Gần đây khuynh hướng chung của truyền thông dòng chánh Mỹ không ưa TT Trump có nhiều phê bình chỉ trích đối với tân chánh quyền Trump. TT Trump có vẻ cần TC áp lực CS Bắc Hàn, giúp giải quyết cơn khủng hoảng hoả tiễn và nguyên tử do CS Bắc Hàn gây ra. Nên Ô. Trump không cho Hải quân tuần tra Biển Đông, để trống Biển Đông cho TC, không cứng rắn với TC như khi tranh cử. Bây giờ thử xét lại vấn đề dưới lăng kính khác, ngược lại. Liệu có phải TT Trump và Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis lấy độc trị độc (dĩ độc trị độc) mượn tay người làm việc mình (tá tha nhơn chỉ thủ). Tức là, dùng binh thư, chiến sách của Trung Hoa, đó là mượn tay CS Trung Quốc trị CS Bắc Hàn.
Trước nhứt, coi chánh quyền Trump để trong Biển Đông thế nào, lợi hại cho Mỹ ra sao, cho TC thế nào. 100 ngày đầu của tân chánh quyền Trump cho thấy Mỹ tập trung nỗ lực giải quyết vấn đề hoả tiễn và nguyên tử của CS Bắc Hàn hầu như để trống Biển Đông. Dường như có mật đàm trao đổi với TC, mặc thị không nói ra, để TC áp lực CS Bắc Hàn. TT Trump có kêu gọi các nước Đông Nam Á như Thái, Singapore, mời VNCS công du Mỹ là để cô lập Bắc Hàn, hơn là chú trọng đến Biển Đông.
Ngoại Trưởng Mỹ Tillerson chủ toạ phiên họp với 10 ngoại trưởng của các nước ASEAN, ra thông cáo 25 trang giấy nhưng hoàn toàn không đề cập đến những hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa của TQ ở Biển Đông.
Thời TT Obama mấy lần Hải quân Mỹ cho các chiến hạm trên biển và chiến đấu cơ bay trên trời tuần tra khu vực TC quân sự hoá ở Biển Đông, lúc nào tàu và máy bay của Mỹ cũng đi cách những đảo nhân tạo của Trung Quốc chưa tới 12 hải lý (22 km). Chớ không vào bên trong là lãnh hải TC tự tuyên bố, nhiều nước chống lại trong đó có VN.
Thời TT Trump, trong 100 ngày đầu, báo New York Times bật mí Bộ Quốc Phòng Mỹ đã hai lần không chấp nhận đề nghị của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Mỹ ở Thái Bình Dương xin tuần tra Biển Đông trong tháng 2 và 3. Một viên chức của Bộ xác nhận từ khi TT Trump chấp chánh, chưa có một chuyến “tuần tra tự do hải hành” nào được thực hiện ở khu vực Biển Đông.
Thêm vào đó chưa bao giờ nghe một giới chức lập pháp, hành pháp, quân đội Mỹ nào nói đến chủ quyền biển đảo của VN. Hoàn toàn khác với vụ TC tranh chấp Senkaku của Nhựt, và bãi cạn Scarborough của Phi, Nhựt, Phi là đồng minh quân sự của Mỹ thì Mỹ công khai cho đó là lãnh thổ và lãnh hải mà Mỹ có trách nhiệm bảo vệ quân sự.
Có tuần tra hay không, Mỹ cũng đâu có thiệt hại gì ở Biển Đông. Quyền tự do hàng hải mà Mỹ tranh đấu đâu có mất, có bao giờ TC ngăn cản tàu bè Mỹ đâu. Vả lại Chủ Tịch Tập cận Bình đã từng công khai tuyên bố Á châu Thái bình dương quá rộng để cho Mỹ - Trung cùng hoạt động. CSVN là chế độ mất biển đảo nhiều nhứt vào tay TC, mà TC là đồng chí của CSVN lại là đối thủ đáng gờm của Mỹ. CSVN không tranh đấu đòi lại thì Mỹ có lý nào, có lợi gì nhảy vào.
