Chim non khôn lớn mau. Cái tổ ấm dưới hiên nhà ai đó trở nên chật chội. Chúng lần lượt bay xa, “bay về ổ chín tầng cao”, xây dựng cuộc đời mới.
Cuộc đời ví như dòng sông. Sông có khúc, người có lúc. Thẳng tắp cũng có mà quanh co uốn khúc thì nhiều hơn. Dòng sông nào nhỉ? Những dòng sông ấm áp, gần gũi, quen thuộc thuở trước, và xa xôi, lạnh lùng, lạ lùng bây giờ. Lúc thì qua ghềnh qua thác, đau đớn than van khóc lóc, hoặc la lối, gầm thét, điên cuồng; lúc thì im lìm hiu quạnh, câm nín chịu đựng; lúc thì say sưa nhìn trời ca hát cùng mây, cùng gió, cùng mưa, cùng nắng; lúc thì róc rách thủ thỉ nhắc nhở quá khứ. Và cũng có lúc tha thiết bảo hãy bình tâm lắng nghe đây, sông đang muốn tiết lộ một vài điều chưa hề nói cho ai biết.
Hai đứa học xong món này, bôn ba đi tìm học thêm món khác, rồi chạy theo công việc, dọn lên miền bắc California, ở cách xa nhau, và cách nhà chúng tôi hơn 7 tiếng lái xe. Rồi chúng nó lập gia đình, mua nhà mới, sinh con. Ngôi nhà thiếu hai người bỗng trở nên vắng vẻ một cách lạ lùng. Tôi bỗng cảm thấy, một cách buồn rầu, rằng giả dụ chúng nó không đi học xa, không có việc làm xa, hay ngay cả khi chưa có gia đình riêng, chúng nó cũng lần lượt rời bỏ ngôi nhà này. Cái nếp sống mơ ước “ngũ đại đồng đường” hay dù là “tam đại đồng đường”của Tàu xưa nay không có chỗ đứng trên đất nước trẻ trung và năng động này. Thỉnh thoảng chúng nó về thăm, mang theo cháu bé, vui vẻ được mấy hôm, rồi đi. Nhưng không vui trọn. Về thăm bố mẹ nơi căn nhà cũ mà lòng dạ chúng nó thì nằm ở chốn mới.
Còn lại hai đứa ở với chúng tôi. Chúng nó cố gắng có mặt với chúng tôi nhiều hơn, mỗi tối đều về nhà ăn cơm, kể chuyện trường, chuyện bạn, chuyện học hành. Có vẻ còn vui hơn xưa, thân ái hơn xưa. Nhưng mỗi điệu bộ trông như cái dáng chia tay, mỗi nụ cười nghe như lời từ biệt. Chuyện phải đến, chúng học xong, có gia đình riêng, nhà riêng. Mua nhà ở Mỹ dễ, miễn là có việc làm ổn định. Chỉ việc đóng tiển cọc nhiều hay ít tùy hoàn cảnh, số còn lại trả góp phân lời thấp trong 10, 15 hay 30 năm. Nhưng chúng tôi còn bám víu chút may mắn. Nhà của chúng nó khá gần nhau và cùng tọa lạc trong một thành phố tại Nam Ca li. Và không xa nhà chúng tôi lắm. Thăm nhau dễ. Thêm một chút may mắn khác, thỉnh thoảng dăm ba bạn bè từ thời Trung Học đến họp mặt với chúng tôi. Căn nhà, nhờ vậy, thỉnh thoảng có tiếng cười.
“Ngôi nhà lý tưởng”! Nghĩ rằng nó sẽ trở thành một “hang động kiên cố” vừa khám phá ra, và cố công xây đắp, trên đất lưu vong, thay thế cho “tổ ấm” cũ, để từ đó có thể khai sinh ra một “môn phái võ công mới”, một nhánh của dòng họ lớn tại quê xưa, hòng chen chân thích cánh với “đám tứ chiếng giang hồ”, nay rã rời dần. Hai vợ chồng già, đã nghỉ hưu, nhiều khi thấy ngày tháng thừa thãi. Một hôm bàn bạc.
“Ông thấy sao. Hai đứa kia ở xa quá. Lâu lâu đi thăm chúng nó, hay chúng nó về thăm. Thế là tốt rồi. Nhưng hai đứa ở gần thì khác.”
“Khác thế nào?”
“Chúng đều vừa sinh con, mình vừa có thêm cháu ngoại.”
“Cái đó anh đã biết.”
“Mình thì đã về hưu, yên phận, khỏi phải lo gì nữa. Nhưng tụi nó còn trẻ. Tương lai của chúng nó, của con cái chúng nó, ở cái xứ xa lạ này. Mà tụi nhóc còn nhỏ quá.”
