“Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng…” Tất cả “Phấn Thông Vàng” của Xuân Diệu chỉ còn ngần ấy chữ lưu lại trong trí nhớ tôi, gắn bó như một phần đời không thể quên, không thể tách rời.
Lớp Pháp Văn Ðại Học Sư Phạm Huế niên khóa 1958-1961 nằm bên lề trái con đường có hai hàng cây xanh cao chạy từ tiền đình Tòa Ðại Biểu Chính Phủ trên đại lộ Lê Lợi, vòng qua một công viên nhỏ rồi thẳng lên dốc Nam Giao. Năm cuối, lớp chúng tôi chỉ còn bốn sinh viên: anh Lê Ngọc Diêu, anh Nguyễn Thành Hưng, anh Nguyễn Như Lộc và tôi.
Các phòng học dành cho các chuyên ban Anh, Pháp và Sử Ðịa mở ra cái hành lang ngắn ven đường. Giờ học tới, chúng tôi đứng tụm nhau trên cái hành lang ấy, chuyện trò đủ mọi vấn đề xảy ra trong cái thành phố nhỏ thân thiết với mỗi chúng tôi như vòng ôm ấm áp của mẹ hiền cho đến khi nhìn thấy hoặc Viện Trưởng Cao Văn Luận trong tấm áo chùng đen, nghiêm nghị xuất hiện ở đầu hành lang; thầy khoa trưởng Lê Văn lướt tới với bước chân nhẹ tưởng chừng không chạm đất.
Rồi thầy Nguyễn Khắc Hoạch lệt xệt đế giầy, cà vạt lỏng buông trên cổ áo, đôi mắt đỏ vì thiếu ngủ; Giáo Sư Camborde đường bệ, đem theo ông cả Châu Âu nên thơ, cổ kính khi ông phát âm chậm từng vần, kéo dài ra như âm ba sóng lượn ở đuôi chữ “Strasb..o..u..r..g,” thành phố đẹp nhất, quý phái nhất, mang nhiều phong vị của cả Pháp và Ðức, ngàn năm soi bóng xuống dòng sông Rhin huyền hoặc; cô Pias mặc áo sơ mi ngắn tay màu cà rốt, mái tóc búi cao vàng óng, vội vã đi băng qua dưới bóng những tàn cây đọng nắng trong cái công viên nhỏ.
Chúng tôi còn Giáo Sư Charles Bonzon và Linh Mục Lefas, một khi nhị vị đã bắt đầu nói là không bao giờ ngừng trước khi đồng hồ báo hết giờ. Linh Mục Urbain với đôi mắt màu xanh xám, thông minh, lẩn khuất nét nghi ngại, đôi môi mỏng kiểu Tây phương lúc nào cũng đỏ như một vết thương. Riêng cô Bảo Xuyến (bà Lê Văn) tươi tắn, linh hoạt với mái tóc à la garçonne, ánh mắt hiền hậu dưới rèm mi óng ả, nụ cười trên môi không bao giờ tắt, cũng như cô không bao giờ đến sau sinh viên mà luôn đứng bên cửa sổ chờ chúng tôi tới đông đủ để bắt đầu giờ học.
Ở thời điểm này, kiểm điểm lại, bạn đồng môn của tôi ngày đó đã mất hết. Anh Nguyễn Như Lộc vào những giờ phút cuối của cuộc chiến chấm dứt với biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Anh Nguyễn Ngọc Diêu qua đời tại Canada có lẽ đã trên mười năm. Anh Nguyễn Thành Hưng mất tại Việt Nam, ở quê hương Ðà Nẵng, tuy các con anh định cư ở Hoa Kỳ và trước đó anh chị vẫn thỉnh thoảng đi thăm qua những chuyến du lịch ngắn ngày.
Về phía ban giảng huấn, mất mát bất ngờ và sớm sủa nhất là Linh Mục Urbain, tiếp theo là cô Pias, Linh Mục Cao Văn Luận, Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch, Linh Mục Lefas, Giáo Sư Lê Văn.
