Phân hạng bậc dầu Olive
Chúng ta đã biết rằng dầu Olive có nhiều công dụng rất đáng chú ý. Nhưng dầu Olive không phải là một thứ mà có nhiều loại, và không phải lúc nào cũng nên dùng loại tốt nhất, đắt tiền nhất, hoặc không phải khi nào thấy giá rẻ cũng mua ngay. Nếu ra ngoài cửa hàng, và nói chữ Olive Oil, chúng ta sẽ được hỏi lại là: Dầu Olive nào? Extra Virgin? Virgin? Light? Pomace? Cold pressed, Stone milled, Organic.... hay đơn thuần chỉ là Olive Oil? Nếu bạn cảm thấy nhức đầu và không biết phải chọn tên tuổi nào cho phù hợp, thì Hằng xin giúp vài ý mọn.
Thị trường phân ra rất nhiều hạng, nhưng cô giáo em bảo rằng, 3 hạng sau đây có thể bao gồm tất cả:
- Virgin Olive Oil, nghĩa là “Dầu Olive Trinh Nữ”: Lần đầu nghe cô giáo giải thích như vậy, Hằng có cảm tưởng như được nhìn thấy một thiếu nữ đang nghiêng đầu chải tóc, một mái tóc dài đen óng ả như có … thoa dầu. Còn ông Cả Đẫn thì nghệt mặt, vươn cao cần cổ lộ rõ “trái táo nguyên tổ” chạy lên chạy xuống, làm như đang nuốt nước miếng vì thèm khát cái gì vậy. Biết rằng có thể gây hiểu lầm, nên cô giáo nói ngay, “Dịch nghĩa vậy thôi, chứ không dính dáng gì tới các cô đâu. Chữ Virgin ở đây chỉ có nghĩa là dầu ép ra từ trái Olive không pha trộn với trái khác, bằng phương tiện cơ học, không qua phản ứng hóa học nào. Là dầu trái cây tinh khiết, không biến thể, không thoái hóa, và đạt được tiêu chuẩn tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, để dễ bán hàng, thị trường không chỉ dùng chữ “Virgin” mà gọi là “Extra Virgin”, nghĩa là tốt hơn cả “virgin” nữa. Nó còn duy trì hương vị trái Olive, (nhưng không hẳn vừa mũi hoặc thích hợp với mọi người), vị đắng, có thể át cả mùi của thực phẩm chính. Xét về giá cả, Extra Virgin là đắt nhất. Ngay cả khi được quảng cáo với giá On Sale, Extra Virgin Olive Oil thực sẽ không bán dưới giá $14 một chai ¾ lít (750 mililitre).
- Refined Olive Oil, dầu được luyện lọc: Là thứ dầu Virgin kém phẩm chất nên được mang ra lọc luyện lại bằng than hoặc qua một phương pháp hóa học, nhưng không pha trộn thêm chất liệu gì khác. Chính vì thế Refined Oil cũng được gọi là “Pure Oil” (dầu tinh khiết). Khi chỉ thấy chữ Olive Oil, chúng ta hiểu rằng đó là sản phẩm pha trộn giữa dầu đã được luyện (refined) với dầu virgin.
- Olive-Pomace Oil, dầu chắt ra từ xác trái Olive: Có nghĩa là sau khi đã ép lấy nước cốt để làm “virgin oil”, còn lại xác trái Olive cũng được nghiền ra, hòa trộn với một chất trung gian, rồi chắt lọc một lần nữa. Dầu lấy ra trong đợt này có thể gọi là dầu … xái nhì.
Đó là 3 bậc chính của dầu Olive. Điều quan trọng hơn đối với chúng ta là, mỗi hạng bậc ấy có ý nghĩa như thế nào:
1. Ăn sống: Để hấp thụ chất antioxidant nhằm tăng cường khả năng chống lão hóa và chống ung thư, người ta có thể xịt Extra Virgin Olive Oil vào thực phẩm đã nấu chín, như thịt, cá, rau hấp, khoai nướng, rau sống… hoặc phết vào bánh mì. Được ăn sống, nên dầu còn giữ hương vị nguyên thủy cũng như các phẩm chất về y học. Một mặt khác, chúng ta đỡ xót túi vì không phải dùng dầu với số lượng lớn.
2. Chiên xào, nấu nướng: Dưới tác dụng của nhiệt, hương thơm và mùi vị bị tiêu hủy, vì thế chỉ dùng Extra Virgin Olive Oil khi rán sơ sài hoặc làm sauté. Chiên xào hoặc nấu nướng với nhiệt độ cao, chúng ta nên dùng loại dầu khác, có thể chịu nóng lâu không bốc khói mà lại rẻ hơn, đó là các loại dầu thực vật, như dầu đậu phụng, dầu đậu nành, hoặc dầu Canola…
3. Dùng như mỹ phẩm: Nếu muốn thoa Olive Oil để tăng cường tươi mát cho da mặt, và mượt mà cho sợi tóc, chúng ta nên dùng Extra Virgin để có được phẩm chất cao nhất.
Nếu thích ngâm mình trong bồn nước có pha Olive Oil để dưỡng da, thì chỉ cần dầu Refined hoặc Virgin (không có extra) là đủ.
4. Chế xà bông, làm dầu đốt đèn, hoặc các công dụng khác
Dầu Olive xái nhì, được recycle từ xác trái Olive, cô giáo của Hằng bảo cũng rất ích lợi, nó có thể dùng để chế xà bông giặt, dùng để đốt đèn, và nhiều công dụng khác nữa….
Olive Oil không ngờ lại đa dụng đa năng như vậy. Có người bảo, dùng dầu Olive cũng giống như uống rượu, phải có nghệ thuật mới chọn được đúng “gu”! Không sai, chỉ có một điều khác, đó là rượu càng ủ lâu càng ngon, nhưng Virgin Olive thì phải dùng sớm: Khi rước “nàng” về, chúng ta cần để ý chữ “best by”, tức là thời hạn sử dụng. Quá ngày “best by” đó là dầu hư, hoặc ít nhất không còn phẩm chất tốt đẹp như ban đầu. Thì “Trinh nữ” mà, có ai giữ được mãi đâu!
Vũ Hằng