logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 01/06/2017 lúc 11:05:24(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Chúng ta đang sống trong thời đại khai phóng của thông tin đa chiều, của toàn cầu hoá, và của những cuộc thám hiểm đi tìm miền đất di dân mới trên Hỏa tinh. Ở một thời đại như thế, những con đường mòn trên mặt đất tưởng chừng sẽ mang lấy kiếp huyền thoại, một hình bóng xa xôi.
 
Nhưng không hẳn như vậy. Trong đời sống hằng ngày, những con đường mòn của cõi người vẫn là điểm nối của những sinh hoạt muôn thưở, dắt người ta đi về giữa muôn trùng hợp tan, sinh tử. Và con đường vẫn là biểu tượng của những hành trình bất biến trong kiếp nhân sinh, một tín hiệu cốt lõi trong sự hiện hữu của loài người.
 
Trong tuyển tập đa dạng “Bàng Bạc Gấm Hoa,” tác giả Mặc Lâm vạch ra một con đường mòn tưởng thân quen, mà lại khai phóng, tưởng gần gũi, mà thật vời vợi. Một con đường của cõi văn hoá, sáng tạo Việt Nam. Con đường mang tên Mặc Lâm. Con đường Mặc Lâm gửi đi những tín hiệu từ tiềm thức, bung những thước lụa sáng tạo, tủa đi những biểu đạt tim óc. Con đường ấy chỉ là khởi điểm, hướng độc giả đến những vùng trời văn hóa Việt Nam miên trường từ muôn thưở.
UserPostedImage
 Nhà báo Mặc Lâm


Con đường Mặc Lâm khởi đi từ quá khứ, đẩy lối về tương lai. Con đường ấy bước song song cùng những hành trình sáng tạo của dân tộc và của một số người làm sáng tạo. Những hành trình ngan ngát hương da Vàng, toả về phía trước. Chính bản thân tác giả, qua công việc truyền thông, cũng đi nhiều nơi, nên cái nhìn của ông cũng phản ánh những cọ xát văn hoá ông cảm nhận trên hành trình đa tuyến của mình. Nhận thức của ông, do đó, được sắc bén, tinh tế, mẫn cảm, bao dung.
 
Đi hết con đường Mặc Lâm trong tuyển tập này, người đọc sẽ về đến một miền của Việt Nam gấm hoa - một Việt Nam mà tác giả đã yêu, đã trân trọng ôm ấp, đã tin tưởng phó trao qua từng câu từng ý trong mỗi bài viết. Và từ con đường ngút ngàn tư tưởng và nhận thức ấy, người đọc mặc nhiên đi lạc vào thiền giới, lạc vào rừng cây trầm mặc, sẽ nghe được thinh không, thấy được hình tướng của gió, và chạm tới cõi vô hình.
 
Một khi đã đồng hành với tác giả qua 40 bài viết, người đọc được cuốn trôi vào vũ trụ bao la của văn hoá, sáng tạo, nghệ thuật - một vũ trụ được phác hoạ bằng thư pháp. Tác-giả-Ông-đồ đã chọn những đường nét tiêu biểu để diễn đạt những đề tài phức tạp. Ông đã vận khí để mỗi nét vẽ truyền đi sóng âm, thành những cái dùi, đánh vào trống lòng người đọc. Ông đã vận tâm đưa trí huệ vào độ đậm nhạt, để mỗi nét mực toát lên sự hoà hợp chuẩn mực trong bàn tay một ông đồ khéo tay và khó tính. Chính những nét mực mỏng cho thấy bản lĩnh và tài hoa của người vung cọ.
 
UserPostedImage
Bìa sách 'Bàng Bạc Gấm Hoa'