Các cựu môn sinh Ðại Học Sư Phạm Huế rất xúc động nhận được kỷ vật như một nén tâm nhang đầy tình nghĩa từ Giáo Sư Bảo Xuyến, cũng là bà quả phụ Lê Văn, một DVD thu gom toàn bộ 23 số Dòng Việt đã phát hành hầu lưu lại cho người sau những tài liệu văn học quý giá của dân tộc.
Phải nói chúng tôi đã được may mắn lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi chiến tranh còn xa thành phố, người tình còn là những hẹn hò mây bay gió thoảng và khói đạn bom chưa ở cường độ làm cay mắt đám con gái trong giảng đường đại học. Cha, mẹ, thầy, bạn, đều là những tấm gương tốt cho chúng tôi noi theo trong cuộc sống đẹp như một bản hòa âm trải đi trên những cung bậc tài hoa.
Bây giờ hồi tưởng lại những tháng năm tuyệt vời đã vô cùng xa xôi ấy, lòng tôi như bị cứa ra từng đoạn, đôi mắt khô vì tuổi tác lệ dâng như cơn mưa tím trên ngọn cây sầu đông trơ trọi ở một góc vườn vắng vẻ. Kỷ niệm là những mảnh vỏ nâu khô bị bóc ra khỏi mình cây khuynh diệp đứng trơ xương cốt trắng hếu bên vệ đường, gió làm rơi rụng tả tơi và thoi thóp nhớ nhung.
Ba năm đại học ở cả Văn Khoa và Sư Phạm, hơn một ngàn ngày ngược xuôi trên con đường Lê Lợi chạy dọc theo bờ hữu ngạn sông Hương, chúng tôi thân thiết nhau như thân thiết với sách vở hằng ngày theo chúng tôi tới lớp. Cuộc sống bình yên, an vui, thậm chí không bao giờ nghĩ đến chia tay.
Trong các bạn cùng khóa, anh LND có thân phụ là thẩm phán trong ngành tư pháp. Anh đã xuất dương du học bên trời Tây nhưng nửa đường hồi hương, không nghe anh kể vì lý do nào. Anh đi học bằng xe Lambretta. Mùa mưa, những khi tôi lướt thướt đạp xe tới trường, gặp anh ở hàng hiên, anh nhìn tôi nửa ái ngại, nửa ngượng ngùng vì ưu thế của mình.
Nhà anh có một thư viện nhỏ, kệ sách cao tới trần nhà, đôi khi phải dùng thang để lấy những cuốn ở trên cao. Những lúc cần tham khảo tài liệu để làm bài, tôi được anh cho phép đến thư viện nhà anh. Kết quả điểm các bài làm, do tôi lẻo mép hơn nên điểm thường cao hơn anh, đến lượt tôi ngượng ngùng vừa nhìn anh với lòng biết ơn, vừa phân bua với giáo sư.
Một tối mùa trăng năm nào tôi không nhớ rõ, anh bất ngờ chạy cái Lambretta vào sân nhà tôi, nói là “tiện đường đi một công việc khác, thấy trăng lồng lộng trên cái mặt hồ bát ngát hương hoa sen ngay ven đường” nên không thể không dừng xe lại. Chúng tôi và hai cô hàng xóm nhỏ thấy khách đến bất ngờ, vui thì hùa theo, cùng ra ngồi trên bờ cỏ ven hồ, thi nhau lượm gạch ngói vụn ném xuống nước để thấy nước bắn tung tóe lên những tàu lá sen đựng ánh trăng như thủy ngân. Nói chuyện vu vơ và cười vang một lúc thì sương xuống thấm lạnh hai vai, tiếng giun dế vang lừng trong các lùm cây thảm cỏ khắp bốn chung quanh, báo đêm đã khuya. Anh cáo từ ra về và đó là kỷ niệm duy nhất tôi còn giữ về anh ngoài khuôn viên trưởng.
Nhiều năm sau, tôi đã theo chồng rời xa Huế, sinh hai con gái đầu lòng, chị TN gặp lại tôi ở Hội Ðồng Thi Gia Long, cầm tay tôi nói cười trong mừng tủi: “Em thế này mà tin đưa về Huế, nói em khổ lắm, bị chồng đánh mỗi ngày một trận mềm như dưa, làm D. xót xa, than thở mãi: ‘Sao BH tươi tắn như vậy mà số không sung sướng?’”
