bao dung người ta có thể tha thứ hải tặc Thái Lan.
Đối với tội ác của bạo quyền cộng sản Việt Nam, biển Thái Bình vẫn uất hờn dậy sóng.
Hôm nay đây, tôi sẽ vào thăm viếng ngôi chùa Thái Lan. Lần đầu tiên từ khi đến được bến bờ tự do.
Lòng không ít ưu tư, bâng khuâng.
Quá giờ trưa. Mặt trời xuống thấp dần. Ánh nắng có phần dịu dàng hơn.
Người đi lễ Phật rồi cũng lần lượt ra về, lề đường đã có nhiều chỗ trống, tôi đem xe đậu gần trước cổng chùa.
Thấy xe tôi đến, anh làm vườn bước vào trong trình báo với Thầy, rồi ân cần đưa tôi vào bên trong chùa.
Chính điện rộng lớn, trống vắng sau giờ lễ Phật. Bục thờ Phật đơn giãn, nhưng trang nghiêm, cung kính. Sàn chùa lót gỗ nâu sậm, nhiều nơi sờn cũ. Một vị sư đang ngồi đọc kinh sách trên miếng thảm nhỏ, trải khiêm tốn ở góc bên phải, bên dưới bục thờ.
Chờ tôi lạy Phật xong, Thầy đưa tay ra hiệu, mời tôi đến ngồi đối diện. Tôi ngỏ lời cám ơn Thầy đã dành thời gian tiếp mình, dù mới vừa xong chính lễ cho tín hữu.
– Thưa Thầy, tôi là một thuyền nhân người Việt Nam.
– Ở đây, chúng ta cùng giống nhau trong niềm tin hạnh phúc của nhân loại.
– Xin kính lời cám ơn Thầy!
– Tôi nghe nói, anh có việc cần tôi giúp?
Tôi ngập ngừng:
– Vâng, thưa Thầy,… tôi đến để xin Thầy viết giúp cho một câu chữ Thái… có nghĩa là “Hãy trả Tự Do”
Thoáng chút ngạc nhiên, Thầy ngẫm nghĩ rồi giãi thích:
– Trong ngôn ngữ Thái, có nhiều cách để viết câu này. Nếu tôi biết rõ hơn trường hợp anh đang cần, thì tôi sẽ tìm chữ chính xác và đúng nghĩa hơn.
Ngày xưa, trước Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thì người nào cũng tự nhận là mình tỵ nạn vì chính trị.
Thế rồi, những người trốn chạy lại hồn nhiên quay trở về nơi mình đã chạy trốn!
Bây giờ, muốn đề cập chuyện gì có liên hệ đến chính trị thì phải tuỳ người, tuỳ hội đoàn. Quyền tự do tư tưởng, tất nhiên, là phải được tôn trọng. Hơn nữa, tôi đang nói chuyện với một vị chân tu người Thái Lan. Tôi e ngại:
– Thưa Thầy, kính trọng Thầy, tôi không thể nói dối Thầy. Nhưng nếu tôi kể sự thật thì e rằng mình đề cập đến những việc có liên hệ đến chính trị.
Vị sư Thái Lan từ tốn:
– Tôi nghĩ, đấy cũng là những điều có liên hệ với con người và đời sống, phải không anh?
– Vâng, thưa Thầy!
– Nếu thế, thì chúng ta không làm gì sai với những điều đạo Phật đã dạy.
– Cám ơn Thầy rất nhiều!
Tôi yên tâm, kể cho vị sư Thái Lan nghe về các chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho Nhân Quyền của Việt Nam và những khổ sai man trá mà các anh còn đang gánh chịu, kể cả đe dọa bị giao cho bạo quyền cộng sản sau khi đã mãn án tù trên đất Thái, vì áp lực chính trị của Việt Nam.
Thầy trầm ngâm.
Tôi yên lặng nhìn vị thầy tu ngồi suy tư, mắt đang dò đọc những hàng chữ Thái mà ông vừa viết ra trên trang giấy nhỏ.
Rồi Thầy nhìn tôi, chậm rãi:
– Xin chờ tôi vài phút.
– Vâng, cám ơn Thầy rất nhiều.
Tôi đứng dậy, chào tiễn vị sư Thái Lan đi vào văn phòng.
Sau khi tiếng máy in đã ngưng, Thầy trở lại đưa cho tôi trang giấy và giãi thích:
– Đây là câu chữ Thái, mà anh cần, có cùng nghĩa là “Hãy trả Tự Do”
Tôi cảm kích nhận trang giấy chữ Thái mà tôi đã xin Thầy:
– Cám ơn Thầy đã giúp tôi rất nhiều!
Thầy ân cần:
– Tôi xin chúc và cầu nguyện cho các vị còn tù tội được thật nhiều may mắn và được trả tự do trong một ngày thật gần!… Anh có thể ở lại viếng chùa thêm hay lễ Phật, hay ra về khi nào anh muốn!
Vị sư Thái Lan từ tốn bước lên bục thờ thấp nhang. Tôi chấp tay cùng thầy thành kính khấn nguyện.
Hồi chuông nhỏ chậm rãi, nối nhau ngân ngân vang trong Chính Điện. Trên bục thờ, làn khói lam thoáng nhẹ bay. Nét trang nghiêm trầm tư của Đức Thích Ca, đưa lòng người tìm về với bao dung trong an bình bảo bọc.
Ngoài kia, trên đại dương mênh mông, biển Thái Bình vẫn muôn đời dậy sóng uất hờn!
Bùi Đức Tính