Trong chuyến công du của Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc, Mỹ, Nhựt giúp cho CSVN một gói đầu tư 22 tỷ Mỹ kim và một số tàu tuần tra cũ được tân trang. Mỹ và Nhựt có bàn với TT Phúc về tăng gia tương quan quốc phòng và an ninh hàng hải ở Biển Đông. Khi Ô. Phúc về nước, không lâu sau Nhà Nước CSVN dùng vũ khí dầu lửa và khí đốt mời gọi, liên doanh, hợp đồng cho một số nước thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông, phá gọng kềm đường lưỡi bò của TC. Điều mà đài RFI của Pháp ngày 7-7-2017 phân tích thành một bài tựa đề “Biển Đông: Việt Nam dùng dầu khí công phá đường lưỡi bò Trung Quốc”. Nói rằng “Việt Nam đang nổi lên thành nước bạo dạn nhất trong việc chống lại yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, thông qua hai hành động cụ thể nhắm vào đường lưỡi bò Trung Quốc, với vũ khí là quyền thăm dò dầu khí. Mỹ và Ấn Độ là hai phía hỗ trợ Việt Nam.”
Bản tin kể, “Hà nội cho phép Talisman-Việt Nam - một liên doanh giữa ba tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tây Ban Nha và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất – khởi sự khoan dò tại lô 136-06, xa hơn xuống phía nam. Hà nội hôm 06/07/2017 triển hạn giấy phép thăm dò lô 128 ngoài khơi miền Trung Việt Nam, cho tập đoàn Ấn Độ ONGC Videsh. Cả hai lô này đều bị Bắc Kinh cho là của họ vì nằm bên trong đường 9 đoạn – còn gọi là đường lưỡi bò – mà Trung Quốc trưng ra để khẳng định chủ quyền. Theo trang mạng Mỹ The American Interest hôm qua, quả đúng là với hai động thái liên tiếp đó, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò «đối thủ hàng đầu» của Trung Quốc tại Biển Đông.”
RFI trước đây ngày 13/1/2017 còn có bài “Dù Biển Đông căng thẳng, Việt Nam vẫn ký thỏa thuận với Exxon Mobil” của Mỹ. Tin rằng “Ngày 13/01/2017, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã cùng với Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã ký với tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil.” Mỏ khí Cá Voi Xanh là dự án khí lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay… Cá Voi Xanh nằm trong vùng biển đang tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc.”
Còn Mỹ từ khi tân Tổng Thống Trump chấp chánh, theo các giới quan sát, Mỹ, Nhựt, Ấn bày tỏ lập trường ủng hộ VN trong vấn đề bảo vệ Biển Đông sau chuyến đi Mỹ, Nhựt thành công của TT Nguyễn xuân Phúc, và hành động của TT Trump liên tiếp thực hiện hai chuyến tuần tra «bảo vệ quyền tự do hàng hải» trên Biển Đông, thách thức Trung Quốc khi cho chiến hạm Mỹ tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các thực thể mà Bắc Kinh trấn giữ, cả ở Trường Sa lẫn Hoàng Sa.
Hải Quân Mỹ phá Vạn Lý Trường Thành trên biển của TC. Tiêu biểu, tin RFI của Pháp, “Theo truyền thông Hoa Kỳ, Chủ nhật 02/07/2017, quân đội Mỹ đã cho một tàu khu trục áp sát đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, bên trong phạm vi 12 hải lý.” Hoàng sa là quần đảo TC đã chiếm cứ toàn bộ, Quốc Hội TC đã sáp nhập vào lãnh thổ TQ, với tên là Huyện Tam sa, và lập một thành phố hành chánh gọi là Tam sa trực thuộc tỉnh Hải Nam của TQ. Khu trục hạm USS Stethem của Mỹ đi vào khu vực trong vòng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, coi như Mỹ phủ nhận bằng hành động những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các hòn đảo mà họ đã chiếm đóng và đã xây dựng trên đó các công trình kiên cố. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố “kiên quyết phản đối việc tàu chiến Mỹ đi vào lãnh thổ của Trung Quốc”, và tố giác Hoa Kỳ gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Mỹ cứ tỉnh bơ. Đây là lần thứ hai dưới thời tổng thống Donald Trump, tàu chiến Mỹ tiến hành tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông, bất chấp các đe dọa của Trung Quốc.
Ngoài những xung khắc vì lý do biển đảo, Hà nội và Bắc Kinh còn đụng độ trong hội nghị nữa. Như ngày 20/06/2017, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đột ngột loan báo hủy bỏ vào giờ chót cuộc Giao Lưu Hữu Nghị Quốc Phòng Biên Giới với Việt Nam được dự trù mở ra cùng ngày. Thông báo được đưa ra sau khi tướng Phạm Trường Long (Fan Chanlong), phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, rút ngắn chuyến công du Việt Nam. Ngày 29/06, trên tập san Nhật Bản The Diplomat, giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc tự hỏi: «Phải chăng một cuộc khủng hoảng mới về Biển Đông đang âm ỉ giữa Trung Quốc và Việt Nam?” Vài ngày trước chuyến thăm của ông Phạm Trường Long Trung Quốc lại đưa giàn khoan “vĩ đại” HD-981 và 40 tàu thuyền đủ loại xuống Biển Đông đến vùng biển gần Hoàng Sa. Báo Thanh Niên của CSVN hôm 20/6 đi một tin ngắn này trên Thanh Niên online, một tiếng đồng hồ là rút xuống nhưng không đính chính việc gỡ bỏ tin này. Tin này nói rằng giàn khoan của TC “đang hoạt động phi pháp” tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định.
Sau cùng việc Đảng Nhà Nước CSVN dùng các mỏ dầu lửa và khí đốt của VN để mời gọi các công ty ngoại quốc của các nước lớn như Mỹ, Ấn vào khai thác, để phá gọng kềm lưỡi bò 9 đoạn của TC. Vô tình CSVN đã phạm phải lời nguyền rủa của dầu lửa. Nhiều nước nhỏ ở Trung Đông đã phải chịu chiến tranh khói lửa triền miên. CSVN không dám giành lại biển đảo của VN mà TC đã lấy. CSVN biến Biển Đông, các đảo Hoàng sa, Trường sa thành biển máu, đảo xương của nhân dân VN, khi CSVN đưa quân dân ra chống lại TC để bảo vệ các nước thăm dò khai thác mà Hà nội đã ký kết và ăn chia.
TC sẽ đánh CSVN, đuổi các công ty ngoại quốc. Các nước lớn như Mỹ, Ấn, Nhựt không vì quyền lợi nhỏ khai thác ở Biển Đông mà đánh lại TC trong khi quyền lợi của TC và siêu cường giao thương với nhau ngàn lần lớn hơn ở Biển Đông. Trong khi TC muốn giữ số biển đảo này, TC sẽ đánh CSVN không những ngoài biển mà trong đất liền VN nữa. Trong bất cứ chiến tranh nào, số người chết bị thương, số tài sản bị huỷ hoại đa số là của người dân phải chịu. Đại cán, đại gia ăn theo CSVN từ lâu đã tẩu tán tài sản, cho con cháu du học, đầu tư định cư ở ngoại quốc lâu và nhiều rồi. Bây giờ CSVN cho các đại công ty dầu khí khai thác lại được thêm một số ngoai tệ tiền đầu, tiền đuôi không nhỏ. Lời nguyền rủa của dầu lửa chung qui người dân không ăn mà phải chịu nặng nhứt./.
Vi Anh