Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop phát biểu tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Gerry Brownlee ở Sydney ngày 4/5/2017.
Trong 6 tuần nữa, Mỹ sẽ thông báo cho vài chục người tị nạn bị giữ tại những trung tâm giam giữ ngoài khơi Australia về việc nhận hay không nhận họ vào nước Mỹ.
Reuters dẫn tin từ hai người tị nạn trong diện này cho biết thời hạn đó là thời biểu cụ thể đầu tiên trong công tác sắp xếp trao đổi người tị nạn giữa Hoa Kỳ-Australia vốn gây nên căng thẳng giữa hai đồng minh sau khi Tổng thống Donald Trump gọi đây là “một thỏa thuận ngớ ngẩn” đối với Mỹ.
Các giới chức Mỹ đại diện cho Bộ An ninh Nội địa, tuần này, trở lại đảo Manus của Papua New Guinea, nơi có hai trung tâm giam giữ do Australia quản lý tại Thái Bình Dương để kiểm tra sức khỏe 70 người tị nạn.
Nhóm này vào tháng trước đã hoàn tất những cuộc phỏng vấn “rà soát lý lịch” kéo dài 6 giờ, với những câu hỏi cặn kẽ về những mối liên hệ, gia đình, bạn bè và tương tác, nếu có, với tổ chức hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo.
Sau khi hoàn tất giai đoạn khám sức khỏe, người tị nạn được báo sẽ có quyết định về đơn xin tị nạn của họ trong vòng 6 tuần.
Nhóm này từ các nước Pakistan, Afghanistan và Myanmar.
Phát ngôn viên của Bộ Di trú Australia, Peter Dutton, từ chối bình luận.
Cuối năm ngoái, cựu Tổng thống Barack Obama đồng ý một thỏa thuận với Australia nhận đến 1.250 người tị nạn. Chính quyền Trump nói chỉ tôn trọng thỏa thuận này để giữ mối quan hệ chặt chẽ với Australia, trong điều kiện là người tị nạn qua được các khâu rà soát chặt chẽ.
Đổi lại, Australia hứa nhận những người tị nạn Trung Mỹ từ một trung tâm ở Costa Rica, nơi Hoa Kỳ đã nhận một số lớn người tị nạn trong những năm gần đây.
Thỏa thuận trao đổi này một phần nhằm giúp Australia đóng cửa một trong những trung tâm tạm giữ người tị nạn ngoài khơi với chi phí vận hành tốn kém cùng và bị Liên hiệp quốc và những tổ chức khác chỉ trích về cách đối xử những người bị giam giữ.
Sự chống đối của ông Trump đối với thỏa thuận này từng gây căng thẳng mối quan hệ với đồng minh chính tại châu Á-Thái Bình Dương và một cuộc điện đàm gay gắt với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trước đây trong năm.
Nhượng bộ của ông Trump và một loạt các chuyến viếng thăm cấp cao của các nhân vật có uy tín của Mỹ đã giúp hàn gắn các mối quan hệ giữa hai nước.
Theo chính sách cứng rắn của Australia về di dân, những người tị nạn bị chặn bắt trên biển khi đang tìm cách đến Australia sẽ bị đưa tới các trại thanh lọc tại Manus và đảo Nauru, Nam Thái Bình Dương, kèm với thông báo rằng họ sẽ không bao giờ được định cư tại Australia.
Các tổ chức nhân quyền lên án chính sách ngăn chặn di dân và điều kiện khắc nghiệt trong các trại tạm giữ. Australia nói chính sách ban hành năm 2013 này là cần thiết để ngăn bước người tị nạn sau khi hàng ngàn người bị chết đuối trên biển.
Dưới áp lực, Australia và Papua New Guinea sẽ đóng cửa trung tâm giam giữ Manus vào ngày 31 tháng 10 tới. Từ đây tới đó, Australia hy vọng sẽ tái định cư cho hàng trăm người được xem là người tị nạn.
Những người không được định cư tại Mỹ sẽ được cho cơ hội định cư tại Papua New Guinea hay trở về nước.
Australia đã đề nghị cấp cho những người bị giam giữ 25.000 đô la để tình nguyện trở về nước, nhưng không mấy ai chấp nhận đề nghị này.
Theo VOA