Cuộc sống ở Mỹ
Sau bốn tháng tạm cư ở trại Battan, chiếc máy bay đưa gia đình tôi đáp xuống phi trường L.A.X vào ngày cuối của tháng 9 năm 1988. Chú tôi và người anh họ đến phi trường đón chúng tôi. Tôi còn nhớ rõ tiết trời lành lạnh lúc đó như đang chớm Thu và chắc hẳn là cảm thấy lạnh hơn so với bây giờ, sau khi tôi đã sống 19 năm ở đất nước có khí hậu nhiệt đới.
Khi xe rời khỏi phi trường, tôi đưa mắt nhìn những cảnh vật hai bên đường với cảm giác bỡ ngỡ của người mới đến. Những xa lộ chằng chịt bắc lên nhau, những hàng xe hơi dài chạy nối đuôi trật tự không có một tiếng còi xe và những tòa cao ốc sừng sững xây dọc theo hai bên đường. Tôi đưa mắt như muốn thu nhận tất cả vào trong tâm trí cho thỏa lòng mong đợi từ mười mấy năm qua để được nhìn thấy giây phút này. Cảm giác bỡ ngỡ xen lẫn với nỗi háo hức nhưng tuyệt nhiên không có pha chút nỗi lo sợ nào trong lòng tôi. Một miền đất hứa đang mở rộng vòng tay đón chào tôi, người thanh niên ở lứa tuổi mười chín đầy mộng mơ và nhiệt huyết. Tôi đã tự nhủ cho dù bất cứ điều gì sắp sửa xảy ra cho tôi đi nữa, nó cũng sẽ không thấm vào đâu so với những gì bản thân tôi đã trải qua trong mười ba năm tôi sống dưới chế độ cộng sản.
Sau vài ngày ở tạm nhà người cô đã đến Mỹ vài năm trước, gia đình tôi thuê một căn nhà nhỏ gần khu Little Sài Gòn, góc đường Bolsa và Euclid. Để tiết kiệm tiền, cả gia đình sáu người nhưng thuê căn nhà chỉ có hai phòng ngủ. Bố mẹ tôi ở một phòng và các chị em gái ở phòng kia. Tôi thì được chiếc ghế sofa và cuộc đời tôi kể từ đó gắn liền với chiếc sofa trong phòng khách, chưa bao giờ có được một phòng riêng, cho đến khi tôi học ra trường Nha khoa.
Lúc tôi đến My,õ vì đã cuối tháng 9 nên các trường đại học cộng đồng đều đã nhập học. Tôi nghe theo lời khuyên của các anh chị họ đi trước là ghi danh theo học lớp Anh ngữ E.S.L ở trường Lincoln. Với vốn tiếng Anh sẵn có, tôi luôn tự hào với cái tên "quyển sách văn phạm biết đi" như các bạn ở Việt Nam đã đặt cho tôi vì tôi có thể đặt câu, dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh hay ngược lại một cách dễ dàng. Vậy mà những ngày tháng đầu, tôi thật sự ngượng ngùng và bối rối khi nói một tràng tiếng Anh rất đúng văn phạm mà cô giáo người Mỹ vẫn không hiểu tôi muốn nói gì. Tôi cũng chỉ nghe và hiểu phân nửa những gì cô giáo nói. Có như thế mới biết phần nghe và phát âm của mình dù có học nhiều ở Việt Nam, cũng chỉ có thể nghe và hiểu cách giáo viên ở Việt Nam phát âm tiếng Anh thôi. Tiếng Anh do người bản xứ nói khác rất nhiều và khi tôi mới bắt đầu nói với họ, tôi lại có thói quen nói quá nhanh và không phát âm rõ những âm cuối.