Còn Phi luật tân có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ mất một phần của bãi cạn Scarbourough, thì Phi đã nhờ Toà Trọng Tài về Luật Biển phán quyết rồi. Và tân TT Phi Duterte đã làm thân với TC, đã từng tuyên bố “ly khai” với Mỹ, thì Mỹ có lý gì, lợi gì để can dự lúc này.
Thứ đến thái độ tiền hậu bất nhứt, trước sau không như một của chánh quyền TT Trump đối với TC. Tại sao TT Trump khi tranh cử và Bộ Trưởng Quốc Phòng Mattis, Ngoại Trưởng Tillerson khi điều trần trước Uỷ ban Thượng viện để được phê chuẩn lại nói cứng rắn với TC nhưng khi nắm chánh quyền và khi cơn khủng hoảng Bắc Triều Tiên xảy ra quí vị này tỏ vẻ hoà dịu, thân thiện với TC. Không khó hiểu, chánh trị kiếm phiếu khi ứng cử không phải là chánh trị khi bảo quốc an dân. Trên phương diện đó TT Obama và TT Bush hành động cũng như TT Trump. TT Bush, Trump khi ứng cử là bồ câu nhưng khi lên tổng thống nước Mỹ bị quân khủng bố al Qaeda tấn công 911, và TT Obama còn bồ câu hơn, chống Chiến Tranh Afghanistan hết mình, nhưng sau khi nhậm chức được tường trình đầy đủ bí mật quân sự Ông tăng cho Afghanistan 50,000 quân ngoài sức tưởng tượng của TT Bush. Tình hình mới thì nhiệm vụ đổi mới, có thế thôi.
Còn 3 vị cột trụ chiến tranh và hoà bình của nội các Trump sau khi nhậm chức, được trình báo đầy đủ bí mật tình hình địch và bạn trong cơn khủng hoảng CS Bắc Hàn gây ra cho 2 đồng minh Nam Hàn và Nhựt, hai Ông đi thị sát, bàn bạc với các đồng nhiệm sở tại. Chính vị Đại Tướng 4 sao Thuỷ Quân Lục Chiến trăm trận trăm thắng đang nắm Bộ Quốc Phòng quan niệm chưa cần giải pháp chiến tranh mà cần giải pháp ngoại giao hơn. Mà ngoại giao liên quan đến vấn đề nguyên tử và hoả tiễn của CS Bắc Hàn, là phải có TC là quan thầy, là nhà bảo hiểm nhân thọ cho CS Bắc Hàn. Đó là tình hình mới người lãnh đạo phải thực hiện nhiệm vụ mới, chớ chẳng có gì kỳ lạ cả.
Nên một mặt chánh phủ Trump điều binh về ngoại biển CS Bắc Hàn để chuẩn bị chiến tranh tức là củng cố hoà bình, trấn an, ổn định cho hai đồng mình thân thiết. Với gần 100.000 quân Mỹ sẵn có ở Nhựt và Nam Hàn, với cả chiến đoàn hải quân của Hạm đội 3 và hạm đội 7 như chủ lực tấn công phối hợp và kết hợp với Nhựt và Nam Hàn, với dàn hoả tiễn THAAD và dàn ra đa tiên tiến của Mỹ đặt tại Nam Hàn soi thấu các vị trí phòng thủ chiến lược trong lãnh thổ TC, là tuyến lửa vũ khí phi qui ước của Mỹ áp sát vào TC; Kim Jong-un của CS Bắc Hàn dù có uống cả ký lô thuốc liều cũng không dám tấn công Mỹ vì tấn công Mỹ là tự sát, từ chết tới bị thương thôi.
Còn TC thì phải cố gắng ép thằng đệ tử ngỗ nghịch sống nhờ TC mà không nghe Bắc Kinh phải xuống thang, phải bàn bạc với các nước có liên quan cuộc khủng hoảng. Để Mỹ rút dàn hoả tiễn THAAD và rút quân áp sát vào TC.
