Danh hiệu: Moderate
Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC) Bài viết: 13,123
Cảm ơn: 4 lần Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
|
Phạm Ngọc Lư. Lời Tác giả: Nhân một lần gặp mặt Phạm Ngọc Lư tại Đà Nẵng, anh đề nghị tôi viết Lời Tựa cho một Tuyển tâp Thơ sẽ in, của anh. Tôi rất yêu quý Phạm Ngọc Lư. Và, viết bài này. Đến nay, Tuyển tập thơ chưa được xuất bản, anh đã Ra Đi. Nhà thơ Phạm Ngọc Lư vừa qua đời – ngày 26 tháng 5-2017 tại Thành phố Đà Nẵng. Tôi đăng bài viết,như một nén nhang ngâm ngùi,đầy thương tiếc tiễn Anh. Vắng bóng đời này, lại vĩnh cửu Chốn Kia. Mong Lư đời đời an nghỉ. CTB. . 1 Nhà Thơ Phạm Ngọc Lư xuất hiện khá sớm trên văn đàn Miền Nam, trước 1975, qua các tập san văn chương; trong dòng văn học phóng khoát, bay bổng. Thơ buổi này? Là của nửa lãng mạn, và nửa kia của Lửa, trong đấu tranh sống còn. Mỗi tâm thức là nghìn gạn hỏi về phận người trong một Việt Nam phân ly Bắc-Nam. Một Việt Nam bị cuộc chiến ác liệt, vừa của bom đạn máu lửa vừa của ý thức hệ thù nghịch. Nó thách thức và ngăn cách toàn triệt với hạnh phúc; lại rất gần gũi trong ý nghĩa lưu đày. Nhưng đây cũng là thời kỳ may mắn cho những ai làm văn học nghệ thuật, đương nhiên là ở Miền Nam. Vì cái thực tế nơi đây, là đầy rẫy rủi ro lại phong phú những mong chờ. Rất nhiều cảm thán về thân phận nhưng cũng thừa những nụ cười về nghịch lý đời thường. Và, vì họ được sống, được làm Người Sáng tạo, trong một môi trường tự do. Có nghìn tự do lựa chọn. Có biển tư tưởng để tương phùng. Và trên hết, từ một thế giới rộng mở, đa dạng, sấm uất những phát biểu, họ tồn tại trong đầy đủ ý nghĩa của Tồn Tại. Phạm Ngọc Lư là một Đóa Hoa, trong vườn hoa sắc màu hoằng viễn này. Hồi ấy, hơn ba mươi lăm năm trước, tôi đọc thơ Lư mà chưa hề có dịp gặp mặt. Cứ nghĩ, anh là một người giàu trầm tư, vừa sống vừa phiêu bồng thấy ra: Ngàn sau hồn chữ rêu phong Miên man thiên địa… tấc lòng du du… [Phạm Ngọc Lư] Vừa Thấy-Ra lại vừa an nhiên cùng Mộng: Bó đời ta nửa manh chiếu rách Đêm nằm mộng lớn nuốt mộng con Chiêm bao cứ thấy mình mọc cánh Bay với chim trời xa cố hương [Phạm Ngọc Lư 1971] Thấy-Ra được cõi “Bạch vân thiên tải không du du” , và an nhiên trong “Xử thế nhược đại mộng” [**]. Thế là đạt. Đạt, là nhìn ra Vô thường.
.
2.
Những nghìn cơn gió bay. Nghìn thế sự phù du qua vó cửa. Hơn ba mươi lăm năm tôi đọc bài thơ đầu của Lư, tôi mới gặp Phạm Ngọc Lư trong một lần, chiều cuối năm 2008, tại Đà Nẵng.
Hôm ấy lạnh. Thành phố mù mưa. Gió mạnh. Tưởng có thể thổi bay một bóng người mong manh từ đỉnh cầu sa mù xuống mặt nước sông Hàn. Chúng tôi ngồi trong một quán trà sang trọng – Trà Cung Đình Huế. Những liễn đối. Những chiếc độc bình hoa văn. Những bức hoành phi sơn son thiếp vàng. Cái này tương phản cái lưu lạc không biên cương, cái đau đớn không có tận cùng, của thân phận chúng tôi, qua bao mùa trắc ẩn của Đổi Thay.
Trà rất nóng và thơm, màu hổ phách. Cái cách của Cung đình Huế tại một xứ Quảng thô tháp không mấy thấm đậm được màu sắc cung đình. Nhưng có Lư và bạn bè. Có thơ, và tâm sự. Có lời cảm ơn lưỡi hái của tử thần đã đậm tình bỏ sót chúng tôi lại nhân gian, qua bao thăng trầm từ hòn bom trái lửa. Để còn tương phùng hôm nay.
Một làn da trắng lấm tấm bụi phong trần. Một khuôn mặt xương xương khắc khổ. Một giọng nói mềm của Huế. Một thân người mảnh mai. Duy đôi mắt sáng, một vầng sáng đã xám đậm những rêu đời. Đó là chân dung Nhà thơ Phạm Ngọc Lư. Tôi cũng rất mừng là anh còn sáng tác. Và cái tốt đẹp trên cùng, là anh còn giữ được chừng mực cái tinh túy Chính-Mình.
