logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 06/06/2017 lúc 06:07:29(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Nhăn mặt nhịn đau nhích cái chưn sưng bị treo gá ngỡi giữa hai cây giăng mùng, chú Tư Trích chép miệng: “Thiệt tức, ban đầu có chút híu bây giờ tầy huầy như vầy thì cực còn hơn Thủ Huồng bị đọa, muốn trở mình chút đỉnh cho đở mõi mà có được đâu. Nằm lâu, chuyện vệ sinh tắm rửa lần nào cũng trần thân muốn khóc… Giống như dao cùn, dao mẻ chờ giờ bị liệng đi.” Chú bặm môi cố gượng trở mình, nhưng mới nhúc nhích chút đỉnh đã cảm thấy đau thấu mây xanh bèn nằm yên, trí nghĩ bâng quơ về quá khứ.
 
Có thói quen nếu bảnh mắt dậy mà thấy trời rọi chút yến sáng là Tư Trích tốc mùng đi đếm số bông bí trong vườn. Bữa nào hể đếm được chừng độ bốn năm chục bông là chú mừng quýnh, hí ha hí hửng đi một vòng vườn rồi mới trở vô nhà tiếp tục làm chuyện gì đó đợi tới chừng 8, 9 giờ xách rỗ ra vườn cắt bông bí đem vô khoe với vợ. Vừa cắt, Tư Trích vừa ngâm nga nho nhỏ, thường là bắt đầu bằng câu đã có từ lâu: Mẹ mong gã thiếp về vườn. Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh. Ngâm đã rồi chú phụ đề như là có người kế bên. Không có sẵn dưa hường, nấu với dưa chuột tôm khô hay cá diêu hồng cũng hết xẩy vậy bây! Có bữa hứng chí chú ư ử mấy câu tự mình ứng khẩu: “Bông bí vàng tươi như đời em thắm. Ăn bông bí nhiều không tắm cũng thơm. Rồi chú liếc mau vô nhà nghĩ thầm: Em không tắm mà da em cũng thơm mùi xà bông Cô Ba là cái chắc! Rực vàng bông bí sau vườn. Thương em không dám leo tường cũng leo. Ờ, mà em chịu đèn thì tội gì không leo qua! Ngu sao! Hay Bông bí vàng lườm trong chùm xanh lá. Anh ngắm em hoài sợ má em la. Con gái người ta mà ngắm hoài chết duyên còn gì cha nội! Mấy ý bậy bạ nầy chú bị vợ háy nguýt hoài mà không chịu bỏ, vẫn lẫm nhẫm rồi tủm tỉm cười một mình. Chú giải thích với bà vợ ù ù cạt cạt của mình: “Mình biết không? Phải ăn bông bí nhiều thì người mình mới có hương thơm. Ăn nhiều là yêu bông bí vô vàn, sự yêu thích đó khiến cho mùi hương của bông bí có cơ tỏa ra lại khiến người mình được thơm tho.” Thím Tư chỉ buông tiếng ‘Vậy hả?’ rồi tiếp tục làm công việc của mình, ngại hỏi dần lân láng cháng ổng nổi máu Ca Dao lên thuyết giảng thì chặt hổng đứt, bứt hổng rời, hết buôn hết bán buổi sáng.
Vậy mà buổi sáng đó khi chồm vói vô một sợi dây bí rợ bò hơi xa, chú Tư trợt cẳng vấp vô đâu đó một cái quá mạng. Gần sứt móng ngón chưn cái luôn. Trét vô chút xíu dầu gió xanh, xé lấy miếng giẻ rách cột lại, tưởng vài bữa là yên chuyện. Ai dè!
Ngó qua hàng hiên nhà trước mặt, chất đầy mít, đu đủ trong khi khách hàng lựa lựa người chủ điềm nhiên ngồi chích thuốc thúc chín vô cuống bất cứ trái mít nào còn xanh, chú nói:
“Thằng Dần bên kia biết kiếm tiền ha, tiếc là mấy tháng nay tôi nằm bẹp như người bụng bí đao làm biếng.” Rồi chú ngâm nga: “Bụng dài như trái bí đao. Nằm không ăn mãi ruộng sào cũng bay.”