Ngoài giờ học ở trường, tôi còn tranh thủ đi bỏ báo vào buổi sáng. Cuối tháng 11 đầu tháng 12, trời bắt đầu trở lạnh. Tôi phải dậy thật sớm từ bốn, năm giờ sáng, co ro trong hai ba lớp áo ấm để đến chỗ cột báo và ôm báo ra xe. Tôi chỉ được hướng dẫn cách bỏ báo ngày đầu tiên, đến ngày thứ hai là phải tự lái xe đi bỏ báo một mình. Trời buổi sáng đầy sương mù bám vào kiếng xe khiến nhiều khi không thể thấy đường để lái. Lúc đó tôi rất gầy, chỉ độ 110 - 115 lbs thôi mà phải khệ nệ ôm từng chồng báo ra xe và lội bộ vào những ngõ ngách của những khu apartment để bỏ báo. Những ngày cuối tuần, báo càng nặng thêm vì hàng đống coupons quảng cáo. Tội nghiệp chiếc xe hơi nhỏ cà rịch cà tang mà tôi cứ phải thắng tới thắng lui, kéo cần số tới lui. Có lần vì quá vội sợ trễ giờ vì phải giao báo trước khi người nhận báo thức dậy, thay vì đẩy cần số xe vô "P", tôi đẩy qua "N". Vừa ôm chồng báo bước ra khỏi xe, chiếc xe tiếp tục lăn bánh tông vào phía sau của một chiếc xe đang đậu trong parking lot. Tôi hốt hoảng định bỏ chạy, nhưng mặc cảm tội lỗi làm tôi dừng lại. Tôi viết vội vào mảnh giấy gắn lại trên chiếc quạt kiếng, rằng tôi là một học sinh nghèo đang đi bỏ báo để dành tiền đi học, và xin chủ xe liên lạc với tôi ở số điện thoại nhà.
Cả ngày hôm đó tôi cứ thấp thỏm, hồi hộp, lo âu không biết người chủ xe sẽ tính sổ mình như thế nào. Không khéo tôi có đi bỏ báo thêm vài tháng nữa cũng không đủ tiền đền chiếc xe bị móp và hư sơn. Chiều hôm đó tim tôi như thắt lại khi tiếng chuông điện thoại vang lên. "Alô", tôi bốc điện thoại, cất tiếng chào bằng một giọng run run. Từ đầu dây bên kia là giọng của một người đàn bà Mỹ mà tôi đoán cũng đã đứng tuổi. Bà nói bằng một giọng chậm rãi, nhẹ nhàng cho tôi hiểu vì chắc bà thấy cái tên "Hưng" tôi viết để lại trên mảnh giấy. Bà cho tôi biết bà là giáo viên đã về hưu, nói tôi đừng lo, rồi khuyên tôi lái xe cẩn thận và ráng lo học hành. Tôi cảm động muốn rơi nước mắt. Trong khi tôi đang lo lắng chuẩn bị tinh thần cho một tràng mắng chưởi và đòi bồi thường, thì có người gọi đến cho tôi và còn khuyên bảo cố gắng học hành. Đúng là chỉ có ở xứ Mỹ!
Nhiều người đến trước, khi nghe tôi ngỏ ý muốn ghi danh đi học khóa học mùa Xuân bắt đầu vào tháng Giêng, họ khuyên tôi nên chờ đủ một năm rồi hãy đi học vì lúc đó tôi đã trở thành thường trú nhân thì không phải đóng tiền học phí cao. Thêm vào đó, lúc đó tôi sẽ được nhận thêm Cal-Grant B của chính phủ cấp khi đi học. Tôi nhẫm tính nếu chờ đến cuối tháng chín năm sau, tôi sẽ bị mất đến ba khóa học, mà mỗi khóa nếu lấy tối thiểu mười hai units, thì tôi sẽ mất ít nhất ba mươi sáu units. Tôi quyết định không nghe theo lời khuyên này, vì nếu phải đóng tiền học, tôi có thể mượn Financial Aid và nếu không được nhận Cal-Grant B thì cùng lắm tôi bị mất vài trăm đô một tháng, nhưng tôi sẽ bớt chi tiêu và có thể kiếm việc gì đó để làm them vì tôi nghĩ những mùa học đầu tiên, chương trình sẽ không có gì nặng nề lắm. Thà như vậy còn hơn phải để phí hơn một năm nữa mới vào học. Đó là một quyết định đầu tiên nhưng quan trọng trong quãng đời đi học của tôi và sau này khi có dịp nhìn lại, tôi hài lòng là mình đã quyết định đúng đắn.
