Tống Văn đời Đường được bổ nhiệm làm tri phủ Tô Châu. Là người nổi tiếng thanh liêm, chính trực nhưng lại trọng Nho, khinh Thích. Khi về trấn nhậm Tô Châu nghe nói sự cụ Chùa Hàn Sơn là bậc tu hành đắc đạo nhưng không tin. Tống Văn lý luận rằng: Tụng kinh gõ mõ, lóc cóc leng keng ai làm chẳng được. Người tu hành không quyền thế, không binh lính trong tay, không hiền lành thì hung dữ với ai. Lại nữa, có tỏ ra hiền lành thì thập phương mới cúng kiếng chứ hung dữ thì chỉ có nước bỏ chùa đi ăn mày…cho nên tìm cách thử.
Tống Văn cho điệu một tội phạm trong ngục thất chuyên nghề ăn trộm, bảo phải lấy chiếc chuông Chùa Hàn Sơn đem về đây. Tội phạm vâng dạ và xin cho một chiếc xe kéo. Lúc này sư cụ có chuyện đi xa, chùa vắng cho nên tên trộm dễ dàng lẻn vào đánh cắp chuông, đem về đặt ngay ở phủ đường.
Khi về chùa, nghe Phật tử trình báo chuyện mất chuông, nhao nhao xin sư cụ báo cáo quan phủ để truy lùng tội phạm. Sư cụ điềm nhiên hỏi:
-Trình báo để làm gì?
-Dạ thưa thầy để trừng trị tên táo tợn này dám vào chùa ăn trộm chuông. Đó là quỷ sứ hiện hình, chứ có phải người đâu. Chắc ba đời con cháu nó phải quả báo sa địa ngục.
Sư cụ hiền từ nói:
-Khi túng thiếu thì nhà quan tổng đốc nó cũng dám vào ăn trộm chứ há gì chùa. Nó ăn trộm chuông chứ con cháu nó có ăn trộm chuông đâu mà đày chúng nó vào địa ngục, tội nghiệp.
-Thế nhưng chùa bị mất chuông bây giờ phải làm sao?
Sư cụ cười nói:
-Chuông đâu phải Phật, đâu phải Bồ Tát, đâu phải La Hán. Chuông chỉ là phương tiện báo giờ cho dân gian hoặc vân tập chư tăng thôi. Nay không có chuông thì dùng phương tiện khác. Vả lại tên trộm này ít ra cũng có chút hiểu biết…
Nghe tới đây thì đại chúng đâm bực mình, nhao nhao hỏi:
-Thưa sư cụ, nếu có chút hiểu biết thì ăn trộm nơi khác, tại sao lại vào chùa ăn trộm?
Sự cụ khoát tay trấn an đại chúng rồi nói:
-Tên trộm này biết rằng chùa là chốn từ bi cho nên có vào chùa ăn trộm thì chùa chắc sẽ tha thứ. Chứ nó đi nơi khác ăn trộm thì người ta sẽ đi thưa, rồi quan nha sẽ bắt và tra khảo nó. Chùa khác với người thường ở chỗ đó. Nay chùa cũng trả thù, đòi lại thì đâu còn là chùa nữa.
Nghe sư cụ nói vậy, đại chúng lãnh hội, lạy tạ, lui ra. Rồi sư cụ ra lệnh dùng mõ báo giờ thay chuông.
Tin đó mau chóng tới tai phủ đường, Tống Văn thất kinh hồn vía, thấy mình hồ đồ quá, vội vã thay quần áo, tới chùa lạy tạ sư cụ, trả lại chuông, xin quy y và nhận một pháp danh.
Sau đó Tống Văn đích thân bỏ tiền ra rồi vận động các phú hào của Phủ Tô Châu đóng góp, đúc một quả chuông lớn hơn nặng tới hai tấn. Nghe nói sau này, khi nghe tiếng chuông Chùa Hàn Sơn từ xa vọng tới, mà Trương Kế mới có thể kết thúc được bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc.
01/7/2017
Đào Văn Bình kể