Người lao động ở khu công nghiệp Mumbai, Ấn Độ. Ảnh chụp ngày 31/05/2017. Reuters
« Thành quả của cuộc tranh đấu dài hơi » Libération đưa độc giả sang Ấn Độ nơi mà lần thứ hai trong lịch sử, đại diện của giai cấp tiện dân được bầu làm tổng thống. Tuy nhiên, chiến thắng chính trị của Ram Nath Kovind , theo nhật báo cánh tả Pháp, càng làm nổi bật nỗ lực tranh đấu dài hơi của tầng lớp khốn cùng,cuối đáy xã hội ».
Dưới bức ảnh ba công nhân móc ống cống ở thủ đô New Delhi , nhà báo Sébastien Farci nhận định : cho dù Hiến pháp Ấn Độ năm 1950, triệt để cấm kỳ thị giai cấp, nhưng trên thực tế cộng đồng tiện dân tiếp tục phải làm những công việc nặng nhọc, bạc bẽo nhất và thường xuyên là nạn nhân của bạo hành.
Với cử chỉ nhũn nhặn và nụ cười gượng gạo, Jai Bhagwan, lưng cong quằn sau 20 năm quét đường, cho biết : đối với một người thuộc giai cấp hạ tiện như ông, thì chẳng có một nghề nào khác để nuôi thân và gia đình. 67 năm sau khi Hiến pháp được ban hành, cấm kỳ thị giai cấp, trong cuộc sống hàng ngày, tình trạng này vẫn tiếp diễn : cùng làm chung một hãng nhưng nhân viên thuộc giai cấp cao hơn từ chối ngồi chung bàn, uống chung bầu nước của đồng nghiệp tiện dân.
Sự kiện một nhà chính trị « tiện dân » được phe dân tộc chủ nghĩa của thủ tướng Modi dồn phiếu bầu làm tổng thống hy vọng có thể thúc đẩy giới dân cử, quan tâm hơn cho tầng lớp khốn khổ này. Tuy nhiên, giới bảo vệ nhân quyền giai cấp tiện nhân không mấy tin tưởng vào tân tổng thống. Họ xem đây chỉ là mưu toan chính trị của đảng cầm quyền để thu hút lá phiếu của 200 triệu dân cùng khổ.
Bị áp bức triền miên, giai cấp này giờ đây không thụ động nữa. Nhiều vụ chống trả, xung đột bằng bạo động đã xảy ra vào ,mùa xuân năm nay nhân ngày giỗ của tác giả Hiến Pháp Ấn Độ Bhimrao Ramji Ambedkar .
Ở thành phố, tuy tình trạng kỳ thị nhẹ hơn nhưng cơ may tìm việc làm cũng khó khăn không khác gì « người da đen ở Mỹ hay người Ả Rập tại châu Âu", theo nhận định của một giáo sư kinh tế đại học New Delhi. Cứu tinh cho giới trẻ tiện dân là ngành công nghiệp mới, mà thành công được định đoạt trên tài năng, chứ không phải dựa trên lý lịch như vi tính, điện tử và sản phẩm biến chế . Tình tương thân cũng nẩy sinh trong xã hội. Nhà báo Sébastien Farci bắt gặp nụ cười ranh mãnh của chủ nhân một công ty hóa chất khi chỉ cho khách viếng thăm hai nhân viên điều hành thuộc giai cấp tiện dân mà dưới tay có một công nhân thuộc giai cấp cao hơn.
Theo RFI
Sửa bởi người viết 21/07/2017 lúc 08:50:27(UTC)
| Lý do: Chưa rõ