Nhờ vào trường sớm, tôi ra trường sớm hơn một năm và trong một năm có thể làm ra số tiền gấp bao nhiêu lần số tiền có thể lãnh được từ trợ cấp Cal-Grant B. Điều quan trọng hơn, tôi biết có một số người, năm đầu tiên khi đến Mỹ, cũng vì trì hoãn việc đến trường, trong thời gian một năm chờ đợi, họ tìm một việc gì đó để làm full-time. Khi có một chút tiền trong tay, họ tìm mua một chiếc xe hơi mới nhờ việc mua xe rất dễ dàng ở xứ này với số nợ thiếu lại do nhà băng cho mượn. Rồi dần dần do áp lực phải trả nợ xe, tiền bảo hiểm, v.v..., việc trở lại trường là một điều không còn thực hiện được. Lúc đó, cách duy nhất là phải đi làm full-time, đi học part-time vào ban đêm. Rồi việc học cứ thế mà kéo dài ra. Với tôi, tôi đã quyết định rằng khi nước Mỹ cho tôi cơ hội, tôi phải bằng mọi cách nắm lấy, như việc nhập học sớm để ra trường, trước khi tôi có thể bị vướng bận và chi phối bởi những món nợ vật chất, dẫu cho tôi có là một học sinh nghèo nhất nước Mỹ đi chăng nữa.
Mùa học đầu tiên, để có tiền mua sách vở và đổ xăng, tôi vừa học vừa làm việc part time. Công việc đầu tiên là chạy bàn ở một tiệm ăn Việt Nam vì tôi nghĩ chắc những người đồng hương với nhau dù sao cũng dễ thông cảm và giúp đỡ nhau nhiều hơn. Công việc khá vất vả vì chủ nhà hàng sai tôi làm việc không từ một công việc gì, từ hút bụi, lau chùi sàn nhà, dọn bàn ghế, v.v... ngoài công việc lấy thực đơn cho khách. Chúng tôi thường về nhà rất khuya khi người khách cuối cùng đã rời khỏi nhà hàng. Tuy làm việc cực khổ như vậy để phục vụ khách đến ăn, nhưng khi khách để lại tiền tip cho anh em phục vụ, người chủ nhà hàng giữ lại tất cả không chia cho chúng tôi một đồng nào.
Có những đêm trở về nhà và gieo mình lên chiếc ghế sofa, tôi cảm thấy khắp người đau nhức ê ẩm, nhưng phải cố giương mắt vào trang sách để chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau. Mấy tuần lễ đầu sau khi nhập học, tôi vẫn còn thiếu một quyển sách Calculus nhưng chưa có tiền mua nên hằng ngày cứ phải mượn sách của người bạn để photocopy. Đến một hôm tôi hỏi người chủ nhà hàng tại sao tôi làm đã hơn hai tuần lễ mà ông ta vẫn chưa trả tiền lương cho tôi. Tôi cho ông biết tôi cần lãnh lương để có tiền mua sách học. Ông ta chỉ khinh khỉnh mở máy thâu tiền và vứt tờ giấy 50 đôla trên mặt bàn nơi quầy tính tiền. Tôi cố nuốt nỗi uất ức vào lòng mà cầm lấy số tiền. Kể từ đó, tôi không bao giờ trở lại nhà hàng đó nữa. Còn quyển sách Calculus mà tôi dùng số tiền đó để mua, tôi còn giữ nó mãi cho tới bây giờ. Có lẽ quyển sách đó sẽ trở nên cũ và lỗi thời, nhưng đó sẽ là món quà tôi trao cho con tôi như một kỷ niệm ngày cháu vào đại học.
Rời khỏi nhà hàng Việt Nam, tôi tìm việc làm parttime ở các nhà hàng Mỹ, hy vọng sẽ được đối xử khá hơn. Nhà hàng fast-food đầu tiên tôi làm là Kentucky Fried Chicken. Cái khổ đầu tiên là do tôi chưa quen hết tên các món ăn Mỹ nên thật lúng túng khi khách order, nhất là phải lấy order qua "Drive-thru", vì lúc đó khách hàng đâu có thể chỉ lên bảng cho tôi biết họ muốn ăn món gì. Một tuần sau tôi mới quen dần tên các loại thịt gà, các loại thức ăn kèm theo, đến tên các loại nước uống và tráng miệng. Cái khổ thứ hai là thối lộn tiền. Tôi chưa quen dùng máy cashier nên cứ bấm lộn và thối lộn tiền. Có lần, ông manager kiểm tra lại thấy thiếu đến 20 đôla. Cũng may ông nói là ông biết tôi mới đến Mỹ, nên còn dễ lầm lẫn trong việc thối lại tiền, chứ không có ý gian. Tuy nhiên, số tiền thì phải nộp đủ cho công ty vì nếu ghi thiếu thì chắc không sớm thì muộn, tôi sẽ bị đuổi việc. Tôi xin ông cho tôi ra xe lấy 20 đôla để bù vô số tiền thiếu vì tôi không muốn bị mất việc.
