Nhiều dấu hiệu căng thẳng trên Biển Đông đang hiển lộ...
Bản tin Sputnik của Nga, ấn bản tiếng Anh, cho biết các viên chức cao cấp Hoa Kỳ và Trung Quốc đã họp để tìm cách thu hẹp ngăn cách lập trường Biển Đông, theo lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis. Mattis nói trong buổi họp báo chung với Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson rằng về Biển Đông hai nước Mỹ-TQ đang thương thuyết để hiểu về các lĩnh vực, để thu hẹp lập trường với nhau, gỡ bỏ dị biệt...
Bản tin khác của Sputnik nói rằng chẳng bao lâu sau khi các cơ quan truyền thông quốc doanh VN-TQ nói rằng các viên chức quân sự cao cấp TQ-VN sẽ họp, thế rồi đột ngột hủy bỏ.
Bộ Quốc Phòng TQ đưa ra bản văn giải thích rằng các tướng TQ đột ngột bỏ họp và trở về TQ vì bất đồng với phía VN.
Trong khi đó, bản tin VOA ghi lời Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ngày 21/6 nói ông ủng hộ ý kiến trước đây của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đề nghị Quốc hội Việt Nam ra tuyên bố về Biển Đông, vì nó "thể hiện tiếng nói của nhiều người" và vì “sự sống còn của dân tộc”.
“Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trương Trọng Nghĩa phát biểu như vậy sau khi “xin lỗi” Quốc hội để chen vào những ý kiến về Biển Đông trong phiên thảo luận hôm 19/6/2014.
Theo LS. Trần Quốc Thuận, trong bối cảnh Trung Quốc vừa thông báo sẽ đưa giàn khoan từng gây sóng gió trong quan hệ Việt-Trung vào hoạt động ngay gần cửa vịnh Bắc Bộ từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9 năm nay, việc cơ quan được coi là có quyền lực cao nhất đưa ra một tuyên bố chính thức về Biển Đông là rất cần thiết.
“Tôi cho rằng tiếng nói đó là tiếng nói cần thiết và cũng thể hiện ý kiến của nhiều người, những người dân Việt Nam mà tôi biết khi nói về Biển Đông. Từ trước tới giờ về Biển Đông, Quốc hội chưa có tiếng nói nào chính thức, riêng rẽ, độc lập cả”.
Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận tình hình: Quan hệ Việt Trung bên bờ vực căng thẳng.
RFA nêu ra một viễn ảnh: Một số diễn tiến gần đây cho thấy mối quan hệ Việt- Trung căng thẳng với nguy cơ xung đột có thể xảy ra tại khu vực tranh chấp Biển Đông giữa hai phía.
Nghĩa là, chiến tranh?
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc, Tướng Phạm Trường Long rời Việt Nam ngay trước các hoạt động giao lưu biên giới giữa hai nước dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 22 tháng 6 mà không cho biết lý do. Ông Phạm Trường Long đến Việt Nam từ ngày 18 đến 19 tháng 6. Báo chí trong nước cho biết nhân chuyến thăm này hai bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về đào tạo giữa hai Bộ Quốc phòng. Trong chuyến thăm này, ông Phạm Trường Long đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Cả báo chí Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có những bài viết cho thấy chuyến thăm thành công. Tân Hoa Xã thậm chí còn trích lời ông Phạm Trường Long nói rằng nhờ sự thúc đẩy mối quan hệ của lãnh đạo hai nước, quan hệ Việt Nam Trung Quốc đang phát triển tốt và hợp tác hai bên đã đạt được những kết quả trong nhiều lĩnh vực. Tướng Phạm Trường Long còn nói Trung Quốc sẵn sàng kết nối sáng kiến Vành Đai Con Đường của nước này với kế hoạch Hai Hành Lang một Vành Đai Kinh tế của Việt Nam. Hai bên cũng thảo luận các vấn đề về vấn đề biển Đông. Theo Tân Hoa Xã, ông Phạm Trường Long cho biết tình hình biển Đông đã ổn định trong thời gian qua và đang có hướng tích cực. Ông cũng kêu gọi hai bên tuân thủ những thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo hai nước về vấn đề biển Đông.
Theo dự kiến ông Phạm Trường Long cùng Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch sẽ chủ trì các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam Trung Quốc lần thứ tư tại Lai Châu - Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc từ ngày 20 đến 22 tháng 6.
RFA ghi rằng một số chuyên gia quốc tế cho rằng lý do của quyết định cắt ngắn chuyên thăm Việt Nam có thể liên quan đến việc Việt nam mới đây cho phép công ty nước ngoài tiến hành các hoạt động khai thác gần bãi Tư Chính, nơi Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát địa chính của Việt Nam hồi năm 2011.
RFA cũng ghi rằng hôm 16 tháng 6 Trung Quốc cũng đưa giàn khoan dầu 981 đến cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc cũng đang đàm phán phân định. Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan này sẽ tác nghiệp tại đây trong khoảng thời gian từ 16 tháng 6 đến 15 tháng 9. Cục Hải sự Trung Quốc yêu cầu tàu thuyên qua lại khu vực này trong khoảng cách an toàn là 2 km với giàn khoan.
Trong khi đó, BBC dẫn lời báo New York Times rằng, phái đoàn của Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam sau khi "cơn giận dữ nổ ra trong thảo luận kín về tranh chấp" ở Biển Đông.
Cùng lúc đó, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, viết cho Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), rằng Tướng Phạm Trường Long "cắt ngắn chuyến thăm và bất ngờ rời Việt Nam vào chiều tối ngày 18/6 mà không công bố nguyên nhân".
BBC cũng cho rằng một số nhà phân tích cũng đồn đoán rằng có thể căng thẳng là vì Việt Nam gần đây tái khởi động việc khảo sát dầu khí ở một khu vực tại Biển Đông.
Nan đề Biển Đông không dễ vậy. Nếu ASEAN và Hoa Kỳ không nhúng tay vào, Việt Nam hẳn là sẽ yếu thế khi thương thuyết.
Trần Khải