“Đúng vậy.”
“Thì phải tính toán lại chứ.”
Sau khi bàn bạc thâu đêm, chúng tôi quyết định phải xa lìa “Ngôi Nhà Lý Tưởng”này. Thuê một căn hộ rẻ tiền nằm giữa hai ngôi nhà của hai đứa, cách mỗi đứa khoảng 5 phút lái xe. Để chạy qua chạy về cho tiện. Lỡ khi “tối lửa tắt đèn”, hô lên một tiếng, có nhau. Ở gần nhau, nương tựa nhau, nhất là về mặt tinh thần, tình cảm – chúng tôi nghĩ thế. Tụi con, nhất là hai đứa ở xa, phản đối:
“Cuộc sống phải mỗi ngày phải một thăng tiến. Ai lại con cái thì nhà cửa đẹp đẽ trong khi cha mẹ đã già lại đi tìm nơi tệ hơn”.
“Tụi nó nói gì mặc tụi nó. Mình cứ đi tìm thuê một căn apartment ở tầng trên cho rẻ. Sẽ ở tạm thôi.”
“ Tạm? Tại sao tạm?”, tôi hỏi.
“Sau này khi ông già yếu không lên thang gác nổi, mình kiếm nhà trệt khác. Hoặc khi một trong hai người ra đi, người còn lại sẽ dọn tới ở với một đứa nào đó. Nếu có gì bất tiện, sẽ dọn đến khu có nhiều người Việt mình, cho đỡ buồn. Khu Bolsa chẳng hạn. Hay khu San Jose cũng tốt.”
*
Hồi còn ở Việt Nam, tôi là gia trưởng, tiếng nói nặng ký. Qua đây, trong giai đoạn đầu, vẫn thế. Rồi thay đổi dần. Tre già măng mọc, tôi ghi nhớ câu nói dân gian đó. Nay, tôi nghĩ, nên để cho vợ, cho con, lo liệu mọi chuyện. Mình, nếu cần, đưa ra ý kiến chứ không quyết định. Hay chỉ quyết định những việc hết sức riêng tư. Thỉnh thoảng, cũng may là ít khi xẩy ra, ý kiến mình bị bác bỏ. Thì có hai chọn lựa: hoặc tuân theo đám đông, hoặc không. “Không” có nghĩa là đóng vai con sư tử già, đứng xa nhìn bầy đàn tung tăng. Tôi liên tưởng đến một truyện ngắn của Jack London: Một bộ lạc thổ dân ở Cực Bắc lạnh lẽo của Địa Cầu có tục lệ hễ cha mẹ già không còn đủ sức lao động, không đi theo nổi đoàn con cái kiếm sống, thì bị bỏ lại dọc đường với một ít thức ăn kéo dài được dăm ba ngày, áo ấm chống rét, con dao bén, mũi lao nhọn, dùng để chống đàn chó sói đánh hơi được trong đoàn có người già yếu. Thế nào chúng cũng tìm đến xé xác. Lẽ cố nhiên người già ở nước Mỹ bây giờ được đối xử nhân đạo hơn nhiều. Hơn nữa, con cái người tỵ nạn cũng còn giữ một số nếp cũ.
“Thứ năm này dọn nhà nhé.”
“Thế sao không dọn nhà vào cuối tuần. Gọi chúng nó tới giúp một tay?”
“Ông tính sai rồi. Tụi nó đi cày suốt tuần. Cuối tuần cần nghỉ ngơi.”
Không lẽ tôi lại chịu thua vợ trong việc lo lắng cho con cái, nên đồng ý ngay. Thuê một xe tải chuyên việc dọn nhà. Những “chuyên gia dọn nhà” khiêng các đồ nặng như tủ, giường, bàn ghế, TV, dụng cụ tập thể dục, máy hút bụi. Tôi tiếc cây cối trong cái vườn nhỏ, nhất là cây bưởi. Để vớt vát, nhờ người dọn nhà mang theo mấy chậu hoa. Hoa trồng xuống đất, nhiều hơn, phải bỏ lại. Định mang theo những nhánh mồng tơi và mơ, nhưng chẳng lẽ cho nó leo lên lan can của bao lơn? Vợ thì gom góp nhiều món lỉnh kỉnh nào nồi niêu son chảo, nào gương lược kim chỉ, nào tiêu, muối, nước mắm, xì dầu, nào mấy con búp bê kỷ niệm của ấu thơ. Cô ta, phải gọi là bà ta, lên xuống thang lầu nhiều chuyến.