Chú vừa ngâm vừa đưa tay quạt quạt lia lịa vì thím Tư vừa mới đốt nhang trên một hàng bốn cái trang thờ trong nhà, trang nào thím cũng đốt ba cây thành ra khói mịt mù, chú chảy nước mắt, ngứa mũi, lại khó thở rồi ho sặt sụa. Chú đổ quạu:
“Mình muốn giết tui thì nói đại đi chớ nhang mà đốt như ung khói, nhà lại không mở cửa sổ, kín như hủ nút thì chết người trong nhà chứ chết ai!”
Biết lỗi mình, thím Tư lật đật đi mở banh hết mọi cánh cửa phía trước, phía sau, gắn quạt máy ở gần chỗ chú Tư nằm…
“Không biết sao mà lúc nầy nhang có khói nhiều quá.” Chị vợ nói như để chữa tội mình.”
“Thì lúc nầy họ làm nhang bằng mạt cưa trộn acít nầy acít nọ cho có lời lại tẩm hương liệu bậy bạ nên khói là khói acít, hưởi nó hư phổi hư tim mà hơi vô mắt thì trước sau gì cũng mờ mờ, cườm nước, cườm khô mau mọc lên thôi.”
 Chú dòm lên dãy trang thờ, ra lịnh cho vợ:
“Mình hạ mấy dĩa cam xuống đi, nằm đây ba tháng rồi mà mấy trái cam đó không thúi thì mình biết đó! Cam tẩm ắp lẵm hóa chất mới vậy, dục đi, để trong nhà hơi nó bay ra không tốt đâu mà.”
Thím Tư lại bắt thang lên đem mấy dĩa cam xuống. Thím tiếc của xăm soi từ trái từ trái, ý chừng muốn giữ lại, Tư Trích nhướng mắt thấy bèn lên lớp vợ:
“Tui biểu mình dục là dục, bộ tui không biết tiếc của sao chớ, nhưng mà cam nầy từ Trung Quốc qua, nó tẩm thuốc giữ cho khỏi hư thúi nên độc lắm, ăn vô chẳng biết có bổ béo gì không nhưng chắc chắn là có thêm một chút hóa chất tích tụ vô người mình, về sau không phát bịnh nầy cũng sanh bịnh nọ.”
Thím Tư quày quả đem mấy trái cam ra vườn bỏ gom dưới gốc cây vú sửa để làm phân. Tư Trích dòm theo, biết ý vợ, muốn thuyết thêm nữa, nhưng ngại bị cho là mình nói nhiều nên chép miệng làm thinh nằm nhắm mắt.
Bỗng Tư Trích giựt mình đánh thót gần như muốn ngồi bật dậy khi nghe tiếng ngã rầm tiếp theo là tiếng loãng xoãng của chai lọ bể, tiếng rên nho nhỏ của thím Tư. Thì ra do kê cái thang bất ý sao đó thím bị thang ngã, bể hết mấy cái bình bông quí của chú.
Chú nói như hét:
“Bà làm bể hai cái bình bông quí của tui rồi phải không? Biết mà! Không coi trước coi sau!”
Không nghe tiếng vợ trả lời chỉ nghe tiếng rên nho nhỏ “Đau quá! Đau quá!” chú hơi dịu lòng lại rồi chú nói sau cái chép miệng:
“Vái trời cho bể cái lư hương với mấy cây đèn dầu, không bể hai cái bình bông cổ vật của tôi. Hai cái đó quí lắm, có tiền triệu cũng mua không được đâu!”