Bốn chương trong tuyển tập này là sự phân chia uyển chuyển cho những hành trình sáng tạo linh động. Người đọc không bắt buộc phải theo từng chương, đi gặp “Tác giả, tác phẩm,” rồi lội ngược dòng tìm về cội nguồn “Văn hoá dân gian,” trước khi đắm mình vào biển “Sắc màu cuộc sống” và “Nét đẹp Việt Nam.” Mỗi cuốn sách đều cần một cấu trúc nhất định nào đó. Tác giả đã ‘tuân thủ' luật này. Theo tôi, các bài viết trong tuyển tập có thể được đọc theo sự sắp xếp của tác giả, và cũng có thể được đọc đan xuyên nhau. Văn hoá, sáng tạo, nghệ thuật là những phạm trù không có biên giới. “Bàng bạc.” Điều này được thể hiện rõ trong tuyển tập, không chỉ qua nội dung, mà từ cách thực hiện. Mỗi bài viết là một hành trình sáng tạo với hai lộ trình song song: con đường sáng tạo thứ nhất là từ văn hoá Việt Nam hay của một văn nghệ sĩ; và con đường sáng tạo thứ hai là của tác giả Mặc Lâm. Như những dòng tơ lụa, dệt nên “Gấm hoa.” Tất cả những con đường trong tuyển tập này đều đi về một miền: Việt Nam; cùng chảy thành một dòng: gấm hoa. Chữ ‘bàng bạc' gợi lên nhiều ý nghĩa. Bàng bạc, như ánh sáng nhẹ nhàng lan toả, một thứ ánh sáng dịu và thanh, vừa cho người ta thấy đủ cái đẹp, vừa bắt người ta nhìn kỹ hơn cái lung linh huyền ảo. Bàng bạc, như một hình ảnh xa xôi, trong thao thức, trong tâm tưởng. Như cái bàng bạc của ‘áo ai trắng quá nhìn không ra' (Hàn Mặc Tử), của ký ức, tâm thức, tiềm thức. Bàng bạc. Vì ở thế kỷ 21, kỹ thuật truyền thông đã đưa con đường Mặc Lâm đi khắp nẻo thế giới, qua chương trình Văn Học Nghệ Thuật của Đài Á Châu Tự Do trong gần 10 năm qua.  Bàng bạc. Vì con đường ấy đi từ Việt Nam ra thế giới, từ hải ngoại về lại Việt Nam.
UserPostedImage
Thiệp mời ra mắt sách


Gấm hoa óng ánh trời xa, bàng bạc chốn người. Những thế hệ ngoại biên sinh trưởng ở ngoài Việt Nam – những thế hệ có những quê hương dọc dài khắp thế giới, cũng như những thế hệ trẻ trong nước, sẽ cám ơn tác giả đã chỉ cho họ một trong những con đường gấm hoa đi vào văn hoá Việt Nam. Và con đường này chỉ mới là sự bắt đầu. Bởi vì, văn hoá là một sự biến đổi không ngừng, được tái thể hiện và tái định nghĩa với những hình thức diễn đạt mới, những tư duy mới, những nhận thức mới đến từ chính kinh nghiệm sống và sự kết hợp với tư tưởng đương đại.
 
Do đó, cái tựa “Bàng Bạc Gấm Hoa" là một chọn lựa thật thích hợp, vì nó giúp ta liên tưởng đến một quá trình nối dài của con đường văn hoá Việt Nam, không bị giới hạn bởi hôm qua, hôm nay, hay ngày mai, mà nối dài vô tận, được sàng lọc, tô tỉa, gọt dũa qua từng thế hệ, từng giai đoạn lịch sử, từng miền đất quê hương. ‘Gấm Hoa’ trong tuyển tập này là một mảng văn hoá Việt Nam, được dệt nên từ những nét thêu đường chỉ khác nhau, hợp thành một tổng thể linh động, uyển chuyển, gõ nhịp lên mỗi chiều kích của trái tim khối óc người đọc qua từng đề tài riêng biệt mà chảy ‘Bàng Bạc’ trong dòng tâm thức da Vàng.
Trangđài Glassey-Trầnguyễn
phai  
#2 Đã gửi : 07/06/2017 lúc 09:36:38(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Vài suy nghĩ về tuyển tập ‘Bàng Bạc Gấm Hoa’ của Mặc Lâm