Tôi làm ở đó đến mấy tháng cho đến một đêm gần cuối mùa học đầu tiên. Đó là một đêm mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên. Trong lúc lau dọn sàn nhà trước khi ra về, tôi vì nóng lòng muốn trở về nhà để chuẩn bị bài vở cho bài thi final nên vội vàng và trong một lúc sơ ý, tôi bị trượt chân mất đà ngã nhúng cả bàn tay phải của mình vào thùng dầu chiên gà. Có lẽ vì quá đau đớn nên tôi không còn biết cảm giác đau nữa mà chỉ thấy thật khiếp sợ khi nhân viên cấp cứu đến và cắt đi vài miếng da đang bị lột ra trên bàn tay tôi, hệt như những miếng da gà chiên dòn mà hàng ngày tôi nhìn thấy. Trong lúc đó, tôi chỉ lo không biết làm sao ngày mai tôi có thể cầm viết để làm bài thi với bàn tay quấn đầy băng.
Khi tôi về đến nhà, cơn đau mới bắt đầu hành hạ tôi. Tôi lăn lộn trên chiếc ghế sofa trong cơn đau đang dày xé dù đã uống thuốc giảm đau. Tôi phải dùng một chiếc khăn nhỏ bỏ vào miệng cắn thật chặt để ba má tôi nằm ở phòng bên không đau lòng vì tiếng kêu rên của tôi. Tôi không muốn ba má tôi phải mất ngủ sau một đêm dài mệt mõi vì lo lắng. Còn bàn tay trái, tôi cố giữ cuốn sách cho thật chặt trong lòng để nó không rớt xuống, nhưng những hàng chữ thỉnh thoảng cứ như múa lượn và toả ra những làn hơi nóng như hơi nóng bốc lên từ thùng dầu chiên gà. Có lúc cơn đau làm tôi mê man, để thấy mình đang vui đùa và được nhúng bàn tay vào bắt những con cá lòng tong còn vướng lại trong những vũng nước trong sân nhà sau khi cơn nước rút. Ôi, vũng nước ngày xưa sao mát dịu quá chừng. Rồi cơn đau buốt lại mang tôi trở về với thực tại. Có đôi lúc như ngây dại, tôi định tháo hết bông băng để nhúng bàn tay mình vào một thau nước lạnh, hy vọng sẽ xoa giảm cơn đau. Cũng may tôi kịp tỉnh trí để tránh làm một chuyện điên rồ. Tôi dùng vài trang giấy đang viết để làm chiếc quạt nhỏ mong làn hơi mát từ chiếc quạt giấy có thể làm giảm bớt cơn đau. Cứ như thế, tôi vừa đọc, vừa quạt cho đến sáng.
Thời đó, sinh viên làm bài thi bằng cách tô đậm bằng viết chì lên những ô chữ trên tờ giấy scantron. Trước khi đến lớp, tôi thử dùng tay trái để tô bằng viết chì nhưng thấy quá chậm chạp, tôi sợ không đủ thời gian làm bài. Không có cách nào khác hơn, dù bàn tay vẫn còn băng kín và buốt nhói mỗi khi di chuyễn, tôi lấy con dao nhỏ và rạch miếng vải băng để ló ra ba ngón tay đủ để cầm cây viết làm bài. Tôi cầu trời cho bàn tay tôi không bị tật nguyền vì tôi còn có quá nhiều ước mơ chưa thực hiện được và chắc chắn rất cần đến cả hai bàn tay của mình. Nhờ ơn trên phù hộ, mấy tháng sau, bàn tay bắt đầu lành, tuy vết sẹo trên bàn tay vẫn còn cho đến hôm nay. Kể từ đó, tôi không còn hứng thú gì mỗi khi ăn gà chiên nữa.
Sau đó, tôi còn làm một số công việc khác như đi giao pizza, làm inventory cho các cửa tiệm bán hàng lẻ, v.v...Có lần khi đi xin việc mới, người mananger đùa với tôi là tôi có nhiều kinh nghiệm trong mọi ngành nghề vì gần như nghề nào tôi cũng làm qua. Lý do chính phải đổi nhiều công việc vì tôi muốn tìm công việc nào thuận tiện với giờ giấc và việc học của mình.