Phạm Ngọc Lư, qua thời cuộc thăng trầm, làm thân phiêu dạt, nhưng không hóa ra bọt bèo. Mà anh đã minh triết nhận ra cái Tính Lý của cuộc Sinh - Diệt:
Đất đá thở ra mùi u uất Bốn bề hun hút rợn màu tang Ai chết quanh đây mà cú rúc Mà cơn gió lạnh réo hồn oan Ai trong muôn dặm không về nữa Cố lý mười năm mộng bẽ bàng [Cố lý hành - Phạm Ngọc Lư]
.
3.
Trở lại Sàigòn tôi nhận được của Lư hai tập thơ gởi tặng. Đó là hình hài, là hồn cốt Lư, là ngẫu dựng một mệnh người Thơ. Của Lư. Có trước 75. Và, Còn, sau 75.
Vì sao trong tôi mãi mãi tồn lưu, triền miên lập dựng não thùy cái ám tượng 1975? Hà cớ hiểm hoại nào tôi phải nhắc tới cái hố thẳm Trước, và Sau 1975 ấy? Vì đó là lúc Cánh cửa Hy vọng, Niềm Riêng đành khép lại. Không chỉ cố mà chôn Quá Khứ, mà còn phải đào huyệt cho Tương lai.
Quên quá khứ? là phạm trù của tâm linh trừu tượng. Đào huyệt cho tương lai? là hiện hữu của gánh chịu trong Hôm nay. Con đường trước mặt là lưỡi dao ý thức hệ. Trần trụi. Nhọn. Bén. Mỗi thân phận của Miền Nam, từ Miền Nam, phải bước qua với đôi chân trần. Không cố bước qua bằng bản lĩnh? bằng niềm sỉ nhục? thì xin vui lòng nằm giãy giụa trên cái tấm thớt lạnh lùng. Một tấm thớt vĩ đại, tập thể. Và, có ai đang hí hửng mài dao.
Hiểu cái ngặt nghèo bao la, cái sự vụ rất mênh mông không đếm xuể từ tâm thức này, để ta hiểu rằng thơ của Phạm Ngọc Lư là Thơ-Của-Nỗi-Lòng. Là trăn trở. Là phản chiếu một cách ba chiều của Thực, Mộng, và cái Phi-thực-mộng. Là cửa ngõ, tới lui, từ đan kết trong phiêu bạt phận người. Là dấu hỏi trường miên trong đối diện với Thời cuộc.
Thơ Phạm Ngọc Lư khá khiêm tốn trong phát biểu. Có giới hạn của biểu hiện nghệ thuật ngôn ngữ nhưng độ trải nghiệm thì sâu sắc, thâm trầm. Và chừng mực, ta có thể tinh tế nhận ra.
Buồn quá giả làm con vượn hú Nào ngờ ta con thú bị thương [Biên cương hành]
Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp Nước đua chen đớp bọt nắng tà Đò qua sông đìu hiu bến đợi Buồn rút lên bờ cây khai quang [Cố lý hành]
Nước đứng tim đêm Ta còn thở hết ? [Bên sông]
.
4.
Phạm Ngọc Lư khá điềm tĩnh trong hành trình sáng tác của mình, tuy sâu trong tâm khảm, từ biển rộng tâm linh, Lư vẫn cháy bỏng với những khắc khoải, tư duy. Trong bao năm Lư không chạy theo những trào lưu, trường phái, những hào nhoáng ồn ào của thị hiếu. Không làm con thiêu thân để chết non, tàn mùa, theo những cám dỗ tức thời.
Thơ Lư hình thức là mẫu mực, cổ điển. Vì ta cứ đủng đỉnh cái Riêng mình. Cái bình cổ sống rất lâu. Chính ở điểm này Lư thành công. Nói được rất nhiều trong biểu hiện điều Muốn Nói. Không cầu kỳ. Không đánh bóng ồn ào mặt ngoài bởi ngôn ngữ rỗng.
Chữ nghĩa có Xác và Hồn. Cái Xác có thể sơn màu Đỏ, Nâu, Vàng. Cái Xác nó, có thể xác chết vô nghĩa, có thể thành khẩu hiệu trơ trẽn. Nhưng cái Hồn Chữ - nhất là Chữ của Thi ca - khó thể mặc áo cái kiểu đi với Ma phải mặc áo giấy.
Một người Cầm-bút phải trung thành, và lương thiện - dù ít ra, trong tương đối, giữa giới hạn - với giọt mực, trước trang giấy của mình. Đó là điều tôi rất mừng khi trải nghiệm qua Thơ của Lư. Qua những gì trong hai tập thơ Phạm Ngọc Lư gởi tặng tôi.
Hữu xạ tự nhiên hương. Trong ngẫu nhĩ, trong tâm tình lắng đọng, thi ca của mỗi nhà thơ, là mỗi bày lộ cái cảm xúc khi đi trong dặm chiều, nghe nắng trong gió vàng, cái mùi hương nhẹ thoảng. Có những nhẹ thoảng rất lâu bền. Vì sự lưu dấu thì vô cùng.
Lòng ấp ủ một làn hương Từng đêm âm ỉ lịm buồn lửa tro Từng đêm le lói, cơ hồ Người về thắp mộng đốt lò chiêm bao [Nhớ Trầm - Phạm Ngọc Lư]
Sài-gòn, tháng 8 – 2009 Cung Tích Biền (Việt Báo) ________________ Ghi chú:
“Bạch vân thiên tải không du du / mây trắng nhìn năm trôi mang mang” - thơ Thôi Hiệu // Hoàng Hạc Lâu.,
{** ] “Xử thế nhược đại mộng / Ở đời giống như một giấc mộng lớn” - thơ Lý Bạch // Xuân nhật túy, khởi ngôn chí.
|