UserPostedImage
Nhà báo Mặc Lâm tại buổi ra mắt tác phẩm “Bàng Bạc Gấm Hoa.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
(Bài nói chuyện được trình bày trong buổi ra mắt sách “Bàng Bạc Gấm Hoa” của nhà báo Mặc Lâm tại Việt Báo, Westminster, ngày 4 Tháng Sáu).
Cách đây hai tháng tác giả Mặc Lâm email cho chúng tôi mời nói về tác phẩm của ông như một độc giả. Chúng tôi không phải là nhà văn hay nhà nghiên cứu nên phần chia sẻ sau đây không phải là một bài điểm sách mà chỉ là vài suy nghĩ tản mạn mà chúng tôi mạn phép chia sẻ với quý vị về tác phẩm “Bàng Bạc Gấm Hoa” của nhà báo Mặc Lâm.
Tuyển tập chia thành bốn phần: “Tác Giả, Tác Phẩm,” “Văn Hóa Dân Gian,” “Sắc Màu Cuộc Sống,” và “Nét Đẹp Việt.” Mặc Lâm dành khá nhiều trang cho phần đầu, tức “Tác Giả, Tác Phẩm.” Một số gương mặt lớn của văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 như Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Dương Nghiễm Mậu, Phạm Duy, Cung Tiến được tác giả chọn một hai khía cạnh để xoáy vào. Không chỉ dừng lại ở những tác giả miền Nam trước 1975, Mặc Lâm bao sân rộng hơn, ông theo dõi và ghi nhận những tác giả mà đã một thời đứng khác chiến tuyến với ông, như Trần Vàng Sao, Nguyễn Duy, hay Phạm Tiến Duật, tác giả của bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây mà Hoàng Hiệp phổ nhạc. Những tác giả có tác phẩm và những suy tư làm ông “cảm” được thì ông viết về họ.
Cuốn sách thu hút độc giả ngay bằng cách viết cô đọng nhưng nhiều hình ảnh. Điều này, tôi nghĩ, rất cần thiết cho một bài phát thanh. Như ông viết về nhà thơ Trần Vàng Sao, nhà thơ bị chính quyền Hà Nội trù dập. Mặc Lâm viết: “Đọc Trần Vàng Sao người ta có cảm giác như ông đang nói chuyện. Ông nhào nặn ngôn ngữ thường nhật và gia vị chúng chỉ bằng một vài chi tiết bất ngờ nhưng tinh tế khiến câu thơ tuy phẳng phiu nhưng không gian chung quanh nó lại nhàu nát hay co giật và không ít khi bốc cháy.” Thí dụ tác giả đưa ra là bài thơ “Người Đàn Ông Bốn Mươi Ba Tuổi Nói Về Mình” của Trần Vàng Sao như thế này, nhà thơ tự miêu tả mình như một người sống thừa, thân phận của một trí thức bị trù dập:
“tôi tuổi tỵ
năm nay bốn mươi ba tuổi
thường không có một đồng trong túi
buổi sáng buổi chiều
thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
trong nhà ngoài sân với hai đứa con
cây cà cây ớt
con chó con mèo
cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn
hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết
một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa…”
Trong phần “Tác Giả, Tác Phẩm” này, Mặc Lâm cho thấy ông là phải là một người chú tâm theo dõi những hoạt động sáng tác của những gương mặt văn nghệ từ nhiều năm qua, chứ không thể chỉ mới bộc phát trong một thời gian ngắn. Tôi đặc biệt thích bài viết về nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Chắn chắc Mặc Lâm đã theo dõi từ lâu hành trình sáng tác của Nguyễn Đức Sơn, mà ông gọi là “dị nhân của thi ca Việt Nam qua tính cách.” Mặc Lâm trích dẫn ngay tạp chí Bách Khoa trước 1975. Ông viết: “Trả lời tạp chí Bách Khoa trước năm 1975 Nguyễn Đức Sơn thú nhận: ‘Tôi viết vì bị thúc đẩy bởi một lực ở đằng sau và được thu hút bởi một lực ở phía trước. Đó là những ma lực làm tôi cảm khoái huyền diệu xa xăm. Thứ cảm khoái này kéo dài được chứ không ngắn như nhục cảm. Viết được một đoạn hay tôi đi lên đi xuống thưởng thức và khoái chí. Nên tôi nghĩ rằng sáng tác cho mình trước hết.