Còn tôi làm gì? Không lường được sức khỏe, khiêng sách vở đã đóng thùng, nặng lắm, từ xe tải lên tầng lầu. Cũng phải đi nhiều chuyến. Cuối cùng trật xương sống. Thuốc men chạy chữa đủ thứ, đông y, tây y, châm cứu, thể dục, khí công, nhân điện - không lành. Đâm hoảng. Nghe ai mách nước, chỉ bảo gì, làm theo ngay. Nào đậu đen xanh lòng hầm với giò heo, nào trái đười ươi, nghệ, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo ... Vẫn đau. Đau càng ngày càng tăng, nhất là ban đêm. Như người tàn phế, đi đâu phải chống gậy rồi xe lăn. Chịu đau khổ như thế này cho đến cuối đời thì có nên sống thêm không? Mà cuối đời là lúc nào? Ngày hôm sau, hay tháng sau, hay năm sau, hay lâu hơn? Liều đi mổ dù có bác sĩ khuyên không nên làm thế, già rồi mà. Tự trấn an, đời người có số; một sống, hai chết. Cuối cùng, sống. Nhưng không hoàn toàn bình phục. May còn có thể lái xe, còn có thể đi bộ những quãng đường ngắn. Đi xa, hoặc đường dốc, phải có gậy. Vợ thì còn lái xe nhanh nhẹn, an toàn.
“Gác trọ” của chúng tôi ở khu người Mỹ nghèo, không có người châu Á, nằm trên lầu hai. Tôi đi lên, đi xuống thang lầu phải cẩn thận, tay luôn luôn nhớ nắm vào lan can. Được bạn bè, vợ con dặn đừng vô ý để té. Tuổi đã lớn, ngã xuống có khi không bao giờ đứng dậy được nữa. Nhiều lần tìm quanh vùng gần đấy xem nơi nào có tầng trệt cho thuê. Nhưng nghĩ đến chuyện dọn nhà, thấy ngại quá. Rồi quen dần, chân mạnh dần. Cầu thang không còn là chướng ngại vật, mà còn có thể được dùng làm dụng cụ tập thể dục.
Ngoài ra, vài ba niềm vui nhỏ bên cạnh niềm vui lớn hơn, là ở gần con cháu. Mở cửa sổ và cửa lớn, gió từ biển thổi vào mát rười rượi vào mùa hè. Mùa Đông lạnh thì chỉ mở cửa trong vài mươi phút rồi đóng kín. Từ bao lơn nhìn quanh thấy được nhiều. Ban ngày, những mái nhà ngói đỏ, ngói nâu, bằng phẳng, hoặc như chữ V úp ngược, dọc ngang, nhịp ngàng, đẹp đẽ. Bên kia đường, một công viên khá lớn, có cầu tuột, xích đu, tụi nhóc sắp lớn lên sẽ có chỗ chơi. Ban đêm, những cửa sổ tuôn ánh sáng. Thử quan sát một cửa sổ gần, thấy được một chút sinh hoạt của người bản xứ. Chẳng hạn người đàn bà Mỹ cũng biết làm bếp, nấu ăn, lui cui dọn món ăn lên bàn. Ăn xong, người đàn ông dọn dẹp dĩa, tô, nỉa, muỗng, lau bàn, rửa chén. Họ chia công việc cho nhau, khác với ta ngày cũ, đàn ông mình sướng hơn nhiều. Sau một thời gian, cạnh cửa sổ ấy thấy toàn là đồ chơi con nít, khủng long, người nhện, sư tử, súng ống, xe tăng, máy bay. Tôi đoán lại người thuê mới, có con hay cháu còn bé. Lại sau một thời gian nữa, vài ba cây đàn thấp thoáng sau tấm rèm mỏng. Nếu có người ở lâu hơn nhìn mình quan sát lại, tôi thầm nghĩ, họ sẽ ngạc nhiên chẳng thấy có gì khác lạ từ năm này đến năm khác. Nhìn xa hơn nữa, dăm cây thông loại đứng thẳng hình chóp theo năm tháng vượt lên cao bỏ xa dần những mái nhà nằm bên dưới.
Trong khi đó, láng giềng gần và kể cả chúng tôi sống trong bốn căn hộ của một lầu chung cư. Cũng rất đa dạng. Có người vui vẻ, chia với chúng tôi trái chanh, trái cam, khoe cây bơ sắp có trái, mời chúng tôi vào nhà chơi ở tầng trệt, và bảo, Đây là Vườn Địa Đàng bé nhỏ của tôi đấy nhé. Có người lâu lâu mới gặp mặt, chỉ “Hi”một tiếng rồi vội vàng đi. Có một người đàn ông sống một mình, ở sát cạnh, đau ốm lâu ngày, khó tính, cãi vã với tôi mấy lần, từng nói nặng lời, Cái gã này tự nhiên từ đâu ló mặt tới đây làm rộn. Kỳ thị hả? Có lẽ người bệnh này thường gây sự với người thuê nhà trước tôi, cho nên khi chúng tôi mới dọn nhà đến, chủ nhà cẩn thận bảo nếu có gì lôi thôi giữa người bệnh ấy và tôi thì nhớ gọi Cảnh Sát, đừng gọi anh ta. Người bệnh sau đó vào bệnh viện vài hôm rồi qua đời.