Vợ chú làm thinh. Vài phút sau chú thay đổi giọng, nói với vợ bằng lời âu yếm:
“Mình có sao không, tội quá, tôi không ngồi dậy được để đở mình. Mình ngồi xuống đây, tôi kể chuyện nầy cho nghe. Chuyện của tôi hồi nhỏ…”
 
“Cha tôi đau nặng. Ông bị bịnh suyển mấy năm rồi, khó thở, thường ngũ chồm hổm đầu cúi xuống, cong mình như con tôm, nói rằng như vậy hai lá phổi của ông trải ra, dễ thở hơn. Tôi, thằng bé mười tuổi, ham ngủ nhưng thường phải ngồi kế bên cha, ngủ gật gà gật gù mà tay thì cầm cái quạt mo quạt liên tục cho ông có đủ không khí để thở. Thỉnh thoảng cha kêu uống nước, tôi phải để quạt xuống, mò dưới chưn bàn cái vỏ chai nước mắm nhĩ Phú Quốc dùng để đựng nước chín, rót cẩn thận vô tách đưa cho ông. Tánh ông khó, rót nhiều cũng bị la, mà rót ít ông uống không đủ cũng bị rầy. Chai đẹp thiệt tình, màu xanh nhè nhẹ, trong suốt, hai hàng chữ trắng Nước Mắm Nhĩ Phú Quốc, Thượng Hạng in khắc chạm mờ mờ thay vì được dán nhản như tất cả loại chai nước mắm rẻ tiền khác. Mắt người cha theo dõi từng cử chỉ của thằng con. Cái chai trở nên thiệt nặng trong tay tôi. Tôi rót run tay vì biết rằng cha mình quí cái chai đó lắm, rớt bể chai chắc no đòn.
Hôm đó, tôi nhớ buổi chiều Thứ Bảy, tan trường, hớn hở cầm tấm Bảng Danh Dự về đưa cha ký tên, tôi được xếp trong năm trò học giỏi nhứt lớp tháng nầy. Cha nhìn tôi bằng ánh mắt thương yêu và hãnh diện, nói: ‘Con phải học giỏi hơn con Liên mới được nha.’ Tôi không hiểu tại sao ông nói hơn con Liên mà không nói hơn những đứa khác trong xóm như con Liễu, thằng Đực, con Bê, con Bưởi, thằng Thìn, thằng Tỵ…. Liên là con bà chủ nợ, nó học một lớp với tôi nhưng chúng tôi không chơi với nhau vì Liên là con gái nhà khá giả, đã biết làm điệu, đã biết phân biệt giàu nghèo. Ba nó làm thầy phạm nhe, chuyên môn thích thuốc theo toa bác sĩ, má nó là cô giáo mở trường dạy mẫu giáo trong xóm, bà lại sống phụ thêm bằng nghề cho vay. Cứ hai ba ngày con Liên qua nhà tôi một lần để đòi tiền góp, mỗi lần gặp mặt tôi nó đều giả lơ như không biết tôi, không thấy tôi, chỉ nói chuyện với ba, má tôi mà thôi. Hồi chiều nay nó cầm một tờ giấy biên dài sọc mấy chục hàng số nói rằng má nó cộng lại thấy nhà tôi thiếu tiền góp với tiền hụi ngày hơn tháng nay, nhiều quá rồi, phải kiếm cách trả không thôi má nó sẽ qua nói chuyện phải quấy. Cha tôi nghe tới chữ chuyện phải quấy thì làm mệt, kéo đàm chặn cổ, năn nỉ nó đi về, hứa rằng sẽ kiếm tiền trả dứt dạt khi ông bớt bịnh, rồi ông đưa cho tôi cộng lại bản tiền nợ. Tôi khám phá ra sai số mấy trăm đồng, con số thiệt là lớn thời đó. Run run tôi ngồi cộng tới cộng lui thiệt nhiều lần để chắc chắn rằng mình cộng đúng. Cha tôi vui mừng vì sự khám phá đó của tôi, ông nói vậy là con học giỏi hơn con Liên thiệt tình. Nó cộng sai, con đã bắt được lỗi của nó. Cha đưa tay xoa đầu tôi. Cử chỉ hình như lâu rồi không có. Được cha khen, tôi ngồi thẳng lưng trên ghế, chưn đánh đồng xa, mắt sáng rỡ, thoải mái. Chẳng dè chưn đưa quá trớn, đá bể cái chai nước mắm Phú Quốc của ông. Cha tôi nghe tiếng chai bể, ông xuýt xoa: ‘Vái Trời cho bể chai khác, không bể chai nước mắm nhĩ. Chai đó quí lắm! Khó kiếm.’ Tôi run run dọn dẹp, nói sự thật với cha trong tâm trạng chờ đợi sấm sét. Cha tôi chỉ thở dài: ‘Thôi bể rồi thì thôi, con phải rán học giỏi hơn con Liên hoài hoài mới được!’
Đó là một trong rất ít lần tôi làm bể vật gì mà không bị cha đánh đòn. Nhà nghèo mà, mình biết đó, nghèo thường hay tiếc của.