Và, Hơn 40 năm sau Nguyễn Đức Sơn hình như không còn cái hạnh phúc của “đi lên đi xuống” đó nữa, ông trả lời cùng một câu hỏi của trước đây 40 năm mà như tự hỏi lại mình:
“Tôi ngay bây giờ tôi định làm chương trình một bãi thơ lớn lắm, bãi thơ không phải bãi c.. không biết có được không (nha… nha…) bây giờ không thể trả lời ngắn được. Tôi không biết tôi viết cho bây giờ hay cho mai sau, tôi không biết được đâu vì nói sao cũng đúng hết mà nói sao cũng trật hết (nha.. .nha…) Bây giờ tôi đang đứng giữa đồi lên nhà xa lắm mà móc cái điện thoại ra từ trong túi áo, kim băng (nha… nha…) cây kim băng còn dính lòng thòng…”
Và Mặc Lâm đã chỉ ra sự khác biệt của Nguyễn Đức Sơn qua những câu thơ sau:
Mai kia tan biến hận thù
Giữa đêm sao chiếu mịt mù phương Đông
Cha về ôm cả biển sông
Duỗi chân duỗi cẳng nằm không một đời
Cho con cha hứa một lời
Đuổi mây thiên cổ rong chơi tối ngày
Thu nào tóc bạc òa bay
Có con chỉ trỏ mới hay tuổi già
Cúi hôn trời đất đậm đà
Cha tan theo bóng trăng tà vạn niên
Bàng bạc trong tập sách này là những suy tư, trăn trở của những nghệ sĩ thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Nhưng tất cả đều mang nỗi ám ảnh, đau đớn của cuộc nội chiến Nam Bắc đè nặng trên vai. Cuốn sách mở đầu với nhạc sĩ Phạm Duy, trong những năm tháng cuối đời của ông, ở tuổi 92, với sự nghiệp đồ sộ ngàn lời ca, nhưng ông thú nhận cảm thấy thất bại. Phạm Duy nói: “Các anh yêu tôi thì nói là tôi có sự nghiệp hơi đầy đủ, hơi lớn một tí đấy, nhưng mà riêng tôi thì tôi thấy cho đến giờ phút này tôi hoàn toàn thất bại. Bởi vì đất nước đã thống nhất rồi mà lòng người thì không thống nhất, thành thử đại khái nếu tôi có chết đi thì gần như là tôi không được thỏa mãn.” Bài viết cuối cùng của cuốn sách, về họa sĩ Phạm Tuấn Dũng, một họa sĩ miền Bắc, sinh năm 1942, tức là kém nhạc sĩ Phạm Duy 21 tuổi, ông nói về bức tranh “Cuộc Chiến Đã Đi Qua” của ông: “Tôi vẽ một bà mẹ có 12 đứa con hy sinh, một nửa phía bên này một nửa phía bên kia. Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã thống nhất mà bà mẹ có còn gì đâu! Chẳng còn gì cả. Vật chất thì trong bao nhiêu năm bom đạn đã bị hủy diệt hết, mẹ chỉ còn một sinh vật tồn tại cạnh mẹ là một con chó. Mẹ ngồi trên một chõng tre đã gãy hết cả nang và hằng ngày mẹ thương nhớ các con mẹ đã cúng cơm cho chúng bằng 12 cái bát, 12 cái bát mẻ và 12 đôi đũa tre một bát hương nghi ngút khói có lẽ đấy là thông điệp gọi các con về…”
Tâm tình này hẳn cũng được nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ. Nhà thơ đã kể cho tác giả nghe ông viết những dòng của bài thơ “Đá Ơi” trên tường của bờ thành Ankor Wat vào năm 1989:
“…Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”
Những bài viết trong tuyển tập “Bàng Bạc Gấm Hoa” không dài, ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin về đề tài. Có thể là vì thời lượng phát thanh cũng có giới hạn. Dù là chọn những đề tài văn hóa, nhưng Mặc Lâm vẫn theo sát thời sự. Qua các loạt bài về những bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương, đờn ca tài tử, quan họ Bắc Ninh, ca trù, hay tranh Hàng Trống, Tranh Đông Hồ… ông đều có những thông tin cập nhật về những lãnh vực này. Không chỉ đơn thuần diễn tả nét đẹp của những bộ môn nghệ thuật này, đồng thời ông cũng gióng lên tiếng chuông báo động sự biến thái, hay tệ hơn, sự dần dần lụi tàn của một bộ môn nghệ thuật. Sự quan tâm đến văn hóa truyền thống của tác giả thể hiện rõ trong loạt bài này.