Chính quyền Trump chủ trương tạo ra bầu không khí hòa hoãn hơn, nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên.
Sau cùng, thái độ và hành động của chánh phủ Trump có vẻ có kết quả tốt và lợi cho Mỹ. Về quân sự mỗi lần CS Bắc Hàn phóng thêm một hoả tiễn là mỗi lần Trump-Bình thân thiện nhau hơn, qua sự chia xẻ của TT Trump. Sau vụ phóng hoả tiễn thất bại của CS Bắc Hàn, TT Trump viết trên Twitter, khích tướng Chủ Tịch Bình chống Kim Jong-un. "Triều Tiên không tôn trọng các nguyện vọng từ Trung Quốc cũng như chủ tịch đáng tôn kính của nước này khi phóng tên lửa vào hôm nay dù thất bại. Thật tồi tệ!"
Có một số tác dụng lợi cho Mỹ ngay trong phía CS Bắc Hàn, tỏ ra sợ Mỹ bao vây và cô lập. Bộ Trưởng Ngoại Giao CS Bắc Hàn lần đầu tiên viết thơ nhờ 10 nước ASEAN giúp “hạ nhiệt”. CS Bắc Hàn cho Choe Son-hui, một quan chức của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn chịu trách nhiệm về các vấn đề Bắc Mỹ, đi Na uy, gặp các cựu quan chức chính phủ Hoa Kỳ ở Na Uy, tại Oslo. Đại diện của CS Bắc Hàn cho biết cuộc đối thoại với chính quyền Trump có thể diễn ra sau cuộc gặp gỡ này.
Không phải chánh phủ Trump thành công chỉ tạo ra cái lợi ngoại giao là TC áp lực thêm, đì thêm CS Bắc Hàn, mà còn thêm cái lợi giao thương cho Mỹ nữa. TC mở cửa cho Mỹ xuất cảng hàng lâu nay bị TC cấm sang TQ. Từ nay đến giữa tháng 07/2017, Bắc Kinh sẽ cho phép nhập cảng trở lại thịt bò của Mỹ vào thị trường nội địa. Thịt bò Mỹ bị cấm nhập vào Trung Quốc từ năm 2003 sau khi TC cho đàn bò của Mỹ bị virus gây bệnh bò dại. Các tập đoàn Trung Quốc mua khí đốt của Mỹ.
Còn Biển Đông, những công trình bồi lấp, quân sự hoá TC đã làm từ lâu, coi xong lâu rồi. TC chưa bao giờ ngăn chận tàu bè, máy bay của Mỹ. Con đường hàng hải huyết mạch ngang Biển Đông, tàu bè hàng hoá, tiếp liệu cho quân đội Mỹ vẫn thông thương.
Thêm một cái lợi cho Mỹ ở Á châu Thái bình dương, khủng hoảng nguyên tử và hoả tiễn do CS Bắc Hàn gây ra giúp cho Mỹ có thế chánh đáng đưa thêm quân về vùng đông bắc Thái bình dương. Lần đầu tiên trong quân sử Mỹ ở Á châu Thái bình dương, Mỹ điều về đây hai hạm đội 7 và 3. Thế vượt trội về hải quân hay thế hải thượng của Mỹ được các nước trong vùng tin tưởng như lá chắn, điều kiện an ninh, ổn định cho vùng này.
Do vậy có thể nghĩ một số chiến lược gia, một số lớn truyền thông dòng chánh của Mỹ tập trung phê bình chỉ trích TT Trump bỏ trống Biển Đông cho TC để trao đổi lấy sự giúp đỡ của TC trong giải pháp Bắc Hàn, là vì quyền lợi đảng phái, phe phái hơn là quyền lợi quốc gia Mỹ. Như trong thời bầu cử tổng thống Mỹ, họ ủng hộ bà Hillary, khác với thế nước lòng dân Mỹ như đã thấy qua kết quả chung quyết của cuộc bầu cử.
Vi Anh