Sau nầy lớn lên mỗi lần thấy chai nước mắm nhĩ tôi đều nhớ đến gương mặt với giọng nói xuýt xoa của cha: ‘Vái Trời cho bể chai khác…’
Ôi nhà nghèo, cái ước mơ nhỏ nhoi sao mà quá lớn!”
Tư Trích ngừng kể, ông thấy giọt nước long lanh trên khóe mắt của vợ.
“Té ra hồi nảy tôi không bị chưởi như tách nứa giống mọi lần vì mình liên tưởng tới câu nói của ba trước đây. Câu nói vái Trời của mình với câu vái Trời của ba mấy chục năm trước sao mà giống!”
Tư Trích cười xẻng lẻng bằng câu ca dao ứng khẩu: “Giống nhau vì bởi chữ nghèo. Cha con đều vái, eo sèo chi em?” Hồi nảy tôi dằn cơn giận xuống, nén cái lòng tiếc của vì thấy mặt nhăn nhó đau đớn của mình, như là hồi xưa ba tôi dằn lại là vì tôi đem tấm Bảng Danh Dự về, và tôi đã cộng sửa lại bớt được số tiền thiếu nợ.”
Thím Tư vói tay rờ rờ cái chưn đau của chồng, cười cười.
 Tư Trích kéo vai vợ ấn ngồi lại thêm với mình khi thấy vợ dợm cẳng đứng dậy:
“Trời còn sớm, mình ngồi nán lại chút nữa để tôi kể chuyện khác cũng có liên quan đến cái nghèo ngày xưa, nhưng chuyện nầy vui hơn nhiều.”
 “....Đứa em gái tôi cả tuần nay bị bịnh nằm thiêm thiếp. Tôi rờ tay em thấy nóng, rờ trán em còn nóng tợn hơn. Cả nhà ai cũng lo. Bà ngoại lui cui nấu cháo thịt bằm cho em nói là ăn cho đổ mồ hôi mau hết bịnh. Em không ăn, chỉ húp nửa muổng cháo lỏng rồi để đó, thiêm thiếp trở lại, tô cháo chơ vơ, bốc khói trên bàn. Ẩn hiện dưới lớp cháo là những miếng thịt bằm trộn tiêu hành, gừng và nước mắm… mời gọi tôi. Thèm quá đổi, nước miếng ứa ra. Bao nhiêu năm rồi đâu được ăn cháo thịt bằm đâu. Ngó tô cháo mà tôi tưởng tượng ra được mùi thơm của tiêu, mùi cay của gừng, mùi béo béo của thịt được bằm với nhiều thịt nạc, chỉ có chút ít mở đưa trơn. Tôi bị tô cháo cuốn hút nên quanh quẩn bên giường em hoài. Nhiều lần em mở mắt ra thấy tôi vẫn lẩn xẩn kế bên, em hỏi giọng yếu ớt: ‘Bộ anh thương vì thấy em bịnh hả?’ Tôi không trả lời, trí óc và cặp mắt bận ngó chăm chăm vô tô cháo, thèm thuồng. Em nói: ‘Anh ăn cháo giùm em đi, em không đói.. .’ Tôi chỉ đợi có bao nhiêu đó thôi, kéo tô cháo tới gần, vừa ăn vừa nói: ‘Anh muốn được bịnh để được ăn cháo thịt bằm, bao nhiêu năm nay nhà mình đâu có ăn cháo thịt đâu.’ Em cựa mình nằm nghiêng để nhìn rõ tôi hơn rồi chậm rãi nói:
‘Em sắp chết rồi, anh có thương em khi em chết không. Thầy Năm Chích ba con Liên nói chiều nay chích một mũi nữa mà không hết bịnh thì ngày mai em chết. Em buồn quá vì phải xa ngoại, xa cha mẹ và hai anh.’
Tôi buông muỗng, đẩy tô cháo dở dang ra xa nói không ăn nữa. Em ăn cho có sức mau lành bịnh, đừng tin Thầy Năm Chích nói bậy bạ. Em nài nĩ tôi ăn hết tô cháo giùm, nói rằng anh thèm thì cứ ăn, em thích thấy anh ăn ngon lành như vậy. Em sắp chết rồi đâu cần ăn uống gì nữa, anh ăn đi để Ngoại vô rầy em.
