Người nô lệ chẳng biết làm gì hơn ngoài việc hay than thở với mọi người. Ngày nọ hắn gặp một người khôn.
"Ông ơi!" hắn khóc lóc thảm thương, nước mắt cứ tuôn trào trên má, "chắc ông biết con sống chẳng ra gì kiếp người! Cả ngày một bữa thôi chưa chắc con đã có, mà nếu có thì cũng toàn chỉ trấu thôi đến bọn lợn kia chúng cũng chẳng thèm đụng đến. Đã thế lại chỉ được một bát nhỏ..."
"Bác thật đáng thương lắm!" người khôn động lòng thương hại nói.
"Ông cũng thấy vậy ư?" Mặt người nô lệ hớn hở.
"Rồi con còn phải làm lụng không ngơi tay suốt cả ngày lẫn đêm. Sáng gánh nước chiều nấu ăn. Trưa đi chợ tối xay lúa; trời nắng phải giặt giũ trời mưa phải cầm dù; đông đến đốt lò hè về quạt cho chủ. Nửa đêm khi chủ khách đánh bài thì con phải nấu ăn phục dịch. Ấy thế họ chẳng cho con tiền quà gì mà đôi khi con còn lại bị ăn roi vọt, và..."
"Trời ơi," người khôn thở dài. Mắt ông ngấn đỏ rồi nước mắt bắt đầu chảy xuống má.
"Ông ơi! Con không thể nào sống như vầy mãi. Con phải tìm cách khác thôi, ông ạ. Nhưng chẳng biết cách nào đây?" người nô lệ than.
"Tôi tin hoàn cảnh bác chắc chắn rồi sẽ chẳng mấy chốc khá hơn," người khôn nói giọng nhỏ nhẹ và cảm thông.
"Ông nghĩ vậy sao? Con cũng luôn luôn hy vọng như thế. Còn giờ đây, con thấy được an ủi rất nhiều sau khi giãi bày hết tình cảnh của con với ông và được ông cảm thông khích lệ. Biết đâu trời cao ngó lại..."
Tuy nhiên, vài ngày sau, người nô lệ lại cảm thấy ưu phiền. Thế là hắn lại đi tìm người để than thân trách phận.
Gặp kẻ đầu tiên hắn khóc òa lên nói: "Ông ơi! Ông ắt biết rõ nơi con phải ở còn tệ hơn cả chuồng lợn! Chủ con không đối đãi với con như là con người; ông ta đối đãi với chó còn vạn lần tốt hơn..."
"Sao lại như thế được?" người ấy quát lên khiến người nô lệ giật bắn người. Người này là kẻ dại.
"Ông ơi! con sống trong cái chòi nhỏ tồi tàn, tối tăm, ẩm thấp, rệp nhiều vô kể. Mỗi lần con nằm xuống ngủ là chúng hút máu con đến phình bụng ra. Chỗ ở hôi hám mà chẳng có cửa sổ gì..."
"Hãy nói chủ làm cửa sổ cho bác?"
"Sao con dám mở miệng nói?"
"Thôi được để tôi đến đấy xem sao."
Kẻ dại theo người nô lệ về nhà. Ngay khi thấy cái chòi y liền bắt đầu ra sức đập mạnh vào vách đất cho lủng lỗ.
"Ông làm gì thế?" người nô lệ kinh hãi kêu lên.
"Để tôi khoét cửa sổ cho bác."
"Không, không được đâu. Chủ tôi sẽ la mắng tôi chết."
"Mặc kệ hắn!" Kẻ dại cứ đập mạnh liên tiếp vào vách.
"Bớ bà con ơi, đến đây mau. Trộm đang đục tường khoét vách nhà đây. Nhanh lên nhà sắp sụp rồi!" người nô lệ nằm lăn lộn ra đất tru tréo.
Đám nô lệ chạy ra đuổi kẻ dại đi.
Nghe tiếng la ó, người chủ cuối cùng từ từ bước ra.
"Bẩm ông, tên trộm đang cố khoét vách vào nhà thì con là người đầu tiên thấy nó liền la to cho mọi người biết. Rồi con cùng với những người khác đánh đuổi nó đi." Người nô lệ kể lại với giọng tôn kính và đắc thắng.
"Giỏi," người chủ khen hắn.
Ngày hôm đó nghe tin nhiều người đến thăm hỏi, trong bọn đến thăm có cả người khôn. Người nô lệ mặt rạng ngời hy vọng mừng rỡ đón chào ông.
"Ông ơi chủ con thấy con được việc nên khen con đấy. Con cứ nhớ lời ông dạy là đời con sẽ khá thôi, quả đúng là ông nhìn xa thấy rộng!"
"Tất nhiên," kẻ khôn đáp lại và có vẻ mừng cho hắn.
26 tháng Mười Hai, 1925
Lỗ Tấn
Trần Quốc Việt dịch
Nguồn: Dịch từ tác phẩm "Cỏ dại" của Lỗ Tấn, Bản dịch tiếng Anh của Hồng Vĩnh Trí.
http://www.unz.org/Pub/NewMasses-1946nov05-00016