Trừ cô tóc vàng luống tuổi ở “Vườn Địa Đàng” đã lâu trước khi chúng tôi đến, những láng giềng khác, cứ năm bảy tháng hay một vài năm, dọn nhà đi. Chỉ trong khoảng một vài tuần lễ đã có người thuê mới, lại láng giềng mới. Nhiều láng giềng mới quá, hết đợt này, đến đợt khác. Có khi chưa được biết tên nhau, họ đã dọn đi nơi khác. Để cô tóc vàng và chúng tôi ở đây “trấn thủ lưu đồn” mãi chăng? Có khi tôi giật mình, mới đó mà gần bảy năm ở nơi này, nơi mà tôi sống khá lặng lẽ, yên ổn, yên thân; nơi mà chúng tôi được ở gần gia đình hai đứa con. Thì cứ bắt chước cô hàng xóm gọi nơi cô ở là “Vườn Địa Đàng”, tôi gọi nơi chúng tôi ở là “Căn Gác Lý Tưởng”. Dù không có cây phong, bụi trúc, khóm hồng; không còn cây bưởi trong khu vườn nhỏ với những loại rau thơm, rau mùi, rau xanh. Dù bị “xuống cấp” khá nhiều so với “Ngôi Nhà Lý Tưởng” cũ.
*
Mùa đông đến. Mới hơn 9 giờ tối mà đã như khuya.
Hôm đó vợ giận -- hai vợ chồng đã già vẫn chưa “ngộ”, thỉnh thoảng lời qua tiếng lại dai dẳng – từ sáng sớm bỏ đi thăm con cái, cháu nội, cháu ngoại trên Bắc Cali. Tôi bảo chúng nó vừa xuống thăm nhân lễ Phục Sinh đó mà. Mặc, cứ đi. Một mình tôi ở nhà. Cơm nước khỏi lo. Siêng thì chạy ra ngoài mấy ngã tư có nhiều món ăn khác nhau, hoặc các món ăn nhanh (fast food). Siêng hơn nữa, lái xe xuống phố Bolsa, hơi xa, có rất nhiều nhà hàng Việt Nam, đủ các món ăn Việt Nam, Bắc, Trung, Nam. Lười thì cơm nguội cá kho, muối mè, ốc miêu (oatmeal), khoai luộc, bắp luộc, hoặc bánh mì trét bơ đậu phụng. Món ăn cuối này nghe nói có lợi cho người có tuổi lượng đường trong máu cao. Hoặc nhịn đói càng tốt, lâu lâu một lần, rất hợp vệ sinh dinh dưỡng. Buồn thì mở nhạc ra nghe, giở vài ba trang sách, coi TV, mở Internet. Vui thì tìm gặp bạn bè đấu láo. Thời gian qua mau.
Hồi chiều ham coi trận đá banh trên TV, không đi bộ sớm như mọi ngày được. Mà bác sĩ bảo phải đi bộ thật đều đặn mới giữ gìn được sức khỏe. Bỏ vài lần đi bộ coi như bỏ hết “công phu” luyện tập kể từ sau khi mổ. Bác sĩ này có lẽ cường điệu, nhưng cũng khiến mình chịu khó đi bộ hơn. Tôi tự nhủ, đã trễ cũng phải đi.
Khu chúng tôi ở khá vắng vẻ. Gác trọ vợ chồng tôi thuê thuộc loại rẻ tiền trong một thị trấn sang trọng. Vợ từng nói: “Nghèo ở khu giàu hơn giàu ở khu nghèo.” Tôi từng phản pháo: “Nhưng làm đầu con gà hơn làm đuôi con công.” Nói cho vui miệng thế thôi. Như đã nói trên, tiếng nói của tôi nhẹ ký rồi. Hai nhà của hai đứa con nằm tại hai nơi khác nhau, càng vắng vẻ hơn, cũng càng đẹp đẽ hơn. Tại nước Mỹ này, nhà càng có giá càng ở khu vắng người. Có những ngôi biệt thự nằm trơ trọi trên đỉnh đồi, hoặc chênh vênh trên sườn núi.