Không đợi biểu tới lần thứ hai, tôi kéo tô cháo về, húp rồn rột ngon lành. Mồ hôi tuôn ra như tắm. Em mỉn cười vui héo hắt miệng méo xệch.
Có tiếng xe máy thắng rít trước nhà, giọng Thầy Năm Chích hớt hơ hớt hãi:
‘Có ai trong nhà không, nhớ là đừng cho con Lùn ăn gì nha, ban cua lưỡi trắng mới lộ tức là thương hàn nhập lý, cho ăn là lủng ruột chết liền đó. Hồi sớm mơi đi gấp quá quên dặn, không biết nhà có cho nó ăn gì chưa. Ăn rồi là kẹt lắm. Chạy thuốc không kịp đâu. Tức quá, hỏng biết sao chuyện quan trọng như vậy tôi lại quên lửng đi…’
Bà Ngoại dưới bếp tất tả đi lên, khi ngó thấy cái tô không trơ vơ bà bù loa trong nước mắt:
‘Tôi nấu tô cháo thịt bằm… Chết cha, nó ăn hết rồi. Tôi giết con Lùn rồi!’
Tôi tủm tỉm nói:
‘Con ăn đó ngoại, tại con Lùn nó hổng ăn chớ bộ.’
Bà Ngoại ngượng ngịu cú đầu tôi, chửi thương:
‘Tổ cha mầy, lại dụ ăn em. Để rồi Ngoại cầm đôi bông mù u của Ngoại nấu cho mầy nguyên một nồi cháo thịt ăn tràn họng hết thèm, bỏ tánh dụ ăn của em.’
Năm đó tôi lên mười một, chưa bao giờ trong nhà thấy được một bữa cơm ngon từ khi tôi biết nhớ!      
Dụ ăn cũng có cái hay. Cứu em khỏi chết, thằng nầy có công. Đó là câu mà sau nầy khi hơi lớn hơn một chút tôi thường đọc lên để đùa với ngoại. Tội nghiệp ngoại nghe tôi đọc như vậy chỉ cười hiền, không nói được lời gì. Mà mình thấy tôi có công không, nếu không dụ ăn của em thì nó đâu sống tới bây giờ.”
Thím Tư thấy chồng vui cũng vui lây, đưa tay rờ rờ lần nữa chỗ cái bàn chưn sưng băng vải của chồng ra điều lo lắng.
“Không biết chừng nào mới hết bịnh đây. Thấy ông nằm hoài cũng tội nghiệp. Thôi để tôi ra vườn coi có miếng rau cỏ nào hái vô nấu bậy một nồi canh.”
Được dịp trúng tủ Tư Trích nói mau:
“Ờ! Bà hái nhiều nhiều nha, rau tập tàng thì ngon, cũng như con tập tàng thì khôn.”
Thím Tư đứng dậy lấy ngón tay xỉa mạnh vô mũi chồng:
“Cũng cái giọng đó không! Hồi đó mỗi lần đi ngang nghe ông nói câu đó là tôi về khóc hết nước mắt. Dấu cha dấu mẹ thì được mà dấu thiên hạ ngoài đường sao khó quá. Mà không hiểu sao hồi đó tôi lại ưng ông để ông biến thằng con tôi thành thằng con tập tàng, bữa nào cũng thêm chưn thêm tay bắt mệt!”
Tư Trích cười xẻng lẻng nhìn gò má già mà còn thẹn thùng của vợ, bỗng chú hít hít mũi đánh hơi rồi la lớn:
“Chết cha! Nghe như mùi hủ rượu thuốc rắn hổ mang của tui bị đổ bể! Mình coi lại coi. Vái Trời cho đổ rượu chút đỉnh mà không bể hủ! Cái dòng rượu thuốc hổ mang ngâm sáu tháng tốt lắm, uống đã hết nhức mình mà trên biểu đâu dưới nghe răm rắp, không cãi.”