Bước sang phần “Sắc Màu Cuộc Sống,” hai bài viết đầu là bất ngờ thú vị đối với chúng tôi. Những gấm hoa của văn hóa Việt cũng phải kể đến văn hóa của những dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nhờ đọc bài “Văn Hóa Người H’mong, Những Điều Chưa Kể” mà chúng tôi mới biết nguyên gốc cũng như sự thật của “chợ tình” và món “thắng cố” của người H’mong. Đọc bài viết “Nhà Văn Inrasara Và Công Trình Bảo Tồn, Nghiên Cứu Văn Học Chăm,” chúng tôi không khỏi liên tưởng đến vấn đề bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ Việt nơi xứ người.
Trong bài viết này, Nhà báo Mặc Lâm đặt câu hỏi với nhà văn Inrasara: “Trong khi đi sưu tầm những văn bản về văn hóa Chăm thì khó khăn nhất có lẽ là thời gian đã tàn phá hết mọi tài liệu vậy làm sao ông có thể sưu tập các văn kiện từ dân gian?”, nhà văn Inrasara trả lời:
“Nói chung là văn bản Chăm đang nằm rải rác trong dân và người Chăm có thể nói họ rất yêu văn học, mặc dù văn hóa Chăm chưa trải qua kỹ thuật in ấn như là người Trung Hoa, hoặc như người Việt, nhưng người Chăm rất siêng chép tay các văn bản và họ giữ trong một cái giỏ được đan bằng chiếu cói và bảo quản rất là tốt. Có thể nói tất cả các gia đình người Chăm đều có giỏ sách này. Tôi say sưa mày mò từ năm 15 tuổi, tôi tìm các giỏ sách này và tôi chép.”
Sự cần mẫn trong công việc, lòng đam mê văn hóa, và niềm hãnh diện là một người Chăm của nhà văn Inrasara đem đến cho chúng tôi một sự xúc động, không thể không nghĩ đến những nhà làm văn hóa, những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, trong đó có tác giả Mặc Lâm, vẫn luôn tìm cách gom góp những nét hay đẹp của văn hóa Việt mà ghi chép lại cho các thế hệ sau nơi xứ người.
Ở vào vị thế của một ký giả của đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia – RFA), Mặc Lâm khai thác tối đa điểm mạnh của ngành truyền thanh. Ông luôn tìm ra được những người am hiểu về đề tài ông muốn đề cập đến. Trong bài viết rất công phu về phở mang tựa đề “Những Cuộc Hành Trình Của Phở” không chỉ thuần túy về hương vị, cách ăn hay cách nấu mà tác giả trình bày cả những sự kiện lịch sử xoay quanh món ăn này. Cả những chi tiết mang tính cách xã hội học cũng được đưa vào quanh bát phở. Khá nhiều văn nhân thi sĩ, nhà báo trong cũng như ngoài nước rồi cả chuyên gia khảo cổ và nghiên cứu văn hóa cũng được Mặc Lâm phỏng vấn, xin ý kiến, nhận định về phở. Bài viết do đó sinh động hẳn và mang nhiều dữ kiện, do những nhân vật đặc biệt góp lời. Như nhà thơ Du Tử Lê nói về một bát phở ngon, đối với nhà văn Mai Thảo, thì phải như thế nào. Hay nhà văn Phan Nhật Nam kể câu chuyện tướng Nguyễn Cao Kỳ đi ăn phở Bà Dậu ở Saigon – ăn phở xong ông Kỳ xin bát cơm nguội đổ vào bát phở, ăn tiếp. Rồi những phát biểu của một số chủ tiệm phở tại hải ngoại như nhà báo Lê Thiệp, chủ của hệ thống phở 75 ở miền Đông Hoa Kỳ cho biết ông đã mò mẫm tìm cách nấu phở nơi xứ người như thế nào. Rồi Tiến Sĩ Nguyễn Thị Hậu, chuyên gia khảo cổ và nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam nói về những quán phở mậu dịch ở miền Bắc với “phở không người lái” – tức phở không có thịt, và chiếc muỗng dùng để ăn phở bị đục thủng để khách hàng không lấy đem về nhà. Còn nhiều chi tiết rất thú vị trong bài viết, mà thì giờ có hạn, chúng tôi không thể nêu hết ra đây!