Sự thật, tôi không hề bị đòn mỗi ngày như tin đồn nhưng quả là có nỗi buồn riêng, cũng bầm tím những vết roi. Lời nói vô tư của chị TN làm lay động trong tôi chút vui ngày tháng cũ, cho tôi cảm nhận thời chúng tôi có những tình bạn đồng môn chân thật, êm đềm, cao quý, có lẽ sau này không còn nữa.
Năm 2005, tôi về Huế viếng mộ phụ thân, đã ghé qua bờ sông Bến Ngự thăm PTBÐ. Anh U. phu quân của chị, vừa qua đời. Ngôi nhà rộng, thanh tịnh, thoáng mát, bàn ghế còn lại từ quán cà phê thời cuộc của anh chị đã đóng cửa, giờ đây im lìm úp mặt vào nhau.
Chị vẫn nhỏ nhắn, xinh đẹp, vẫn mái tóc cắt ngắn, đôi mắt bồ câu nay thấp thoáng chút buồn xa vắng, đằm thắm tiếp người bạn cũ chưa bao giờ gặp lại từ ngày được chị ân cần tiễn chân lên xe hoa về nhà chồng xa tận Sài Gòn, Tháng Ba, 1962. Vuông sân gạch ngăn nắp, sạch sẽ, còn ẩm hơi sương, cân đối với tiền đình ngôi nhà, duy nhất có một cội mai thật đẹp đứng trong chiếc chậu cổ, khiến tôi bàng hoàng như chạm phải một mảnh linh hồn Huế, mong manh mà kiên cường thách đố qua thời gian.
Cùng chiều hôm đó, chúng tôi từ hai hướng khác nhau, đội mưa đến một nhà hàng đặc sản Huế, ăn với nhau bữa cơm chung đầu tiên, có thể cũng là cuối cùng vì ai biết ra sao ngày sau? Tôi không còn nhớ rõ hương vị những món ăn nhà hàng dọn ra vì cảm xúc chìm vào ký ức ngổn ngang và có lẽ cũng vì phong cách chiêu đãi kiêu điệu theo thời thế của nhà hàng nay đã hoàn toàn xa lạ so với những năm tháng tuổi trẻ của chúng tôi lớn lên ở đây. Khác với chị, tôi bây giờ là khách lạ tình cờ về qua Huế.
Cơn mưa tuy đã tạnh nhưng những sợi mưa còn sót lại vẫn lác đác bay nghiêng trong ánh đèn đường khi chúng tôi từ giã nhau, hai đứa ở hai bên chiếc xe đạp, là bằng chứng một thời ngỡ như hoang đường trong sân trường đại học. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 10 năm tắm gội trong ca từ của ông, tôi 50 năm gió bụi quay về thành phố xưa, tắm gội trên dòng sông thinh lặng trong hai mắt bạn hiền, ngơ ngác thấy nguyên vẹn mình dường như chưa chút gì hao hụt hay tàn phai. Chia tay nhau lần này, biết có bao giờ còn gặp lại?
Con đường tôi đi bộ mỗi buổi chiều ở đây có hai hàng cây cổ thụ cao, mùa Hè thả bóng mát xuống lòng đường, mùa Thu Ðông lá trút như mưa. Tiếng chim về tổ ríu rít trong những tán lá rộng, có hôm lảnh lót nghe vui tai, khiến tôi cười thầm hình dung ra đám chim mái trẻ trung đang tranh nhau kể chuyện một ngày qua; có hôm dồn dập, ồn ào, rít lên chát chúa, có lẽ cũng giống con người, chúng cãi nhau.