Coi xong trận banh, mặc thêm áo len, mang giày ấm, đội nón ấm, ra đi. Đã khuya, đêm mùa Đông lạnh buốt. Đi đâu? Ban ngày tôi có bốn, năm lộ trình đi bộ quen thuộc. Khi mệt biết dừng lại chỗ nào có ghế dài công cộng, có tường thấp ngồi ghé tạm, hoặc có trạm chờ xe buýt. Khi ngồi tại ghế chờ xe buýt, phải cẩn thận. Thấy xe từ xa chạy tới, phải vội vàng đứng dậy đi lãng nơi khác, bằng không xe buýt sẽ dừng lại, mình phải giải thích lôi thôi. Xe cộ chạy trên đường liên tục, không nên ngồi trên lề đường nghỉ chân.
Đó là kinh nghiệm đi bộ ban ngày. Nhưng ban đêm? Đi đường nào bây giờ? Tôi phân vân trong một phút rồi chợt nhớ. Tôi có đọc trong một tiểu thuyết hay xem một cuốn phim nào đó. Một trang thanh niên anh tuấn mình mẩy máu me ngồi trên lưng một con ngựa cũng mang đầy thương tích. Là vì chàng khinh địch, lọt vào một ổ phục kích. Binh sĩ dưới tay đều bị giết sạch, một mình chàng tả xung hữu đột, thoát khỏi vòng vây. Buồn bã, tay buông thõng dây cương, để mặc con ngựa muốn đưa đi đâu thì đưa. Nghe cũng lãng mạn đấy chứ. Tôi đi bộ, không có ngựa mà cưỡi. Một ý nghĩ buồn cười, thì mình là con ngựa của mình vậy. Nó muốn đưa mình đi đâu tùy nó. Trên đường không gặp một người đi bộ nào cả. Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi lướt qua nhanh. Đèn đường soi sáng, lạnh lẽo.
Quanh quẩn thế nào bước chân lại vô tình kéo tôi đến khu nhà của một trong hai đứa con gái. Ban ngày, khu này trông khang trang, yên bình, êm ả. Ban đêm, dù có đèn đường, nhưng những lối rẽ, những lùm cây, những bụi hoa, những góc tường, những cổng nhà đóng kín vẫn chất chứa những bí ẩn nào đó. Óc tưởng tượng khiến tôi nghĩ ra thế. Nó khiến bước đi của tôi chậm lại, nhẹ hơn, có một chút dè dặt, một chút cảnh giác. Tôi nghe được tiếng gió luồn qua những hàng rào, những lùm cây, hay chạy dài trên mặt đường nhựa loang loáng ánh đèn. Nghe cả tiếng giày của tôi giẫm trên vỉa hè, và tiếng hơi thở âm thầm trong lòng. Và những mái nhà trông như lùi xa sau những bức tường cao. Đi bộ như đêm nay khá xa đấy nhé, tôi tự bảo. Cũng may, đến nhà đứa con lúc nào không hay.
Tần ngần đứng trên lề đường trước nhà. Nhìn vào. Ngọn đèn cao bên ngoài cánh cửa lớn ra vào tỏa ánh sáng dịu lên cây đại hoa tím, cây phong Nhật Bản, những bụi hoa hồng, và mấy ngọn lá xoè ra như rẽ quạt của những cây gồi đứng thành hai hàng. Chiếc màn của cánh cửa kính lớn đã kéo kín, mùa đông mà, nhưng vài ngọn đèn trong nhà còn sáng. Có nên bấm chuông? Hay gõ cửa? Chúng nó sẽ kinh ngạc tự hỏi giờ này còn có kẻ nào muốn tới “lộn xộn”? Hay gọi chúng nó bằng cell phone, đỡ gây ngạc nhiên hơn? Có thể chúng nó đã đi ngủ. Nghĩ lại, dù chúng nó còn thức, vào mình sẽ nói gì? Bố tới thăm? Bố ghé vào uống miếng nước cho ấm bụng, trời lạnh lắm? Bố nhớ thằng nhóc quá? Nghe không đâu vào đâu! Đi lui, rồi đi tới, trên vỉa hè.