Ở đây độc giả cũng sẽ bắt gặp một Mặc Lâm dí dỏm và duyên dáng. Thí dụ, ông viết như thế này về phở: “Tính cách thêm thắt của miền Nam không giết chết tô phở Hà Nội mà trái lại nó thăng hoa những giá trị tiềm ẩn cũng như hòa nhập vào khuynh hướng hiện đại hóa món ăn theo vòng quay của thế giới. Rau xanh làm tô phở bớt phần đơn điệu và sau một thời gian ngắn nó được chấp nhận đi cùng với phở. Từ lúc này phở như một mệnh phụ khó tính chấp nhận mặc chiếc áo dài theo thời trang mới nhất, được cắt may vừa vặn với thân hình quyến rũ của mình và xuất hiện trong một dạ tiệc giới thiệu nàng trên bàn ăn thế giới.”
Và cũng trong phần “Sắc Màu Cuộc Sống” mà chúng tôi thấy rõ tính chất “nhà báo” trong Mặc Lâm. Ông đi nhiều, trải nghiệm nhiều, qua bài viết cuối trong phần này: “Họ, Những Cánh Bướm Đêm Dập Dìu Trong Bóng Tối.” Thực ra tôi cũng hơi ngạc nhiên khi thấy tác giả đưa bài viết này vào tuyển tập “Bàng Bạc Gấm Hoa,” một tuyển tập xoay quanh các vấn đề văn hóa nghệ thuật, trong khi bài viết “Họ, Những Cánh Bướm Đêm Dập Dìu Trong Bóng Tối” lại là bài viết về vấn đề xã hội, về những cô gái mại dâm người Việt ở Malaysia. Nhưng cũng qua bài viết này mà chúng tôi thấy sự chuyên nghiệp và bén nhạy của tác giả. Đây là một thiên điều tra phóng sự viết rất chi tiết dựa vào những lời kể của những phụ nữ trong cuộc. Với cái nhìn khách quan, không phán xét, ông đưa ra nhiều dữ kiện về những đường dây “xuất khẩu lao động,” nhưng thật ra là tệ nạn buôn người từ Việt Nam. Tôi cũng đồng ý với nhận định của nhà văn Phạm Phú Minh trong lời mở đầu là Mặc Lâm viết bài này “với cái tâm của một người Việt Nam biết yêu thương và quan tâm đến đồng bào của mình.”
Đóng tập sách lại, dư vị cảm xúc theo tôi dài lâu nhất, lại là từ một bài viết ngắn nhất, chỉ vỏn vẹn hai trang giấy, là bài áp chót của phần “Sắc Màu Cuộc Sống.” Đó là bài “Con Cá Nục Kho.” Ông viết về nồi cá nục kho của người chị:
“Gia vị kho con cá nục thật là đơn giản: nước mắm ngon, đường tán, tiêu, tỏi, hành lá và nước màu. Vậy mà khi con cá được liu riu trên bếp em không bao giờ bỏ đi chơi, lý do mùi cá nục kho quyến rũ và níu chân em ngồi nhìn nồi cá trở mình, thơm ngát.
Xa nhà, con cá nục quê mình theo chị mất tăm. Ngoài này có cá nục Norway, cá Mexico và đôi khi có cá của Thái nhưng thú thật không con cá nào sánh được với vị ngọt ngào của con cá quê mình. Con cá ấy được kho và chăm chút từ nồng nàn của biển, từ nắng ấm đồng nội, và mặn mà bởi thời kỳ con gái của chị. Em lớn lên với nồi cá nục kho trong trí nhớ để mỗi lần thèm ăn lại khát khao được ngồi chổm hổm, nín thở, tròn xoe mắt nhìn chị kho cá.”
Cách đây khoảng một tháng, qua Facebook tôi được biết là tác giả đã chính thức “rũ áo từ quan, lên non tìm động hoa vàng.” Ông nghỉ hưu ở đài RFA. Tôi biết cuộc đời của tác giả đã sang một chương khác, nhưng ở bất cứ đâu hoặc trong cương vị nào, qua những dòng ông viết về nồi cá nục kho, tôi biết ông sẽ vẫn tiếp tục sống, tiếp tục thở với văn hóa Việt. Sự đào sâu, tìm hiểu về các vấn đề văn hóa có thể sẽ không qua công việc thường nhật viết lách, truyền thanh nhưng nó sẽ ở một dạng khác, một hình thức khác. Tôi tin là như thế.
Xin chúc mừng nhà báo Mặc Lâm với tác phẩm in đầu tiên “Bàng Bạc Gấm Hoa.” Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe những chia sẻ của chúng tôi. Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị tuyển tập “Bàng Bạc Gấm Hoa.”

Lê Đình Y-Sa (Người Việt)
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.126 giây.