Thế nhưng chiều hôm đó, tiếng một con chim lạ nghe lần đầu đâu đó trên những đỉnh cây xanh rậm rạp, um tùm, khiến tôi ngạc nhiên. Nó không phải là tiếng hót. Nó là tiếng kêu. Chậm rãi. Ồ ề. Như từ cái cổ khản đặc của một con chim già tình cờ dừng chân trên đường bay. Nó từ đâu đến đây, qua đêm, chờ sáng để bay tiếp tới nơi nào nó muốn tới, liệu đôi cánh cô đơn, mỏi mệt của nó có giúp nó hoàn tất con “đường xa vạn dặm, một mình ta đi,” hay không? Hay nó cũng như tôi, chờ ngày tới trả lời cho câu hỏi đêm qua?
Bước vào tuổi hoàng hôn vắng ngắt của cha mẹ ngày xưa, tôi thấm ngấm tự hỏi lòng cha mẹ tôi đã đào sâu, chôn chặt ở đâu, cách nào, những tháng ngày sống qua đầy ắp kỷ niệm và biến cố được/mất to lớn, trong cả một quá khứ dài của cả hai mà tôi sống kề cận bên cạnh, không một phút giây nào ngờ vực cha mẹ cũng có những niềm đau như bất cứ ai khác trên thế gian này? Hình như cha mẹ tôi có cùng một cách nhìn vào cuộc đời, chỉ nhìn tới, không nhìn lui. Không nuối tiếc. Không oán hận. Nếu không hy vọng, cũng không thất vọng.
Từ thơ ấu, tôi chứng kiến một phần không nhỏ cả sự nghiệp vẫy vùng ngang dọc của cha tôi từ Bắc vào Trung với lý tưởng mở mang dân trí, canh tân đất nước nhưng lạ thay, cha tôi không cho tôi khi lớn lên và quê hương chia cắt, một liên tưởng nào giữa người đàn ông phi thường, râu hùm, hàm én, mày ngài ấy và ông lão mái tóc bạc phơ, thần thái ôn nhu, chiều chiều chống gậy trúc ra vườn lặng ngắm cỏ cây, lắng nghe tiếng chuông thu không từ ngôi chùa bên kia cánh đồng ngân nga trong hoàng hôn bảng lảng.
Còn mẹ tôi? Từ cái đêm mùa Ðông tôi thức giấc ở tuổi lên bảy, kinh ngạc thấy bà xì xụp quỳ gối giữa cái sân gạch đỏ, khấn khứa trước chiếc ghế gỗ trên bày cái đĩa có nải chuối, ly nước trong và một cái ly khác cắm mấy nén nhang, tôi chạy ra, vịn vai mẹ, nhận ra khuôn mặt bà đầm đìa nước mắt trong ánh đèn dầu lù mù. Hóa ra trong ngày hôm đó, mẹ tôi được tin bà ngoại tôi bị nước lũ cuốn trôi trên đường về chợ.
Từ đấy về sau, tôi nhớ mẹ tôi không còn lần nào nhắc lại cái chết thương tâm của bà ngoại tôi. Nơi mẹ tôi chôn cất bà là trái tim bầm giập, chôn cất nhiều thứ thiêng liêng khác của người con gái làng quê nghèo khi rời bỏ ruộng đồng vì vâng lời các đấng sinh thành, đâu biết một lần đi là trăm năm vĩnh biệt?
Có chăng, khi tôi khôn lớn, ưu tư của cha mẹ mà tôi được nhìn thấy chỉ là nỗi băn khoăn gửi những ước mơ không toại vào con cái, kỳ vọng chúng sống tốt hơn cha mẹ. Có lẽ vì vậy, ngày tháng nào của cha mẹ tôi cũng chỉ là những phẩm kinh cầu an chan chứa từ tâm giành cho anh em chúng tôi.
Bây giờ bơ vơ nơi xứ người, xin mãi mãi tạ ơn tổ quốc, cha mẹ, trường xưa, thầy bạn cũ, đã ban cho tôi dung mạo và hành trang vào đời, dù nên hay hư, dù buồn hay vui, ân tình cao cả ấy là vốn liếng theo tôi trong chuyến đi, nâng dắt tôi qua bao nhiêu gian lao, trắc trở, gập ghềnh, làm nên ý nghĩa sự có mặt không quá trăm năm đời người của tôi trên địa cầu này.
Bùi Bích Hà