Đầu óc lan man gặp lại quá khứ. Những ngày cũ, những sung sướng ngắn ngủi và tù đày gian khổ. Và nhiều hình ảnh hiện lên lẫn lộn. Cảm thấy thương lũ con hơn bao giờ hết. Cha mẹ đi, chúng đi; cha mẹ ở, chúng ở. Không ý kiến, không tự do chọn lựa. Bỗng dưng phải bỏ láng giềng, bạn bè, trường, lớp. Bỏ tuổi thơ vui chơi hồn nhiên trong thành phố thân quen. Bỏ cả nước. Để tới nơi xa xôi và lạ lùng này. Để phải toan tính đủ thứ. Đứa con nhỏ nhất có lần tâm sự với mẹ nó: “Ở bên nhà khổ nhưng mình không biết đấy là khổ, không biết lo lắng là gì, khoẻ ru, mọi chuyện đều đã có bố mẹ gánh vác. Qua đây tự nhiên thấy khác hẳn dù bố mẹ và anh chị không hề nhắc nhở tới chuyện bổn phận, trách nhiệm, của từng người.” Để trong một tương lai không xa, một biến cố vô cùng quan trọng sẽ xẩy ra cho đời chúng nó – trở thành công dân một nước khác. Đối với vợ chồng chúng tôi, dĩ nhiên ra đi là chọn lựa đúng. Nhưng đối với chúng nó? Dù sao đi nữa, tương lai của chúng chắc chắn tốt đẹp hơn, nhất là thoát ly khỏi nạn cộng sản độc tài tuy chúng chưa biết rõ cộng sản là gì. Và cũng may, bạn bè từ thuở nhỏ, và từ thời trung học của chúng nó lần lượt qua đây khá đông. Dường như đông hơn cả bạn bè còn ở lại nơi quê nhà.
Tôi lại quay nhìn sâu vào nhà, như kẻ trộm lấp ló rình mò. Một bóng người di chuyển mờ mờ sau bức màn mỏng. Con gái? Hay thằng rể? Ngọn đèn cao bên ngoài cửa lớn vẫn chiếu sáng, nhưng đèn trong nhà bỗng tắt. Thế là chúng đi ngủ. Nhìn đồng hồ, gần 10 giờ. Đi ngủ sớm vậy sao? Sực nhớ mùa Đông mới 5 giờ chiều trời đã tối. Mỏi chân, ngồi xuống lề đường, quay lưng vào nhà. Cái lạnh thấu xương ùa tới. Tự trách không mang theo đủ áo ấm. Khi đi đỡ lạnh hơn, chạy càng ấm người, nhưng hết chạy được rồi. Kéo mạnh chiếc nón xuống, hai tay ôm vào ngực, hai chân duỗi thẳng cho đỡ mỏi. Một xe hơi từ xa chạy đến, đèn chớp chớp, vội co chân lại. Loáng một cái, chiếc xe mất hút sau ngã ba. Rồi tiếng chó sủa ồm ồm từ nhà láng giềng bên trái. Nó sủa mình? Mặc kệ. Rồi tiếng chó khác gầm gừ càng lúc càng lớn từ nhà bên phải. Đứng dậy vậy. Choáng váng, lảo đảo một hồi. Nhắm mắt lại thật lâu, lấy thăng bằng. Rồi bước đi chầm chậm. Đi đã khá xa mà tiếng chó sủa còn chạy theo xua đuổi dai dẳng, nhưng rồi cũng nhỏ dần, nhỏ dần, rời rạc, uể oải, trước khi “câm mồm”. Trên đường về, phải đi qua một quãng đường khá dài, lề đường khá hẹp. Một xe hơi từ phía sau lưng chạy như lao vào mình, đèn pha quét nhanh. Đêm khuya chạy ẩu, tên say rượu nào đây? Chợt nhớ những buổi tối Sài Gòn, sau cơn nhậu nhẹt với bạn bè, mùi bia nồng hơi thở, có lần lái xe chạy lạc vào một xóm đêm. Đường hẹp, không có đèn đường, không có lối đi thông, ánh đèn tù mù lọt ra từ những căn nhà lụp xụp. Quay lui khó khăn, suýt ủi vào một đứa bé trần truồng chạy theo xe đùa giỡn.
Lại không lượng sức. Hay đúng hơn, quên. Đã bắt đầu quên những chuyện lặt vặt mà rất cần thiết cho sức khoẻ đang có vấn đề. Hay là cái quên cái nhớ? Là đi bộ một chiều qua nhà chúng nó thì khỏi cần gậy. Nhưng đi “khứ hồi” lại là chuyện khác. Nhớ lời nói nửa đùa nửa thật của vài thằng bạn: Ở tuổi mình chỉ nên đi một chiều, không nên khứ hồi. Nhất là khi mua vé máy bay hay xe lửa tàu suốt. Đi được một quãng, phải đứng lại, ngồi xuống, nghỉ chân. Phủi bụi, sỏi, đá, ngồi trệt xuống đất, sâu trên vỉa hè vắng, cho an toàn. Nhìn xe cộ chốc chốc chạy qua. Nó chạy biến, nhanh lạ lùng. Ban ngày, những khi ngồi trên xe, thấy những xe khác cứ đủng đa, đủng đỉnh.