Người vợ cười hề hề:
“Bể cha nó rồi còn ở đó vái với cầu. Rắn hổ mang cái khỉ khô họ. Ba con rắn nước, tụi nó xẻ một đường dọc chỗ cổ rồi banh ra làm bộ như rắn hổ mang để gạt thiên hạ. Hổ mang nào mà đủ cho đám đàn ông mấy ngài ngâm năm nầy qua năm khác…” 
 
Để ăn mừng chưn mình hết đau, Tư Trích làm một bữa tiệc nhậu bĩ bàng với vài ba người hàng xóm. Rượu lừng lừng Tư Trích triền miên:
“Hồi đó tôi làm biếng học thuộc lòng lắm, ông thầy Quan, dạy Việt Văn cắc cớ thường bắt tụi tôi học từng đoạn từng đoạn văn xuôi dài mà ổng ưng ý. Tui ba gai, thà bị zéro chứ không thèm học thuộc lòng bất kỳ đoạn văn nào. Tới chừng ổng bắt học thuộc 50 câu ca dao thì tui nghĩ ra cách chơi trát ổng. Tui nặn óc đặt trước ở nhà mấy chục câu và cá với tụi bạn là ổng sẽ không dám nói tôi đặt tuồng bụng.
Quả thiệt y chang như vậy,  tới chừng làm bài thi Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt, môn Việt Văn của thầy Quan tôi về nhứt nhờ những câu ca dao trời thần của mình. Đâu ai thuộc hết ca dao đâu, cho nên gặp câu lạ ông thầy cứ làm thinh như mình đã biết, không gạch đỏ xanh gì hết là con đường khôn ngoan nhứt.
Trò chơi đó cho tới bây giờ tôi kiếm tiền nhuận bút hoài hoài bằng những bài xào đi kho lại như Tình yêu qua ca dao, Người phụ nữ trong ca dao, Tình huynh đệ trong ca dao, Tình quê hương trong ca dao, Ca dao như là cách chơi chữ, Cách ứng xử của người Việt qua ca dao, Sản phẩm địa phương qua câu hát… Cứ như vậy mà tôi làm tới. Bài nào cũng chỉ có một vài câu thiệt đã có trong sách vỡ, kỳ dư là giả, ở trong bụng tôi ra hết. Tôi đặt tên mấy câu mới sanh nầy là Ca Dao Tập Tàng.  Tập Tàng là lượm chỗ nầy một chút chỗ kia một chút góp gom chung lại. Góp của tôi là góp ý và cách làm theo thể tỷ với thể hứng..”
Thực khách coi bộ lơ là không muốn nghe. Có người quậy hơn trong khi chủ nhà huyên thiên nói ông ta rót rượu mời người kế bên vô vô lia chia, ngậu xị.
“Tài vặt đặt ca dao của tôi giúp tôi sau nầy được chọn vô tổ văn hóa, tuyên vận của phường,  tôi lo bóp óc nặn ra câu nầy câu nọ cho những chiến dịch của phường. Bù lại họ để yên không bắt đi Kinh Tế Mới. Được vài ba năm thì họ mời về, cám ơn mình, lúc đó nhiều khi vừa tủi thân vừa tức cười khi nhận được những bức thơ vận động đi Kinh Tế Mới do mình thảo ra hay những câu ca dao thúc giục do mình sáng tác trước đây…  Tài viết Ca Dao khiến tôi đụng được bà nhà tôi, khiến tôi không lúc nào đói, nhưng cũng nói thiệt nó làm tôi nặng lòng hơn hai chục năm nay!”
Thím Tư thấy chồng nói nhiều , nháy mắt ra hiệu nhưng chú Tư Trích cứ thao thao:
“Hồi còn chiến dịch Thủy Lợi tôi đặt câu hơi nặng: Thằng Trời đứng lại một bên. Để cho Thủy Lợi đứng lên làm Trời. Nói nào ngay, ban đầu thì tôi nói Ông Trời, mấy ổng bàn ra tán vô thét rồi đổi thành Thằng Trời. Mình cũng không dám cãi. Thế là cái câu mạnh mẽ, ngang tàng, coi Trời như không kia đi khắp mọi nơi có làm thủy lợi.
Sau nầy khi hết làm việc, ngẩm nghĩ lại, tôi thấy mình dại. Hơn hai chục năm nay cứ mang mặc cảm mình ngỗ nghịch với Trời vì một chuyện chẳng ra gì. … Chứa để mặc cảm tội lỗi trong lòng, thét thành tâm bịnh, tôi mất đi cái hoạt bát ngày xưa, thêm đau bao tử và trầm cảm. Gần đây bị thêm cái ung lớn trên bàn chưn tưởng là không thể hết, tôi cho là biến tướng của mặc cảm tội với nghiệp mình đã tạo trước kia.”