Mùa học đầu tiên, ngoài ESL và Calculus là hai môn học dễ dàng với vốn kiến thức đã có, tôi lấy thêm lớp Sociology. Đây là sai lầm đầu tiên trong những ngày đầu đi học ở Mỹ vì tôi đã không lượng sức mình. Ôi chao, có những lúc thầy giảng bài mà tôi ngồi nghe như vịt nghe sấm vì nhiều từ ngữ lạ lẫm mà tôi chưa bao giờ nghe đến với vốn sống ít ỏi chỉ có vài tháng trên đất Mỹ. Trong khi các sinh viên khác trong lớp ngồi ghi chép lia lịa những điều thầy giáo giảng, tôi ngồi hết sức tập trung và cố gắng theo dõi những điều ông Giáo sư đang giảng mà cũng không ghi chép được gì nhiều. Sau đó tôi mới nảy ra ý nghĩ phải mang theo máy ghi âm rồi mang về nhà từ từ nghe đi nghe lại để chép xuống sau khi đã làm quen với những từ ngữ mới đọc từ trong sách. Có thể nói tôi phải học cực hơn gấp ba bốn lần cho lớp này. Đó là con B đầu tiên trong đời mà tôi hứa với lòng sẽ cố không tái phạm lại lỗi lầm này. Rút kinh nghiệm từ mùa học đầu, những mùa học kế, tôi lấy những môn như Toán, Vật lý, Hóa Học, và Sinh vật học trước, vì những môn này rất dễ dàng để lấy điểm A cho dù có lấy hơn mười hai units trong một mùa học, nhất là đối với những người đã học qua bậc Trung học ở Việt Nam rồi.
Bắt đầu mùa học thứ hai, để tiết kiệm thời gian lái xe đi lại, tôi xin làm việc work-study ở trong trường. Tuy được trả lương ít hơn, nhưng công việc tương đối nhàn rỗi. Với kiến thức của một học sinh chuyên toán ngày nào, công việc phụ giáo cho phòng Math lab của trường quả thật nhàn rỗi và dễ dàng. Đó là lúc tôi có nhiều thời gian rãnh rỗi để làm quen với cô bạn gái trong thư viện của trường, như trong ca khúc "Chuyện Tình Tuổi Học Trò" mà tôi sáng tác sau này, vì trong những năm tháng đi học, tôi phải tạm xếp lại nỗi đam mê viết văn và âm nhạc của mình. Cô bạn gái trong thư viện đó không ai khác hơn chính là người bạn đời của tôi sau này.
Quen nhau trong những năm tháng vất vả nhất của đời sinh viên nên chúng tôi rất yêu thương và quý mến nhau. Ngọc Bích, tên người bạn đời, đã cùng tôi chia sẻ biết bao đắng cay ngọt bùi trong vai trò của người bạn gái mà cũng là người bạn học thân yêu. Có những buổi trưa chỉ còn vài đồng xu dính túi, chúng tôi rủ nhau vào quán food-to-go, vét hết tiền chỉ đủ mua một phần cơm với thịt. Sau khi xin hai cái muỗng và một vài bịch xì dầu, chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện học hành, chuyện tương lai. Đó là những bữa ăn ngon nhất trong đời mà sau này dù có được ăn những bữa ăn ngon sang trọng đến cỡ nào đi nữa, tôi vẫn nhớ mãi phần cơm với vài miếng thịt chan xì dầu này.
Hai ngày cuối tuần, tôi tranh thủ lái xe đến khu chợ trời ở Costa Mesa để dọn hàng và phụ đứng bán hàng, kiếm thêm tiền trang trải cho tiền học và tiêu dùng vì ngoài số tiền mượn ít ỏi từ Financial Aid, tôi không được nhận một trợ cấp nào. Mỗi thứ Bảy và Chủ nhật, tôi phải thức dậy từ bốn giờ sáng để lái xe đến khu chợ trời. Không phải tuần nào đến cũng có người thuê làm vì có rất nhiều người đến xin việc ở đây. Có những hôm phải lái xe về không mà còn bị mất hai đô la vào cửa. Nhưng tôi tự an ủi là bù lại, tôi sẽ có thêm thời gian ghé vào một thư viện nào đó để học bài. Thời gian là điều mà tôi ước mong mình có được nhiều hơn trong quãng đời đi học, cho nên khi thấy một số các em ngày nay thật may mắn khi không phải vừa đi học vừa đi làm như thế hệ của tôi, mà lại hoang phí thời gian và sao lãng việc học hành thì thật là đáng trách.