Vậy mà gần bảy năm kể từ ngày vợ chồng chúng tôi dọn tới căn nhà này! Và sẽ ở đây trong bao lâu nữa?
Thời gian tại Mỹ bay vùn vụt, ai cũng cho là thế. Ai ở đây có nghĩa là những người tỵ nạn, những người sống lưu vong, như chúng tôi. Đối với người bản địa, có lẽ họ nghĩ khác. Mới chớp mắt đã gặp lại Tết Tây, Tết Ta. Rồi Lễ Phục Sinh, Ngày Tình Yêu, Ngày Tổng Thống, Ngày Quốc Hận của ta, Ngày Mẹ, Ngày Cha ... Sắp đến ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ. Một người than tui gần bảy mươi tuổi mà đã sống tại nơi này hơn 40 năm, chưa làm được cái trò gì cho ra hồn. Người khác than tôi đã trên tám mươi, càng tệ hơn, nhìn lại hai bàn tay, trống không. Thời gian ở đây nhanh gấp năm, gấp mười lần ở quê nhà. Tại sao?
Tại vì làm lại cuộc đời mới nơi đất mới quá trễ. Ngơ ngác, bỡ ngỡ, hụt hẫng. Không tích lũy được gì. Thời gian trôi nhanh như cát vuột qua những kẽ ngón tay xương xầu. Tại vì có nhiều chuyện xẩy ra quá, khó bề xoay xở, chưa kịp định hình cái này thì cái khác đã xuất hiện. Tại vì đất nước này rộng bao la, khiến thời gian chạy theo muốn hụt hơi. Thăm một thằng bạn ở cùng một quận hạt có khi mất hết cả ngày. Buổi sáng cùng vợ ghé chợ mua thêm một ít trái cây, về tới nhà thấy mất hết nửa ngày. Ăn trưa vội, mở TV xem thử có tin tức gì lạ hay không, đọc và xoá bỏ hàng trăm email trên internet, chợp mắt một chút, mở mắt ra, chiều đã tà. Nhớ khi còn ở quê hương, sáng chủ nhật cà phê cà pháo với bạn bè, chuyện trò kéo dài trên góc phố. Trên đường về nhà la cà ghé tiệm bán sách xem có cuốn sách nào mới, rồi đến sạp báo ở đầu đường mua tờ nhật báo, xem hết các dòng tít lớn, các dòng tít nhỏ. Nhìn lại đồng hồ, mới 9 giờ sáng.
Nhưng thời gian là cái gì mà kỳ cục vậy? Có cái mà người ta gọi là thời gian hay không? Thử tưởng tượng hai người tù cấm cố bị nhốt rất lâu trong hai ngục tối khác nhau, rồi được thả ra cho thấy ánh sáng cùng một lúc. Hỏi bị nhốt trong bao lâu, chắc chắn họ không trả lời được. Một người có thể phỏng đoán bị nhốt trong một năm, người kia lại bảo mười năm, hai mươi năm. Hay cả ngàn năm. “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Và ngày , giờ, tháng, năm là gì? Đấy chẳng qua là sáng chế của con người nhằm ghi nhận thứ tự xẩy ra của mọi biến cố. Cái nào trước, cái nào sau. Nhưng nếu không nhìn đến tờ lịch, cái thứ tự đó dễ bị đảo lộn, nhiều biến cố bị quên lãng, hoặc bị trùng lẫn. Quá khứ và hiện tại xáo trộn.Tôi ở trong căn nhà này gần bảy năm mà tưởng như mới hôm qua. Lục lại trong ký ức, nhớ và quên, thường là không biết chuyện nào xẩy ra trước, chuyện nào xẩy ra sau. Có khi không biết vì cớ gì nó xẩy ra như thế. Chỉ có điều biết chắc là khi nhìn lại bản thân, thấy tuổi xanh đã ra đi, tóc bạc đã tìm đến.
Vợ chồng già xa lìa “ngôi nhà lý tưởng” cũ, dọn đến đây để ở gần chúng nó, để phụ giúp một phần nào trong việc săn sóc mấy cháu bé. Đối với hai cháu còn quá nhỏ, mỗi tuần chúng tôi trông coi hai ngày vào giờ cha mẹ chúng đi làm. Không nhọc nhằn và cũng đỡ nhớ chúng. Mỗi lần các cháu được bố hay mẹ mang tới, chúng tôi cảm thấy mát cả dạ. Những ngày khác các cháu ở với cha mẹ, hoặc ở với Nhà Giữ Trẻ. Đối với các cháu lớn hơn, chúng tôi đưa đón – việc này vợ tôi đóng vai chính -- đi học tại trường học gần nhà, hoặc đi học đàn, học bơi, đá banh, múa, vân vân, khi cha mẹ cháu bận việc đột ngột, hoặc khi có tiệc tùng, đám cưới, họp mặt, xem phim, ... Cũng đỡ cho chúng một tay, và cũng để cho chúng có chỗ nương tựa về mặt tinh thần, tình cảm. Đấy là chúng tôi nghĩ ra như thế. Đó bề mặt.
