Giáo sư Carl Thayer cho rằng một số thành phần bảo thủ bên trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đã gia tăng đàn áp nhân quyền để phá hoại các nỗ lực cải thiện quan hệ với MỹCuộc tuyệt thực của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ cho tới hôm nay đã bước sang ngày thứ 23. Và ngày càng có thêm nhiều cuộc tuyệt thực ở trong và ngoài nước để đồng hành với ông trong cuộc tranh đấu để đòi các quyền hợp pháp, và đánh động thế giới về tình trạng có thể nguy kịch của ông. Giáo sư Thayer, một chuyên gia về Việt Nam được nhiều người biết tiếng, nói rằng vấn đề nhân quyền đã tác động tới quan hệ Việt-Mỹ. Ông nói từ lâu, Việt Nam đã muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, giờ đây ông tin rằng điều đó không còn khả thi. Ông cho rằng thành phần bảo thủ bên trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đã gia tăng đàn áp nhân quyền để phá hoại các nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ, và vì vậy Việt Nam phải trả một cái giá trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề Việt Nam.Vấn đề nhân quyền ảnh hưởng ra sao tới các quan hệ Việt-Mỹ, giữa lúc ngày càng có nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ bày tỏ sự thất vọng của họ về sự thiếu tiến bộ trong các nỗ lực cải thiện nhân quyền tại Việt Nam? Giáo sư Thayer vừa từ Washington trở về Australia. Ông đã đến dự cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ. Ông nhận xét như sau:
“Vấn đề nhân quyền đã tác động đến quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ rồi. Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã hối thúc để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, tôi thực sự tin rằng nỗ lực đó nay kể như không còn khả thi. Ngoài ra Việt Nam cũng muốn Hoa Kỳ hủy bỏ những hạn chế trong việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tôi không thực sự tin rằng Việt Nam muốn mua các loại vũ khí quan trọng từ Hoa Kỳ, vì vũ khí của Mỹ đắt tiền quá và cũng bởi họ đã mua vũ khí của Nga, tuy nhiên Hà Nội không muốn bị coi như một quốc gia “bất hảo” nằm trong danh sách các nước bị cấm mua vũ khí của Mỹ vì thành tích nhân quyền kém cỏi của họ.”
Tuy vậy, Việt Nam vẫn tỏ thái độ bất chấp những lời kêu gọi của quốc tế yêu cầu họ cải thiện nhân quyền, và ngưng đàn áp các blogger và nhà báo. Cuối tuần qua, thêm một blogger thứ ba bị bắt trong chưa đầy một tháng. Hoa Kỳ có thể làm gì để tăng sức ép đối với Hà Nội? Giáo sư Thayer nói chính phủ Hoa Kỳ không có bao nhiêu ảnh hưởng để có thể thuyết phục Việt Nam trên hồ sơ nhân quyền. Theo ông, quan hệ song phương được đặt trên căn bản rộng, và đang tiến triển tốt đẹp trong một số lĩnh vực.
Giáo sư Thayer: “Bất cứ chính phủ nào muốn giải quyết vấn đề nhân quyền với Việt Nam không muốn biến vấn đề này thành trọng tâm duy nhất trong mối quan hệ song phương. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ phải đề ra những biện pháp khích lệ. Một cách là quốc hội Mỹ phải đoàn kết, điều đó có nghĩa là Thượng Viện phải hậu thuẫn dự luật về nhân quyền đã được Hạ viện thông qua. Như thế thì Việt Nam mới bị buộc phải đương đầu với vấn đề này, bởi vì không một Tổng Thống Mỹ nào muốn dồn nỗ lực vào việc lật ngược một nghị quyết đã được lưỡng viện thông qua.”
Hoa Kỳ và Trung Quốc mới đây đã mở hội nghị thượng đỉnh tại California, cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung có những hệ quả gì đối với cuộc tranh chấp trong Biển Đông? Giáo sư Thayer cho biết:
“Hội nghị Mỹ-Trung khiến cho Hà Nội lo lăng hơn. Mỗi lần tôi sang Hà Nội là nghe nói hai cường quốc họ đang thông đồng cấu kết với nhau, và như thế không có lợi cho Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Việt Nam không muốn quan hệ giữa hai cường quốc trở nên quá ấm áp hoặc quá lạnh nhạt, mà phải vừa phải. Vừa phải từ quan điểm của người Việt Nam, có nghĩa là vừa xích mích lại vừa hợp tác. Thế cho nên Hà Nội rất quan ngại. Nhưng hiện vấn đề này vẫn chưa rõ lắm bởi vì đây là những cuộc thảo luận không chính thức giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, ngoại trừ vấn đề biển Hoa Đông, còn vấn đề biển Đông thì không rõ có được đề cạp như một đề tài quan trọng tới mức nào. Báo chí Trung Quốc thì tường trình rằng ông Tập Cận Bình mạnh mẽ khẳng định quyền của Trung Quốc được bảo vệ chủ quyền của mình, kể cả trong các vùng biển tranh chấp. Phía Hoa Kỳ thì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ đưa ra những lập luận cực lực chống đối việc sử dụng vũ lực. Giới lãnh đạo cấp cao trong quân đội Hoa Kỳ đã tuyên bố như thế.”
Riêng đối với Việt Nam, Giáo sư Thayer nói ông e rằng trong các điều kiện hiện nay, Việt Nam có thể phải đơn độc đối mặt với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông:
“Hậu quả đối với Việt Nam là nước này phải đối đầu với Trung Quốc về phần lớn một cách đơn độc.Việt Nam không phải là một đồng minh của Hoa Kỳ, không phải là đối tác chiến lược của Mỹ, và chính đó là một nghịch lý. Việt Nam cần mối quan hệ đó để cân bằng quan hệ với Trung Quốc, trong khi Hoa Kỳ thì cho rằng nhân quyền là vật chướng ngại cản trở, không cho phép quan hệ tiến xa hơn nữa. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nói Việt Nam có thể đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.”
Giáo sư Thayer nói vấn đề nhân quyền từ năm 2010 tới bây giờ đã không cải thiện mà còn trở nên xấu đi, ông cho rằng nguyên do có thể là vì một số thành phần bảo thủ ở Việt Nam đã dùng bất đồng về vấn đề nhân quyền để ngăn chận các nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ-Việt.
“Theo quan điểm của tôi, có những người bên trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đàn áp nhân quyền để phá hoại các nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ, thế cho nên Việt Nam phải trả một cái giá trong việc đối đầu với Trung Quốc, khi nước này có hành động lấn át, hay sử dụng vũ lực. Riêng về những sự cố đã xảy ra, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp. Người cộng sản ở Việt Nam thích nói rằng Hoa Kỳ phục vụ lợi ích của chính Hoa Kỳ nếu ra tay bảo vệ quyền tự do hàng hải, và do đó Hoa Kỳ phải kiềm hãm Trung Quốc cho chúng tôi. Chúng tôi thì muốn duy trì thế trung lập, Việt Nam có thể tiếp tục đưa ra những lập luận như thế, nhưng khi họ than phiền với Hoa Kỳ, thì bây giờ không còn ai lắng nghe lập luận ấy nữa."
Giáo sư Thayer nói thay vì giúp Việt Nam, Hoa Kỳ dồn nỗ lực và tài nguyên để giúp các đồng minh của Mỹ, là Philippines và Nhật Bản, trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Source: VOA