Thêm một câu chuyện tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ, đặc biệt là những em học sinh mới vừa tốt nghiệp Trung học. Trừ những học sinh xuất sắc được cấp học bổng vào những trường đại học danh tiếng, một số em khác, ngay sau khi tốt nghiệp Trung học thường có xu hướng muốn vào Đại học - University ngay, thay vì học tiếp tại các trường Đại học cộng đồng - Community College. Sở dĩ vậy, có thểõ do một vài lý do sau đây. Thứ nhất, khi các em thấy bạn bè của mình vào các trường University, nên cũng muốn vào cùng một lúc cho có bạn. Một lý do khác là các em với lứa tuổi mới lớn, muốn sống một cuộc sống tự lập, mà các trường Community College phần lớn lại ở gần nhà, nên không có lý do cho các em dọn ra khỏi nhà.
Theo tôi, chuyển lên học University liền là một quyết định không khôn ngoan lắm, nhất là với các em đang có ý định theo học các ngành Y, Nha, Dược. Có nhiều lý do để theo học Community College trước. Trước hết, như kinh nghiệm của chính bản thân tôi, những unit tôi học ở Community College vẫn được tính vào điểm tổng kết G.P.A và một số lớp bắt buộc phải lấy trước khi vào trường Nha khoa, tôi có thể lấy ở đây. Thêm vào đó, học phí của các trường Community College thấp hơn nhiều so với các trường University, nên rất đỡ tốn kém cho các bậc phụ huynh của những em không nhận được học bổng. Kế đến, là điều kiện và môi trường học ở Community College tương đối dễ dàng hơn để lấy điểm A, so với những công sức mà các em khác lấy cùng một lớp ở University phải bỏ ra, vì số sinh viên trong một lớp ở Univesity đông hơn rất nhiều, nên phải tranh đua với nhau rất vất vả mới lấy được điểm cao. Điều quan trọng cuối cùng là ở lứa tuổi vừa ra khỏi Trung học, các em dễ dàng bị bạn bè xấu dụ dỗ làm sa ngã và sao lãng việc học hành nếu như các em dọn ra ở riêng cho gần University, so với các em học thêm một đến hai năm ở những trường đại học cộng đồng, được gần gũi và có sự quan tâm hỗ trợ của các bậc phụ huynh.
Một quyết định khác tôi nghĩ cũng rất có lợi và tôi cũng xin chia sẻ với các bạn trẻ. Sau khi học hết các môn có thể lấy ở Community College, đến đầu năm thứ ba (Junior), tôi chuyển trường lên học ở UCLA. Trong năm thứ ba này, tôi đã lấy bài thi DAT (Dental Admission Test) thay vì chờ đến năm thứ tư (Senior) như nhiều sinh viên khác. Kết quả điểm thi 24/30 làm tôi rất phấn khởi (xin được nói thêm là nếu số điểm DAT trên 19 là có khả năng được nhận vào trường Nha khoa rồi), cộng với số điểm G.P.A khá cao của tôi, nên thay vì chờ thêm một năm nữa để lấy B.S. như các bạn học cùng khóa, tôi nộp đơn vào Nha khoa năm thứ ba và được một số trường Nha khoa gởi giấy nhận học. Tôi chọn trường Nha khoa Loma Linda University vì trường cũng gần nhà và tôi đã được nghe nhiều điều tốt về ngôi trường danh tiếng này.
Nhờ nộp đơn sớm ở năm thứ ba, tôi ra trường trước hơn các bạn cùng khóa học (undergrad) một năm. Các trường Nha khoa phần lớn không đòi hỏi sinh viên phải có bằng B.S, chỉ cần điểm DAT và GPA cao và học đủ các môn đòi hỏi là có thể được nhận vào trường. Đây là một điều mà các bạn sinh viên cần để ý khi đọc kỹ các thể lệ của từng trường, vì nhiều khi ngay cả các counselor nếu không chuyên ngành của bạn định học cũng không nắm vững hết những đòi hỏi của từng trường. Chính vì có những quyết định đúng lúc, nên chỉ trong vòng chưa đầy ba năm từ khi bước chân vào trường đại học cộng đồng ở Mỹ, tôi đã trở thành sinh viên Nha khoa trong trường đại học nổi tiếng này.