Còn ngấm ngầm trong sâu xa? Trước kia, cha mẹ đi đâu, con cái đi theo. Nay tình thế xoay chiều, chúng tôi “lẽo đẽo theo chân.” Chúng tôi cần chúng nó hơn. Chúng tôi biết thế, và chúng nó cũng biết thế, nhưng không ai nói ra. Như đêm nay chẳng hạn, nhờ ở gần chúng nó, tôi “vô tình” có chỗ tìm đến, tuy khuya khoắc không tiện vào nhà. Như nhiều lần khác chúng tôi được chúng nó mời đi đây đó. Tôi được biết một trong hai thằng rể, ở gần chúng tôi, rất thích thể thao và du lịch. Lúc còn đang đi học, nó đã cố gắng làm việc thêm dành giụm tiền để đi Nhật, vừa có dịp thăm Xứ Anh Đào vừa được coi trận chung kết đá banh thế giới năm 2002 do Nhật và Nam Hàn cùng tổ chức. Cho nên mỗi cuối tuần dài – có ngày nghỉ lễ bắc cầu -- thường là một chuyến du lịch gần ra ngoài quận hạt; mỗi kỳ nghỉ phép thường niên thường là một chuyến du lịch xa, ngoài tiểu bang. Dường như cũng vì chúng tôi, chúng nó đi du lịch nhiều hơn. Những đứa con ở xa lại có cách mời gọi khác. Chúng nó tổ chức họp mặt hàng năm cho toàn thể ông bà con cháu tại một nơi xa xôi nào đó. Mọi người ở những nơi khác nhau lục tục kéo đến, rồi lục tục chia tay.
Nhiều lúc tôi băn khoăn. Vợ tôi cũng thế, tuy cố giữ im lặng. Cô ta, tôi quen miệng gọi, phải nói là bà ta mới đúng, ai cũng già cả rồi mà, thường không giấu được nỗi lo âu về vấn đề nơi ăn, chốn ở. Vâng, các con chúng tôi còn trẻ quá. Việc làm của chúng nó có thể bị thay đổi hoặc chấm dứt, hoặc bị di chuyển đột ngột đến một nơi nào đó trên đất nước Mỹ mênh mông này. Tình cảnh bất ổn như thế đấy vẫn xẩy ra thường xuyên, hàng tháng, hàng năm, cho nhiều người. Thì chúng nó có thể sẽ phải dọn nhà chạy theo việc làm. Lúc ấy chúng tôi sẽ tính sao đây? Chúng tôi lại phải rời bỏ căn gác nhỏ này để đi theo “giúp đỡ” chúng nó? Lại phải đi tìm một căn gác nhỏ muộn màng ở tầng hai, hay tầng ba cũng được, với ước mong nó nằm gần nhà chúng nó? Mà có tìm thấy được hay không ở một chốn xa lạ nào khác nữa?
Bỗng dưng một cơn giận tràn tới như nước vỡ bờ. Rồi âm ỉ mãi trong lòng. Thật lẩm cẩm, lố bịch, ngu ngốc! Bị đánh bật khỏi gốc rễ. Bị tuổi tác xói mòn. Đừng nên mong một cuộc sống sum họp quây quần. Đừng nên mơ một Ngôi Nhà Lý Tưởng.
7/ 2017
Ngự Thuyết
___________
[1] Tản Đà dịch:
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Thật tài tình, nhịp nhàng, du dương theo thể thơ lục bát êm ái. Chữ nghĩa quấn quýt nhau. Trong câu 1, kêu gọi; câu 2, vương vấn; câu 3, hỏi han; câu 4, lắng nghe. Tuy nhiên, Thơ Đường, nói chung, có nhiều không gian, khoảng trống, thường để cho cái lạnh lẽo, cứng cỏi len vào từng câu, từng chữ. Trong nguyên tác bài này chẳng hạn, câu 1 chỉ ba động tác rời rạc; câu 2, chữ “đối” nói lên tính cách thách thức; câu 3, hai địa danh riêng rẻ. Chỉ trong 4 với chữ “đáo”tuy có diễn tả sự nối kết nhưng đơn độc.