Có tiếng một thực khách vồm vàm hỏi theo giọng dân nhậu:
“Rồi sao lại bỗng nhiên hết đi, Tư Trích nói không xuôi là bị phạt ba ly đó nha!”
“Con người mà, đâu ai là không bất toàn. Quá khứ đã có cái bất toàn thì làm sao sửa được? Mặc cảm chỉ làm cho mình hết còn là mình. Tôi tỉnh ngộ, tôi nghĩ đời mình lỗi,xấu chẳng nhiều nhỏi gì. Tại sao không nhìn trên đại thể để thấy rằng mình tốt, để ý chi cái xấu nhỏ chẳng đáng kể, chỉ như một vết đen trên tờ giấy trắng thôi. Trong tương lai mình lo phát triển tánh tốt thì có ích lợi hơn tối ngày ngồi đó nghiền nát hồn mình trong mặc cảm tội lỗi xa xưa.
Vậy là chừng một tuần sau tôi hết bịnh. Cái chưn lành như được xức thuốc tiên. Tôi lại vui đời. Tâm ủ ê mặc cảm Thủ Huồng bị phạt tiêu tán không để lại chút dấu vết nào.”
Bạn nhậu nghe lọt lổ tai, cùng reo hò hoan hô vô cạn ly rần nhà.
Thằng con Tư Trích đi đâu vừa về, dựng xe ngoài sân, bước vô nhà như gió lốc, không cần chào ai, nói không kịp thở:
“Chúa Nhựt nầy biểu tình không được. Họ dựng nhiều chốt quá, lềnh khênh đâu của thấy họ, lại còn bắt nguội tuốt ngoài xa như mình là ăn cướp không bằng! Thôi tuần sau tính!” Nói xong nó lũi vô nhà sau, dáng buồn bực mệt mỏi.
Tư Trích giơ cao ly rượu về phía vợ, con mắt mặt nháy nhó trao đổi gì đó trong khi ngâm nga ứng khẩu:
Rau tập tàng thì ngon,
Con tập tàng thì khôn[1],
Văn tập tàng thì hay.
Con ơi, lấy phải làm nền,
Lấy nhơn làm gốc mà đền nước non.
Thiếm Tư đứng dậy cái rẹt, nói nho nhỏ:
“Thằng con tập tàng ngày xưa ổng thêm tay thêm chưn sao mà giống ổng hịt, chuyện nhà thì nhác, chuyện chú bác thì siêng! Rồi đây sẽ khổ, tôi lại phải đi lên đi xuống nuôi tù!”  
Tư Trích hiểu thái độ dùng dằng của vợ. Chú ngó theo bước đi của thím, mỉn cười bao dung. Bạn đồng tiệc vẫn triền miên trong ồn ào ly chú ly anh. Chú gắp một miếng gì đó cho có chừng, bỏ ơ hờ trong chén rồi chống đũa mơ màng. Xưa mình từng ăn lựu đạn cay, giờ con mình cũng thế thôi, có khác gì đâu nà. Chuyện trần gian nầy xoay qua xoay lại cũng từng bao nhiêu thứ như gió sớm, mưa chiều, sương khuya, nắng quái. Nhân quả luân chuyển, tất cả đều là vô thường. Đời nào cũng có cái sai đúng tương đối của thời nấy. May mà mình vừa hiễu được điều đó để rủ bỏ mặc cảm oằn nặng bấy lâu nay.
Và Tư Trích thoải mái nhập tiệc, lòng thảnh thơi như chưa từng bao giờ được như thế. Nắng chiều ngoài sân thiệt là đẹp dưới măt chú Tư.
 Victorville, CA, Sept. 18-25, 2011
Nguyễn Văn Sâm
(Trích tập truyện Quê Hương Vụn Vỡ, Viện Việt Học CA xuất bản, 2012)        
_______________
[1] Các câu hát trong bài nầy ngoài câu Mẹ mong gả thiếp về vườn. Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh và câu: Rau tập tàng thì ngon. Con tập tàng thì khôn là thiệt của dân gian truyền miệng từ lâu lâu lắm rồi, các câu còn lại là của Tư Trích.
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.169 giây.