Những năm học ở trường Đại học Nha khoa Loma Linda, tôi vẫn là đứa học trò nghèo nhất trường. Phần lớn các sinh viên là con của những gia đình tương đối khá giả hoặc ngay trong số những sinh viên Việt Nam, cũng là những người có cha mẹ đã định cư ở Mỹ từ nhiều năm trước. Các bạn bè của tôi trong trường Nha khoa cùng khóa không phải lo nhiều về chuyện ăn ở hay các phí tổn khác, mà chỉ tập trung vào việc học. Trong bốn năm theo học ở trường Nha khoa, có lẽ tôi là đứa sinh viên duy nhất vừa học tám tiếng một ngày trong lớp cộng với những giờ thực tập ở những phòng lab, vừa phải đi làm thêm ở phòng Sterilization để kiếm thêm tiền chi tiêu cho việc ăn học. Trung bình trong suốt bốn năm ở trường Nha khoa, tôi chỉ ngủ khoảng ba đến bốn tiếng đồng hồ một ngày, và nhiều khi mệt quá, tôi ngủ luôn trong phòng học dành cho sinh viên Y và Nha. Đến năm thứ ba, tôi được học bổng của trường. Kể từ đó, tôi mới đỡ vất vả hơn cho đến khi ra trường vào năm 1996.
Ngày lễ ra trường, trong lúc bước lên khán đài để nhận bằng trong tiếng nhạc chào mừng, tôi đã không cầm được nước mắt. Lần đầu tiên trong suốt cuộc đời sinh viên khó nhọc ở đây, tôi đã khóc. Đây là những giọt nước mắt vui mừng vì tôi biết những cố gắng của tôi cuối cùng cũng đã được đền bù.
Trên đây là câu chuyện về cuộc đời của tôi, "My Life". Hy vọng rằng người đọc, nhất là các bạn trẻ sẽ tìm thấy qua câu chuyện này một điều gì đó hữu ích cho cuộc sống của mình.
Anthony Hưng Cao
___________
Tiểu sửCao Minh Hưng
-Sinh năm 1969 tại Sài gòn, Việt nam. Định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1988. Theo học ngành Sinh Vật Học (Biology) ở UCLA. Tốt nghiệp Nha Khoa từ trường đại học Loma Linda, California năm 1996. Hiện hành nghề nha sĩ tại Costa Mesa, California.
-Đồng Sáng Lập Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ năm 2010
-Host các chương trình TV Talk Show: Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ Talk Show, Tài Năng Trẻ, Nhận Định Thế Sự
*Giải thưởng Danh Dự Viết Về Nước Mỹ-Việt Báo 2008: Truyện ngắn "Con Búp Bê"
*Giải thưởng Tác Giả Xuất Sắc Viết Về Nước Mỹ-Việt Báo 2010: Truyện ngắn "My Life"
Cao Minh Hưng nhận giải thưởng "Tác Giả Xuất Sắc" từ nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
*Nhạc phẩm: Phần lớn các ca khúc được giới thiệu trong mục "Published Songs" trên trang website này.
*CD đã phát hành: -CD "Tình Khúc Cao Minh Hưng - Phượng Đỏ Mùa Đông" do Trung tâm băng nhạc Làng Văn phát hành vào tháng 7 năm 2009.
-CD "Tình Khúc Cao Minh Hưng - Vần Thơ Qua Nốt Nhạc" do Trung tâm Emerald Music Production phát hành vào tháng 9 năm 2010.
-CD "Tình Khúc Cao Minh Hưng - Như Bóng Tình Yêu" do Trung Tâm Ngôi Sao Tương Lai phát hành vào tháng 7 năm 2012.
-CD "Tình Khúc Cao Minh Hưng - Và Thôi" do Trung Tâm Blue Ocean phát hành năm 2015
*Những truyện ngắn và thơ: Phần lớn các truyện ngắn được lưu trữ trong mục "Published Stories" trên trang website này. Các truyện ngắn và thơ cũng được đăng trên nhật báo Việt Báo, Tạp Chí Thế Giới Phụ Nữ, Việt Tide, Tuyển Tập Đồng Tâm, Đặc San Bình Dương, Tuyển Tập Văn Học Nghệ Thuật Hải Ngoại CLB Tình Nghệ Sĩ, v.v...
*Các tác phẩm đã phát hành: Tập nhạc "Thắp Sáng Việt Nam", Tuyển Tập Việt Bút 2017 (chung với một số tác giả), My Life và Những Câu Chuyện Ngắn, v.v...